Phú Quý còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoa Xứ (người Pháp gọi là Poulo Ce cir de Mer). Từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho Triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.
Tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo một số công cụ lao động như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Điều này phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đây người Thượng đã sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh đóng vai trò chủ thể.
Khi bắt đầu phát triển mạnh kỹ thuật đóng thuyền buồm với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lên đảo. Cùng với những phần mộ còn sót lại trên đảo, sự tích công chúa Bàn Tranh chứng tỏ người Chăm đã có mặt ở đảo này.
Bên cạnh đó, do không chịu nổi sự hà khắc của chế độ nông nô, bất mãn với triều đình phong kiến, nhiều người đã tìm đường ra đây lập kế sinh nhai. Người Kinh có mặt ở đảo cũng từ rất sớm. Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627-1672), rất nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền trung, hoặc chạy giặc lánh nạn, hoặc đi tìm nguồn cá, thuyền của họ vượt sóng trùng dương đã gặp phải những trận cuồng phong khốc liệt và “xiêu” lên đảo.
Cùng với người Kinh, một số người Hoa cũng hòa nhập vào cộng đồng cư dân ở Phú Quý. Vào thế kỷ 17, một số quan lại nhà Minh sau khi chống nhà Thanh thất bại, đã phải trốn ra nước ngoài. Từng đoàn thuyền vượt biển tiến về phía Nam, trong số đó có hàng chục thuyền đã quyết định dừng chân lập nghiệp ở Phú Quý. Người Hoa đến đây sống dựa vào các ngành nghề như dệt tơ lụa, buôn bán. Quá trình phát triển về sau, một số người do làm ăn trở nên giàu có đã lần lượt tìm vào các thành phố lớn ở đất liền, chỉ một số ít còn lại trên đảo.
Khi dân cư ngày một đông hơn thì các hình thức tổ chức xã hội cũng dần dần được hình thành. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chính quyền Đàng Trong đã tổ chức trên đảo thành từng hộ bạch bố đến đội bạch bố rồi dần dần trở thành ấp và làng. Tuy số dân lúc bấy giờ chưa đông đúc nhưng Phú Quý có đến 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm nhỏ ngư dân, đôi lúc chỉ có từ 10 đến 12 tráng đinh và thường mang những tên cũ của địa phương trước khi đến đây lập nghiệp: Thoại Hải, Thế Hanh, Thế An, Hội Thiên, Hội Hưng, Hương Lăng, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, An Hòa, Hải Châu, Thương Hải, Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê và ấp Quý Thạnh. Từ niên hiệu Đồng Khánh – Đồng Khánh năm thứ 1 (1886), toàn đảo được tổ chức thành 11 làng và đến năm 1930 do sự sáp nhập ba làng Phú Ninh vào Phú Mỹ và Hương Lăng vào Quý Thạnh nên chỉ còn lại 9 làng: Long Hải, Phú Mỹ, An Hòa, Hải Châu, Thương Hải, Quý Thạnh, Triều Dương, Mỹ Khê và Hội An.
Hiện nay huyện đảo này có diện tích khoảng 16,4km² thuộc tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 120km về phía Đông Nam. Ngoài đảo chính, quanh đảo Phú Quý còn có một số đảo nhỏ như: Hòn Đá Cao ở phía Tây Bắc, Hòn Đỏ ở phía Đông Bắc và Hòn Tranh, Hòn Hải ở phía Tây Nam. Dân số toàn đảo khoảng 29.000 người định cư trong 3 xã đảo, 10 thôn, gồm: xã Long Hải (có 4 thôn: Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long); xã Ngũ Phụng (có 3 thôn: Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh); xã Tam Thanh (có 3 thôn: Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương).
Trong đợt khảo sát vào tháng 6 năm 2018 trên đảo Phú Quý, chúng tôi đã phát hiện 10 giếng cổ nằm rải rác trên địa bàn ba xã của huyện đảo.
Những giếng cổ trên địa bàn xã Tam Thanh
– Giếng nhà ông Nguyễn Phới: Trong hẻm 27/4 thôn My Khê, trước cửa ngôi nhà cấp 4 nhỏ có một cái giếng, khi đi khảo sát, chúng tôi gặp vài ba người phụ nữ đang ngồi rửa rau, quanh đó là mấy chậu đựng quần áo để giặt, trên dây phơi ngay cạnh giếng có khá nhiều đồ đã giặt đang được phơi khô. Điều này cho biết giếng nước này vẫn đang được sử dụng bình thường. Giếng thành thấp, có nắp đậy hình tròn bằng gỗ, lòng giếng hình tròn, xây đá, có mạch vữa xi măng, nước giếng khá cạn nhưng rất trong. Theo những người dân ở đây và nhà chủ thì giếng này có từ lâu đời rồi, không ai biết từ bao giờ. Trước đây giếng xếp đá, không xây vữa, và có hình vuông, dưới đáy có khung gỗ vuông. Thời gian gần đây, khoảng 10 năm, người dân sửa lại và xây thành hình hình tròn, trước nhiều nhà dùng (khoảng 7 đến 10 nhà), nay chỉ còn nhà ông Phới dùng, nhưng vẫn coi là giếng chung. Giếng có chất lượng nước rất tốt, ngon và chưa bao giờ hết nước, kể cả mùa khô hạn khi mà những giếng hiện đại, mới đào trong khu vực không có nước thì giếng này vẫn đủ nước dùng.
– Giếng trong sân nhà anh Ngô Văn Minh, tiếp tục theo con ngõ nhỏ ấy chúng tôi tiến ra phía biển, khi còn cách biển chừng 50 mét, chúng tôi bắt gặp một giếng cổ trong sân nhà anh Ngô Văn Minh, giếng này có thành xây cao (mới xây), hình vuông, lòng giếng xếp đá, đáy hình vuông, dưới đáy có khung gỗ, lòng giếng khá hẹp các viên đá có biểu hiện của sự sắp xếp lại, lòng giếng hiện vẫn có 02 ống nhựa của máy bơm nước, chứng tỏ ít nhất vẫn có 2 hộ dùng. Anh Minh đi vắng, theo hàng xóm cho biết, giếng này vẫn coi như giếng chung, không thuộc riêng gia đình nào, giếng có từ bao giờ không ai biết, trước đây cả xóm (chừng mươi hộ) dùng chung giếng này, nước rất tốt và không thấy cạn bao giờ. Giếng có thành vuông 100cm; sâu 510cm; mức nước 60cm.
– Giếng nhà anh Ngô Minh Hậu, thôn Mỹ Khê, nằm ngay trước cửa nhà, bên đường lớn, thành giếng đã được xây mới bằng gạch hiện đại, không trát phủ vữa, vị trí cách biển chừng 200 mét, lòng giếng xếp đá, không xây vữa, đá xếp khá lộn xộn vì lòng giếng có những tảng đá lớn, tuy nhiên vẫn quan sát thấy đáy hình vuông. Theo chủ nhân thì đáy giếng có khung gỗ vuông, không biết để làm gì? Nước giếng này rất ngon, dùng để ăn uống, các nhà bên cạnh vẫn lấy nước giếng này, thậm chí ghe tàu đi biển vẫn lấy nước ở đây theo thói quen từ xưa truyền lại. Giếng có nước quanh năm. Thành giếng cao 100cm; cạnh vuông 100cm. Do lòng giếng sâu và khó kéo thước nên chúng tôi chưa đo được độ sâu và mức nước.
– Giếng trong sân nhà bà Võ Thị Phúc, 79 Trần Hưng Đạo, thôn Mỹ Khê. Giếng này nằm gần đường, có thành hình vuông, đã xây mới, lòng giếng hình vuông rõ, giếng xếp đá, đáy còn quan sát được khung gỗ. Giếng này còn gần như nguyên vẹn ban đầu. Lòng giếng có 3 ống hút của máy bơm nước, xung quang giếng có nhiều đồ đựng nước như xô, chậu, gầu múc nước. Điều này chứng tỏ hiện nay nhiều nhà vẫn đang dùng giếng, theo người dân thì giếng này có từ lâu lắm rồi, không ai nhó khi nào, cả xóm trước đây dùng nước giếng này, nước ngon, dùng ăn uống rất tốt. Thành giếng cao 80cm; cạnh vuông 100cm; sâu 450cm; mức nước 60cm.
– Giếng Vườn Dừa, sở dĩ chúng tôi gọi như vậy bởi hiện nay, giếng nằm ngay trên con đường ra biển, có công trường đang thi công cầu cảng, cạnh một vườn dừa lâu đời, khá lớn. Trên miệng giếng có bắc máy bơm nước phục vụ công trường. Người dân đi làm vườn ở đây cho biết giếng này trước cả xóm dùng, có từ lâu đời, nhưng đã được sửa chữa. Lòng giếng xếp những phiến đá hình chữ nhật, có cắt gọt, gia công cẩn thận (trường hợp duy nhất) Theo điều tra của TS. Edyta Roszko thì giếng này mới làm cách đây chưa lâu, song không biết rõ người đào và khi nào. Theo tôi, đây là giếng cổ đã được sửa, xây lại bằng các viên đá có gia công. Đáy giếng bị cát xô nên không quan sat rõ tấm gỗ (nếu có). Đường kính miệng giếng 80 cm; sâu 260 cm; mức nước 80 cm; các viên đá có kích thước 50 x 30 (cm), độ dày không thể đo.
Những giếng cổ trên địa bàn xã Long Hải
– Giếng ông Võ Thành Tâm, nằm sát ngay bên đường liên xã, thuộc thôn Đông Hải. Thành giếng xây hình tròn, do giếng nằm bên đường, để tránh rác bẩn rơi vào và tránh tai nạn cho trẻ em nên người dân đã đậy kín lại bằng một tấm béton, không thể mở ra quan sát được. Theo dân thì giếng này rất cổ, không biết thời nào, xưa cả xóm dùng (chừng hơn 10 hộ). Lòng giếng xây đá, dưới đáy có khung gỗ vuông. Đường kính 154cm; sâu (theo dân) 10 mét; mực nước mùa mưa (theo dân) 2 đến 3 sải (sải = 1,6 mét), mùa khô nước ít hơn, khoảng 1 mét.
– Đi tiếp về hướng trung tâm xã chừng 500 mét, gặp một giếng cũng nằm ngay bên ngã ba đường. Giếng này cũng đã xây thành giếng bằng xi măng, tuy nhiên không có nắp đậy, giếng hình tròn, lòng giếng xếp đá, giếng vẫn đang được gia đình anh Nguyễn Hiểu dùng, do vậy chúng tôi gọi giếng này là giếng Ông Nguyễn Hiểu, mặc dù giếng vẫn là giếng chung. Theo người dân thì giếng này có từ xưa không ai biết, nước rất tốt và trước đây luôn có khoảng 15 hộ dùng. Giếng ngay bên đường liên xã, con đường này đang có dự án mở rộng và nếu vậy, theo cột mốc mở đường cắm gần đó thì giếng sẽ bị phá hủy. Đây là vấn đề rất nan giải trong việc giả quyết mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Đặc biệt là việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, tài nguyên nước, an ninh nước ngọt, thành giếng cao 75cm, sâu 420cm.
– Giếng Bàn Tranh, tại trung tâm xã Long Hải, tọa lạc trên một khuôn viên rộng và khá cao ráo là đền Công chúa Bàn Tranh được xây dựng khang trang. Ngoài sân phía Đông Nam đền, ngay bậc thềm lên xuống có một giếng nước cổ, do xây dựng dền và bậc lên xuống nên miêng giếng chỉ còn một nửa nhìn như giếng bán nguyệt nhưng lòng giếng vẫn còn hình tròn xếp bi bằng xi măng, giếng mới được làm lại. Bàn Tranh tương truyền là con gái vua Chăm Pa, do cãi lệnh vua về việc lấy chồng nên bị đày đuổi ra đảo, ỏ đây nàng đã có công dạy dân dệt vải, trồng trọt, trong đó có loại dưa hấu rất ngon (nay vẫn còn). Câu chuyện này tương tự như chuyện về dưa hấu của Mai An Tiêm ở ngoài Bắc. Ngôi đền này mới được xây lại khang trang, song dân cho biết đền thờ có từ lâu đời. Chúng tôi phỏng đoán ở đây, trước kia đã có một công trình thờ cũng của người Chăm, sau đó người Việt đến tiếp tục sử dụng một cách tôn kính. Việc có giếng cổ tại sân đền cho thấy khả năng giếng này đã có từ thời Chăm Pa. Tất nhiên cần phải có minh chứng xác đáng, cần nghiên cứu thêm.
– Giếng Tiên, trên con đường đi từ trung tâm xã Long Hải đi khu vực điện gió, cách trườngTHCS Long Hải 50 mét về bên trái, cuối sườn dốc (đồi) có một giếng cổ khá lớn gọi là Giếng Tiên. Giếng này đã được huyện xếp vào loại di tích cần bảo vệ nhưng hiện nay giếng đã sập hỏng, chỉ còn quan sát thấy một phần thành giếng xây đá và lòng giếng bị đá đổ sập cùng các loại rác lấp đầy. Đường kính giếng 226cm; sâu (còn lại) 270cm.
Đây là một giếng lớn, chắc chắn để phục vụ cho một công đồng lớn cư dân, không loại trừ đã có một hoặc nhiều kiến trúc thờ cúng của Chăm Pa đã được dựng ở đây. Vị trí này cách đề Bà Tranh chỉ 300 mét, địa hình khá lí tưởng cho việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo. Người dân quanh vùng vẫn dùng nước giếng này cho tới thời gian gần đây mới bỏ để dùng nước sạch của đảo và làm giếng riêng.
Những giếng cổ trên địa bàn xã Ngũ Phụng
– Giếng trong khu vực nhà ông Nguyễn Văn Cung đã được sửa chữa, xây thành cao, lòng giếng xếp đá, dưới có khung gỗ (dân nói đã lấy khung gỗ lên và bỏ đi). Giếng hiện vẫn dùng, vị trí cach biển chừng 100 mét. Dân nói trước đây khoảng 15 hộ dùng nước giếng này, cũng theo người dân thì giếng này không bao giờ cạn nước. Đường kính giếng 80cm; thành cao 70cm; sâu 300cm; mức nước 80cm.
– Giếng làng Phú An hay còn gọi là giếng sâu Phú An. Sau nhiều lần tìm và hỏi đường, chúng tôi đến đứng trước một cái giếng rất lớn, nằm ngay ngã ba đường làng. Thành giếng hình vuông, đã được sửa nhiều và xây bịt miệng chỉ để một lỗ chữ nhật khoảng 50 x 50cm và cũng được đậy bằng tấm bê tông khá nặng. Chúng tôi phải có sự giúp sức của một cô gái trẻ mới có thể đẩy được tấm bê tông này để qua sát bên trong lòng giếng. Lòng giếng đã sửa thành hình tròn, có 12 lớp đá được cắt gọt, gia công cẩn thận xếp ở trên (lớp này mới), dưới đó là những viên đá tự nhiên (những viên đá cũ của giếng) được xếp như những giếng khác. Không thể đo được chiều sâu của giếng. Dân nói giếng sâu lắm nên mới gọi là Giếng Sâu. Giếng này nước rất tốt, hiện nay vẫn còn nhiều họ dùng, chúng tôi đếm được 17 ống hút của máy bơm trong lòng giếng. Cho thấy hiện nay còn 17 nhà dùng giếng này. Ngày trước (theo người dân) cả làng dùng giếng này và không cạn bao giờ. Đường kính giếng 130cm; vuông mỗi cạnh 150cm.
Một vài nhận xét về hệ thống giếng trên đảo Phú Quý
– Giếng Chăm Pa nói chung thường có hình vuông, rất ít giếng có hình tròn. Một đặc trưng cơ bản để nhận diện giếng Chăm Pa cổ là dưới đáy giếng luôn có một khung gỗ vuông rộng bản chừng 40-50cm dựng sát đáy, từ đó gạch hay đá được xếp lên. Gạch hay đá xây, xếp lòng giếng không có chất kết dính. Một đặc trưng nữa là do trình độ cao của người đào giếng về tìm mạch nước nên các giếng Chăm Pa cổ đều có chất lượng nước rất tốt và không bao giờ cạn dù thời tiết có khô hạn đến đâu. Vị trí các giếng Chăm rất phong phú, chân đồi, ven biển, trên sườn núi, trên cồn cát, giữa đồng bằng. Bất kì ở đâu có nguồn mạch nước tốt đều được người Chăm xưa phát hiện và khai thác.
– Vật liệu để xây giếng Chăm Pa cổ nói chung chủ yếu là đá tự nhiên và gạch. Ở những nới có nhiều đá, nhất là laterit (đá ong) thì lòng giếng được xếp đá là chính, những nơi không có nhiều đá thì chủ yếu xây bằng gạch giống như gạch xây các đền tháp hoặc nửa gạch nửa đá. Ở Phú Quý, không có đất sét (clay) nên không có nguyên liệu làm gạch, do vậy không có gạch để xây giếng nên giếng hoàn toàn xếp đá, một loại vật liệu có sẵn nhiều ở đảo.
– Giếng cổ ở Phú Quý hầu hết đã được tu sửa hoặc làm lại, dựa trên hố giếng đã có. Các giếng vuông phần lớn đã được làm lại thành hình tròn (thói quen đào giếng của người Việt). Lòng giếng cũng được xây xếp lại bằng đá hoặc bằng các khẩu bê tông (dân gọi là bi giếng) hình tròn. Hầu hết được xây thành cao từ trên 80cm. Vẫn có thể dễ dàng nhận ra các giếng Chăm Pa cổ nhờ vào 2 yếu tố cơ bản là hình vuông ban đầu và khung gỗ dưới đáy giếng.
– Hệ thống giếng trên đảo Phú Quý có thể tạm phân thành 2 loại giếng cổ: Giếng Chăm Pa cổ và giếng cổ có kỹ thuật Chăm Pa.
– Ở Phú Quý các giếng này thường nằm trong khu dân cư, nhưng không thuộc về bất cứ gia đình nào mà vẫn coi như tài sản chung do việc khai thác theo cộng đồng từ xưa đến nay. Một số giếng nằm cô đơn giữa đồng, bên đường hay ven biển. Tuy nhiên vẫn được người dân sử dụng thường xuyên cho việc tưới cây, cho bò uống…
– Căn cứ vào mật độ của giếng, có thể hiểu được cộng đồng xung quanh nó. Ví dụ: mỗi giếng có chừng 10 đến 15 hộ dùng, mà trong một khu vực một làng có 5 đến 6 giếng thì trung bình có khoảng gần 100 hộ, nếu tính mỗi hộ 4 khẩu, chúng ta có thể hình dung làng đó có chừng trên dưới 400 người.
Do điều kiện thời gian không cho phép nên lần này chúng tôi chưa thống kê toàn bộ giếng trên đảo Phú Quý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trở lại nghiên cứu kỹ hơn về hệ thống giếng trên đảo Phú Quý.
TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học)
TS. Edyta Roszko (Đại học Copenhague, Danmack)