Chuyện kể ly kỳ về truyền thuyết Vua Gia Long ở đảo Phú Quý

Từ bao đời nay, hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi muôn trùng vẫn luôn mang trong mình những bí ẩn văn hóa lịch sử cần được nghiên cứu giải mã. Nơi ấy, không chỉ có thế đất trời ban “long bàn, hổ cứ”, có địa thế mang dáng hình con Quy là một trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”, mà còn là nơi đất lành chim đậu, nơi cưu mang những con người xa xứ gian truân. Tương truyền, vùng đất văn hóa này đã từng lưu giữ dấu chân của một vị thiên tử nổi danh trong lịch sử nước nhà – đó là vua Gia long.

Tích xưa kể rằng: “Khi vua Gia Long thất quốc, bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi đã phải bôn tẩu chạy nạn ra Mũi Nại (Ninh Thuận). Bị quân Tây Sơn chặn đánh, không đi đường bộ mà đi đường thuỷ. Lúc ấy một vị tướng tuỳ tùng của Gia Long xin ở lại dùng kế hoãn binh để chặn đường Tây Sơn, hòng mở con đường sống để phò nguy cứu chúa. Gia Long thoát nạn, đang lênh đênh trên biển khơi thì phát hiện ra hòn đảo lạ và ra lệnh cho quân tấp vào.

Khi thuyền cập bến Gia Long đã dừng chân lưu gót tại chùa Linh Quang. Tại đây nhà vua đã chỉ cho Trụ trì thay đổi hướng đại môn (xoay hướng thuận cuộc) để đạo pháp ngày một cường thịnh. Từ toạ chấn hướng Đoài đổi sang hướng Tây.

Sau nhà vua lại dong thuyền sang Hòn Tranh. Thật không ngờ, người tuỳ tướng trung thành của nhà vua sau khi quả cảm ở lại cứu giá đã bị tử trận, xác trôi dạt lên đảo Hòn Tranh. Để ghi nhớ công ơn của người anh hùng hết lòng phò chúa, Gia Long đã cho dựng am thờ tại đảo. Ngày nay trên đảo Hòn Tranh còn lưu lại một số dấu tích về Vua Gia Long như giếng Gia Long (tương truyền là nơi nhà Vua chỉ cho dân chỗ để đào giếng lấy nước), Miếu Trấn Bắc (thờ Bắc Quân đô đốc chưởng phủ, người tùy tùng đã xả thân cứu chúa).

Ở đây, chúng tôi nhận thấy có một môtif đã trở thành quen thuộc trong hệ thống truyền thuyết kể về vua Gia Long chạy nạn, đó là một giếng nước. Chẳng hạn như truyền thuyết về giếng Gia Long, dấu chân Gia Long ở đảo Phú Quốc- Kiên Giang. Trong cuốn sách “Huyền thoại Phú Quốc” có đoạn viết: “ Từ thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, đi theo đường rừng ven biển khoảng 2 cây số sẽ gặp một đền thờ nho nhỏ hiện ra bên tảng đá cheo leo, mà người dân gọi là Ngai vua. Tương truyền rằng, đó là dấu vết của Nguyễn Ánh để lại, khi dừng chân trú ẩn sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Trong cơn quẫn bách, Nguyễn Ánh đã dậm chân, chỉ mũi kiếm vào lòng đất mà thề và cầu khấn thần linh. Bỗng nhiên từ chỗ mũi kiếm chỉ xuống bắn ra một dòng nước ngọt ngào, đến nay vẫn còn tuôn chảy. Dấu giày xưa còn khắc sâu trên đá. Từ đấy, người dân vùng gọi là Giếng Gia Long hay Giếng Tiên.

Theo chúng tôi chắc có liên quan đến quan niệm của dân gian về vai trò tiên chúa với long mạch và sự khai mở. Nếu quả như vậy, thì đây là một bằng chứng về đánh giá của nhân dân với triều Nguyễn, điều mà các học giả chúng ta vẫn chưa chấp nhận cho đến gần đây.

Nhằm tôn vinh vị đế vương mang chân mệnh thiên tử, vì thời thế đã trải qua vô vàn gian nan để xây dựng vương nghiệp, chứ không phải “cõng rắn cắn gà nhà”, và cũng là để tưởng nhớ những ngày vua Gia Long bôn ba ra hải đảo, đồng thời lưu lại kỷ niệm nhà vua đến thăm chùa, Linh Quang Tự đã tạo tác ra bài thơ ngay trước sân thượng của chùa:

“Gia Long bôn tẩu thời quốc nạn,

Cập đảo mai danh đáo Linh Quang.

Ngắm nhìn đoài, Chấn phùng thánh địa,

Đặt hướng Tây canh dựng đại môn”.

Với truyền thuyết lịch sử mang tính nhạy cảm này, chúng tôi đã hết sức chú ý đến tính xác thực của vấn đề. Chúng tôi tự hỏi, tại sao ở một hòn đảo hết sức nhỏ bé và hẻo lánh này lại lưu truyền những câu chuyện về Gia Long? Khi hỏi về tích Gia Long, chúng tôi nhận thấy một điều người dân ở đây rất tỏ vẻ tôn kính, rất hãnh diện vì hòn đảo nhỏ của họ đã từng là nơi dừng bước của vị thiên tử mà cho đến nay công và tội của vị vua này vẫn chưa được đánh giá đúng mức? Việc Gia Long chạy trốn quân Tây Sơn ra đảo đã hình thành nên một hệ truyền thuyết với nhiều môtif khá phổ biến ở vùng đảo phía Nam, như ở Phú Quốc. Trường hợp xuất hiện kiểu truyền thuyết này ở Đảo Phú Quý rất đáng lưu ý.

Khi lục tìm những cứ liệu lịch sử, chúng tôi phát hiện ra rằng: quả thật, trong bước đường bôn tẩu để tránh sự truy đuổi ráo riết của Tây Sơn, vua Gia Long đã từng đặt chân lên đảo này. Sách sử triều Nguyễn viết:“Tháng 6, vua đóng ở hòn Điệp Thạch (Hòn Đá Chồng) thuộc Phú Quốc. Thống suất giặc là Phan Tiến Thận thình lình đem quân đến. Cai cơ Lê Phúc Điển xin mặc áo ngự mà đứng ở đầu thuyền. Giặc tranh nhau đến bắt. Vua bèn đi thuyền khác ra Côn Lôn (Cổ Long)…

Mùa thu, tháng 7, Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bề mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc…” [65, tr.217 – 218]. Trong một cuốn sách sử khác có đoạn viết: “Được tin Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc, Nguyễn Huệ sai Phan Tiến Thận đi đánh bắt. Một số tướng lãnh bị bắt sống. Nguyễn Phúc Ánh thoát chết chạy ra đảo Cổ Long (KohRong). Trương Văn Đa đem một lực lượng thủy quân lớn đến vây đánh. Nhưng rủi gặp ngày mưa gió lớn thuyền không thể dàn ra để bao vây mà phải dồn lại ghì chặt vào nhau để chống lại sóng gió. Nhờ vậy, Nguyễn Phúc Ánh có cơ hội đem tàn quân chạy thoát, trốn sang đảo Cổ Cốt…” [73, tr.87- 88], “tướng Tây Sơn là Phan Tiến Thận, dò được chỗ Nguyễn Ánh ở, cho quân bất ngờ bao vây. Trong tình thế hiểm nghèo, cai cơ Lê Phúc Điển, liều mình cứu chúa. Điển lấy áo của chúa ra mặc rồi ra đứng ở mũi thuyền hô hào binh sĩ đánh với Phan Tiến Thận, Thận đã không thận trọng, hô quân xông vào bắt sống. Chính lúc đó, Ánh đã dùng một chiếc thuyền trốn sang đảo Cổ Long” [3, tr.20].

Từ đây, chúng tôi mạnh dạn khẳng định rằng, sự kiện vua Gia Long đã từng dừng chân trên đảo Phú Quý này là có thật. Căn cứ vào mốc thời gian tạo dựng chùa Linh Quang, việc vua Gia Long viếng thăm có khả năng xảy ra. Còn việc nhân dân xứ đảo dành cho Vua Gia Long một ấn tượng tốt đẹp, có lẽ điều này bắt nguồn từ xu thế chung của tình cảm dân gian, thể hiện mối quan hệ giữa nhân vật lịch sử và tín ngưỡng dân gian.

5/5 - (2 bình chọn)

Recent Posts