Về nguồn gốc cư dân đảo Phú Quý, theo các sự tích cũ thì cộng đồng người Chăm, người Kinh, người Hoa đến đây sinh cư lập nghiệp từ khá sớm. Người Chăm là chủ nhân đầu tiên đến khai phá trên đảo.
Trong điều kiện tư liệu còn hạn chế, chúng ta vẫn chưa thể biết đích xác họ đặt chân đến đảo vào thời điểm nào, nhưng có giả thiết cho rằng họ đến đảo vào khoảng từ thế kỷ XV – XVI. Căn cứ vào những dấu tích cổ xưa nhất còn lại trên đảo như: miếu Bà Chúa, những ngôi mộ cổ của người Chăm ở ấp Tây Long Hải, những giếng cổ bằng đá được làm theo kiểu của giếng người Chăm, cách xây nhà… cho thấy người Chăm đến đảo từ rất sớm khi chưa có người Việt, và đặt tên đảo là Koh Rong. Sau đó là tập đoàn người Việt đầu tiên đến Phú Quý (khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII).
Thế kỷ XVII – XVIII là thời kỳ lịch sử nhiều biến động, gắn liền với nó là công cuộc khai phá, mở rộng bờ cõi phía Nam do các chúa Nguyễn khởi xướng. Vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627 – 1672), chỉ trong vòng nửa thế kỷ: “Hai bên đánh nhau 7 trận lớn. Từ nam Nghệ An đến Quảng Bình trở thành chiến trường… nội chiến đã để lại biết bao hậu quả đau lòng không chỉ về vật chất, về con người mà cả về tinh thần của nhân dân cả nước…”, “trong cuộc chiến tranh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn cảm thấy vấn đề mở rộng lãnh thổ vào phía Nam – nếu có thể làm được – có ý nghĩa sống còn với chính quyền của mình… Từ năm 1611, công cuộc mở rộng lãnh thổ bắt đầu và kéo dài đến giữa thế kỷ XVIII, bằng hai con đường chính là: di dân và xâm lấn. Trong quá trình đó, một mặt các chúa Nguyễn để cho dân nghèo ở các đất Bắc Thuận Hoá tự do di cư vào Nam khai phá đất hoang lập làng. Mặt khác, các chúa cũng khuyến khích các nhà giàu mộ dân vào Nam khai hoang và tự mình cho quân lính, tù binh vào tham gia khai phá đất đai, lập thành ruộng đồng làng xóm”. Một bộ phận lớn nhân dân vùng Ngũ Quảng (Quảng bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và ở vùng Bình Định, Phú Yên giỏi nghề nông, làm biển, ngành nghề thủ công đã lần lượt rời bỏ quê hương tìm đến vùng đất phía Nam để khai phá và tạo dựng cuộc sống mới. Và trong số đó đã có không ít người dừng chân tại địa bàn tỉnh Bình Thuận để lập nghiệp, mưu sinh. Có nhiều giả thiết đặt ra là: “một số người Việt đến đảo Phú Quý cũng nằm trong trào lưu di dân của thời điểm lịch sử này”. Ở đảo còn lưu truyền câu hát vè, cho thấy tâm lý hướng về nguồn cội của nhóm người kinh đầu tiên đặt chân lên đảo:
“Xuôi lên ngang mũi Sa Kỳ
Ngó lên lao Ré xiết chi nỗi sầu
Kể sao cho xiết thương ân
Ông bà ta trước ban đầu ở đây
Cũng vì mưa tạt gió vây
Cho nên xiêu lạc chỗ này chỗ kia”.
Trước tình cảnh khủng hoảng, chiến tranh, đất nước chia cắt như vậy, nhiều nhóm ngư dân duyên hải miền Trung trên đường lánh cảnh loạn lạc, hoặc đi tìm nguồn cá, vô tình đã đến đảo Phú Quý ẩn náu và lập kế sinh nhai. Đứng trước một hòn đảo rộng, người thưa, ngư trường lại rộng lớn giàu cá tôm, nên họ quyết định về quê vận động bà con thân thuộc đến đây lập nghiệp. Ai đến trước thì chọn vị trí ở giữa, ai đến sau thì ở xung quanh hòn. Căn cứ vào một số công văn hành chính được viết bằng chữ Hán Nôm, của các thôn ấp, gửi cho triều đình nhà Nguyễn thì chúng ta có thể phần nào biết đích xác về nguồn gốc cư dân ở đây. Chẳng hạn như đơn từ xin lập ấp Quý Thạnh, trong đơn viết: “…Tổ phụ chúng tôi xưa kia vốn người có nguyên quán ở hai phủ Bình Định, Quảng Ngãi, gặp mùa đói kém nên phiêu bạt đến ngụ ở xứ Cù Lao Thu khai phá vùng đất hoang nhàn. Sau này có lời truyền 50 nóc nhà được lập thành một ấp, ông cha chúng tôi đã đăng bộ và xứ ấy là Thương Hải để nộp thuế hàng năm”. Về sau khi người Việt đến đảo đông và thế lực dần mạnh hơn đã lấn áp người Chàm. Vì bị thua kém người Việt nên người Chàm từ từ rời bỏ đảo đi nơi khác.
Cùng với người Chăm và người Kinh, một số người Hoa cũng hòa nhập vào cộng đồng cư dân Phú Quý. Theo sách sử, vào thế kỷ XVII một số quan quân nhà Minh cùng họ hàng gia quyến, sau khi chống nhà Thanh thất bại, không chịu khuất phục, đã dong thuyền vào Nam nước ta, xin chúa Nguyễn cho được định cư lập nghiệp ở vùng đất Thuỷ Chân Lạp (Đông Nam Bộ ngày nay). Họ dùng thuyền vượt biển đi về phương Nam, hàng chục thuyền ghé lại đảo Phú Quý tiếp nước ngọt, nghỉ ngơi và dừng chân lập nghiệp ở đó. “Cùng với người Kinh, một số người Hoa, cũng hòa nhập vào cộng đồng cư dân ở Phú Quý, vào khoảng thế kỷ XVII”. Khi đặt chân lên hòn Cù Lao Thu, các Hoa kiều đem đến cho hòn đảo nhỏ một luồng không khí mới, năng động hơn, tất bật hơn. Người Hoa vốn rất giỏi về chăn nuôi, buôn bán, nên khi đến đây họ đã phát huy thế mạnh của mình. Nhiều người trong số họ đã làm ăn khấm khá và trở nên giàu có. Nhưng có lẽ mảnh đất ấy không đủ chỗ cho họ phát huy hết sở trường của mình, dần dà họ đã di cư vào các thành phố lớn ở đất liền. Họ như cánh chim bằng muốn hòa mình vào không gian bao la của đất trời, đến muộn và ra đi rất sớm. Tuy nhiên không vì thế mà dấu ấn văn hóa của người Hoa họ trở nên phai nhòa trong kí ức người dân nơi đây.
Một mình trơ trọi giữa đại dương mênh mông sóng nước, đảo Phú Quý dường như bị cô lập hoàn toàn với thế giới xung quanh. Từng ngày trôi qua, người dân trên đảo phải vật lộn với những cơn sóng gió dữ dội của đại dương, hay phải chống lại những cuộc đổ bộ của bọn cướp biển hung ác để tồn tại và mưu sinh. Chính vì vậy mà ngay từ đầu, cộng đồng dân cư ở đây đã sớm biết nương tựa vào nhau, chung lưng đấu cật, tự lực tự cường cùng nhau đoàn kết chống lại mọi trở ngại khó khăn.
Chính nhờ đời sống cộng cư này, đã mang lại cho hòn đảo nhỏ một sức sống tươi trẻ dâng trào, một bề dày lịch sử, một nội lực văn hóa mạnh mẽ, phong phú và khá tinh tế.
Từ bao đời nay, trong đời sống văn hóa tinh thần, và trong mọi sinh hoạt cộng đồng của bà con xứ đảo, vẫn còn mang đậm dấu ấn của sự giao thoa hài hòa giữa các nền văn hóa Chăm – Hoa – Việt. Miếu thờ Bàn Tranh, miếu bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi (Chăm), miếu Quan Thánh Đế Quân, miếu Thầy Nại (Hoa), Miếu Thành Hoàng làng là chứng tích về sự đan kết văn hóa đó.
Trải qua nhiều bước đi thăng trầm của lịch sử và thời gian, mối gắn kết ấy vẫn được duy trì phát triển và bổ sung cho nhau, tạo nên truyền thống văn hóa hải đảo đặc sắc.
Điều này được thể hiện rất rõ nét qua một số phong tục tập quán, tín ngưỡng, cũng như trong văn học dân gian, mà nhân dân nơi đây vẫn còn gìn giữ được.
Do điều kiện sống khách quan, nên người Chăm rất giỏi về làm nương rẫy, và có truyền thống làm thủy lợi rất đặc sắc. Về mặt tín ngưỡng họ là những người đa thần và tôn thờ vật tổ (Tôtem), luôn tạo ra những niềm tin thần bí về vật tổ hoặc các vị anh hùng của họ. Trong thói ăn nếp ở của mình, người Chăm luôn thể hiện tính văn hóa truyền thống và nhất nhất tuân thủ những điều luật ấy. Chẳng hạn như họ không bao giờ trồng cây xanh quanh nhà vì sợ có ma quỷ trú ngụ. Để bảo vệ ngôi nhà của mình, họ thường xây những tường đá thấp bao quanh nhà (trong tín ngưỡng của người Chăm, đá luôn là một vật thể có linh hồn và rất linh thiêng). Bên cạnh đó, người Chăm còn rất giỏi trong các ngành nghề thủ công truyền thống như: dệt vải và làm đồ gốm.
Được xem là những chủ nhân đầu tiên cư ngụ tại đảo Phú Quý và cũng là những người rời đảo sớm nhất, người Chăm đã kịp để lại cho mảnh đất bé nhỏ một di sản văn hóa tinh thần và vật chất phong phú. Mà người được thừa hưởng những tinh hoa văn hóa ấy, không ai khác là những lưu dân đến từ dải đất miền Trung chật hẹp, gian khó. Từ buổi ban đầu bỡ ngỡ khi đặt bước chân lên hòn đảo nhỏ “xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”, những tộc người Việt đã sớm nhận ra giá trị của nền văn hóa Chăm và đã nhanh chóng tiếp thu một cách chủ động có chọn lọc, trên tinh thần gạn đục khơi trong. Mà trước hết là đón nhận lấy những gì tốt đẹp, tiện ích phục vụ cho nhu cầu sống tối thiểu của mình. Không có thói quen “dựng nhà mái thấp, ít cửa sổ, đi phải khom lưng như người Chăm”, nên người Việt vẫn xây dựng nhà cửa thoáng mát, cao rộng. Thế nhưng ở đảo, mỗi khi đổi mùa thì đất, cát và gió cứ tung bay trắng trời. Để đối phó với thiên nhiên, người Việt đã học hỏi cách xây tường rào bằng đá của người Chăm để che xung quanh nhà. Mỗi khi đi làm nương, phải vượt qua những gò đồi cao, cây cối rậm rạp, cát nóng phỏng chân, lại phải thồ vác nặng, thì nhờ có chiếc gùi được làm theo cách của người Chăm, nên bà con lưu dân mới phần nào vơi bớt mệt nhọc.
Để đối phó với môi trường khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào những buổi trưa hè oi ả nóng bức, rát mặt bỏng chân, những đêm khuya giá rét lênh đênh trên biển để câu mực, đánh cá, những ngày mùa thất bát đói kém, người Việt cũng đã học hỏi kinh nghiệm làm nương rẫy, trồng bông, dệt vải của người Chăm, để giải quyết nhu cầu ăn mặc. Vốn chăm chỉ lại khéo tay, nên họ nhanh chóng tìm được bí quyết ngành nghề để tạo ra những súc Vải Bạch bố bền chắc, trồng được các loại đậu, bắp, khoai có chất lượng cao.
Đời sống tâm linh là cái nền vững chắc nhất của quan hệ cộng đồng. Do ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ rất mạnh đối với văn hóa gốc nông nghiệp, nên người Chăm và Việt đều có truyền thống thờ các nữ thần (tín ngưỡng thờ mẫu). Về mặt danh xưng “Mẫu” (từ gốc Hán – Việt), còn thuần Việt là “Mẹ”, danh xưng cho người phụ nữ đã sinh thành ra một người nào đó, ngoài ra còn bao hàm nghĩa rộng hơn mang tính tôn vinh.“Đối với tín ngưỡng người Việt, Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất…Các Mẫu được lập đền thờ cúng ở khắp nơi, chẳng hạn như: Phật Mẫu Man Nương (chùa Dâu – Bắc Ninh), Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Giày – Nam Định)”… Nhưng trong số các Mẫu được thờ cúng thì Thánh Mẫu Thiên Y A Na là có “số phận lịch sử” đặc biệt hơn cả. Đối với ngưới Chăm, Pô Inư Nagar (Thiên Y A Na) là vị nữ thần đáng kính nhất và có vai trò quan trọng nhất.
Là một nhân vật huyền thoại từ cõi trời giáng thế xuống trần gian:“Lúc vũ trụ còn chìm đắm trong tối tăm mù mịt, Pô Inư Nagar là một sinh thể tự sinh (engkat) đầu tiên và duy nhất”, “Từ hoang sơ, Nữ thần đã tạo ra trời đất, các vì sao, mây mưa, sấm chớp, con người, vật nuôi, cây trồng. Pô Inư Nagar tạo ra các vị thần, sinh các vua Chăm để cai quản đất nước…dạy người Chăm biết cày, biết cuốc, biết dệt, biết thêu…”. Vì vậy Thần được xem là thần mẹ xứ sở vĩ đại che chở cho muôn dân, là vị thần văn hóa, thần sáng thế của người Chăm.
Trong lịch sử, qua quá trình tiếp xúc văn hóa với dân tộc Chăm, người Việt đã tự làm giàu văn hóa của mình, nhất là tiếp thu “gia sản” tri thức về văn hóa biển.
Khi đặt chân lên vùng Pandurang:“địa bàn cư trú của ngưới Chăm từ Phan Rang đến Bình Thuận ngày nay”, người Việt gặp ngay một Bà mẹ tại vùng đất mới và sẵn sàng tôn thờ Mẹ theo tinh thần thờ Mẹ vốn có của người Việt. Người Việt đã gởi gắm Mẹ Việt trong Mẹ Chăm. Nói cách khác, Thiên Y A Na chính là sự Việt hóa Bà Mẹ xứ sở của người Chăm, mà địa bàn của quá trình Việt hóa này là miền Trung Trung Bộ. Như vậy Thánh Mẫu Thiên Y A Na là một vị nữ thần mang trong mình sự hỗn dung văn hóa Chăm – Việt. Do đó, chúng ta cũng có thể hiểu được lý do vì sao mà những người lưu dân ở đảo Phú Quý cũng nhất mực tôn kính, thờ phụng vị Thượng Đẳng Thần này. Mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các tộc người còn được thể hiện rất rõ trong văn học, mà tiêu biểu nhất là ở các truyện kể dân gian. Trên đất đảo cũng còn lưu truyền một truyền thuyết khác về một vị nữ thần Chăm, cũng được xem là Mẹ xứ sở. Đó là truyền thuyết về Bà Chúa, người phụ nữ đầu tiên có công khai phá mảnh đất hoang sơ và biến nó thành những làng mạc trù phú, nhưng với nội dung khác hẳn so với các truyện kể trước đó. Mặc dù Bà Chúa không có được sự bất tử, biến hóa vô biên như Thần Sáng Thế Pô Inư Nagar, nhưng khi qua đời Bà vẫn được nhân dân tôn thờ kính cẩn và trở thành một trong hai vị thần có quyền lực nhất trên đảo. Nên khi người Chăm rời bỏ hòn đảo để đến nơi khác làm ăn sinh sống, người Việt đã thay họ “tiếp quản” ngôi miếu thờ Bà Chúa và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, hết lòng phụng thờ Bà Chúa Bàn Tranh. Tương truyền rằng những mảnh ruộng xưa kia Bà Chúa cấp phát cho dân, nay đều được nhân dân đảo gọi với một cái tên rất thân mật: Ruộng Bà Chúa. Những thửa ruộng này vẫn còn được giữ lại và nhân dân trong vùng không canh tác trên đất ấy, như để thể hiện tấm lòng tôn kính với vị thần xứ sở.
Cũng giống như truyền thuyết về Thiên Y A Na, về Bà Chúa, truyền thuyết về Thầy Chúa không chỉ cho chúng ta thấy công lao to lớn của vị thần này, mà còn mở ra một chân trời mới gợi nhắc lại về mối quan hệ văn hóa, nguồn gốc tộc người giữa hai dân tộc Hoa – Chăm. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết kể rằng Thầy Nại (thầy địa lý người Hoa) lại xuất thân là một vị hoàng tử người Chăm. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Thầy Nại lại gọi công chúa Bàn Tranh (người Chăm) là chị và họ đã cùng hiển linh, sát cánh bên nhau, để bảo vệ hòn đảo nhỏ bé thân yêu nhưng đầy ắp tình người này. Trong tâm thức văn hóa người Chăm, họ luôn hướng về nguồn cội của mình, điều này chúng ta có thể thấy rõ qua truyền thuyết về Thầy Nại:“Truớc khi trở thành thầy Địa lý, thầy Nại là vua nước Chăm, nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy nên trôi dạt sang Trung Hoa và sinh sống tại đó”.
Như vậy, theo truyền thuyết thì Bà Chúa Bàn Tranh và Thầy Sài Nại đều có cùng chung một nguồn cội và đều là người Chăm. Nên khi biết Bà Bàn Tranh hơn tuổi mình, Thầy Nại đã chủ động gọi bà Chúa là chị là rất hợp lý và rất có cơ sở. Sự đoàn kết hòa hợp giữa các tộc người trên hòn Cù Lao Thu còn được thể hiện ở một khía cạnh khác. Theo như truyền thuyết thì đó chính là những lúc “Nhân và Thần” cùng bàn bạc, hợp sức chống trả lại kẻ thù quấy nhiễu. Nhân cầu Thần, Thần linh hiển phò trợ, chỉ huy. Chính nhờ những tâm thức luôn hướng về nguồn cội ấy, cùng với tấm lòng yêu mến quê hương tha thiết, yêu mến mảnh đất nhỏ chơ vơ giữa đại dương nhưng kiên cường vượt qua bao gian khó, đã tạo nên “chất kết dính”, làm nên sức mạnh cố kết cộng đồng. Để rồi các tộc người Chăm – Hoa – Việt trên đảo Phú Quý cùng sát cánh, chung lưng đấu cật, nương tựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển.
Ngoài niềm tin về sự hiển linh cùa Thầy Nại, người dân ở Phú Quý còn dành cho Thần Quan Thánh Đế Quân, vị thần của người Hoa, một sự ngưỡng vọng thành kính đến vô cùng. Bởi Đức Quan Thánh là biểu tượng cho những gì cao đẹp nhất của đấng bậc quân tử: trung hiếu, tiết nghĩa, can trường “Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công” (Hồ Chí Minh).
Không giống như các vị thần khác được nhân dân phụng thờ ở đảo, bởi Quan Thánh có một “lai lịch” rõ ràng, và là nhân vật có thật trong lịch sử thời Tam Quốc (Trung Quốc), nên nhân dân ở đây thờ Thần trong một tâm thế kính cẩn, thần phục chứ không sợ, e dè như đối với Thầy Nại. Có lẽ vì Thầy Nại có một xuất thân không bình thường, lại là thầy địa lý thông hiểu thiên văn, cơ trời, có phép thuật thần thông, biến hóa khôn lường.
Sự giao kết, giao lưu văn hóa giữa các tộc nguời Chăm – Việt còn được phản ánh trong tập tục thờ cúng Cá Ông. Trong tín ngưỡng của người Chăm, họ rất tôn thờ vị thần biển Nam Hải (tiếng Chăm gọi là Thần Po Riay hay Po Yamư).
Chúng ta đều biết người Việt “Cơ bản là nông dân, nên tín ngưỡng của họ gắn bó với nông nghiệp, tuy nhiên có một bộ phận sống ven biển, đặc biệt là từ Trung Bộ vào Nam Bộ, làm nghề đánh cá nên tín ngưỡng của họ gắn bó với sông nước, biển khơi…Đó là tục thờ thủy thần”. Bên cạnh đó, những người lưu dân Việt trên đường Nam tiến, đã tiếp thu tín ngưỡng này của người Chăm trong quá trình giao lưu văn hóa và Thần Nam Hải đã đi vào tín ngưỡng dân gian của người cư dân Việt một cách sâu sắc, đậm nét. Theo truyền thuyết dân gian của người Chăm, “Vị thần Cha-aih-va vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại vị thầy của mình và tự ý biến thành Cá Voi ra sông lớn mà đi và sau đó bị trừng phạt. Cha-aih-va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng biển). Từ đó mỗi lần có thuyền lâm nạn vị thần này đều nâng đỡ và đưa người bị nạn vào bờ”. Tiếp thu những giá trị văn hóa tinh thần của người Chăm, người Việt đã nuôi dưỡng niềm tin về sự linh hiển của Thần Nam Hải và đức tin ấy cứ thế mà lớn dần theo năm tháng.
Trên đảo Phú Quý, hàng năm ngư dân vạn chài vẫn tổ chức những nghi lễ thờ cúng trang trọng để ca ngợi, tôn vinh công đức của Thần Cá Voi và cầu mong cuộc sống ấm no thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Riêng đối với tộc người Hoa thì không có tín ngưỡng thờ Cá Voi, vì họ không coi đó là linh vật và vẫn đánh bắt cá voi một cách tự do.Vì thế trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu nói:“Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư” (ở Miền Nam là thần, Miền Bắc chỉ là cá).
Sự sùng bái, tôn thờ các vị thần giống nhau của các tộc người, một lần nữa cho chúng ta thấy mối quan hệ gắn bó giữa các nền văn hóa. Bởi văn hóa là cái đặc trưng chỉ có ở con người xã hội, mà không phải ở cá thể tự nhiên và chính sự hợp quần thành xã hội của các cá thể người mới là nền tảng đích thực của văn hóa. Chỉ trong giao lưu diễn ra trong nội bộ cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau thì văn hóa mới có thể tồn tại. Cho nên sự giao lưu, tiếp biến văn hóa là sự vận động thường xuyên và mang tính tất yếu. Và điều này cũng sẽ trả lời cho câu hỏi: tại sao trên đảo Phú Quý chúng ta lại thấy ở Miếu thờ Thần Trấn Bắc lại có thờ cả bài vị của Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, trong chùa Linh Quang Tự lại vừa thờ Phật tổ, vừa thờ Quan Thánh, hay khi người dân làm lễ rước Sắc Thầy Nại lại phải đến Miếu bà Bàn Tranh để tế lễ trước rồi mới rước Sắc về dinh Thầy.
Tất cả những điều này đều hàm ẩn một thông điệp của tín ngưỡng dân gian nơi đây, đó là có một sự hòa hợp rất sâu đậm của văn hóa Chăm – Hoa – Việt. Mà ở đó, con người và thậm chí là cả các vị thần linh đã bao đời gắn bó với mảnh đất này, làm nên một nét đẹp riêng, một bản sắc văn hóa riêng của xứ đảo.