Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nằm cách đất liền hơn 56 hải lý. Cuộc sống của người dân đảo bao năm qua luôn dập dìu theo những mùa gió. Nghe tiếng gió bấc thổi, các ngư dân lái đoàn thuyền nhỏ chuyển theo hướng Nam của đảo. Trong hành trình ra khơi, tôi được nghe bao nhiêu chuyện thú vị mà dân đảo Phú Quý “tạc lại” trong tâm trí, trên những công trình đình, miếu để lưu dấu các thế hệ qua một đời sóng gió.
Rạn ngầm bí ẩn
Buổi sáng tinh mơ, từ các bãi ngang nằm ở gần cảng Phú Quý, âm thanh của những chiếc ca nô lướt sóng ầm ầm trở về. Chưa có nơi nào, ngư dân mưu sinh bằng những chiếc thuyền nhỏ được đóng theo kiểu ca nô nhiều như ở hòn đảo này. Lý giải về những chiếc ca nô đông đúc là do quanh đảo có rất nhiều hòn: Hòn Tranh, hòn Trứng, hòn Nhỏ, hòn Hải, hòn Giữa… Bên cạnh đó là vô số những đụn đá nhỏ nằm rải rác, vách đá dựng đứng, vực nước sâu thẳm, nước đen ngòm, rồi bất thần có những đụn đá mấp mé ngang mặt biển, trở thành ma trận đối với dân chài.
Hiếm có nơi nào, ngư dân lái ghe, ca nô với trình độ điêu luyện như ở Phú Quý. Từ đảo nhìn ra biển, những chiếc ca nô chạy ngược gió, vì vậy, liên tục bay lên, rơi xuống. Gió bấc thổi bạt âm thanh từ biển vào bờ, từ phía ca nô phát ra âm thanh đanh chắc của máy thủy, cộng với tiếng ùm ùm khi chiếc ca nô bay lên rồi lại đáp xuống mặt sóng.
Trải qua mấy trăm năm, người dân trên đảo phải làm quen với sóng gió, đi thuyền như cưỡi ngựa trên sóng để mưu sinh và còn để sẵn sàng bảo vệ đảo. Sử sách ghi lại, năm 1833, có tới 100 người dân trên đảo bị chết và bị thương khi đối phó với bọn cướp biển, có lúc triều đình phải thực hiện chính sách biên phòng toàn dân, cấp súng cho làng, xã để tự vệ chiến đấu bảo vệ đảo.
Ở những hòn đảo xa bờ, có một điểm khác biệt so với đất liền, đó là những câu chuyện xưa cũ, những ký ức về thời gian khó luôn được người dân lưu giữ, truyền miệng lại, chạm khắc ở đâu đó trong những ngôi đình. Tại vạn An Thạnh nằm ngay trước cảng, vài ngư dân trở về sau chuyến biển đã vào thắp hương, đứng lặng trước tấm bia được khắc chữ Nho, dịch nghĩa là: “Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781)… thờ các vị tiền hiền, hậu hiền có công khẩn hoang, lập làng, dựng vạn trên đảo…”.
Vùng biển Phú Quý trù phú từng là một trong những ngư trường sôi động nhưng cũng bí ẩn nhất trong số các đảo gần bờ. Người ta giải mã về rất nhiều tàu chở cổ vật từng bị chìm đắm từ thế kỷ XVI, cách đảo Phú Quý vài chục hải lý. Những con tàu này đã rơi vào vùng nước xoáy do dòng hải lưu di chuyển rất mạnh, cộng với thủy lưu, tạo ra sóng cao bất thường.
Gió xưa, gió nay
Đảo Phú Quý có tới 1.500 tàu đánh cá, riêng trong năm 2022, sản lượng khai thác đạt hơn 32.200 tấn hải sản. Gió bấc thổi vù vù, trai tráng trên đảo vẫn tiếp tục ra biển đánh cá. Cái nghề một thời khiến cả đảo ầm ĩ giờ đây không còn nhiều, đó là nghề câu chạy. Người dân thả phía sau thuyền những lưỡi câu gắn vào mồi giả là những sợi cói được đan rất giống con cá. Cứ căng buồm cho thuyền chạy thật nhanh. Nếu biển ít gió thì ra sức chèo chống. Bầy cá rựa có hàm răng sắc nhọn bám theo cắn câu và ngư dân hò la ầm ĩ để kéo cá.
Gió bấc thổi, đám thanh niên ở đảo không gợn lên nhiều cảm xúc. Chỉ duy có những người sinh ra ở đảo vào khoảng thập niên 50-60 của thế kỷ trước thì lại tràn ngập ký ức cơ cực một đời dân đảo. Đảo Phú Quý nghe cái tên đầy sang trọng nhưng trong quá khứ, hòn đảo này gọi là cù lao Khoai Củ. Ông Huỳnh Do, một người có uy tín trên đảo, từng giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện, cứ nhắc mùa gió thì giọng ông lại gân lên, cố gắng giải nghĩa cho bằng hết cái sự khó khăn: “Ăn củ, ăn bắp, ăn đậu mèo, chứ có gạo ở đâu mà nấu”.
Nghe tiếng gió, ông Do nhớ lại và kể, thời trước đây, từ trong thị xã Phan Thiết đi ghe bầu ra đảo, có khi đi tới 2 ngày 2 đêm, đi chán chê mới tới đảo. Đó là gặp tình cảnh thuyền ngược gió và anh em trên ghe ôm 4 mái chèo. Người không chèo thì nằm khum khum hết một góc trên ghe và chịu nắng, mỗi ngày mới được phát cho một lon nước ngọt. Còn người chèo chống thì được uống nước ngọt tùy thích.
Từ năm 1999, ngư dân ở Quảng Ngãi đã đồn đãi về ngư trường ở khu vực đảo Phú Quý. Sau ngư dân Quảng Ngãi là ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng tập trung về ngư trường quanh đảo Phú Quý. Cá hồng phèn là một loại cá đặc trưng ở hòn đảo này. Theo thời gian, ngư trường dần cạn kiệt và hiện nay, cá hồng phèn gần như biến mất. Khi lượng cá ít đi, nghề câu cũng phải gác lại dần. Giờ, bà con chuyển sang đóng ghe, ca nô loại nhỏ, hàng đêm len lỏi khắp các khu vực chân đảo, như thợ săn vào núi giăng bẫy.
Đất “vàng” phát triển du lịch
Một người bạn trong đất liền hỏi tôi về chuyến đi: “Phú Quý đã hết cảnh nghèo chưa?”. Đó chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua, còn Phú Quý hôm nay đã qua rồi cảnh lơ thơ bóng người, đường đảo hoang vắng. Quyết định sống còn cho ngành du lịch ở đảo phát triển là đội tàu chở khách ra đảo rút ngắn thời gian chỉ còn từ 120-150 phút. Mùa mưa, khách du lịch đìu hiu, còn mùa nắng, con đường đảo nườm nượp bóng người. Năng lực vận chuyển của 5 chiếc tàu cao tốc đạt khoảng 1.500 khách/ngày. Lượng du khách ra đảo tăng lên từng năm, từ 16.000, lên 42.000, 95.000 lượt khách ra đảo/năm.
Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát triển du lịch trước đảo Phú Quý, vì vậy cứ nhìn vào Lý Sơn có thể định hình được một phần bức tranh du lịch của đảo Phú Quý. Du lịch sẽ thu hút một bộ phận thanh niên rời bỏ nghề biển để chuyển sang làm nghề dịch vụ trên bờ. Rồi nỗi lo lắng của chính quyền sẽ được nhắc đến với việc nguồn nước ngầm có bị cạn kiệt, dẫn tới xâm nhập mặn? Đô thị hóa quá nhanh nên hình ảnh những ngôi nhà cổ mang màu sắc quá khứ, mang nét đặc trưng rồi sẽ biến mất từng ngày, cho đến khi không còn thì dân trên đảo sẽ lại quay sang tiếc nuối.
Xem thêm: Tour Hòn Tranh Phú Quý điểm đến không thể bỏ lỡ
Lê Văn Chương
https://www.bienphong.com.vn/