Tìm hiểu truyền thuyết Thầy Nại hay Thầy Chúa không chỉ cho chúng ta thấy công lao to lớn của vị thần này, mà còn mở ra một chân trời mới gợi nhắc lại về mối quan hệ văn hóa, nguồn gốc tộc người giữa hai dân tộc Hoa – Chăm. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết kể rằng Thầy Nại (thầy địa lý người Hoa) lại xuất thân là một vị hoàng tử người Chăm. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Thầy Nại lại gọi công chúa Bàn Tranh (người Chăm) là chị và họ đã cùng hiển linh, sát cánh bên nhau, để bảo vệ hòn đảo nhỏ bé thân yêu nhưng đầy ắp tình người này. Trong tâm thức văn hóa người Chăm, họ luôn hướng về nguồn cội của mình, điều này chúng ta có thể thấy rõ qua truyền thuyết về Thầy Nại:“Truớc khi trở thành thầy Địa lý, thầy Nại là vua nước Chăm, nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy nên trôi dạt sang Trung Hoa và sinh sống tại đó”.
Như vậy, theo truyền thuyết thì Bà Chúa Bàn Tranh và Thầy Sài Nại đều có cùng chung một nguồn cội và đều là người Chăm. Nên khi biết Bà Bàn Tranh hơn tuổi mình, Thầy Nại đã chủ động gọi bà Chúa là chị là rất hợp lý và rất có cơ sở.
Truyền thuyết thứ nhất: chuyện xưa kể rằng thuở ấy vương quốc Chiêm Thành đang hồi suy yếu. Vua Chiêm lại băng hà, Hoàng tử mới 6 tuổi đã phải thay cha đảm đương việc nước. Nhưng vương quốc của chàng suốt 3 năm trời hạn hán, mùa màng mất trắng, dân chúng cực khổ điêu linh. Nhà vua cho rằng trời đã trừng phạt mình, bèn truyền lệnh cho bá quan đóng một cũi đồng, để nhà vua trong đó rồi đem ra biển, nếu cũi chìm thì vớt lên để nhà vua trở về hạng thứ dân, vì ngài không có mạng đế vương. Ngược lại nếu cũi nổi thì để cũi trôi đi vì trời đã quở phạt. Sau khi cũi đồng được thả xuống biển, lạ thay cũi nổi trên mặt nước và trôi ra khơi, quan quân thương tiếc trông theo nhà vua xa mãi, xa mãi…
Lúc ấy trên biển nước mênh mông, có một chiếc thuyền của một người Hoa đang trên đường buôn bán phát hiện ra chiếc cũi, bèn lập tức vớt lên. Chủ thuyền thấy chàng trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú, bèn nhận làm con nuôi. Chàng được ăn học đầy đủ, lớn lên rất giỏi khoa lý số. Khi cha nuôi qua đời, chàng nối nghiệp cha trên thương thuyền xuôi ngược biển đông. Một hôm, thuyền của chàng ghé qua hòn đảo nhỏ, thấy bóng ngọn núi Cao Cát mỗi khi mặt trời ngả về Tây lại úp bóng lên một doi đá phía biển. Với tài địa lý, chàng đoán biết doi đá ấy chính là một địa thế “tầm long điểm huyệt”, trông như một Hàm rồng, liền vẽ sơ đồ lưu lại. Khi trở về Trung Quốc, chàng bèn dặn thân nhân khi nào chàng qua đời thì thiêu xác, rồi đem tro táng tại mũi doi này.
Tương truyền một năm kia đời vua Cảnh Hưng (1740 -1786), vào một đêm nọ, người dân Xóm Vôi (phía đông xã Long Hải) chợt thức giấc vì ánh đèn và bóng người lố nhố ngoài doi đá. Sáng ra, mọi người nhìn thấy xôi, gà, heo quay cúng và một đống đá được xếp cao ngoài đầu doi. Viên thổ hào ở đây ra lệnh cho người làng khai quật, nhưng mới cuốc được vài nhát thì có kiến đen túa ra nhiều vô kể. Gặp phải sự lạ, mọi người không ai dám phá nữa. Về sau dân làng thấy xuất hiện một chàng thanh niên lạ, chàng xưng tên họ, nguyên do. Thì ra, đây là thầy địa lý người Hoa năm nào đã qua đời “mượn đồng giải cốt” hiển linh báo cho dân làng biết để lập miếu thờ, rồi Thầy sẽ hộ cho.
Truyền thuyết thứ hai: kể việc thần hiển linh giúp dân đánh đuổi giặc Tàu Ô đến xâm chiếm đảo. Truyện rằng: ấy là vào một buổi chiều. Lúc 3 giờ, nhân dân 9 làng đang tổ chức hát tuồng tại Vạn Phú Mỹ. Khi vãn tuồng, gánh hát ăn cơm và ngồi chơi, chợt có một chàng thanh niên bước vào nói:
– “Cả làng sao còn ngồi chơi, ca hát trong khi tàu giặc đã neo ngoài bãi?”.
Nhân dân các làng không tin, chàng trai nói tiếp:
– “Các làng không tin thì xin theo tôi lên động đá xem cho rõ”.
Dân làng đi theo nhưng không nhìn thấy gì, nhiều người bực mình định nọc chàng ra đánh, chàng trai bèn nói tiếp:
– “Xin cho tráng đinh đến lạch Bãi Lăng”.
Làng làm theo thì quả nhiên thấy có 21 chiếc tàu đang neo tại lạch Tre – Bãi Lăng. Kế tiếp chàng trai tự xưng:
– “Ta vốn là một vị thần linh, hiện hình mách cho các làng biết giặc đến mà chuẩn bị phòng thủ”.
Các làng sợ hãi cầu xin thần ra tay phò trợ dân đảo chống giặc. Thần trả lời:
– “Thôi được, để ta về thỉnh chị ta giúp, nội trong 3 ngày nữa sẽ trả lời”.
Các làng trở về lo phòng thủ, sau 3 ngày, thần lại nhập vào chàng thanh niên mà phán rằng:
– “Ta đã thỉnh chị ta, tối nay 7 giờ, chúng ta sẽ đánh, nhưng chị ta bảo chỉ đánh 20 chiếc còn một chiếc cho chúng về báo tin”.
Khi mặt trời lặn, gió Bấc thổi mạnh, nhân dân 9 làng dùng đuốc, con “rối” bằng cỏ tranh mồi lửa phóng ra tàu. Súng thần công trên tàu nã vào bờ, nhưng bỗng nhiên các súng này bị “thối hậu”, 20 chiếc tàu bốc cháy dữ dội, chiếc còn lại vội chặt neo chạy mất. Sau chiến thắng, dân làng hỏi gốc gác vị thần, thần nói:
– “Ta họ Sài tên Nại, gốc người Trung Hoa, vào mùa gió Nồm thường theo đoàn thương thuyền đi buôn bán. Nhiều lần đi ngang đây, có một lần thuyền ta cập vào đảo và tìm gặp thấy một chòi tranh, trong đó có một người phụ nữ. Hỏi lý do, người ấy nói:
– “Tôi thuộc dòng hoàng tộc, bị vua cha đày ra đảo này vì cãi lệnh”. Ta hỏi tuổi rồi kết nghĩa chị em, bởi người ấy lớn tuổi hơn ta. Trước khi từ biệt chị, ta đã để lại một số lương thực, khoai bắp… Năm sau, ta trở lại chòi lá thì chỉ thấy một nắm xương nhỏ, xung quanh bắp ra trái, khoai có củ không ai thu hoạch. Thế rồi thần chôn cất chị rồi lên đường về nước.
Sau đó, thần vận động một nhóm ngươi ở Triều Dương (Trung Quốc) sang đảo khai phá lập nghiệp. Thuyền cặp Lạch Chỏi, thấy đất đai thuận lợi, những lưu dân này đã khai hoang, trồng trọt. Ta dẫn các lưu dân đến mộ chị, căn dặn mọi người cúng giỗ hương khói rồi chị sẽ phò trợ. Về sau, ta vẫn tiếp tục đi buôn bán, nhiều lần ngang qua đảo để ý doi cát, mà theo ta nếu khi chết được chôn ở đó sẽ thành thần. Ta họa đồ rồi dặn con cháu chôn nơi đó. Nay di cốt ta còn đó. Từ đấy trở đi, dân làng trên đảo thờ cúng Thầy Chúa và tôn vinh thầy như một vị thần đã hiển linh cứu dân độ thế, thoát khỏi họa diệt vong.
Truyền thuyết thứ ba: Lúc bấy giờ, ở gần ngọn núi Cấm (làng Phú Mỹ, xã Ngũ Phụng), có một cây ruối khổng lồ, nhiều người ôm không xuể. Một hôm thần hiển linh mách bảo dân làng xây một cái miếu thờ Thần ngay tại vị trí của cây ruối mọc. Dân làng liền cử người lên phát quang chốn ấy. Khi đến, mọi người thấy đây là một nơi u tịnh, cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn. Họ bắt đầu tiến hành chặt cây, nhưng vì cây quá to lại dẻo dai vô cùng nên chặt mãi mà vẫn không đổ. Dân làng bối rối không biết phải làm cách nào. Đúng lúc đó, bỗng thấy một chàng thanh niên, dáng hình tuấn tú đi tới và bảo:
– “Chặt như vậy làm sao mà được! Chặt cho sang năm cây cũng không đổ, để ta giúp cho”. Nói xong người thanh niên bước tới, ôm lấy thân cây, rồi dùng sức nhổ bật gốc rễ lên, đoạn ném cây ruối khổng lồ ra xa hàng trăm mét. Mọi người chứng kiến ai nấy cũng thất kinh trước sức khoẻ kinh người của chàng trai và đoán biết Thần đã dựa vào người khác để giúp dân làng. Trên bãi đất trống, dân làng cho xây một cái Miếu thờ và đặt là Dinh Thầy.
Những câu chuyện lưu truyền về công đức của Thầy Chúa cứ mãi lan xa và đi vào tâm thức của mỗi người dân xứ đảo. Họ tin rằng, Thầy Chúa luôn luôn sát cánh cùng nhân dân, để giúp họ vượt qua những gian nan thử thách, qua muôn vàn tai ương đang ngày đêm rình rập, đe doạ đến tính mạng người dân:
“Thầy Nại thông linh
Thuở còn sống rạng danh nơi đất Bắc
Lúc mất rồi mộ táng ở Nam bang
Nhờ non sông linh khí mà thành
Nên linh hiển danh thần muôn thuở”
Truyền thuyết thứ tư: Người dân đảo ngày nay còn kể lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện khác về sự linh hiển của Thầy Chúa, mà họ được “tận mắt chứng kiến”. Vào ngày 26.10 (âm lịch), năm 1988, có một trận bão lớn (cấp 11 – 12) đổ bộ vào đảo suốt một ngày đêm. Sóng to gió lớn, biển động dữ dội khiến cho mọi người lo lắng đứng ngồi không yên. Lúc ấy người dân nhìn thấy có một cơn sóng rất cao từ hướng Nam đi tới. Cơn sóng thần ấy cao đến nỗi có thể trùm lên đảo. Bỗng nhiên phát ra 3 tiếng nổ lớn như tiếng súng, mọi người nhìn thấy một ngọn đèn sáng từ trên đảo xuất ra. Cơn sóng cao ngất tự nhiên vẹt xuống và dạt ra hai bên, rồi tan biến. Chứng kiến chuyện lạ ấy, lại nghe ông thủ từ canh giữ ở mộ Thầy kể lại: hôm xảy ra bão lớn, ông nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ đền thờ. Ông chạy lại xem thì thấy cửa chính điện thờ mở toang, trên bàn thờ ngọn đèn dầu vẫn cháy sáng bất chấp gió lớn , thì bà con bảo nhau đó là Thầy Chúa linh hiển cứu dân.
Sự quý mến, tôn thờ của cư dân xứ đảo với vị thầy địa lý người Hoa này là không thể phủ nhận. Niềm tôn kính ấy được nuôi dưỡng và lớn dần lên theo năm tháng, in đậm vào trong tiềm thức của nhân dân. Qua mỗi lần hiện thân trong từng truyền thuyết, vị thần Thầy Nại lại càng được nhân dân yêu mến và ngưỡng mộ hơn, đến gần vơi nhân dân hơn. Con người là một thực thể sống, là trung tâm của vũ trụ, nhưng dường như lại quá nhỏ bé trước vũ trụ này. Vì vậy, con người luôn mong muốn sống trong một không gian “mở ra phía trên, giao lưu với thế giới Thần thánh” để thấy mình được lớn hơn. Mỗi khi tái hiện lại các lễ hội tôn giáo nhằm tưởng nhớ đến vị thần Sài Nại có công yểm trợ phò nguy cho xứ đảo, người dân như được trở về sống cùng với sự hiện diện của Thần thánh cho dù sự hiện hữu này là huyền bí và không nhìn thấy được.