Bình dị mà gần gũi với chiếc gùi trên lưng người dân đảo Phú Quý

Hình ảnh chiếc gùi đã trở thành biểu tượng gắn bó với đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân Phú Quý qua câu ca dao:

“Ở Hòn coi vậy mà vui

Đi đâu cũng có cái gùi sau lưng”

Ở đây, từ bao đời nay trong đời sống, những chiếc gùi đều vẫn còn được lưu giữ. Những chiếc gùi được đan tỉ mỉ, vật liệu bằng tre, người phụ nữ trên đảo thường sử dụng chiếc gùi để “đựng” các loại hoa màu như bắp, đậu hay đi nhặt củi, hái rong, hái dứa dại,… Một số ý kiến cho rằng thói quen sử dụng gùi của người Việt ở đảo là được thừa kế từ các cư dân Chăm từng sinh sống trước đây. Cho đến nay, không chỉ lao động rẫy mà khi đi chợ hằng ngày, nhiều gia đình vẫn sử dụng gùi để mang “đựng”.

Sở dĩ chiếc gùi rất quen là vì đó là vật dụng của đồng bào vùng cao mà chúng ta thường thấy; nhưng nó cũng vừa rất lạ là vì nó không còn là sản phẩm “độc quyền” của người dân miền cao nữa mà đang hiện tồn ở đảo Phú Quý.

Người dân đảo Phú Quý với chiếc gùi trên lưng ra chợ
Người dân đảo Phú Quý với chiếc gùi trên lưng ra chợ

Nghề đan gùi hiện nay rất hiếm những nghệ nhân cao niên ở Phú Quý làm nhưng chiếc gùi lại phổ biến ở Phú Quý đến nỗi đi đâu bạn cũng bắt gặp. Để đan được một chiếc gùi bền, đẹp phải qua nhiều công đoạn, mất khá nhiều thời gian (từ 3 đến 5 ngày) và cần sự tỉ mỉ, thậm chí phải dồn cả cái tâm, cái sức của người đan vào đó.

Chiếc gùi của người dân đảo Phú Quý

Chiếc gùi ở đảo Phú Quý có đáy vuông, dần lên miệng hình tròn và có ba phần, gồm: đế (chân), thân và miệng gùi; vật liệu để đan một chiếc gùi gồm: tre, mây và các loại gỗ mềm, nhẹ.

Tre đan gùi phải thẳng, là loại trẻ bánh tẻ, tức không quá già mà cũng chẳng quá non. Sau khi đã chọn cây tre ưng ý, người đan dùng chiếc rựa để chẻ tre và cho ra nan. Nan để đan gùi phải được vót nhẵn thành hai loại là nan đứng (là loại to khổ rộng khoảng 1,5cm) và nan ngang (loại nhỏ khổ rộng khoảng 0,5cm). Để cho việc đan gùi được dễ dàng, trước khi đan, nan phải được ngâm trong nước khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ cho dẻo.

Khi đã có nguyên liệu, nghệ nhân sẽ bắt tay vào việc đan gùi. Trước hết là công đoạn đan đáy và làm đế cho gùi. Đáy gùi có hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 30cm. Để giúp cho đáy gùi được vuông vức, trước khi đan người thợ phải vót hai cây ghim nhọn hai đầu; hai cây ghim này được bắt chéo và ghim vào mặt dưới của đáy gùi.

Có thể nói trong các bước làm gùi, công đoạn làm đáy và đế chiếm một phần khá quan trọng. Cùng với bốn cây chong, đế là bộ phận chịu lực, giúp cho gùi đứng vững. Do vậy, đế phải được chọn lựa kỹ từ các loại gỗ và phải được vót đều, cân đối, sau đó lồng ghép vào nhau theo hình chữ thập. Đế và thân gùi được liên kết với nhau bằng dây mây.

Sau công đoạn làm đáy và đế là đến công đoạn đan thân cho gùi. Thân gùi có chiều cao khoảng 40cm. Nếu như đáy gùi hình vuông thì trong quá trình đan thân, người thợ phải uốn sao cho các nan đan dần lên trên thì khum vào miệng gùi hình tròn (dưới vuông trên tròn). Để giúp thân gùi cứng cáp và vững, người đan phải vót thêm bốn cây chong, mỗi cây dài 50cm rộng 2cm để nẹp bên ngoài dọc thân gùi. Ngoài chức năng nẹp cho thân, cùng với đế bốn cây chong còn có tác dụng làm bốn cái chân đứng cho chiếc gùi. Để giúp thân gùi không bị nụng (lõm vào) khi cõng trên lưng, người thợ đan phải vót thêm hai cây cong để nẹp ở bên trong lòng gùi.

Miệng gùi có hình tròn, gồm hai vòng (trong và ngoài), đường kính mỗi vòng khoảng 40cm, rộng khoảng 2cm, được cạp vào thân gùi bằng dây mây.

Sau khi làm đế, đan thân và cạp miệng là đến công đoạn cuối – đan hai quai gùi, mỗi quai dài khoảng 1m. Quai chính của gùi được làm từ dây bô, sau đó đan thêm dây mây cho quai gùi được to bản và êm hơn khi cõng.

Chiếc gùi của người dân đảo Phú Quý
Chiếc gùi của người dân đảo Phú Quý
Đáy gùi
Đáy gùi

Hình ảnh những chiếc gùi ở Phú Quý

Ngày nay, tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi, phương tiện vận chuyển đa dạng hơn nhưng chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình và đã trở thành nét đẹp về sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân đảo Phú Quý. “Không biết chiếc gùi có mặt ở đảo từ bao giờ, chỉ biết rằng nó là một trong những vật dụng lâu đời nhất ở đảo. Cùng với cái dao, cán cuốc thì chiếc gùi từ bao đời qua đã gắn bó, trở thành vật dụng thân thuộc với những người nông dân như chúng tôi. Chiếc gùi rất hữu ích, từ củ khoai, ngọn rau cho đến trái bắp,… đều được vận chuyển từ phương tiện này.

Cái gùi cùng cuộc sống thường nhật
Cái gùi đưa bắp ra chợ bán
Gùi trên lưng người dân đảo Phú Quý
Một người dân đảo với cái gùi ra chợ Long Hải

Cảm giác giống như mọi người dân ở đảo có đất rẫy đều phải mang gùi từ nhỏ đến già, hay những người dân đi chợ đều mang gùi. Đây là nét đẹp văn hóa, truyền thống Việt rất tuyệt vời với những ai đặt chân lên đảo Phú Quý một lần.

 

 

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts