Mỗi khi đi ngang qua đảo Hòn Tranh, nhân dân hòn thường nhắc đến truyền thuyết xưa kể về sự tích Vũng Phật. Đó là một vũng đá trũng màu nâu đỏ, là chỗ dựa tinh thần của ngư dân khi ra khơi đánh bắt, là nơi trú ngụ an toàn cho thuyền bè mỗi khi có sóng to gió lớn. Và truyền thuyết ấy có liên quan đến Linh Quang Tự (một ngôi chùa lớn thuộc xã Tam Thanh, đã được nhà nước công nhận là Di tích văn hoá cấp quốc gia), tạo dựng vào năm 1774.
Thuở sơ khai, nơi đây chỉ là một tiểu am tranh lá đơn sơ đứng trầm mặc bên ngọn đồi hoang vắng. Quanh chùa thuở ấy là những khu rừng, những mỏm đá nguyên sinh thích nghi với cảnh Phật tràng. Cuối thế kỷ XVIII, một cơn hỏa hoạn đã bất ngờ thiêu rụi cả ngôi chùa tranh, đa số những di sản quý giá đều bị thiêu cháy, chỉ còn lại một số pho tượng Phật bằng đồng được nguyên vẹn. Sau vụ hoả hoạn, giới tín đồ Phật tử cùng bà con nhân dân phát tâm xây dựng lại ngôi chùa ngay trên nền cũ để có nơi chiêm bái đức Phật.
Bỗng dưng một ngày kia, nhân dân chứng kiến thấy một điềm lạ: trong một khúc eo biển bên đảo Hòn Tranh, có một tảng linh thạch cứ nổi lên vào những ngày lành tháng tốt, hết ngày đó lại chìm xuống. Cho đó là điềm lành mà Trời Phật báo đáp, bà con nhân dân lưu tâm để ý thì thấy hiện tượng này diễn đi diễn lại nhiều lần. Biết đó là huyền cơ, giới tín đồ Phật tử và bà con nhân dân đến chùa cầu nguyện đức Phật, rồi tổ chức ghe thuyền qua Hòn Tranh thỉnh tảng Linh thạch về chùa Linh Quang rồi tạc tượng Bổn sư Thích ca Mâu Ni để thờ cúng. Từ đó, nơi có tảng Linh Thạch nổi lên được gọi là Vũng Phật.
Một truyền thuyết khác kể rằng, có một pho tượng Đức Phật A-Di-Đà ngồi, cao khoảng 1,50m, tạc bằng đá nổi, cứ tháng 2 ngày rằm mùng một thì xuất hiện trôi tấp vào Mũi Ngoài thuộc đảo Hòn Tranh. Qua nhiều lần xuất hiện, nhân dân đã lựa ngày tốt để thỉnh tượng Phật mang về chùa Linh Quang và sơn phủ lên một lớp sơn vàng rực rỡ. Về sau có tích, một bọn cướp bất thần xâm nhập đảo, tưởng bức tượng bằng vàng khối, bèn cướp đoạt chở đến vùng Phan Rí – Hoà Đa để cạo lấy vàng, nhưng chỉ thấy đá nên chúng xô tượng xuống biển. Bức tượng A-Di-Đà trôi theo dòng nước lại trở về chỗ cũ “châu về hiệp phố”. Từ đó nhân dân gọi chỗ tượng Phật nổi lên là Vũng Phật.
Khi đến viếng thăm chùa Linh Quang, chúng tôi thấy Pho tượng Bổn sư Thích Ca (còn gọi là Thiên Sanh) trong tư thế ngồi thiền, hiện vẫn còn được lưu giữ và thờ cúng rất nghiêm trang. “Bức tượng đá này cao 121cm, nặng đến 300kg được tạo tác rất tinh xảo, đường nét chạm khắc mềm mại nhẹ nhàng. Bên ngoài được sơn son thếp vàng rất đẹp”.
Nếu dựa vào một số chi tiết trong 2 tích kể về Vũng Phật, thì thấy có vài điểm đáng lưu tâm. Thứ nhất, là ở chi tiết bức tượng Phật bằng đá được chính bàn tay của những nghệ nhân trên đảo chạm khắc, rồi đem vào chùa để thờ. Thứ hai, là chi tiết bức tượng Phật bằng đá trôi từ nơi khác tới và có những đặc điểm giống hệt như bức tượng đang thờ hiện nay. Thứ ba, nơi linh thạch xuất hiện – dù ở hình thức nguyên sơ hay đã tạc tượng – đều được gọi là Vũng Phật.
Từ đó, chúng tôi có thể khẳng định đã có sự trùng khớp một phần giữa lời kể dân gian và hiện thực. Đó là có một bức tượng Phật bằng đá thật tồn tại trên đảo, còn sự xuất hiện của nó được thần thánh hóa thì lại là một chuyện khác. Căn cứ vào những lời xác nhận của người dân địa phương, thì ở Hòn Tranh có một loại đá xốp, có thể nổi lên trên mặt nước.
Ngoài ra, theo lời kể của ông Huỳnh Huy Sô, khi dân làng nhìn thấy tảng linh thạch nổi lên đã làm lễ rước vào. Rồi đem đến nhà bà Huỳnh Thị Lồng (xã Triều Dương), có họ hàng xa với ông Huy Sô, để tạc tượng. Thêm vào đó, trong bài Vè Hòn Tranh của Nghệ nhân dân gian Đỗ Chớ, cũng có nhắc đến việc tạc tượng Phật từ tảng linh thạch:
“Chỗ này ứng hiện phật trời,
Xưa kia đá nổi vậy thời cũng nên.
Ngày lành tháng tốt nổi lên,
…Nương đồng mách bảo âm hao,
Mời thợ tạc tượng rước vào Linh Quang”.
Như vậy, từ đây chúng tôi bước đầu có thể khẳng định bức tượng do người dân tự tay làm ra chứ không phải từ nơi khác trôi đến. Lời kể trong truyền thuyết thứ hai về Vũng Phật chỉ khắc sâu thêm về sự hiển linh của Phật, luôn phò hộ độ trì cho chúng dân đảo hòn. Dù thế nào đi nữa, thì tượng Phật đá cũng đã khoác lên mình một chiếc áo của huyền thoại kì ảo. Điều này góp phần làm tăng tính linh thiêng huyền diệu cho địa danh Vũng Phật, cũng như cho ngôi phật tự Linh Quang có bề dày truyền thống văn hoá này.