Sau khi sắp xếp tỉnh, xã, cả nước sẽ có 13 đặc khu, trong đó có huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận. Huyện đảo nhỏ bé chỉ 18 km2 cách thành phố Phan Thiết khoảng 56 hải lý về hướng Đông Nam. Đảo không những có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội mà còn là khu vực chiến lược quan trọng trên biển Đông bởi khoảng cách của đảo đến các vùng lân cận như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Cam Ranh, Côn Đảo và Vũng Tàu đều khá thuận lợi.
Đảo ngọc hồi sinh
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, do tính chất, điều kiện đặc thù riêng, đảo Phú Quý là một “vùng trắng”, không có cơ sở cách mạng, xa sự lãnh đạo của Đảng. Tuy vậy, nhân dân trên đảo vẫn một lòng hướng về cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió này, tuy cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn, lại luôn sống, chịu đựng trong sự quản lý, kiểm soát, kìm kẹp gắt gao của chế độ Mỹ, ngụy, nhưng không vì thế mà làm lung lay ý chí, nghị lực, lòng khát khao độc lập, tự do của người dân trên đảo. Trong ánh nắng thanh bình ngày 27/4/1975, trên khắp nẻo đường, địa bàn dân cư trên đảo đều rực rỡ sắc màu cờ Tổ quốc, cờ giải phóng tung bay trước gió, đảo Phú Quý, phần đất cuối cùng của tỉnh Bình Thuận và chiến trường Khu VI được hoàn toàn giải phóng, đảo ngọc đã được hồi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Phú Quý cùng sự đồng thuận của toàn dân, huyện đảo Phú Quý đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa cách mạng sâu sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng. Truyền thống đại đoàn kết, thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân được phát huy đẩy mạnh, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trên đảo ngày một cải thiện nâng cao. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quốc Thắng cho chúng tôi biết, tuy xa đất liền khó khăn bộn bề cùng với khí hậu khắc nghiệt hơn đất liền rất nhiều, chính vì thế Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo chúng tôi phải tranh thủ những cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên đảo đã biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế, tận dụng những thế mạnh, đặc biệt là thế mạnh về kinh tế biển để khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản. Với ngư trường rộng lớn, Phú Quý có nhiều hải đặc sản quý giá mà không phải ngư trường nào cũng có như cua huỳnh đế, cua đỏ, mực, tôm hùm, tôm sao, bào ngư, nhum, hải sâm, ốc, cá mú, cá bớp… Vùng biển nổi danh với những hải sản quý giá, nhân dân trên đảo đã tập trung nguồn vốn để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Từ đó, những chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày đã cho đảo một lượng hải sản lớn có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt nơi đây còn phát huy hiệu quả mô hình nuôi cá lồng bè, thu mua, sơ chế, bảo quản hải sản trên biển… Khi kinh tế biển phát triển đời sống của hơn 32.268 người dân trên đảo đã sung túc hơn rất nhiều so với trước. Minh chứng cho điều này, đồng chí Lê Hồng Lợi – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Quý cho biết: Mình là người con trên đảo đã chứng kiến sự đổi thay rất nhiều của người dân nơi đây, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của người dân đã khá hơn trước rất nhiều. Cả huyện hiện nay chỉ có 21 hộ nghèo, mà những hộ nghèo này không phải họ không tu chí làm ăn mà rơi vào những hộ gia đình lao động chính bệnh tật, già yếu. Đặc biệt là bình quân thu nhập đầu người hàng năm đều tăng. Nếu như năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của người dân Phú Quý chỉ 30 triệu đồng/ người/năm, đến năm 2024 con số này tăng hơn gấp 2 lần (gần 62 triệu đồng/người/năm).
Đến đô thị trên biển Đông
Một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Phú Quý đó là, năm 2015 huyện Phú Quý là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2024, Phú Quý tiếp tục dồn sức nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt tập trung đầu tư cho 2 xã Tam Thanh và Ngũ Phụng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Những năm trước tôi thường ra đảo công tác, thời điểm ấy Phú Quý còn nghèo nàn, nhà cao tầng chỉ đếm trên đầu ngón tay, phương tiện giao thông ít, nhà hàng, khách sạn cũng chỉ có vài cái, đường giao thông liên xã vừa nhỏ lại xuống cấp… Nhưng nay khi đặt chân lên đảo đã thấy khác hoàn toàn, nhiều căn nhà mới xây dựng khang trang mọc lên, hàng chục nhà hàng, khách sạn hiện đại có sức chứa hàng trăm người luôn phục vụ du khách. Nhiều người lâu nay chưa về lại Phú Quý đều ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của đảo. Đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng như: Công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, thiết chế văn hóa, bến cảng, các tuyến đường đôi, đường vành đai, đường liên xã, kè chống biển xâm thực, chống xói lở, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hệ thống phong điện… với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư trong những năm gần đây. Nhiều du khách đến đây đã ví von rằng “Phú Quý như một đô thị hiện đại giữa biển Đông”. Đặc biệt là hoạt động giao thông đường bộ, đường biển, thương mại dịch vụ, cung ứng điện năng, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất kinh doanh của nhân dân được phát triển mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hiện nay Phú Quý đang tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để xây dựng huyện Phú Quý xứng tầm là trung tâm kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng Phú Quý trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. Đây chính là mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Phát huy lợi thế từ biển gắn với phát triển du lịch xanh
Phú Quý ngoài lợi thế để phát triển kinh tế biển, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Đây là lợi thế để Phú Quý vừa phát triển kinh tế biển, vừa phát triển du lịch xanh.
Trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh
Trong chuyến công tác tại huyện đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Ngô Tấn Lực dẫn chúng tôi đi thăm các chợ hải sản ngay sát bờ biển. Từ sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, cảng Phú Quý đã nhộn nhịp bởi sự hối hả của ngư dân, tiểu thương chờ những chiếc thuyền đánh bắt cập bến tạo nên một không khí náo nhiệt. Dọc bờ biển Phú Quý có rất nhiều điểm chợ bán hải sản tươi sống. Ông Lực cho biết, sáng nào cũng vậy hàng chục tiểu thương người địa phương xuống cảng biển mua cá, mực từ tàu thuyền vừa cập bờ. Từ khi nơi đây được biết đến là một địa chỉ du lịch, huyện đảo Phú Quý đã đầu tư, quản lý các khu chợ cá bài bản hơn, phục vụ du khách sau khi đến các chợ tham quan, du lịch, mua hải sản tươi sống ngay tại bãi biển mang về đất liền. Các phiên chợ cá dần trở thành nơi trao đổi mua bán trực tiếp giữa ngư dân và khách du lịch. Sau khi tham quan các chợ hải sản, chúng tôi di chuyển về khu vực nuôi cá lồng bè, thuộc xã Long Hải, huyện Phú Quý. Với lợi thế là vùng biển sâu, sạch, thời gian qua huyện Phú Quý đã tập trung phát triển thủy sản nuôi theo hướng bền vững. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, với diện tích 14.484,9 m2, trong đó có 61 hộ nuôi lồng bè với diện tích nuôi trồng là 9.301 m2, 11 hồ chắn với diện tích nuôi trồng là 5.183,9 m2. Các loại hải sản chủ yếu cá mú, cá bớp, tôm hùm… năng suất nuôi trung bình hàng năm đạt khoảng 100 tấn. Ngoài ra, huyện Phú Quý còn có hàng chục cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản. Năng lực tàu thuyền của Phú Quý hiện có 1.735 chiếc/7.540 lao động, trong đó thuyền công suất trên 90 CV được 594 chiếc, bao gồm thuyền dịch vụ thu mua, chế biến hải sản 130 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 32 ngàn tấn, riêng năm 2024 đạt trên 36 ngàn tấn. Với rất nhiều lợi thế trong đánh bắt, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Mục tiêu của Đề án đến năm 2030, xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước. Đây là kỳ vọng của huyện để tiếp tục xây dựng đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ nghề cá, trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh, đồng thời là một điểm tựa hậu cần vững chắc của quần đảo Trường Sa.
Phát triển du lịch xanh
Nhiều du khách khi đặt chân đến Phú Quý đều cho rằng: Phú Quý như hòn ngọc giữa biển đông bởi giữa đại dương mênh mông, ẩn mình một hòn đảo nhỏ bé yên bình với làn nước trong xanh, bờ cát trắng mịn cùng những danh lam thắng cảnh hữu tình mà không nơi nào có được. Quanh đảo bãi biển nào cũng vậy đều trong xanh, những rạn san hô đầy màu sắc và không gian tĩnh lặng, tạo nên một điểm đến lý tưởng để khám phá. Dù giữa hàng loạt địa điểm du lịch nổi tiếng, Phú Quý vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ và cuộc sống bình dị của người dân nơi đây. Núi Cao Cát, một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Phú Quý, nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và giá trị tâm linh sâu sắc. Ngoài ra, Phú Quý còn có các điểm du lịch nổi tiếng như: Gành Hang, Cột mốc chủ quyền, Dốc Phượt, Mộ Thầy, chùa Linh Sơn, Lạch Dù, điểm ngắm hoàng hôn tại vịnh Triều Dương, hay các điểm check-in đang “hot” trên mạng xã hội như: Cây cô đơn, làng chài, hồ vô cực, một số homestay view biển… Đặc biệt là những xóm chài ven biển yên bình trên đảo mang đến cho du khách những bức ảnh tuyệt đẹp, tái hiện và được hòa mình với không khí ấm áp, chân thật của những ngư dân làng chài. Điều đặc biệt nữa là, từ trước năm 2014, huyện Phú Quý có thời gian sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất chỉ 16 giờ/ngày, là một trong những điểm “nghẽn” trong phát triển, nhất là trong phát triển du lịch. Từ ngày 1/7/2014, điện ở Phú Quý được cấp đủ 24 giờ không chỉ tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, tuyến tàu cao tốc Phan Thiết – Phú Quý có 4 hãng tàu đã thay thế tàu sắt trước kia chuyên chở khách từ Cảng Phan Thiết ra Phú Quý và ngược lại chỉ với thời gian từ 2 – 2 giờ 30 phút, thay vì trước kia từ 6 – 7 giờ. Với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quý đã tập trung vào phát triển du lịch, cùng với đó là phát triển thêm các dịch vụ khác. Với phương châm là, Đảng bộ, chính quyền và nhân trong huyện cùng phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nội dung văn hóa sâu sắc, ưu tiên phát triển du lịch bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, con người Phú Quý. Từng bước chuyển dịch cơ cấu đưa ngành du lịch vươn lên thành một trong những ngành trung tâm thu hút nguồn lực và đóng góp giá trị cao cho kinh tế huyện.
Thu hút du khách đến Phú Quý lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa biển đảo đậm đà trong nhân dân để phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch bảo đảm đa dạng, đặc sắc, thu hút. Với sự quyết liệt của huyện Phú Quý trong phát triển du lịch xanh, bền vững, đến nay du khách đến với Phú Quý ngày càng đông hơn. Chỉ tính trong quý I/2025, Phú Quý đón hơn 24.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 1.250 lượt khách, tăng hơn so với quý đầu năm 2024 với 23.780 lượt khách, trong đó có 985 lượt khách quốc tế. Các cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cao tầng, dịch vụ được nâng lên, toàn huyện hiện có 19 khách sạn/393 phòng/628 giường và 41 nhà nghỉ – villa/364 phòng/479 giường và gần 100 homestay, nhà trọ, trên 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn huyện…
Một Đặc khu giàu đẹp, vững mạnh trên biển Đông
Ngày 28/4/2025, HĐND tỉnh Bình Thuận (khóa XI) tổ chức kỳ họp chuyên đề, biểu quyết thông qua nghị quyết, tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thống nhất chủ trương sáp nhập Bình Thuận, Đắk Nông với Lâm Đồng. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết thành lập Đặc khu Phú Quý trên cơ sở sáp nhập xã Long Hải, xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại xã Ngũ Phụng, có diện tích tự nhiên 18,02 km² và quy mô dân số 32.268 người.
Vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo
Huyện đảo Phú Quý có 12 đảo lớn nhỏ, Phú Quý có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đặc biệt là khai thác, nuôi trồng hải sản lồng bè và chế biến hải sản khô. Trong những năm gần đây, Phú Quý đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ định hướng phát triển du lịch biển kết hợp trải nghiệm văn hóa địa phương. Với bãi biển đẹp, hải sản tươi ngon và người dân thân thiện, đảo Phú Quý thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với phương châm phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy hiệu quả tính lưỡng dụng giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, bảo đảm môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi biển cho sự phát triển bền vững. Phú Quý – hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc với vị trí địa lý đặc biệt, Phú Quý được coi là “hậu cứ vững chắc” và “mắt xích chiến lược” quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, có vai trò to lớn trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm. Với hệ thống cảng biển và vị trí thuận lợi, đảo Phú Quý còn là trung tâm trung chuyển hàng hóa, nguyên liệu giữa đất liền và các vùng biển đảo xa bờ. Đây còn là điểm thuận lợi trong việc phục vụ ngư dân đánh bắt xa bờ. Hàng năm có hàng trăm tàu cá từ các tỉnh miền Trung và miền Nam đã chọn Phú Quý làm nơi tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và nghỉ ngơi sau những chuyến ra khơi. Đảo Phú Quý còn có vị trí chiến lược, quan trọng trong thế trận khu vực phòng thủ chung của Quân khu và tỉnh, là địa bàn chiến lược, phòng thủ cho đất liền từ hướng biển, hậu cứ cho Trường Sa và vươn ra biển Đông. Với vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, khi thực hiện Nghị định 21 về khu vực phòng thủ, UBND huyện Phú Quý đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện chặt chẽ, có lộ trình, có đề án trong từng lĩnh vực, từng nội dung. Từ sự đầu tư của Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh và phát huy nội lực, huyện Phú Quý đã tập trung xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, kết hợp với quốc phòng, an ninh như kè chống xâm thực, cảng biển, đường giao thông, các công trình y tế, trường học, trụ sở làm việc bảo đảm tốt vừa phục vụ nhân dân, sẵn sàng bảo đảm cho quốc phòng, an ninh khi có tình huống xảy ra.
Xây dựng đặc khu vững mạnh về mọi mặt
Trong thời gian qua, Trung ương và tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đến huyện đảo Phú Quý – mảnh đất tiền tiêu, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng – an ninh của tỉnh. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó Phú Quý sẽ được tổ chức thành Đặc khu trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Chính vì thế vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền Đặc khu sẽ có những đổi mới. Theo đó, vai trò, vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh và những nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng, phát triển Phú Quý vẫn được duy trì, kế thừa và tiếp nối. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quốc Thắng cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Quý rất vui mừng khi Phú Quý trở thành Đặc khu. Những kết quả đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Quý đã đạt được trong thời gian qua phải khẳng định rằng bắt nguồn từ việc toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã triển khai, đồng thuận và quyết tâm cao để tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng sát đúng, phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Đồng thời, cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động huyện. Mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Quý lúc này là phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tích cực huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, đưa huyện Phú Quý phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển và du lịch. Bên cạnh đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để tiếp nối những thành quả đã đạt được trong những năm vừa qua, huyện Phú Quý sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, huyện Phú Quý phải tiếp tục xây dựng và phát triển toàn diện Phú Quý theo hướng phát triển kinh tế biển, trọng tâm là nuôi trồng, khai thác chế biến hải sản, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm tránh trú bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển khu vực duyên hải Trung bộ. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, là căn cứ hậu phương vững chắc cho quần đảo Trường Sa. Đồng thời tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Đặc biệt, thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng tin tưởng rằng trong một tương lai không xa Phú Quý sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn hơn, trở thành một Đặc khu giàu đẹp, vững mạnh về mọi mặt, người dân có đời sống thịnh vượng, hạnh phúc, đúng với tên gọi là Phú Quý.
PHAN LIÊN – BÁO BÌNH THUẬN