Giới thiệu chung về huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận

Đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) là một trong những hòn đảo ven bờ, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km về hướng Đông Nam, có diện tích tự nhiên 16 km². Đây là địa bàn “phên giậu”, tiền đồn, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế biển, nằm trong thế phòng thủ chung của khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh phía Nam và cả nước.

Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ, với diện tích 16 km². Huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, khoảng cách tới các vùng lân cận:

  • Cách thành phố Phan Thiết 120 km về hướng Đông Nam.
  • Cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía Tây Bắc.
  • Cách thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 150km (về phía Nam).
  • Cách Côn Đảo 330km (về phía Đông Bắc).
  • Cách thành phố Vũng Tàu 200km (về phía Đông).

Ngoài đảo chính, chung quanh đảo Phú Quý còn Hòn Đá Cao hướng tây-bắc, Hòn Đỏ hướng đông-bắc và Hòn Tranh và Hòn Hải hướng Tây Nam.

Hành chính: Huyện đạo Phú Quý có 3 xã:

  1. Long Hải: thôn Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long
  2. Ngũ Phụng (huyện lỵ): thôn Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh
  3. Tam Thanh: thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương
Bản đồ hành chính huyện Phú Quý
Bản đồ hành chính huyện Phú Quý

Lịch sử hình thảnh đảo Phú Quý

Đã từ lâu đảo Phú Quý trở nên rất quen thuộc với nhiều người qua sử sách xưa dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu… Từ niên hiệu trị thứ 4 (1844) vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho Triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, Phú Quý là một huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận.

Tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo một số công cụ lao động như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Điều này phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đây đã có một giống người “Thượng” sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó người Kinh đóng vai trò chủ thể.

Khi bắt đầu phát triển mạnh kỹ thuật đóng thuyền buồm với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lên đảo. Cùng với những phần mộ còn xót lại trên đảo, sự tích công chúa Bàng Tranh chứng tỏ người Chăm đã có mặt ở đảo này. Sự tích kể rằng: Bàng Tranh là một công chúa xinh đẹp vì chống lệnh vua cha nên bị kết tội phản nghịch nên bị kết đày ra đảo.

Một góc hoang sơ đảo Phú Quý

Bên cạnh đó, do không chịu nổi sự hà khắc của chế độ nông nô, bất mãn với triều đình phong kiến, nhiều người đã tìm đường ra đây lập kế sinh nhai. Người Kinh có mặt ở đảo cũng từ rất sớm. Lúc bấy giờ, vào một thời điểm mà triều đại phong kiến Việt Nam đang trượt nhanh trên con đường mục nát, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Ở các tỉnh miền trung lúc bấy giờ, những người cùng khổ hoặc phải bán vợ đợ con hoặc phải phiêu dạt đi khắp nơi để kiếm sống. Và Phú Quý là một điểm đến an lành mà họ đã tình cờ bắt gặp. Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627–1672), rất nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền trung, hoặc chạy giặc lánh nạn, hoặc đi tìm nguồn cá, thuyền của họ vượt sóng trùng dương đã gặp phải những trận cuồng phong khốc liệt và “xiêu” lên đảo.

Cùng với người Kinh, một số người Hoa cũng hoà nhập vào cộng đồng cư dân ở Phú Quý. Vàơ thế kỷ 17, một số quan lại nhà Minh sau khi chống nhà Thanh thất bại, đã phải trốn ra nước ngoài. Từng đoàn thuyền vượt biển tiến về phía nam, trong số đó có hàng chục thuyền đã quyết định dừng chân lập nghiệp ở Phú Quý. Người Hoa đến đây sống dựa vào các ngành nghề như dệt tơ lụa, buôn bán. Quá trình phát triển về sau, một số người do làm ăn trở nên giàu có đã lần lượt tìm vào các thành phố lớn ở đất liền, chỉ một số ít còn lại trên đảo.

Khi dân cư ngày một đông hơn thì các hình thức tổ chức xã hội cũng dần dần được hình thành. Và thời Lê Hiển Tông – Cảnh Hưng (1740–1786), nhà Lê đã tổ chức trên đảo thành từng hộ bạch bố đến đội bạch bố rồi dần dần trở thành ấp và làng. Tuy số dân lúc bấy giờ chưa đông đúc nhưng Phú Quý có đến 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm nhỏ ngư dân, đôi lúc chỉ có từ 10 đến 12 tránh đinh và thường mang những tên cũ của địa phương trước khi đến đây lập nghiệp: Thoại Hải, Thế Hanh, Thế An, Hội Thiên, Hội Hưng, Hương Lăng, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, An Hoà, Hải Châu, Thương Hải, Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê và ấp Quý Thạnh. Từ niên hiệu Đồng Khánh – Nguyễn Cảnh Tông năm thứ 1 (1886), toàn đảo được tổ chức thành 11 làng và đến năm 1930 do sự sáp nhập hai làng Phú Ninh vào Phú Mỹ và Hương Lăng vào Quý Thạnh nên chỉ còn lại 9 làng: Long Hải, Phú Mỹ, An Hoà, Hải Châu, Thương Hải, Quý Thạnh, Triều Dương, Mỹ Khê và Hội An. Hiện nay, đảo được chia làm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh.

Đảo Phú Quý nhìn từ ngôi mộ thầy Sài Nại

Phú Quý trong một thời gian dài đã sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu… Trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Tiềm năng phát triển của huyện đảo Phú Quý

Những năm gần đây, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng sự hỗ trợ của tỉnh Bình Thuận và Trung ương, Phú Quý đang có những đổi thay nhanh chóng. Nghề khai thác hải sản với các phương tiện đánh bắt hiện đại, hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập của người dân.

Những điểm nuôi hải sản vô hình trở thành địa điểm check in dành cho khách du lịch tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn tại đảo Phú Quý
Những điểm nuôi hải sản vô hình trở thành địa điểm check in dành cho khách du lịch tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn tại đảo Phú Quý

Ngoài ra, Đảo còn được biết đến với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển nhờ vào khí hậu trong lành, biển bao quanh, nước trong xanh, bằng mắt thường có thể thấy rõ địa hình, địa vật ở độ sâu 05m – 07m. Đặc biệt, quanh Đảo có rạn san hô đa dạng, phong phú về chủng loại, có độ bao phủ cao. Đây là điểm đến hấp dẫn để tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, thể thao, câu cá và du lịch lịch sử văn hóa.

Hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quý đã được đầu tư với cung đường bao bọc xung quanh đảo

Thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận, Phú Quý tập trung phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn, bước đi thích hợp; nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy lợi thế, tiềm năng về tự nhiên và văn hóa của địa phương; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, bảo đảm tính hấp dẫn và bền vững. Nhờ lợi thế, tiềm năng vốn có và giải pháp phù hợp, kinh tế – xã hội của Đảo không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngư trường và chủ quyền quốc gia trên biển, xứng đáng là “phên giậu tiền tiêu” trên vùng biển Nam Trung Bộ.

Thổ nhưỡng và khí hậu đảo Phú Quý

Cách đây hàng triệu năm đảo Phú Quý được hình thành do quá trình vận động núi lửa. Đảo phú quý có 23km². thềm lục địa được bao bọc bởi vành đai san hô, đáy điểm sâu nhất là 42 mét. Nhìn từ phía đông ta thấy đảo nổi lên như một con rồng, nhìn từ phía Bắc nó giống như một con cá thu và nếu nhìn ở phía tây nam hình dung đảo nhưmột con cá voi lớn đang lên mặt nước.

Phú Quý so với các hòn đảo khác thuộc biển miền Trung thì khá bằng phẳng, trải dài trên diện tích của đảo có 3 núi chính với chiều cao cũng khá khiêm tốn là núi Cấm cao 108 mét là núi cao nhất, nơi có đặt hải đăng của đảo được xây dựng năm 1996 và cao 28 mét để phục vụ nhu cầu đi lại trên biển của tàu bè qua lại khu vực này. Núi thứ 2 là núi Cao Cát cao 85 mét, thứ 3 là núi Ông Đụn cao 45 mét, địa hình thấp nhất trên đảo là bãi Triều Dương chỉ 2 mét so với mực nước biển.

Núi Cấm ở Phú Quý và ngọn đuốc Bác Hồ

Phú Quý còn có nhiều doi, lạch, mũi, bãi, như: doi Dừa, doi Ông Tỉnh, doi Thầy, lạch Chà Tre, lạch Bãi Lăng, lạch Dù, lạch Thế, lạch Chùa, lạch Chỏi, lạch Ông Bền, mũi Cây Thẻ, mũi Gành Hang, bãi Láng, bãi Phủ, bãi Nhỏ, mũi Trâu Nằm,….

Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi với những bãi biển, những dãy san hô, những cụm đá đen cùng đá gành trên biển, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, nhiều nơi trên đảo có thể tắm biển, câu cá, nhiều hàng dừa xanh mát cặp bên những dãy đá đen là nơi tham quan nghỉ mát của người dân huyện đảo cũng như khách du lịch gần xa là những yếu tố hấp dẫn khách du lịch đến đảo.

Nhiệt độ trung bình Phú Quý từ 23 đến 28 độ C và chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa, mùa gió Nam từ tháng 5 đến tháng 8 và mùa gió Bắc từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, những tháng cuối năm gió lớn thường xuyên và thường hay xuất hiện bão trên cả vùng biển miền trung, trong đó có Phú Quý. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1000mm, mưa tập trung vào tháng 5 tháng 6 hàng năm, nhìn chung khí hậu quanh năm mát.

Các hòn đảo trong huyện đảo Phú Quý

  • Hòn Tranh: Cách cảng Phú Quý 600m, nằm phía Đông Nam đảo Phú Quý với diện tích gần 40ha (2.8Km2). Trước đây là một hoang đảo chủ yếu là cỏ tranh, được nhân dân phá trồng hoa màu, hiện nay đang được trồng rừng phục hồi môi trường. Không có dân cư sinh sống. Hiện là nơi đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam.
  • Hòn Đen: Nằm phía Đông Bắc thuộc xã Long Hải, cách bờ khoảng 1.5km. Gồm toàn đá mẹ Bazan chưa phong hóa. Vào những lúc nước ròng có thể lội bộ ra Hòn Đen.
  • Hòn Trứng: Nằm phía Tây Bắc,là cửa ngõ ra vào Đảo, cách Phú Quý 13km. Là điểm tựa của nhiều loại ghe thuyền. Mùa gió Nam thuyền có thể neo đậu ở phía Bắc – Mùa gió Bắc có thể neo đậu ở phía Nam.
  • Hòn Giữa: Đây là một dãy gành đá bén nhọn nằm cạnh Hòn Đen, nằm vắt ngang như một nhịp cầu nối liền Hòn Đen và Hòn Đỏ thuộc xã Long Hải.
  • Hòn Đỏ: Nằm phía Đông Bắc thuộc xã Long Hải, cách bờ khoảng 1.5km. Có tên là Hòn Đỏ vì ở đây toàn là đá màu đỏ.
  • Hòn Hải: Cách đảo Phú Quý 70km. Có hình dạng là một khối đá vuông cạnh mọc thẳng đứng. Tại đây là đường cơ sở A0 để tính lãnh hải của Việt Nam trên vùng biển Đông Nam.
  • Hòn Đồ Lớn: Nằm phía Đông Nam và cách Phú Quý 60km là hòn đảo mới hình thành năm 1923 do hoạt động phun trào dưới lòng biển Đông. Lúc đầu có dạnh hình tròn với đường kính 40m, trên mặt có cát trắng và xung quanh có cạnh bậc thang thoai thoải. Hiện nay hình thành một bãi đá ngầm dài 700m và rộng gần 500m.
  • Hòn Đồ Nhỏ: Nằm về hướng Nam, cách đảo chừng 60km.
  • Hòn Đá Tý: Cách đảo Phú Quý 80m-100m.

Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về điểm đến PHÚ QUÝ qua series bài viết về:

Và nhiều nội dung khác liên quan đến hòn đảo ngọc Phú Quý này nhé !

Khách du lịch lựa chọn đảo Phú Quý cho chuyến hành trình của mình ngày một đông
5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts