Với nhiều người Phú Quý, tên gọi “doi, lạch” không có gì là lạ. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: vì sao gọi là doi là lạch thì không phải ai cũng tường tận. Những doi, lạch đều là những thắng cảnh tự nhiên hoang sơ, đồng thời cũng là những bãi tắm cực kỳ hấp dẫn với du khách.
- Hướng chính Đông: vịnh Đá Dù (lạch Dù), vịnh Thuế, vịnh Ký Phủ, vịnh Đất Cạn
- Hướng chính Tây: bãi Lăng, vịnh Chà Tre, vịnh Ông Cò
- Hướng chính Nam: vịnh Ông Lường, vịnh Chùa (lạch Chùa), vịnh Cây Chổi (lạch Chổi), bãi Núi, bãi Nhỏ, bãi Đá Đỏ
- Hướng chính Bắc: doi Dừa, doi Ông Tỉnh, doi Thầy, lạch Ông Bền, mũi Cây Thẻ, mũi Gành Hang, mũi Trâu Nằm, bãi Phủ…
Theo một số cụ cao tuổi, doi là chỉ những cuộc đất nằm ngang thòi ra biển.
Chẳng hạn, doi dừa ở thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng có hàng dừa xanh tươi, cạnh gành đá chồng đen mướt, làm nổi bật màu cát trắng mịn của bãi biển.
Tương tự, cách doi dừa hơn 100m là doi ông Tỉnh. Về doi ông Tỉnh có chuyện kể, thời Pháp, mỗi khi ra đảo, quan Pháp thường dùng cano để di chuyển từ tàu lớn vào bãi. Mỗi lần như vậy thường cột cano vào các gốc dừa ở doi đất, lâu ngày dân địa phương quen gọi là doi ông Tỉnh.
Tại Ngũ Phụng còn có rẻo đất bị biển ăn khuyết, tạo thành bức tường cản gió, gọi là vịnh, hay lạch dù. Lạch dù khá sâu nên tàu thuyền vào mùa nồm nam có thể vào đây tránh gió.
Ngoài ra, còn có lạch Chòi của thôn Hội An, xã Tam Thanh.
Có thể nói thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý nhiều lợi thế để phát triển du lịch của một vùng biển, đảo. Có dịp ngồi trên thuyền dạo một vòng quanh đảo lớn mới thấy hết những hình hài kỳ thú của đảo. Nếu nhìn từ phía Đông, Phú Quý nổi lên như một con rồng; nhìn từ phía Bắc, trông đảo tựa như một con cá thu; và nếu nhìn từ phía Tây Nam, ta dễ dàng hình dung nó là một con cá voi khổng lồ đang trồi lên mặt nước.
Các bãi tắm trên đảo lớn có bãi cát mịn và thơ mộng được tô điểm với những dãy san hô, những cụm đá gành đen lộ đầu ngoạn mục giữa muôn vàn con sóng và khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm là những yếu tố hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.