Gợi ý những tuyến du lịch tại Phú Quý dành cho các công ty lữ hành

Bằng quá trình thực tế khảo sát, trải nghiệm tại Phú Quý trên thực tế, chúng tôi gợi ý các tuyến du lịch tại Phú Quý dành cho các công ty lữ hành tham khảo lên chương trình tour phù hợp.

Tuyến Vịnh Triều Dương – Cột cờ Phú Quý – Bãi Nhỏ Gành Hang

Đây là tuyến nằm ở phía Tây Bắc xã Tam Thanh. Cách trung tâm huyện – xã Ngũ Phụng khoảng 05km, thời gian di chuyển từ nơi lưu trú của du khách đến điểm đầu tiên là khoảng 05 phút đi xe máy.

+ Điểm đến đầu tiên là Vịnh Triều Dương, là điểm nổi bật và thu hút khách du lịch cũng như dân địa phương nhiều nhất. Nơi đây có bãi cát trắng trải dài, nước biển xanh trong và rừng phi lao rộng lớn. Nhìn xa xa du khách có thể thấy được Hòn Tranh. Tại đây, du khách có thể thỏa thích tắm biển, dã ngoại và chụp ảnh lưu niệm.

Bãi Triều Dương

+ Từ Vịnh Triều Dương du khách men theo đường vành đai khoảng 500m sẽ gặp Cột cờ Phú Quý – nơi đánh dấu chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tại đây du khách vừa leo núi tại đồi Chuối, vừa tổ chức thi kể chuyện về lịch sử địa phương, vừa thỏa mình vào không gian yên tĩnh của đất trời.

Cột cờ đảo Phú Quý

+ Di chuyển tiếp trên đường vành đai khoảng 700m, du khách sẽ đến điểm tham quan thứ ba là Bãi Nhỏ – Gành Hang. Tại đây, du khách có thể tổ chức các đoàn tham quan, nghiên cứu về cấu tạo địa chất của những mỏm đá đen hình xoáy trôn ốc với hình thù kỳ lạ đặc sắc, đi bộ dưới bãi biển cát trắng mịn, nước trong xanh, hoặc thỏa thích ngắm bình minh và hoàng hôn trên đảo, hòa mình vào giữa không gian thiên nhiên tuyệt mỹ này.

Nước biển trong xanh nhìn từ Gành Hang

+ Sau khi có chuyến hành trình đầy thú vị, du khách có thể ghé một vài quán cóc ven đường để thưởng thức nước dừa trên đảo. Vị nước dừa ngọt lịm, rắc một ít muối, thêm vào lòng hiếu khách, thân thiện của các cô chú chủ quán, du khách sẽ có những cảm xúc khó quên khi rời khỏi nơi này.

Tuyến du lịch này khách du lịch vừa được tắm biển thỏa thích, vừa tổ chức dã ngoại cuối tuần, thưởng thức ẩm thực cùng với gia đình, người thân hoặc tham quan, học tập kết hợp tham gia các hoạt động thể thao trên biển, lặn ngắm san hô.

Tuyến Mộ Thầy – Núi Cao Cát – Chùa Linh Sơn – Miếu Công Chúa Bàn Tranh

Đây là tuyến thuộc địa bàn xã Long Hải, cách trung tâm huyện khoảng 10km. Thời gian di chuyển từ nơi lưu trú của du khách đến địa điểm đầu tiên Mộ Thầy khoảng 15 phút đi xe máy. Đến Mộ Thầy, du khách có thể tham quan khu vực quanh Mộ, tham quan khu nuôi cá mú, thưởng thức hải sản tươi sống tại nhà hàng Long Vĩ.

+ Từ Mộ Thầy, du khách di chuyển đến núi Cao Cát khoảng 15 phút. Du khách đi xe máy có thể chạy lên đến bậc thềm đầu tiên của chùa Linh Sơn. Nếu đi ô tô thì du khách để xe dưới chân núi và đi bộ một đoạn khoảng 70m để lên đến núi. Đoạn đường gần dưới chân núi rộng, được trải nhựa, được quét dọn sạch sẽ, hai bên là các chậu hoa giấy rất đẹp. Lên đến nơi du khách sẽ có cảm giác rất dễ chịu, không khí mát lạnh, tại đây có thể quan sát thấy ngọn Hải Đăng và cánh đồng phong điện.

Mộ thầy Sài Nại
Mộ thầy Sài Nại

+ Sau đó du khách sẽ leo lên các bậc thang để vào chùa Linh Sơn – ngôi chùa trên 100 tuổi. Hai bên lối đi lên chùa là những rừng cây đại thụ bạt ngàn đã bao phủ ngôi cổ tự bằng sắc màu xanh ngắt, tạo thêm nét huyễn hoặc cho chốn thâm nghiêm. Ngoài khơi xa, đại dương mênh mông cũng là một màu trong xanh. Đến nơi du khách sẽ vào thắp hương cầu bình an, viếng cảnh chùa, nói chuyện cùng với các Phật tử, người dân địa phương.

+ Du khách tiếp tục đi bộ lên các bậc thang khoảng 10m để lên đến đỉnh núi Cao Cát, tại đây du khách sẽ chiêm ngưỡng những khối đá đen dạng tổ ong chồng lên nhau chênh vênh, nhưng rất vững chắc. Những khối đá đen trải qua thời gian bị phong hóa bào mòn có hình dạng vô cùng độc đáo, hình xoáy tròn từng tầng, từng lớp như những cây nấm khổng lồ, tưởng như có bàn tay con người ngày đêm gọt, mài thành công trình kiến trúc hình thù kỳ lạ. Tại đỉnh núi này đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng uy nghi, đứng trên đỉnh ngọn núi lộng gió, phóng tầm mắt bao quanh là đại dương mênh mông, làng mạc, nương rẫy trải dài một màu xanh thẳm.

+ Từ núi Cao Cát, nhìn về hướng Bắc sẽ thấy Miếu Công Chúa Bàn Tranh. Du khách di chuyển khoảng 10 phút sẽ đến địa điểm này. Miếu này gần chợ Long Hải, Ủy ban xã Long Hải.

Tuyến du lịch này, khách du lịch đã đi được khoảng ½ đường vành đai của đảo Phú Quý. Hai bên đường là rừng cây phi lao cao vút, xa xa nhìn thấy người dân địa phương đang thu hoạch dứa dại về phơi khô để ngâm rượu hoặc đi đốn cây “từ bi” về làm củi đốt. Với cảnh sắc độc đáo, mộc mạc, còn nguyên sơ, không khí trong lành, giúp cho Phú Quý phát triển sản phẩm du lịch: tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nghiên cứu, học tập,…

Tuyến Mũi Doi Dừa – Chùa Linh Bửu – Núi Cấm – Hải Đăng – Đuốc Bác – Phong điện

Đây là tuyến thuộc địa bàn xã Ngũ Phụng, với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Vừa được ngắm cảnh biển, vừa được quay về với của Phật với không gian tĩnh lặng tại chùa Linh Bửu, vừa trải nghiệm leo núi lên Hải Đăng và Đuốc Bác.

+ Từ mũi Doi Dừa, du khách di chuyển đến núi Cấm với thời gian khoảng 15 phút đi xe máy. Đến chân núi, du khách vào thắp hương và tham quan chùa Linh Bửu.

+ Sau đó, để xe máy dưới chân núi, du khách đi bộ 120 bậc thang để lên đến Hải Đăng, Đuốc Bác. Đường lên Hải Đăng khó đi, vì đường nhỏ, xung quanh là rừng, cây dây leo. Lên đến nơi, khách du lịch sẽ đến thắp hương tại Đuốc Bác, thỏa thích ngắm nhìn toàn cảnh Phú Quý. Đi bộ khoảng 10m khách du lịch sẽ lên tới trạm trực của nhân viên trực đèn. Ở đây, du khách sẽ được các chiến sĩ hải quân kể chuyện những năm tháng lớn lên cùng biển hấp dẫn và thú vị như thế nào. Sau đó, du khách sẽ lên Hải Đăng, quan sát được toàn cảnh đảo và các cột phong điện sừng sững trước gió.

+ Từ Núi Cấm di chuyển theo đường vành đai, đi khoảng 500m du khách sẽ bắt gặp 03 trụ điện gió cao chót vót, ngày đêm không ngừng quay để tạo ra nguồn năng lượng điện sang cho toàn đảo.

Chùa Thạnh Lâm – Chùa Linh Quang – Vạn An Thạnh

Đây là tuyến liên xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh. Thời gian di chuyển giữa các điểm khoảng 30 phút đi xe máy

+ Từ trung tâm huyện khách du lịch sẽ di chuyển khoảng 05 phút tới chùa Thạnh Lâm. Với quần thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục quy mô lớn, uy nghiêm đan xen giữa những yếu tố cổ kính và hiện đại, chùa là nơi lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật, bạn còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý mà nổi bật nhất là bảo tháp 7 tầng và đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Xung quanh khuôn viên chùa có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, các vị la hán, Đường Tăng cùng 4 đồ đệ, v.v. Đây được xem là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất hiện nay tại các khu di tích ở tỉnh Bình Thuận.

Một góc chùa Thạnh Lâm

+ Sau đó du khách sẽ di chuyển đến chùa Linh Quang trên đường Võ Văn Kiệt, nằm trên địa phận xã Tam Thanh. Ngôi chùa đã gắn chặt với đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người dân trên đảo Phú Quý. Ngoài các tượng phật lớn, trong chùa còn có 5 sắc phong của các đời vua triều nguyễn được lưu giữ cẩn thận. Vì thế, chùa Linh Quang được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng thắng cảnh Quốc gia năm 1996.

+ Từ chùa Linh Quang khách du lịch di chuyển khoảng 10 phút đi xe máy là đến vạn An Thạnh (làng Triều Dương, xã Tam Thanh). Hiện nay Vạn lưu giữ gần 100 bộ hài cốt (gồm cá voi, rùa da), bà con ngư dân coi đó là hài cốt của ông bà nên tôn thờ với những nghi thức kính cẩn. Với gần 100 bộ hài cốt cá ông, rùa biển đủ niên đại, kích cỡ, Vạn An Thạnh là nơi có một bộ sưu tập phong phú về cá ông rất có giá trị trong việc nghiên cứu sinh vật biển đối với các nhà hải dương học. Tại Vạn còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn). Đây là bộ xương cá Voi lớn thứ hai ở Bình Thuận (sau bộ xương cá Voi ở Vạn Thủy Tú, Phan Thiết). Tại Vạn An Thạnh thường xuyên diễn ra các lễ hội như: Lễ hội tế xuân: Kéo dài từ mùng 10 đến 20/1 âm lịch, đây cũng là dịp Cầu Ngư đầu năm của Vạn. Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1996.

Vạn An Thạnh
Vạn An Thạnh

Tuyến bến cá Long Hải – bè cá Lạch Dù

Đây là tuyến liên xã Long Hải và xã Tam Thanh, cách trung tâm huyện 15 phút đi xe máy.

+ Bến cá Long Hải nằm tại thôn Đông Hải người dân gọi là bến Dốc Cái. Vào mùa gió Nam cứ mỗi sáng sớm, thuyền đánh cá của ngư dân xã Long Hải sẽ tập trung về đây. Có đủ các loại hải sản tươi ngon và giá rẻ, du khách có thể mua về làm quà mà không sợ chặt chém. Mùa gió Bấc, chợ Long Hải ít ghe thuyền vào nên ít hải sản, tập trung chủ yếu chợ cảng Phú Quý.

+ Từ bến cá Long Hải du khách di chuyển đến bè cá Lạch Dù với khoảng thời gian 20 phút đi xe máy. Sau khi đến nơi, du khách đi tiếp ca nô ra bè với thời gian khoảng 10 phút. Ở đây có nhiều lồng bè của nhiều chủ cơ sở khác nhau. Tùy sở thích của du khách mà có thể lựa chọn các bè ưng ý để tham quan và thưởng thức những hải sản tươi sống tại nơi đây. Không chỉ thưởng thức hải sản, du khách còn có thể thoải mái tắm biển, lặn ngắm san hô, câu cá và mua hải sản làm quà cho gia đình, người thân.

Tuyến cảng Phú Quý – Hòn Tranh

Hành trình bắt đầu từ cảng Phú Quý, đi thuyền ra Hòn Tranh khoảng 20 phút. Do Hòn Tranh là khu đặt trạm ra-đa nên du khách muốn đến đây phải trình báo với trạm Biên phòng. Đến Hòn Tranh du khách thỏa thích tắm biển, lặn ngắm san hô, câu cá, bắt ốc, thư giãn với cảnh thiên nhiên ở đây.

Trong số các hòn đảo xung quanh đảo Phú Quý, hòn Tranh có diện tích lớn nhất (rộng 2.7 km2 ) và là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan nhất. Cách đảo Phú Quý khoảng 15 phút đi thuyền máy về phía Đông Nam. Khi xưa nơi đây mọc nhiều cỏ tranh, người dân Phú Quý sang cắt cỏ tranh về xây nhà. Hòn Tranh có Miếu thờ vị tướng Bùi Hữu Ích, có vạn thờ 77 thần Nam Hải do ngư dân lập khi trôi dạt cùng ngày vào đảo. Hằng năm, vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, người dân trên đảo sang cúng giỗ Quận công Bùi Hữu Ích và thần Nam Hải, cầu cho mùa biển no ấm. Trên đảo còn có một giếng nước (còn gọi là giếng Nguyễn Ánh) rất đặc biệt vì dù mưa hay nắng vẫn đầy ắp nước. Vùng biển phía Nam Hòn Tranh có nhiều điểm đẹp như: vũng Gấm, vũng Bàn, mũi Xương Cá, vũng Phật, hang Cò Nước và hang Cò Khô, là nơi nghỉ của nhà cò. Dọc theo bãi trước ở phía Tây là dải cát trắng mịn. Hòn Tranh sở hữu nhiều hang động kỳ bí, nhiều dáng đá lạ màu chàm, xanh rêu.

Cano tham quan Hòn Tranh

Hòn Tranh quanh năm sóng yên biển lặng, nước trong xanh thấy rõ từng rạn san hô và các loài tảo biển. Mùa nước cạn có nhiều loại ốc biển, cá, mực. Hiện tại, Hòn Tranh chỉ có vài hộ dân sinh sống lâu đời ở đây và là nơi đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam. Đến đây, du khách sẽ có dịp tận hưởng không khí trong lành, lặn ngắm san hô, câu cá, chế biến hải sản, vừa nghiên cứu, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử còn lưu tại đây.

Tuyến Hòn Đen – Hòn Đỏ

Hành trình từ bến cá Long Hải, đi thuyền đến Hòn Đen khoảng 10 phút, đến Hòn Đỏ khoảng 20 phút. Giữa Hòn Đen và Hòn Đỏ có Hòn Giữa, tuy nhiên Hòn Giữa không hoạt động du lịch được do nó chỉ là những mỏm đá nhỏ nhô lên, không có địa điểm thông thoáng để tổ chức du lịch. Đến đây, du khách có thể tắm biển, câu cá, lặn ngắm san hô thỏa thích. Tuy nhiên, tuyến này chỉ hoạt động vào mùa gió Nam lúc trời êm biển lặng. Mùa gió Bấc khu vực Long Hải gió khá mạnh, không thể di chuyển đến được.

Hòn Đen và Hòn Đỏ là các đảo lẻ thuộc địa phận xã Long Hải, có nguồn tài nguyên biển phong phú và đa dạng: hệ sinh thái biển với nhiều loài động thực vật biển. Đến đây du khách có thể câu cá, lặn ngắm san hô biển và chế biến hải sản tại đây. Ngoài ra, các đảo lẻ còn có cảnh quan rất đẹp, nước biển trong xanh lôi cuốn du khách tham quan khám phá, du ngoạn hòa hợp với môi trường.

5/5 - (3 bình chọn)

Recent Posts