Cơ sở thờ tự đền, miếu ở Phú Quý

Hầu hết các cơ sở tín ngưỡng thường được người dân gọi là Miếu, ví dụ Miếu Thành Hoàng làng Mỹ Khê, Miếu làng Phú là thờ thành hoàng của tiết chế đình làng nhưng vẫn gọi là miếu và tên trên cổng chính cũng được ghi là miếu. Đền thờ thầy Sài Nại thì gọi là Dinh Thầy Nại.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh (Miếu Bà Chúa)

Đền thờ công chúa Bàn Tranh toạ lạc tại xã Long Hải do người Chăm lập vào khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI trên một khu đất rộng gần chân núi Cao Cát mà dân trên đảo gọi là khu ruộng Bà Chúa. Hiện nay người dân trên đảo còn lưu giữ 8 sắc phong cho Công Chúa Bàn Tranh vào các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Trong các sắc phong đó có 5 sắc phong riêng cho Công Chúa Bàn Tranh và 3 sắc phong thời vua Tự Đức, Đồng Khánh và Duy Tân phong chung cho Công Chúa Bàn Tranh và Thầy Sài Nại.

Đền thờ Công chúa Bàn Tranh ở Phú Quý

Đền thờ không mở cửa vào các ngày trong năm mà chỉ mở cửa vào các ngày lễ kỵ. Miếu Bà Chúa trước đây khá nhỏ, kiến trúc hơi hướng người Chăm nhưng qua thời gian đã hư hại xuống cấp nhiều, Miếu Bà Chúa hiện nay đã được xây dựng mới cao to và khang trang rộng lớn hơn với vật liệu bê tông cốt thép và gỗ, kiến trúc mới không còn giữ được nét kiến trúc nguyên thuỷ của Miếu trước đây.

Đền thờ Thầy Sài Nại (Dinh Thầy Sài Nại)

Đền thờ Thầy Sài Nại tại xã Ngũ Phụng được xây dựng ở thế kỷ XVI nằm trên ngọn đồi cao phía Đông Bắc làng An Hòa thuộc xã Ngũ Phụng. Đền Thầy Sài Nại có 8 sắc phong thần vào các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị (2 sắc phong), Tự Đức (2 sắc phong), Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Hàng năm đến ngày kỵ Thầy Sài Nại vào mùng 4 tháng tư âm lịch, người dân khắp các làng trên đảo tổ chức đoàn lễ thỉnh rước sắc Thầy Sài Nại từ nơi giữ sắc đến đền thờ để cúng tế gọi là lễ hội Giao phiên Kỵ Thầy.

Dinh Thầy Nại

Đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Thương Hải

Đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Thương Hải được xây dựng vào thế kỷ XVI, tại đây còn lưu giữ 5 sắc phong cho Thiên Ya Na vào thời vua Tự Đức (2 sắc phong), Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Hàng năm, tại đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Thương Hải diễn ra hai kỳ tế lễ chính: tế xuân vào tháng giêng âm lịch và tế thu vào tháng tám âm lịch cùng chung với lễ tế Ông Nam Hải làng Thương Hải.

Đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Hải Châu

Đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Hải Châu xã Ngũ Phụng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Đền thờ nằm bên phải Vạn Hải Châu chung khuôn viên. Khám giữa thờ Thiên Ya Na, bên phải thờ Tiên sư bên trái thờ Tiền hiền. Đền còn lưu giữ thờ phụng 4 sắc phong cho Thiên Ya Na vào các thời vua Tự Đức (2 sắc phong), Đồng Khánh, Duy Tân. Đền thờ hàng năm diễn ra hai kỳ tế lễ chính vào mùa xuân và mùa thu.

Đền thờ Bà Chúa Ngọc xã Long Hải (miếu Cây Da)

Đền thờ Bà Chúa Ngọc xã Long Hải (miếu Cây Da) được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, trên khuôn viên đất rộng xung quanh là vườn cây trái tạo bóng mát quanh năm, trước đây trên sân đền có một cây da cổ thụ rất lớn tục danh gọi là miếu Cây Da, nay cây da đã không còn… Trung tâm chánh điện có ba khám thờ: khám giữa thờ nữ thần Thiên Ya Na; hai khám trái phải thờ Tiền hiền và Hữu ban – Tả ban. Tại đây hàng năm diễn ra ba kỳ tế lễ chính: tế xuân vào tháng giêng, tế thu vào tháng bảy và đặc biệt là ngày kỵ Bà Chúa Ngọc vào mùng 8 tháng mười âm lịch. Các sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng cho đền Bà Chúa Ngọc đã bị tiêu hủy hay thất lạc không còn nữa.

Đền thờ Bạch Mã Thái Giám làng Quý Thạnh

Đền thờ Bạch Mã Thái Giám làng Quý Thạnh xã Ngũ Phụng được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Các hạng mục kiến trúc đền thờ gồm có: Chính điện và nhà Khói. Trung tâm nội thất chính điện bày trí 3 khám thờ: khám giữa thờ thần Bạch Mã Thái Giám, khám phải thờ Tiền hiền và khám trái thờ Hậu hiền. Đền còn lưu giữ 5 sắc phong cho Bạch Mã Thái vào các đời vua Tự Đức (2 sắc phong), Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Hàng năm tế lễ tại đền Thái Giám diễn ra vào tháng giêng và tháng mười âm lịch trùng với hai kỳ tế lễ chính tại Vạn Quý Thạnh.

Đền thờ Bạch Mã Thái Giám làng An Hòa

Đền thờ Bạch Mã Thái Giám làng An Hòa xã Ngũ Phụng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, gắn với quá trình di cư của các bộ phận cư dân vùng Ngũ Quảng đến đảo Phú Quý khai khẩn đất đai lập làng An Hòa và đền thờ Thái Giám để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng.Tại đền thờ còn lưu giữ 5 sắc phong cho thần Bạch Mã Thái Giám vào các đời vua Tự Đức (2 sắc phong), Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định, các sắc phong được cất giữ thờ cúng tại đình Phú Mỹ. Hàng năm tại đền Thái Giám diễn ra hai kỳ tế lễ vào trung tuần của tháng giêng và tháng bảy âm lịch.

Đền thờ Trấn Bắc (Miếu Trấn Bắc)

Đền thờ Trấn Bắc nằm trên hòn Tranh thuộc làng Triều Dương xã Tam Thanh được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, dân trên đảo Phú Quý thường gọi là miếu Trấn Bắc. Trung tâm chính điện có bài trí 3 khám thờ: khám giữa thờ Trấn Bắc và Thiên Ya Na, hai khám trái phải thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Bắc Quân Đô Đốc có 3 sắc phong vào đời vua Đồng Khánh phong chung cho Bắc Quân Đô Đốc và thần Nam Hải, đời vua Đồng Khánh và Khải Định, các sắc phong đều được lưu giữ tại vạn An Thạnh, đến ngày cúng tế tại đền thờ Trấn Bắc mới tổ chức đoàn rước sắc phong từ vạn An Thạnh sang đền Trấn Bắc tế lễ và sau đó tổ chức rước trở về lại vạn để bảo giữ.

Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh

Tại đền Trấn Bắc hàng năm thực hiện hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng ba cúng Bà Thiên Ya Na (Bà Chúa Ngọc) và ngày mùng 7 tháng tám âm lịch cúng Ông Trấn Bắc. Trình tự các nghi thức tế lễ đều theo quy trình như lễ hội diễn ra tại vạn An Thạnh.

Đền thờ Quan Thánh xã Ngũ Phụng

Đền thờ Quan Thánh xã Ngũ Phụng được xây dựng trên ngọn đồi cao phía Đông Bắc làng An Hòa thuộc xã Ngũ Phụng bên phải đền thờ Thầy Sài Nại. Chưa rõ năm xây dựng, chính điện với trung tâm bài trí ba khám thờ: khám giữa thờ Quan Thánh, bên phải thờ Tả ban và trái thờ Hữu ban. Đền thờ Quan Thánh lại không có sắc phong cho Quan Thánh như ở một số đền thờ khác mà lại lưu giữ sắc phong của thần Bạch Mã Thái Giám của các đời vua Tự Đức (2 sắc phong), Đồng Khánh, Duy Tân.

Miếu Chúa Thanh

Miếu Chúa Thanh được xây dựng tại xã Long Hải kế bên Vạn Liên Thành, xây dựng lần gần nhất năm 1998, là một ngôi miếu nhỏ với vật liệu xây dựng bê tông xi măng, cửa bằng gỗ, sân lát gạch hoa, do người dân góp công xây dựng. Tại miếu thờ cô hồn trên đảo và trên biển vào dịp tết Thanh Minh (khoảng đầu tháng ba âm lịch) người ta đến cúng kiến làm lễ giỗ cho những vong hồn không có thân nhân luân phiên một năm tế chay một năm tế mặn.

Miếu Chúa Thanh
Miếu Chúa Thanh

Xem thêm: Miếu Chúa Thanh nơi thờ cô hồn trên đảo và trên biển Phú Quý

Miếu Bà Giàng

Miếu Bà Giàng được xây nhỏ đơn sơ sát biển phía Tây Bắc đảo Phú Quý, miếu thờ bà Giàng theo tín ngưỡng dân gian trên đảo với truyền thuyết Bà Giàng Ông Đụn. Bà Giàng và ông Đụn là hai vợ chồng già không có con cái tương truyền bà Giàng là người lên đồng để gặp thầy Sài Nại giúp dân làng chống giặc Tàu Ô, vào thế kỷ XVIII-XIX, nạn hải tặc từ vùng Java (Indonesia) hoành hành trên các đảo nhỏ và các vùng ven biển Việt Nam, chúng đi trên những chiếc tàu sơn đen nên dân chúng gọi là giặc Tàu Ô. Miếu nhỏ được xây bằng xi măng, xung quanh có nhiều hòn đá tròn được sơn trắng.

5/5 - (3 bình chọn)

Recent Posts