Kỳ lạ phong tục không tổ chức đám cưới ở Phú Quý

Đảo Phú quý có những tập tục thật đặc biệt, và đặc biệt nhất đó là tập hôn nhân của con cái. Người dân ở đây không tổ chức lễ cưới, chỉ cần hỏi nhau là có thể về sinh sống được. Chàng rể ban ngày làm việc bên gia đình mình, tối về ngủ với cô dâu. Nếu hai bên gia đình có công việc, hoặc giỗ kỵ, dựng nhà mới…thì sang “mượn” cô dâu, hoặc chú rễ về nhà giúp vài hôm tùy theo công việc…

Bao giờ thì cô dâu về sống bên nhà chồng? Câu trả lời: bao giờ cũng được nhưng có điều kiện. Nhà chồng cảm thấy cần có con dâu chung sống, phải được con dâu đồng thuận thì chọn dịp nhà bên gái có giỗ kỵ, tiệc vui sang trình bày và xin đưa con dâu về sống.

Từ năm 2000 trở lại đây, do việc tăng cường cán bộ, giáo viên từ đất liền ra đảo nên trên đảo xuất hiện vài tiệm thuê đồ cưới và chụp ảnh. Nhưng đám cưới của “công dân nhập cư” cũng chỉ là hình thức để chụp ảnh, quay phim…lưu niệm. Tiệc cưới cũng chỉ là bánh kẹo, nước trà, nước ngọt như thời bao cấp. Vì nếu tổ chức rình rang, có mời dân trên đảo cũng không ai dự vì xa lạ. Nhờ vậy mà phong trào “tiết kiệm” tiệc tùng cưới hỏi trên đảo Phú Qúy không cần phát động cũng trở thành điển hình, gương mẫu.

Tục cưới – Hỏi ở đảo Phú Quý xưa và nay

Khi xưa theo tục cổ truyền “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “mai ước” để dựng vợ gả chồng. Khi “gả” rồi, sau 12 năm mới cưới, mỗi năm khi Tết đến chàng trai phải đi lễ một đầu heo. Chưa đủ 12 năm mà bỏ nhau, theo tục lệ làng sẽ bị đánh đòn, hoặc chưa đủ 12 năm mà đã ở với nhau sẽ bị bắt “phạt chay lễ” vì tội “thương vội”. Nếu sau khi đã nhận đủ 12 đầu heo mà nhà gái “trở hôn” thì phải “bồi công trả của” cho đàng trai. Nếu đi đủ 12 đầu heo mà người con trai đổi ý thì bị phạt, phải đi đủ đồ cưới sang nhà gái như quần áo, bông tai như ngày cưới. Luật làng hồi ấy rất nghiêm, ai cũng phải chấp hành.

“Đi cho đủ lễ sanh kỳ

Rượu thì 9 chén, heo thì 4 con

Một con cất đạt sanh kỳ

Một con trả gởi nàng thì ra đi

Một con trả hiếu ông bà

Một con trả thảo mẹ với cha sanh thành…”

Cách thức hỏi vợ ở 3 xã không giống nhau. Ở xã Long Hải và Ngũ Phụng, ngoài mâm trầu, hũ rượu, đến ngày cưới còn có lễ cúng ông bà (gọi là “phạt bàn thờ”) một cỗ xôi, một con gà luộc. Lễ bên nhà gái còn phải sắm thêm một khay trầu thứ hai, một đôi đèn, một xị rượu bưng tới ấp gọi là nộp lễ “làng nhà” với 100 đồng bạc (thời trước). Việc lập hôn thú được tiến hành trước sự chứng kiến của 2 họ và ông “Mai” trước khi đưa cô dâu về nhà chồng. Đặc biệt nhà gái lo đãi tiệc cả 2 họ. Gia đình nào không khá giả thì chỉ cần cỗ xôi, con gà luộc. Cúng xong, chặt nhỏ mời ông “Mai” cùng gia đình cha mẹ hai bên, như vậy cũng đủ lễ. Riêng ở Tam Thanh, nhà gái còn thách nhà trai phải “chịu lời” bằng đôi bông tai hoặc sợi dây chuyền và quần áo mặc. Khi phạt bàn thờ còn thêm mâm trầu hũ rượu, ngoài ra có 2 lọng che ông “Mai” và ché rượu khiêng qua nhà gái. Tại đây có tổ chức tiệc trà khoản đãi. Cuối cùng cô dâu chú rể phải tới nhà lạy tạ ông “Mai” và ông Thầy coi ngày cưới, sau đó mới được về nhà chồng.

Qua nhiều thập kỷ, các tục lệ cưới hỏi truyền thống cũng bị mai một nhiều. Các đám cưới trên đảo hiện nay diễn ra đơn giản hơn, trai gái yêu nhau và đến với nhau ít bị những tục lệ xưa chi phối, nhất là giai đoạn sau ngày cách mạng giải phóng 1975 đến năm 2000, do điều kiện kinh tế khó khăn của đại đa số người dân trên đảo, nên việc dựng vợ gả chồng cho con cái cũng đơn giản, con cái quen biết nhau hoặc do cha mẹ sắp đặt đều được cha mẹ cậy người mai mối dạm hỏi, nhưng không tổ chức cưới hỏi linh đình mà chỉ sắm lễ cưới, đôi bông tai vài con gà và cỗ xôi, đại diện ông “Mai” cùng hai tộc họ gia đình gặp nhau làm quen, giới thiệu cho con cái biết dòng họ hai bên là đủ. Trong giai đoạn này một số gia đình trên đảo có điều kiện kinh kế khá giả cũng đã tổ chức lễ cưới linh đình, nhưng cũng khoản 3 đến 5% trong các cặp vợ chồng.

Giai đoạn từ sau 2000 đến nay, do có điều kiện phát triển về kinh tế gia đình nên tục cưới hỏi tại đảo được bà con quan tâm chú trọng hơn, họ muốn khi con cái lấy chồng – hỏi vợ cũng nên công bố với bà con hàng xóm để cha mẹ, con cái được nở mặt nở mày. Đồng thời hiện nay, trong đội ngũ cán bộ nói chung khi lấy nhau đa số 90% cặp vợ chồng đều tổ chức lễ cưới, hơn nữa số cặp vợ chồng trong nhân dân có khoản 50% cặp cũng đã tổ chức lễ cưới đúng quy trình thủ tục theo 3 lễ (lễ dạm ngỏ, lễ hỏi và lễ cưới).

Một điều chúng ta cũng quan tâm hơn nữa là trước đây (trước năm 2000) , đa số các cặp vợ chồng khi cưới nhau ít khi đến cơ quan chính quyền để đăng ký kết hôn, nên đã xảy ra một số vụ ly hôn nhưng các cấp chính quyền không thể đứng ra xử lý được (giai đoạn này chỉ có khoảng 25% hộ gia đình có đăng ký kết hôn). Nhưng sau năm 2000 và nhất là giai đoạn năm 2005, thực hiện chủ trương chung của nhà nước cho đăng ký lại giấy chứng nhận kết hôn, thì đại đa số các cặp vợ chồng trên đảo tuổi từ dưới 60 tuổi đều có giấy đăng ký kết hôn, số còn lại trên 60 tuổi thì có khoảng 50% cặp vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn.

Một điều về khía cạnh mặt đạo đức theo phong tục địa phương, tuy trước đây chưa có luật hôn nhân gia đình, nhưng khi đã chung sống với nhau rồi thì ít có trường hợp ly hôn, chỉ sau giai đoạn 2000 đến nay, việc ly hôn đã xảy ra và có dấu hiệu xấu bởi những vụ, việc ly hôn đi ngược với đạo đức xã hội (Như kinh tế gia đình chật vật, khó khăn dẫn đến ly hôn; nạn tảo hôn cũng đã dẫn đến ly hôn…). Những nạn ly hôn này đòi hỏi các cấp chính quyền các đoàn thể cần có một lộ trình thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thì mới có thể giảm dần, đem lại sự cân bằng mặt đạo đức trong giai đoạn hiện nay./.

Nhất Huy – Tập san Phú Quý 40 năm

Rate this post

Recent Posts