Tục dựng nêu ngày Tết của người dân đảo Phú Quý

Ở Phú Quý ngày dựng nêu không phải là 23 tháng Chạp như các địa phương khác, mà là ngày cuối năm (30 hoặc 29). Đến ngày khai hạ (mùng 7 tháng Giêng) thì hạ nêu xuống.

Tục dựng nêu được người dân trên đảo xem là việc hệ trọng nên từ khâu chuẩn bị cho tới nghi thức dựng nêu đều do người trụ cột trong gia đình thực hiện. Việc chuẩn bị cây nêu được bắt đầu từ những ngày giáp Tết.

Ở Phú Quý không có tre lớn nên khi cần phải mua tre khô từ đất liền đem về. Tre chọn để làm thân nêu là loại tre già và thẳng. Sau khi đã chọn được cây tre ưng ý, chủ nhà tiến hành trang trí bằng sơn dầu để làm mới cho thân cây nêu. Màu sơn thường là màu xanh lá, xanh nước biển, màu vàng,… hoặc cũng có trường hợp phối kết hai màu lại với nhau.

Trên đỉnh nêu, người dân huyện đảo treo các vật tín ngưỡng, gồm: một chùm tre, hai lá trầu (một lá đực và một lá cái, đặt sấp lại với nhau), hai miếng cau tươi, hai tờ giấy tiền hoặc một lề giấy vàng bạc đại; số này được buộc vào đỉnh nêu bằng rễ cây dứa gai. Điều đặc biệt, gần đỉnh nêu, người Phú Quý gắn một thanh gỗ chạm khắc linh thú rồng, phượng. Thanh gỗ này được lắp vuông góc 90o với thân cây nêu để treo cờ lá cờ Tổ quốc. Riêng cây nêu ở các nơi thờ tự của làng thì treo thêm lá cờ tổng (cờ ngũ sắc). Nói về ý nghĩa của việc làm này, ông Phạm Phước (xã Tam Thanh) cho biết: “Rồng và phượng là hai trong bốn loài linh thú (Long – rồng, Lân – kỳ lân, Quy – rùa, Phượng – phượng hoàng) trong văn hóa người Việt Nam mình. Và một trong hai con vật này được chọn để gắn trên cây nêu ngày tết tại Phú Quý. Ở các gia đình thường gắn biểu tượng chim phượng, còn ở các lăng vạn, đình miếu thì gắn biểu tượng rồng với ước muốn năm mới được nhiều phúc lộc và bình an” (Ông Phạm Phước nay đã qua đời, biên bản phỏng vấn này được thực hiện từ năm 2016).

Nghi thức dựng nêu còn được ngư dân thực hiện tượng trưng bằng việc buộc một chùm lá tre vào thân cán cờ trên những chiếc tàu đánh bắt. Đối với ngư dân, ghe tàu là nhà, ngư trường là quê hương nên việc dựng nêu có treo cờ Tổ quốc là để cầu mong thắng lợi trong năm mới; đồng thời khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên những vùng biển mà họ đến đánh bắt. Nhìn cây nêu với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, mỗi người dân huyện đảo càng ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc.

Tác giả ĐỖ THÀNH DANH được biết rằng, một số người dân gốc đảo khi chuyển vào xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) định cư, ngày nay vẫn còn giữ được cổ lệ này. Nếu không có điều kiện dựng nêu thì họ dùng một vài ngọn tre và lề giấy vàng bạc bó lại rồi treo trước cổng.

Ngày xuân ghé thăm huyện đảo, du khách như lạc giữa “rừng” cây nêu với lá Quốc kỳ đỏ thắm được dựng trước mỗi nếp nhà. Nhiều người tỏ ra rất bất ngờ và cứ tưởng mình đang lạc vào miền cổ tích, chuyện cây nêu ngày Tết họ chỉ được nghe kể từ bé chứ chưa từng thấy bao giờ. Tác giả bài viết này là một trong số đó.

THÀNH DANH

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts