Giải phóng Quần đảo Phú Quý

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), vetauphuquy.vn tổng hợp chi tiết lịch sử ngày giải phóng quần đảo Phú Quý, thế hệ trẻ hiện nay có thể xem đây là những minh chứng, là tư liệu để truyền thụ, bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước.

Ngày 10-3-1975, các lực lượng vũ trang giải phóng mở trận đột phá chiến lược then chốt vào Buôn Ma Thuột, rồi lần lượt giải phóng hàng loạt các tỉnh Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và miền Nam Trung Bộ.

Ngày 16-4-1975, các lực lượng vũ trang giải phóng trên chiến trường Khu 6 – cực Nam Trung Bộ đã đập tan lá chắn phòng ngự từ xa của quân ngụy Sài Gòn tại Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Trong thế tiến công như chẻ tre của các binh đoàn chủ lực, ngày 19-4-1975, tỉnh Bình Thuận được giải phóng và ngày 23-4-1975, giải phóng tỉnh Bình Tuy. Tất cả những tin tức nóng hổi trên đã nhanh chóng lan truyền ra đảo Phú Quý. Do quá bức xúc trước tình hình thời cuộc biến chuyển mau lẹ trong đất liền, ngày 22-4-1975, ông Trần Nghĩa cùng một số thanh niên ở Long Hải đã tự phát đứng lên cướp vũ khí của trung đội nghĩa quân và quân phòng vệ dân sự của dịch đóng tại làng. Song do tương quan lực lượng hai bên quá chênh lệch, nên số thanh niên tự phát cướp vũ khí địch ở Long Hải đã bị kẻ thù tàn sát dã man. Tuy căm phẫn trước tội ác man rợ của kẻ thù, nhưng người dân trên đảo vẫn phải dằn lòng, chờ lực lượng của trên từ đất liền ra tiếp sức giải phóng đảo, mới có thể bảo đảm giành được thắng lợi.

Cùng thời điểm trên, Tỉnh ủy Bình Thuận khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cho việc giải phóng quần đảo Phú Quý. Chiều 24-4-1975, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập “Đoàn quân dân chính” tham gia vào lực lượng giải phóng đảo Phú Quý. Đoàn do đồng chí Nguyễn Thanh Tâm – Tỉnh ủy viên Bình Thuận, Bí thư Huyện ủy Tuy Phong làm trưởng đoàn. Đồng thời, nhằm quán triệt tình hình trên đảo, Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho các cán bộ phụ trách “Đoàn quân dân chính” đến làm việc với Huyện ủy Tuy Phong, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Tâm. Trên cơ sở nắm bắt tình hình cụ thể để tổ chức lực lượng giải phóng đảo, cũng như nhiệm vụ xây dựng chính quyền quân quản, thu hồi vũ khí, quản lý số ngụy quân, ngụy quyền, giúp nhân dân dần ổn định cuộc sống. Cùng thời điểm trên, các đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt chủ trương giải phóng đảo Phú Quý nhận được tin từ một nghĩa binh quê ở Tuy Phong vừa trốn khỏi đảo Phú Quý trở về đất liền, cho biết: “địch phòng thủ chặt các vị trí quan trọng trên đảo, nhất là hướng đông”. Hội nghị đồng thời cũng nhận được thông tin do Đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam cung cấp tổng quân số của quân đội Sài Gòn đóng trên đảo gồm một liên đội nghĩa quân, một trung đội cảnh sát và gần 4.000 “đoàn viên nhân dân tự vệ”. Khi thị trấn Hàm Tân được giải phóng, có thêm khoảng 800 lính ngụy chạy ra đảo Phú Quý. Từ ngày 22-4, hải quân ngụy điều thêm hai tàu (HQ11 và WPB) ra đảo. Như vậy, tổng quân số địch đóng chiếm đảo Phú Quý tại thời điểm cuối 4-1975, gần bằng một nửa (50%) dân số của đảo. Thực tế trên cho thấy việc giải phóng quần đảo Phú Quý sẽ vô cùng khó khăn, ác liệt, đẩy thách thức.

Trước thực tế trên, ngày 23-4-1975, đồng chí Lê Trọng Tấn – Tư lệnh Mặt trận hướng Đông đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Quân khu 6, Tỉnh đội Bình Thuận, tổ chức chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng bằng được quần đảo Phú Quý để mở đường cho việc giải phóng các quần đảo ở Nam Bộ. Theo đó, cơ quan Tham mưu Bộ Tư lệnh Hải quân đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến với địa phương và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải phóng quần đảo Phú Quý. Trong đó, lực lượng tham chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân gồm Tàu chiến mang số hiệu 643 của Đoàn 125, cộng thêm một số thuyền đánh cá của ngư dân Nha Trang được huy động chuyên chở lực lượng chiến đấu tham gia giải phóng đảo Phú Quý. Lực lượng của Quân khu 6 gồm một phân đội Đặc công nước (thuộc Tiểu đoàn 407), một đại đội bộ binh của Trung đoàn 95. Chỉ huy trưởng trận đánh là đồng chí Mai Năng (cán bộ Tham mưu của Bộ Tư lệnh Hải quân). Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm (Bíthư Huyện ủy Tuy Phong) làm chính trị viên, đồng chí Toàn (cán bộ Tham mưu Tỉnh đội Bình Thuận) làm chỉ huy phó. Lực lượng vũ trang giải phóng tỉnh Bình Thuận do đồng chí Huy (cán bộ Tham mưu Quân khu 6) làm chỉ huy trưởng (gồm 30 cán bộ, chiến sĩ) hiệp đồng tác chiến với lực lượng cấp trên. Theo kế hoạch tác chiến giải phóng đảo Phú Quý, lực lượng tham chiến sẽ tổ chức thành ba mũi, đánh vào các mục tiêu chính như: trụ sở cơ sở phái viên hành chính tại Ngũ Phụng, Long Hải, Tam Thanh; trụ sở Nha hành chính Phú Quý. Mỗi mũi cử một người địa phương hoặc người am hiểu địa bàn dẫn đường. Trong kế hoạch giải phóng đảo Phú Quý xác định ngày, giờ nổ súng cụ thể: “Ngày N: 27-4-1975, giờ G: 3 giờ sáng”. Các mũi tiến công dự kiến đổ bộ lên đảo vào lúc 5 giờ sáng. Tất cả sẽ đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu đã được xác định trong kế hoạch giải phóng đảo Phú Quý.

Theo kế hoạch giải phóng đảo đã được phê duyệt, sáng 26-4-1975, lực lượng tham chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân rời quân cảng Cam Ranh và ngay trong đêm hành quân đến vị trí tập kết. Vào lúc 1 giờ sáng (27-4), các tàu đánh cá T2, T3 chở lực lượng hai mũi (01 và 02) đến vị trí tập kết an toàn và 1 giờ 50 phút sáng bắt đầu áp sát đổ bộ lên đảo Phú Quý.

Lực lượng vũ trang giải phóng tỉnh Bình Thuận tham gia giải phóng đảo làm lễ xuất quân vào lúc 6 giờ sáng 26-4-1975), cũng là lúc bộ đội nhận được tin Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định bắt đầu mở màn. Tin vui trên như tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân vượt biển cực Nam Trung Bộ ra giải phóng quần đảo Phú Quý. Đến 12 giờ (26-4), “Đoàn quân dân chính” tỉnh Bình Thuận đến Bình Thạnh, được bổ sung thêm 1 tiểu đội (thuộc Đại đội 490 của huyện Tuy Phong, do đồng chí Bảo chỉ huy). 15 giờ đoàn thuyền chở cánh quân từ Bình Thuận nhổ neo ra khơi, trong điều kiện sóng to, gió lớn, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ bị say sóng. 24 giờ, đoàn gặp tàu địch chặn đường ra đảo. Lập tức đoàn triển khai đội hình chiến đấu, mở đường tiếp tục áp sát đảo. 5 giờ 15 phút sáng (27-4), cả bốn mũi tiến công giải phóng đảo Phú Quý đồng loạt nổ súng tiến công địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch trên đảo hoang mang, bỏ chạy tán loạn, một số cởi bỏ sắc phục, trà trộn vào trong dân, hòng tránh bị phát hiện và bị tiêu diệt. Các mũi tiến công vào Ngũ Phụng, do đồng chí Nguyễn Tự dẫn đường; mũi đánh vào Tam Thanh, do hai đồng chí Trần Dần, Ngô Sáu dẫn đường. Cả hai mũi đều không gặp địch kháng cự, nên sớm làm chủ tình hình. Mũi tiến công vào Long Hải, do đồng chí Nguyễn Thông dẫn đường; khi địch phát hiện ra quân ta, chúng bỏ chạy tán loạn. Riêng số địch đóng tại Nha hành chính Phú Quý, đã dựa vào hệ thống lô cốt kháng cự lại rất quyết liệt, khiến một chiến sĩ của ta bị thương. Nhằm diệt ổ đề kháng của địch, ta đưa khẩu ĐKZ 75 bắn sập lô cốt, diệt 1 tên địch, bắt sống 11 tên khác. Nhưng tên Phan Văn Hựu – trưởng nha phái viên hành chính đảo Phú Quý đã nhanh chân tẩu thoát. Đến 6 giờ 30 phút sáng (27-4), các lực lượng vũ trang giải phóng tham gia trận đánh giải phóng Phú Quý đã hoàn toàn làm chủ quần đảo tiền tiêu của cực Nam Trung Bộ.

Cùng thời điểm các lực lượng vũ trang giải phóng tiêu diệt địch trên đảo Phú Quý, tàu chiến số 643 của Bộ Tư lệnh Hải quân đã chạm trán với hai chiếc tàu tuần tiễu của quân ngụy Sài Gòn ở ngoài biển khơi. Tàu địch sử dụng súng cối bắn xối xả sang tàu của ta. Lập tức thuyền trưởng tàu 643 lệnh cho các chiến sĩ hải quân sử dụng súng chống tăng B40, B41, súng phòng không 12,7 ly bắn trả quyết liệt, khiến một tàu địch bị thương, chiếc còn lại vội quay đầu tháo chạy ra xa, nhưng vẫn lảng vảng quanh đảo. Khoảng 9 giờ sáng (27-4), tàu địch bắn bừa bãi vào các vị trí bố phòng của ta trên đảo, hòng chờ viện binh tới. Nhưng trước hỏa lực mạnh mẽ của tàu 643, địch không dám vào gần bờ. Đến 16 giờ, không thấy quân tiếp viện đến, tàu địch buộc phải rút chạy.

Trận đánh giải phóng đảo Phú Quý thể hiện đúng ý đồ chỉ đạo tác chiến của trên là hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vũ trang giải phóng của tỉnh Bình Thuận với mũi tiến công của Bộ Tư lệnh Hải quân và các đơn vị chủ lực cấp trên, tiến công mãnh liệt quân địch, khiến phần lớn binh sĩ địch đều buông súng đầu hàng. Riêng những tên ngoan cố chống cự lại đều bị quân ta tiêu diệt. Tên Võ Gia Vĩ, phụ trách đài truyền tin của Nha phái viên hành chính Phú Quý phải gục đầu đền tội bên chiếc máy PRC-25. Tên Phan Văn Hựu, trưởng Nha hành chính Phú Quý cùng tên trung úy Thoảng – trưởng phân chi khu bị bắt sống khi đang lẩn trốn trong một ngôi chùa. Kết quả, ta diệt và bắt sống 382 tên địch (trong đó có 16 tên tể xã, ấp và nhân viên Nha hành chính ngụy), bắn bị thương một tàu chiến địch, một xuồng máy; ta thu 1.840 khẩu súng các loại, hai máy vô tuyến điện, cùng nhiều đồ dùng quân sự và các phương tiện chiến tranh khác.

Riêng cánh quân của Huyện đội Tuy Phong được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận điều động bổ sung thêm Tiểu đoàn 482 của tỉnh, do khó khăn về phương tiện chuyển quân, nên đến 17 giờ (27-4), đơn vị mới huy động được 5 chiếc tàu chở quân từ Phan Thiết ra đảo. Đến 6 giờ sáng (28-4), Tiểu đoàn 482 cập bến Long Hải. Ngay sau đó, lãnh đạo Tỉnh đội Bình Thuận và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 482 đã lập kế hoạch tổ chức lực lượng bảo vệ đảo, đề phòng địch quay lại tái chiếm. Theo thế bố trí trên, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 482 cùng hai đại đội (C1, C4) đóng tại Tam Thanh; Đại đội 2 đóng tại Long Hải; Đại đội 3 đóng tại Ngũ Phụng. Sau khi bố trí đội hình đóng quân, các đơn vị như Tiểu đoàn 482 và Đoàn 125 của Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức thu gom vũ khí của đám dân vệ, nghĩa quân, cùng các kho vũ khí bí mật của quân đội Sài Gòn ở trên đảo. Trong lúc đó, hàng trăm binh sĩ, nhân viên chính quyền Sài Gòn trên đảo đã ra trình diện và được đối xử nhân đạo.

Ngày 27-4-1975, đã trở thành mốc lịch sử quan trọng đối với đảo Phú Quý – mảnh đất cuối cùng của tỉnh Bình Thuận (thuộc Quân khu 6) đã được hoàn toàn giải phóng. Với ý nghĩa lớn lao trên và thể theo nguyện vọng của đông đảo đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, ngày 27-4 trở thành ngày truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân huyện đảo Phú Quý. 

Trích: Lịch sử lực lượng vũ trang Huyện Phú Quý (1975 – 2010)

Rate this post
Giải phóng Phú Quý

Recent Posts