Xã Ngũ Phụng từng là một làng nghề bánh tráng nổi tiếng, đưa cả vào đất liền tiêu thụ. Giờ thì, ít ỏi lắm. Sót lại trong khu làng ấy, vài nếp nhà, với nghề… Có chăng là lưu giữ chút hình ảnh đẹp đẽ của làng nghề ngày xưa…
Thường mùa mì ở Phú Quý thu hoạch rơi vào tháng giêng, tháng hai. Mì khi đó không có giá, nên nông dân chọn mì đẹp để cắt, ngâm, rồi mang đi xay, lọc lấy bột làm bánh tráng. “Mì đẹp làm bánh tráng mới ngon, mà hồi xưa bán theo thiên (1.000 cái), giờ bán theo kg. Giá cũng được vài chục ngàn đồng kg, thôi à. Cực lắm, nhưng không biết làm gì, cũng vì yêu thích nên làm để giữ nghề”.
Nghề này làm cực lắm, nửa đêm (12 giờ khuya) phải thức tráng đến tận trưa hôm sau, cho kịp nắng phơi. Mà phải nhiều người phụ, thuê thì không trả nổi, nên chủ yếu là người trong nhà. Có hôm đang phơi, trời đổ mưa nên cả xóm cùng nhau vác bánh tráng chạy mưa.
Xã Ngũ Phụng có 3 thôn Quý Thạnh, Thương Châu và Phú An. Những năm trước, gần như xã Ngũ Phụng được biết đến như một làng nghề. Nhà nhà làm bánh tráng, người người làm bánh tráng. Cứ tới mùa mì là các thôn nhộn nhịp tráng bánh, phơi bánh. Có nhà làm để bán, có nhà làm chỉ để lưu giữ ký ức từ cha mẹ, ông bà và để dùng trong gia đình. Giờ chẳng còn cái không khí ấy.
Làng nghề bánh tráng mì Ngũ Phụng giờ chỉ còn lại hom hem trong vài nếp nhà ở thôn Quý Thạnh (xã Ngũ Phụng). Cũng rất khó thống kê được Ngũ Phụng bây giờ còn được bao nhiêu nhà làm bánh tráng mì, hiếm hoi mới tìm được nhà làm xuyên suốt. Ở trong những con hẻm ấy, bên cạnh những khu đất thấp lưa thưa, hình ảnh bà cụ với cây tre đứng đuổi côn trùng trên những giàn đang phơi bánh. Phía trên lò tiếng nổ lách tách của những thanh củi khô, chị Thiện thêm vào để tráng những chiếc bánh cuối cùng, mệt lả. Nghề bánh tráng sẽ chẳng còn, “mùi” bánh tráng chắc sẽ bay đi vào một khoảng không nào đó, chỉ có người ở lại nhìn thấy sự thay đổi của quê mình, mà tiếc nuối.