Trong quá trình nghiên cứu về tư liệu hình thành và phát triển đảo Phú Quý, chúng tôi có đọc qua một số bài viết của nhà nghiên cứu về Phú Quý là Lê Hữu Lễ ở Đặc khảo Phú Quý số 78.2010 của Tạp chí nghiên cứu và phát triển có đề cập 02 nạn dịch trong lịch sử ở Phú Quý là bịnh dịch hạch và nạn ruồi. Những sự kiện này đã trải qua hơn 100 năm trước, để tôn trong lịch sử đã xảy ra chúng tôi cũng xin phép đề cập lại. Đến nay, Phú Quý là một huyện đảo có không khí trong lành, mát mẻ và hoàn toàn sạch sẽ.
Bệnh dịch hạch
Ở đảo Phú Quý, bệnh dịch hạch trước kia xảy ra thường xuyên hàng năm vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 mới dứt. Năm 1925 được gọi là năm lịch sử của bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân chúng trên đảo, Bệnh dịch hạch trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân thời bấy giờ. Thoạt tiên, người ta thấy vô số chuột nhỏ bằng cỡ ngón tay xuất hiện tràn lan từ đất rẫy đến chân núi, nhà cửa, ruộng vườn, hẻm hóc,… khắp nơi tại Phú Quý đều là chuột. Chuột cắn phá hầu hết các loại hoa màu, làm thất thu hoàn toàn mùa màng năm đó, đục khoét lỗ hang, gây thiệt hại nặng nề về vật chất.
Bấy giờ có gia đình cả nhà tang thương không còn một đứa trẻ, trong một ngày cả xóm bị nhiễm bệnh và mất không kịp đi chôn. Một tổ chức từ thiện lấy tên là “Ban làm phước” do ông Nguyễn Quen, thân sinh ông Nguyễn Tạc hiện ngụ tại ấp Tây Long Hải, đã nhận việc và phát nguyện xin cho bệnh dịch sớm chấm dứt sẽ cúng tạ thần linh bằng con trâu. Ban làm phước có nhiệm vụ lo mai táng chôn cất những đồng bào xấu số, không thân nhân, tiêu diệt và xử lý xác chuột với sự ích cực hăng say.
Nhận được tin bệnh dịch hoành hành khủng khiếp, một đoàn y tế tỉnh do y tá Ung Văn Vy hướng dẫn đến ngay đảo để thực hiện công tác diệt trừ nạn dịch. Phái đoàn giải thích sự nguy hiểm của bệnh dịch và cần đưa các bệnh nhân đến bệnh xá có đầy đủ thuốc men điều trị. Nhưng nhận thấy người vào bệnh xá chết qua nhiều, dân chúng hoảng sợ không dám chờ người đau đến nữa. Vì để cất giấu ở nhà, nên gây thêm sự truyền nhiễm nhanh chóng cho những người nhà bên cạnh. Những đồng bào bất tuân này đều bị phạt vạ bằng hiện kim. Phát động chiến dịch diệt chuột, ông Ung Văn Vy cử thầy thơ lại ở Tuy Phong ra đảo mua chuột và đuôi chuột. Điều kiện đặt mua 1 chuột bằng giá ½ xu và 1 chuột con chết nhúng vôi phô khô thì trả 1 xu. Tức thì, kẻ cuốc người bẫy rủ nhau ra rẫy tìm chuẩt để nạp. Nhờ vậy nạp chuột mới hoàn toàn chấm dứt cho đến nay.
Nạn ruồi
Tiết nồm Nam không gió gọi là láng tức êm, thì có ruồi vô số kể. Trái lại mùa gió Bấc gió thổi nhiều thì chỉ giảm sút phần nào thôi. Có người tự mở chiến dịch thu hẹp trong phạm vi gia đình, kết quả cũng mỗi hộ gia đình một ngày tiêu diệt được trung bình 1 đến 2 kg lô ruồi. Nhưng vì không được sự ủng hộ của bà con nên xảy ra sự so bì: “Có ai chịu giết ruồi đâu mà mình giết rồi chúng trở lại như không”, thế rồi diệt này tự nó tự đào thải, giúp ruồi có thêm cơ hội sinh sản ngày một gia tăng.
Vào thời điểm ấy, người dân Phú Quý cho rằng tuy có nhiều ruồi thật, nhưng không nguy hiểm (?), nếu truyền nhiễm chất độc thì dân đảo đã chết hết không còn. Du khách hết sức ngạc nhiên khi thấy người dân trên đảo không sợ ruồi, không coi ruồi là giống vật có hại, thản nhiên để ruồi đậu trên thức ăn rồi thưởng thức ngon lành. Lúc đó, không ai đề xuất các phương án diệt trừ ruồi.
Các quy định về vệ sinh ăn ở, vệ sinh đường phố, khu dân cư; quy định cấm ăn thịt xúc vật bị chết bệnh và xử phạt nặng những người không khai báo bệnh dịch được ban hành dưới thời các vua Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại đã giúp nâng cao kiến thức phòng tránh dich bệnh của người dân. Đồng thời chính quyền các giai đoạn sau cũng có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình vệ sinh, sức khỏe người dân, vì vậy đã hạn chế tối đa các nguồn lây bệnh và số người tử vong vì dịch bệnh./.
Nội dung bài viết được trích từ ĐẶC KHẢO VỀ PHÚ QUÝ của Tác giả Lê Hữu Lễ