Đó là khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3-1923, núi lửa trở mình giữa biển trời Phú Quý. Theo dân gian lưu truyền, cuối năm âm lịch đang trời yên biển lặng, đột ngột hòn đảo lắc lư làm người người say sóng, mọi vật rung chuyển và nhà cửa, cây cối ngả nghiêng.
Người dân Hòn (cách gọi tắt đảo Phú Quý) khiếp đảm chạy tìm nơi ẩn nấp ngỡ như trời đang sập tới nơi. Người ta thấy một cột khói lửa phun lên kèm theo những tiếng nổ vang trời ngoài khơi quần đảo Phú Quý. Thật là một cảnh tượng có một không hai ở vùng biển này, nghe nói dư chấn lan tỏa vào tận Phan Thiết. Đó là sự kiện địa chất tạo nên một hòn đảo mà dân Phú Quý gọi là hòn Tro.
Tài liệu của khoa địa lý Trường đại học Sư phạm TP.HCM mô tả về sự kiện này: “Ngày 15-2-1923, nhiều vùng thuộc cù lao Hòn (Phan Thiết) bị chấn động mạnh và kéo dài suốt một tuần. Thủy thủ trên tàu Vocasamar (Nhật Bản) đi ngang qua đây thấy một đám khói đen và cột hơi dày đặc cùng với những tiếng nổ mạnh. Ngày 8-3-1923 cù lao Hòn phun ra chất màu xám đen, xám nhạt gồm hơi nước, bùn đất. Trước những đợt phun, nhiều tiếng nổ phát ra như bom và hỗn hợp bùn đá bật lên sáng lóa.
“Ngày 15-3-1923, núi lửa ngừng phun nhưng hòn đảo vẫn nóng âm ỉ. Đến ngày 20-3-1923 động đất xảy ra, núi lửa phun trở lại. Trước khi núi lửa hoạt động, ngày 8-2-1923 tàu quân sự Hoàng gia Anh lúc đi qua vùng này còn phát hiện một hòn đảo khác cách hòn Tro 3,7km cũng phun núi lửa cao 12m, xung quanh xoáy nước rất mạnh”.
Sự xuất hiện của những hòn đảo hình thành từ núi lửa lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học đương thời. Theo nhà nghiên cứu Trần Tân Mỹ, ngày 13-3-1923 đoàn khảo sát thủy văn của Pháp ở Đông Dương nhận được chỉ thị tìm hiểu hòn đảo mới ra đời tại quần đảo Phú Quý. Ngày 17-3-1923 họ đã tiến hành khảo sát thực địa và vẽ bản đồ khu vực hòn Tro trình lên Viện hàn lâm Khoa học Pháp thời bấy giờ.
“Đảo được hình thành từ các đống mảnh vụn của một chất màu đen có lỗ rất nhẹ – hiển nhiên là tro núi lửa và do đó đảo được gọi là hòn Tro. Những khối đặc sít hơn được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đỉnh khối lớn nhất cao 0,75m và có bề ngang 0,5m. Đảo có hình móng ngựa hay trăng lưỡi liềm mà hai sừng bị cắt gọt thành vách đứng cho thấy một sự sụp đổ đã xảy ra. Tổng thể này vả lại ít rắn chắc và không chịu được sóng biển. Miệng hố thoát ra từ đó tro và hơi nước. Các thăm dò độ sâu cho thấy đảo nhỏ này rất dốc. Cách xa bờ 150m độ sâu đã ngoài 30m. Cách xa bờ 1km độ sâu là 100m” (theo tác giả Trần Tân Mỹ).
Đoàn khảo sát thực địa hồi ấy cũng đã nghe cư dân đảo Phú Quý thuật lại về các chấn động địa chất khá mạnh xảy ra vào các ngày 12, 16 tháng 2-1923 sau đó giảm cho đến ngày 22-2-1923. Ba tháng sau thì hòn đảo chìm sâu xuống nước nên có người đã gọi hòn Tro là “hòn đảo phù du”.
Liệu rằng núi lửa hòn Tro đã chấm dứt hoạt động hay chưa? Bản luận văn “Tìm hiểu địa chất đại cương: tìm hiểu về núi lửa” của sinh viên khoa địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2008 cho rằng: “Núi lửa hòn Tro có thể hoạt động trở lại, việc thiết lập trạm quan sát địa chấn ở đảo Phú Quý, gần cụm núi lửa hòn Tro nhằm theo dõi và dự báo sự xuất hiện của núi lửa qua những chấn động trước khi phun là rất cần thiết”.
Từ trên núi Cấm của đảo Phú Quý, tôi phóng tầm mắt ra khơi xa. Từ lâu hòn Tro đã chìm sâu dưới biển, chỉ còn lãng đãng trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học mà thôi. Biết đâu một ngày nào đó núi lửa quay lại. Thiên nhiên luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn và những bất ngờ.
Đứng trên đỉnh núi Cấm nhìn ra khơi, hòn Tro đã chìm sâu dưới biển, chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học.
Trích Báo Tuổi Trẻ