Đảo Phú Quý cùng với các đảo lân cận tạo thành huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận. Huyện đảo có diện tích 17,82 km² , kể cả các đảo lẻ là 32 km², chu vi khoảng 35km.
Đảo Phú Quý có hình dạng giống như một hình chữ nhật lệch, có chiều dài 12 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 4,5 km. Các hòn đảo lẻ lớn nằm về phía Bắc và Tây Bắc, gồm có: Hòn Trứng, Hòn Đen, Hòn Giữa và Hòn Đỏ. Các hòn lẻ thứ hai nằm về phía Nam và Đông Nam của đảo, gòm có: Hòn Tranh, Hòn Hải (Hòn Khám), Hòn Đồ Lớn (Hòn Bố), Hòn Tý (Hòn Vung), Hòn Đồ Nhỏ (Hòn Trào). Lớn nhất trong các hòn lẻ ở Phú Quý là Hòn Tranh, cách đảo lớn khoảng 1km về phía Đông Nam. Hòn Tranh có dạng hình chữ S, diện tích 2,8 km², nơi rộng nhất 400m và nơi dài nhất là 1.000m.
Trước đây Hòn Tranh là một hoang đảo chủ yếu là cỏ tranh, được nhân dân khai phá trồng hoa màu, hiện nay đang được trồng rừng phục hồi môi trường. Hòn Tranh là nơi đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng hải quân Việt Nam do đó việc đi lại trên đảo này bị hạn chế. Ngoài đảo chính, các hòn lẻ nói trên ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, mới lạ rất hấp dẫn đối với du khách nếu được khai thác trong các tour du lịch sinh thái, du lịch khám phá…
Đảo Phú Quý cách Thành Phố Phan Thiết 56,7 hải lý (120km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385km) về phía Tây. Nằm trong nội thủy trên các tuyến giao thông đường hàng hải nội địa (thành phố Hồ Chí Minh – Hải Phòng) và đường hàng hải quốc tế (TP. Hồ Chí Minh – Hồng Kông, Hàn Quôc, Đài Loan, Vladivostock, Tokyo…). Như vậy, Phú Quý có cơ hội đón dòng khách tham quan du lịch sẵn có từ Mũi Né (Bình Thuận) đổ về, do vị trí địa lí thuận lợi và sự mới mẻ về địa điểm du lịch gây sự tò mò cho du khách. Phú Quý hứa hẹn thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế.
Địa hình đảo Phú Quý
Địa hình Phú Quý có dạng núi đồi ở phía Bắc và khu vực đất bằng ở phía Nam, độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam. Những kiến tạo địa hình, địa chất đã ban cho Phú Quý có 3 ngọn núi tuyệt đẹp.
Ở phía Tây Bắc có núi Cấm cao 106 m, được xem là một phao tiêu thiên nhiên rất quan trọng. Vào năm 1996, Nhà nước đã đầu tư xây dựng ngọn hải đăng cao 28m trên núi Cấm tạo nên một thắng cảnh tươi đẹp, đầy vẻ hoang sơ. Phía sau lưng dưới chân núi có chùa Linh Bửu xây dựng năm 1972. Cảnh chùa hòa quyên với thiên nhiên tạo nên một danh lam thắng cảnh thanh tịnh, hấp dẫn cho việc thờ cúng tín ngưỡng của du khách.
Núi Cao Cát cao 86 m năm ở phía Đông Bắc đảo Phú Quý, núi Cao cát là ngọn núi hùng vĩ, người dân Phú Quý luôn tự hào về điều này bởi đây là một ngọn núi san hô bị sóng gió bào mòn thành những dãy bậc thang xoắn trôn ốc. Trên núi có nhiều mỏm đá và hang động nguyên sinh với nhiều sự tích kỳ bí, hấp dẫn. Trải qua hàng ngàn năm bị sóng và gió biển xâm thực, bào mòn tạo cho bề mặt của sườn núi tựa như những lớp sóng trên đá, như sóng cát trên sa mạc. Trên núi có chùa Linh Sơn tọa lạc ở độ cao 61m. Đây là ngôi chùa không chỉ đẹp thu hút nhiều du khách đến tham quan viễn cảnh mà còn rất linh thiêng, cổ kính. Trên đỉnh núi đặt một pho tượng Phật to lớn trắng toát. Có thể nói vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi Cao Cát cùng với ngôi chùa Linh Sơn bên sườn núi và pho tượng Phật trên đỉnh núi đã trở thành một kỳ quan độc đáo của Phú Quý.
Ở phía Nam có đồi Ông Đụn cao khoảng 46 – 48 m. Dưới chân núi là bãi tắm Vịnh Triều Dương, với dải cát trắng mịn, nước biển trong xanh, đây là điểm đến thú vị cho du khách.
Trung tâm đảo có những dãy đồi cao từ 20 – 30 m, chúng bị ngăn cách bởi những dải đất bằng cao 10 – 20 m. Vùng rìa đảo là những dãy thềm cao khoảng 5m. Ven biển của đảo có những bãi biển đẹp, rất thuận lợi cho hoạt động tắm biển và tham quan của du khách. Địa hình đáy biển khá bằng phẳng, không bị dốc bất ngờ rất thuận lợi cho hoạt động tắm biển, lặn ngắm biển, nghỉ dưỡng, hoặc xây dựng cảng biển…
Phú Quý còn có nhiều doi (mũi), lạch (bến), bãi, vịnh như: vịnh Đá Dù (lạch Dù), vịnh Thuế, vịnh Ký Phủ, vịnh Đất Cạn ở hướng chính Đông; bãi Lăng, vịnh Chà Tre, vịnh Ông Cò ở hướng chính Tây, vịnh Ông Lường, vịnh Chùa (lạch Chùa), vịnh Cây Chổi (lạch Chổi), bãi Núi, bãi Nhỏ, bãi Đá Đỏ ở hướng chính Nam và các doi lạch khác như doi Dừa, doi Ông Tỉnh, doi Thầy, lạch Ông Bền, mũi Cây Thẻ, mũi Gành Hang, mũi Trâu Nằm, bãi Phủ… Đây là những thắng cảnh tự nhiên hoang sơ, đồng thời cũng là những bãi tắm cực kỳ hấp dẫn với du khách.
Có thể nói thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý nhiều lợi thế để phát triển du lịch của một vùng biển, đảo. Có dịp ngồi trên thuyền dạo một vòng quanh đảo lớn mới thấy hết những hình hài kỳ thú của đảo. Nếu nhìn từ phía Đông, Phú Quý nổi lên như một con rồng; nhìn từ phía Bắc, trông đảo tựa như một con cá thu; và nếu nhìn từ phía Tây Nam, ta dễ dàng hình dung nó là một con cá voi khổng lồ đang trồi lên mặt nước. Các bãi tắm trên đảo lớn có bãi cát mịn và thơ mộng được tô điểm với những dãy san hô, những cụm đá gành đen lộ đầu ngoạn mục giữa muôn vàn con sóng và khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm là những yếu tố hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khí hậu ở Phú Quý
Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của cơ chế hoàn lưu gió mùa hoạt động ở vùng Đông Nam Châu Á, Phú Quý có hai mùa gió chính đối lập nhau rõ rệt: mùa gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10 (người dân đảo gọi là Mùa Nam), gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (Mùa Bấc).
Phú Quý có dưới 40 ngày dông trong năm. Tốc độ gió lớn, trung bình xấp xỉ 6.0m/s gấp 2-3 lần tốc độ gió trong đất liền. Với tốc độ gió khá lớn ở Phú Quý tạo thuận lợi phát triển loại hình du lịch thể thao biển, tham quan, giải trí… thu hút khách du lịch quốc tế.Tuy nhiên, vào những ngày mùa gió Bấc, tốc độ gió trên biển thường rất mạnh khoảng cấp 6, cấp 7, có lúc cấp 8, cấp 9, mùa này không thuận lợi cho tàu thuyền giao thông trên biển, gây khó khăn cho vận chuyển giữa đảo và đất liền.
Vùng đảo Phú Quý mùa bão thường chỉ giới hạn trong vòng 2 tháng 10 và 11 và khả năng có bão ở khu vực này ít hơn so với các khu vực khác, tần suất 0,66 lần/năm (trong vòng 60 năm trở lại đây).
Mặc dù ít có bão, nhưng trên đảo Phú Quý thường xuyên chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cũng chính áp thấp nhiệt đới là loại nhiễu động rất mạnh của thời tiết trong vùng này. Bão và áp thấp nhiệt đới sinh ra rất to, mưa lớn, biển động mạnh gây nên xói lở vùng bờ biển trên đảo làm thay đổi đường bờ, thay đổi cán cận vật lý tại khu vực, làm thiệt hại không nhỏ cho người dân trên đảo nhất là nhiều khi áp thấp nhiệt đới kéo dài, biển thường xuyên bị động mạnh nên nhiều tàu, thuyền không thể ra khơi đánh bắt hải sản được.
Phú Quý có lượng mưa trung bình hàng năm ít, khoảng 1.200 mm/năm, mùa mưa trùng với mùa gió Tây Nam và mùa khô trùng với mùa gió mùa Đông. Mùa mưa kéo dài 7 tháng, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc tháng 11, mưa tập trung nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 6 (chiếm 90%). Lượng mưa ít nhưng mưa rào lớn, nhiều nước, tạnh mưa trời lại nắng, có gió mát dễ chịu, đường sá sạch sẽ không bùn đất làm cho thời tiết mát mẻ, không khí trong lành dễ chịu tạo sự thoải mái cho du khách.
Độ ẩm trung bình trong năm đạt từ 75%-85%. Tổng lượng bức xạ đạt 150 kcal/cm2/năm, tổng số giờ nắng 2.800 – 2.900 giờ/năm. Nhiệt độ trung bình từ 22°C đến 28°C. So với đất liền, tuy trời nắng nhưng không oi bức do khí hậu ở đây chịu ảnh hưởng trực tiếp của không khí biển nên mát mẻ quanh năm.
Với đặc tính biến động mạnh mẽ trong chế độ mưa và có mùa khô kéo dài, gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và chủ động nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời gió mùa Đông Bắc mạnh cũng gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Giao thông đi lại giữa đảo với đất liền bị hạn chế, vào mùa này, lượng khách du lịch đến đảo rất ít hoặc hầu như không có, tính mùa vụ du lịch tại đảo thể hiện rất rõ do ảnh hưởng của khí hậu. Tuy nhiên, với tốc độ gió khá lớn ở Phú Quý tạo thuận lợi phát triển loại hình du lịch thể thao biển, tham quan, giải trí… thu hút khách du lịch quốc tế.
Thủy văn Phú Quý
Vùng biển Phú Quý là vùng có sóng tương đối thấp, hướng sóng thịnh hành, ổn định là hướng đông nam; chế độ nhật triều không đều chuyển sang chế độ bán nhật triều không đều, chế độ thủy triều phức tạp. Do đó, giờ xuất bến của các chuyến tàu thường không cố định, liên tục thay đổi, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến lịch trình của chuyến đi cũng như sức khỏe của khách.
Nhiệt độ nước biển vào mùa hè trung bình trong lớp nước bề mặt biển vùng ngoài khơi khoảng 28-29°C. Mùa đông nhiệt độ có hạ xuống đạt giá trị khoảng 25 – 26°C. Biên độ dao động năm của nhiệt độ nước nhỏ và khá đồng nhất trong khu vực khoảng 2.0°C – 3.0°C.
Giá trị chung của độ muối ở vùng biển này nhỏ hơn các khu vực biển kế cận, độ muối về mùa hè nhỏ hơn về mùa đông. Mùa hè giá trị độ muối khoảng 31.8 – 32.8%. Mùa đông giá trị độ muối khoảng 32.8 – 33.8%.
Nhìn chung, chế độ thủy triều ảnh hưởng khá lớn đến giao thông giữa đảo và đất liền, do đó lịch trình tàu chạy không cố định mà phụ thuộc vào thủy triều cao, thấp. Tuy nhiên, với nhiệt độ và độ muối của vùng biển phù hợp cho hoạt động du lịch biển diễn ra quanh năm.
Nguồn nước mặt trên đảo phụ thuộc vào việc tích trữ nước mưa qua các lớp phủ thực vật. Tuy nhiên trên đảo hiện không có sông, hồ hoặc ao đầm chứa nước. Phần lớn nước mưa, sau khi thấm thấu vào lòng dất (không được nhiều) đều chảy ra biển bằng các dòng chảy mặt. Nguồn sinh thuỷ phụ thuộc vào lượng mưa được thấm thấu xuống đất và độ che phủ bằng cây rừng và cây lâu năm. Việc tích tụ nước mưa hiện nay chủ yếu là do các hộ gia đình tự lo liệu, phân tán và kết quả không nhiều. Để tăng thêm nguồn nước mặt, cần xây dựng các hồ chứa nước và trồng thêm nhiều cây lâu năm để giữ nước và giảm bốc hơi.
Do được bao quanh bởi biển, diện tích đảo không lớn vì vậy một phần khá lớn nước mưa rơi trên đảo được thoát trực tiếp ra biển, đặc biệt đối với các đảo địa hình ít phân cắt, ít các thung lũng cung như các vùng trũng có khả năng trữ nước, giữ nước tạm thời cũng như không có các tầng cách nước để chặn nước dưới đất không thoát trực tiếp ra biển nên trên các đảo dòng mặt không phát triển, thường chỉ tồn tại các dòng chảy tạm thời, ít các dòng chảy thường xuyên có lưu lượng lớn.
Vùng đảo có khả năng xâm nhập nước mặm vào các tầng nước nông, gây thêm những khó khăn về nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế, dân sinh trên huyện đảo.
Tài nguyên nước ngầm đóng vai trò hết sức quan trọng trong cung cấp nước phục vụ ăn uống sinh hoạt và sản xuất trên đảo. Đất đá nằm dưới mặt đất là các bể chứa nước ngầm có vai trò trữ nước mưa để cung cấp cho đảo.
Theo kết quả dự án “Điều tra đánh giá nguồn nước ngầm vùng đảo Phú Quý – Tỉnh Bình Thuận” do liên đoàn Địa chất thuỷ văn và Địa chất công trình miền Trung thực hiện năm 1997 cho thấy: Trên đảo Phú Quý đã phát hiện 2 tầng chứa nước:
– Tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt có tuổi đệ tứ không phân chia (q) chủ yếu là phun trào baza. Nguồn cung cấp chủ yếu của 2 tầng này là nước mưa đước thẩm thấu, tích tụ lại và nhận nguồn cung cấp ở các tầng năm trên.
– Nước trong tầng chứa (q) là nước nhạt, ở các giếng mép biển là nước hỗn hợp, ở trung tâm đảo thì có nước Clorua – Natri. Tầng chứa nước (q) này là nguồn cung cấp chủ yếu cho đảo Phú Quý hiện nay.
Tài nguyên sinh vật ở Phú Quý
Nằm trong vùng biển Bình Thuận, Phú Quý với đặc điểm của nhiệt độ, độ muối và thức ăn thích hợp với nhiều loài sinh vật biển tồn tại, sinh sôi phát triển nhanh và mạnh. Đảo Phú Quý trước kia nằm trong miệng núi lửa, có một khu vực san hô rộng lớn ở vùng khơi của đảo Phú Quý… Ngoài khơi xa, về tận cùng phía Tây của đảo có dải đá ngầm bằng phẳng rộng tới 600 m2, phủ đầy cỏ biển và san hô.
Động vật biển ở Phú Quý rất đa dạng, nhiều sò ốc, vỏ xa cừ ngọc nữ, đồi mồi, tôm hùm, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, ốc đụn, ốc cẩm thạch, ốc vú nàng…nhiều màu sắc dùng làm những mặt hàng mỹ nghệ rất hấp dẫn và có giá trị cao. Cua huỳnh đế là một trong những loại hải đặc sản được nhiều người trong đất liền tìm mua vì vừa rẻ lại vừa tươi ngon.
Nhóm động vật da gai có các loài: sao biển, cầu gai cà ghim, hải sâm dồi dào về chủng loại và có khá nhiều như: hải sâm dãi, hải sâm dài, hải sâm cát, hải sâm đen, hải sâm trắng, hải sâm lựu, hải sâm vú… Từ xưa, hải sâm được liệt vào hàng “hải vị”, là thực phẩm biển cao cấp. Hải sâm thường có nhiều vào khoảng cuối tháng 9 khi nước biển trong xanh.
Ngư trường Phú Quý rộng lớn, nằm về phía Đông – Đông Nam, đây là một trong những ngư trường có trữ lượng cá nổi rất lớn, tập trung những loại cá lớn sinh sống như: mú chiên, mú giấy, hồng heo, hồng thèn, hồng chuối, hồng chữ… cùng nhiều loại mực là những nguồn lợi tự nhiên to lớn… đặc biệt cá thu có trữ lượng rất lớn và có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh hệ động vật, hệ thực vật của Phú Quý cũng rất phong phú, đa dạng gồm nhiều loại tảo quý như: rong mơ, rau câu, rau mứt…. Rong mơ phát triển mạnh từ tháng 10 – 11 đến đầu mùa hè năm sau thì bật gốc trôi đầy biển. Các loại rau câu, nhất là rau câu chân vịt và rau câu chỉ vàng mọc tự nhiên khá nhiều trên các gành đá hay những rạn san hô ở xung quanh bờ biển đảo Phú Quý. Rau câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như: thạch rau câu, canh rau câu và là nguồn đông dược được người tiêu dùng ưa chuộng, có tác dụng lợi tiểu, trị bướu cổ…Mùa thu hoạch của các loại rau này bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 8 âm lịch. Rau câu được lấy trên cạn hoặc có khi phải lặn dưới nước sâu khoảng gần 1m, việc khai thác rau câu trên đảo cũng là nghề truyền thống chủ yếu do những người phụ nữ trên đảo thực hiện. Rau câu chân vịt là được khách hàng ưu chuộng nhất, thế nhưng hiện nay rau câu không còn nhiều như trước đây.
Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên có nhiều danh lam thắng cảnh, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm cùng những bãi biển, dãy san hô, cụm đá đen, đá gành trên biển là những yếu tố rất hấp dẫn đối với du khách yêu thiên nhiên vùng biển đảo, tạo cho du khách một cảm giác thư thái, mới lạ. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên sinh vật biển dồi dào, phong phú với khu nuôi trồng hải sản bằng lồng bè hay dong thuyền câu cá trên biển cùng với người dân, hẳn sẽ làm cho nhiều du khách yêu thích khi đến với hòn đảo còn hoang sơ này.
Với thuận lợi về vị trí địa lý, ưu đãi về đặc điểm địa hình, khí hậu, đa dạng sinh học về tài nguyên sinh vật biển, Phú Quý có điều kiện thuận lợi trong khai thác các tài nguyên tự nhiên để vừa phục vụ cho du lịch cũng vừa khẳng định chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển, đảo.