Dọc các con đường, ngõ hẻm hay tại chợ Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh ở Phú Quý du khách rất dễ bắt gặp một món ăn giống bánh khọt mà không phải bánh khọt, đó chính là bánh căn.
Trong rất nhiều tài liệu về Phú Quý có đề cập đến Phú Quý vốn là đất của Vương quốc Champa, người Chăm gọi tên là Koh-rong, về sau người Việt gọi là Cổ Long. Ngoài ra, nó còn có nhiều tên khác: Thuận Tịnh, cù lao Khoai Xứ, cù lao Thu, đảo Chín Làng, Phú Quý (Pulo Cecir de Mer). Trong điều kiện tư liệu còn hạn chế, có giả thiết cho rằng người Chăm đến đây vào khoảng thế kỷ 15-16, người Việt đến đây khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.
Ẩm thực là một phần của nền văn hóa, theo nhiều người kể rằng món ăn này vốn xuất phát từ một món ăn giản dị của người Chăm nên ở Phú Quý trải qua nhiều thế hệ món bánh này thông dụng cũng không có gì xa lạ.
Để làm món bánh này, người ta ngâm gạo tẻ rồi xay bột. Trước khi xay, trộn thêm ít cơm nguội phơi khô (đây là bí quyết riêng của người dân vùng này để bánh được giòn). Cũng như nhiều loại bánh làm từ gạo khác, phải dùng gạo khô vì nếu gạo mới, gạo dẻo thì bánh sẽ bị dính, không róc ra khỏi khuôn. Thêm nước vừa đủ để pha bột, nếu loãng quá hay đặc quá đều làm bánh bị nhão, sống, hoặc khê trước khi kịp chín.
Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng huyện đảo, đa số người dân địa phương đều phải tự cung, tự cấp và tự sản xuất các trang thiết bị nhà bếp, trong đó có khuôn đất để đổ bánh căn. Và đến nay, món bánh căn ngon đúng điệu phải được đổ bằng khuôn đất, đó là dạng lò đất nung, mặt trên là mâm tròn với nhiều lỗ tròn vừa đủ để đặt khuôn bánh nhỏ, hình tròn lên trên. Đây chính là những lỗ thông hơi để hơi lửa có thể bốc lên làm chín bánh.
Đợi than hừng, khuôn đã nóng, người thợ khéo léo rót bột vào khuôn rồi đậy nắp lại. Bánh chín thì cạy ra, lật ngược để lên bánh khác. Cứ như vậy, bánh căn ở đây không tính từng cái mà tính theo cặp hai chiếc bánh úp vào nhau. Bánh căn ngon phải đảm bảo độ giòn nhẹ bên ngoài, xốp mềm bên trong, vỏ trắng vàng, thơm nhưng không bị cháy khét. Muốn được như vậy, phải canh bánh sao cho vừa đạt là lấy ra liền, cạo sạch khuôn cho mẻ tiếp theo.
Từ những chiếc bánh nguyên bản, sau này người ta biến tấu thêm nhiều loại nhân trứng, thịt heo, tôm, mực… khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách. Khi bánh vừa chín tới, rắc thêm ít hành lá cắt nhỏ để bánh vừa thơm vừa đẹp mắt. Chiếc bánh căn trắng phau, trứng cút vàng ruộm, tôm đỏ au cùng hành xanh mơn mởn tạo thành một tổng thể món ăn rất đặc sắc. Nhưng phải có thêm nước chấm thì tổng thể ấy mới hoàn chỉnh.
Độc đáo nhất là bánh căn nước cá, thường chỉ có ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận nói chung và Phú Quý nói riêng. Cá ngừ nhỏ hoặc cá nục kho mẳn, lấy nước cá kho làm nước chấm. Gắp bánh bỏ vào tô nước cá để bánh ngập nước, thấm vị rồi ăn. Ai không thích nước cá thì đã có sẵn mắm nêm để lựa chọn. Còn ai không thích cả hai thì quay lại vị truyền thống của chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nước chấm đậu phộng giã nhuyễn để thử.
Từ một món ăn dân dã, giản dị của người Chăm, ngày nay bánh căn đã được sáng tạo theo nhiều cách khác nhau khiến nó trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn, trở thành thương hiệu riêng thu hút khách du lịch của mỗi vùng.