Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, ở tọa độ 105o55’đến 108o58’ kinh Đông và từ 10o29’đến 10o33’ vĩ Bắc. Phú Quý cách Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100km) về hướng Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540 km về hướng Tây Nam và cách Hoàng Sa khoảng 725 km.
Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi không chỉ về tài nguyên, danh lam thắng cảnh với những bãi biển, những dãy đá san hô, những cụm đá đen nhấp nhô trên biển và khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm; một ngư trường trù phú với nhiều hải đặc sản quý hiếm mà trên đảo còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó, con người Phú Quý lại cần cù, chất phác và hiếu khách. Đảo Phú Quý trở thành một nơi du lịch hấp dẫn và đầy tiềm năng về phát triển du lịch kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận.
Diện tích đảo Phú Quý chỉ hơn 18km2, chu vi khoảng 35 km, cùng khoảng 29.000 dân nhưng Phú Quý lại có 28 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia như Vạn An Thạnh (Vạn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996.
Vạn An Thạnh
Di tích được người dân đảo Phú Quý gọi tên là vạn An Thạnh với ngụ ý muốn nói lên ước nguyện cầu mong có một cuộc sống an khang, thịnh vượng cho cộng đồng. Nơi đây tôn thờ cá voi (hay cá “Ông”) là thần hoặc thần Nam Hải gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển nước ta.
Hiện nay Vạn lưu giữ gần 100 bộ hài cốt (gồm cá voi, rùa da), bà con ngư dân coi đó là hài cốt của ông bà nên tôn thờ với những nghi thức kính cẩn. Với gần 100 bộ hài cốt cá ông, rùa biển đủ niên đại, kích cỡ, Vạn An Thạnh là nơi có một bộ sưu tập phong phú về cá ông rất có giá trị trong việc nghiên cứu sinh vật biển đối với các nhà hải dương học.
Tại Vạn còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn). Đây là bộ xương cá Voi lớn thứ hai ở Bình Thuận (sau bộ xương cá Voi ở Vạn Thủy Tú, Phan Thiết).
Chùa Linh Quang
Hay Chùa Linh Quang (Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996, được coi là ngôi chùa được tạo lập sớm nhất trên đảo Phú Quý. Đến với chùa Linh Quang ngoài vãng cảnh chùa, lễ Phật; du khách còn khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng Phật giáo trên đảo Phú Quý, được nghe những huyền thoại linh hiển gắn với quá trình hình thành ngôi chùa và khai sáng Phật pháp nơi đây.
Mộ thầy Sài Nại
Bên cạnh đó, sự tôn kính của người dân nơi đây còn hướng về khu dinh mộ Thầy Sài Nại. Theo truyền thuyết, Thầy Sài Nại là một thương gia người Hoa và có hiểu biết về các loại thuốc để chữa bệnh. Trong một lần sang Việt Nam buôn bán, thuyền của ông bị bão tố đẩy lên đảo Phú Quý; ông bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của đảo nên quyết định ước nguyện gắn bó suốt đời với nơi này nên sau khi mất Thầy được nhân dân chôn cất rồi đắp nên khu dinh mộ Thầy Sài Nại vào năm 1665. Người dân đảo đều đến dinh mộ Thầy Sài Nại cầu nguyện khi gặp khó khăn để được đầu xuôi đuôi lọt hay đi biển được mùa tôm cá. Hàng năm, Lễ cúng Thầy được tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch với nhiều nghi thức lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa miền biển (như hát bội cầu an).
Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh
Một địa chỉ tín ngưỡng dân gian nữa của Phú Quý là Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh (đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2007. Sau đó, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2015).
Đền thờ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ XV, theo sử sách tài liệu tương truyền rằng, Bà vốn là công chúa Chiêm Thành, do không chịu sự ép duyên của vua cha nên bà bị thả xuống thuyền đày biệt xứ từ khi còn rất trẻ. Thuyền trôi đến đảo, Bà quyết định ở lại khai khẩn lập nghiệp. Sau này, Bà còn giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm nên khi mất Bà được lập miếu thờ và cúng giỗ hàng năm. Do công lao to lớn cũng như sự linh thiêng của Bà trong việc phù hộ, độ trì cho người dân trên đảo, nên Bà được tôn xưng là Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo.
Du khách đến đền thờ công chúa Bàn Tranh, ngoài bái lễ, chiêm ngưỡng lối kiến trúc mang đậm dấu ấn giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong lịch sử; được nghe những câu chuyện kể, sự tích linh hiển về Bà, ngắm nhìn thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của núi Cao Cát từ xa.
Chùa Linh Sơn
Tọa lạc trên núi có ngôi chùa cổ hơn trăm tuổi của đảo Phú Quý, đó là ngôi chùa Linh Sơn cao 200m so với mặt nước biển. Từ khoảng không của chùa, cũng là vị trí cao nhất của ngọn núi phóng tầm mắt nhìn khắp đảo với màu xanh mênh mông của đại dương bao bọc xung quanh.
Ngoài Linh Sơn, mỗi ngôi chùa hàng trăm tuổi trên đảo còn kỳ lạ bởi những nét chạm trổ riêng, những nghệ thuật kiến trúc riêng cùng những câu chuyện huyền bí giải thích cho sự ra đời của ngôi chùa.
Hòn Tranh
Phú Quý còn rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng, trong đó không thể bỏ qua khi đến Đảo Phú Quý đó là Hòn Tranh. Một trong quần thể các đảo nhỏ ở Phú Quý. Trước kia hòn này là một đảo hoang, cỏ tranh mọc um tùm nên được gọi là Hòn Tranh. Hòn Tranh quanh năm có sóng yên biển lặng, bãi biển phẳng lì, cát trắng mịn, nước trong xanh đến nỗi có thể nhìn thấy tận đáy, soi rõ từng rạng san hô và các loài tảo biển. Với cấu trúc từ dung nham núi lửa phun trào, Hòn Tranh có một hang động kỳ bí, nhiều dáng đá lạ hình dạng khác nhau với màu chàm nâu, đen. Không chỉ sở hữu bãi cát mịn màng, nước trong xanh… Trên đảo Hòn Tranh có ngôi miếu Trấn Bắc được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX. Trên khám thờ Thần ở Chính điện ngôi miếu đặt 2 bài vị của Bắc Quân Đô Đốc và Bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na. Đến với Hòn Tranh du khách còn nghe những câu chuyên truyền thuyết về vua Gia Long- khi còn là Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi và đã từng đến đây ẩn náu; cũng như nghe kể về sự linh hiển của miếu Trấn Bắc trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân trên đảo Phú Quý.
Vịnh Triều Dương
Riêng đảo chính Phú Quý, không thể không chiêm ngưỡng và tận hưởng những bãi tắm trinh nguyên phẳng lì, trắng au xa tít. Nếu vịnh Triều Dương với sự lãng mạn và thơ mộng của bức tranh thuỷ mặc biển-cát, bãi Đồi Dương là hội tụ nhiều sắc màu thi vị của thiên nhiên như rừng cây, dốc đá, làng chài.
Thì nơi đây còn khiến du khách phải say mê và ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ của bãi Nhỏ – Gành Hang bởi những vách đá đen thô sơ, sừng sững dựng đứng sát biển với nhiều hình thù khác nhau do dấu ấn nham thạch của hoạt động phun trào núi lửa trước đây để lại; Đặc biệt, dưới bàn tay tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên, các vách đá lớn còn được kết nối với nhau tạo thành một hố trũng giữa biển, được nhiều người yêu thích gọi là “hồ bơi nước mặn” độc đáo mà bạn sẽ chẳng thể tìm thấy ở các bãi biển khác quanh đảo…
Thưởng thức ẩm thực
Đến với Phú Quý còn là đến để thưởng thức những món ăn ngon ngọt chế biến từ nhiều loại hải đặc sản, để tận mắt tìm hiểu những làng bè trên biển nuôi ốc hương, cá mú, tôm hùm, cua huỳnh đế…Đến du ngoạn Phú Quý, du khách sẽ hài lòng với những thú tiêu khiển như tắm biển, lặn ngắm san hô, ca nô lướt sóng, câu cá, sưu tầm các loài sinh vật biển…
Tiềm năng Du lịch Phú Quý ngoài di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh, hải sản quý hiếm. Tuy nhiên về lâu về dài, du lịch Phú Quý phải lấy thế mạnh từ những làng chài, nghề ngư và những bãi biển, hòn đảo, ngọn núi còn hoang sơ, chưa có tác động quá mức của con người cùng với lối sống của người dân trên đảo thì cái mộc mạc, chân chất, hoang sơ chính là điểm mạnh, tạo nên phong cách của du lịch Phú Quý làm cơ sở cho sự phát triển một cách bền vững.
Hàng My
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận