Nghề câu mực gọi là “thẻ mực”, là một trong những nghề câu quan trọng dẫn đầu trong việc áp dụng ánh sáng đèn đuốc.
Trước đây, người ta dùng những bó đuốc, đèn chai và đèn khí đá, nhưng với các loại đèn này không đem lại kết quả khả quan, lý do không thể chiếu xa kể cả chiều sâu đáy biển. Tuy nhiên, nhờ ở sức nóng của đèn mà mực mới nhầm tưởng con mồi nên tìm lại ăn và bị mắc câu gọi là “mực vịn”. Phương pháp “thẻ mực”, tiếng địa phương hải đảo gọi là thắp đèn để “thẻ”, người ta dùng sợi dây câu bằng cước cách khoảng mỗi thước có một chiếc “bông” bằng vải trắng, dưới đợi câu có một hòn chỉ gọi là “nới” chìm sâu đáy biển.
Sau đó, người ta cầm giữ ở đầu dây câu kéo lên xuống nhiều lần để những bông vải lay động. Con mực thấy bóng trắng thì bu theo và nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong khi ngư phủ chỉ việc nhanh tay dùng vợt xúc đổ vào thuyền. Trong thời gian áp dụng phương pháp này, ngư dân hải đảo đã thành công trong việc dùng đèn dầu xăng để hành nghề, sau khi cùng với ngư dân lục địa trao đổi, trắc nghiệm kỹ càng
Nghề câu mực đã mang lại cuộc sống ổn định về vật chất cho một bộ phận dân cư trên đảo, nhiều hộ trước đây rất nghèo cuộc sống gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, giờ đây trở nên ổn định, có nhà cửa đàng hoàng hơn, đời sống vật chất được nâng lên rõ nét. Đây là nghề mang tính kinh nghiệm truyền thống, phù hợp với tập quán sản xuất và trình độ sản xuất của người dân địa phương có truyền thống nghề câu khơi lâu đời nên hiệu quả khá cao.