Làng nghề truyền thống ở Phú Quý

Con người ở Phú Quý đã bao đời đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật với nhau. Lại do ảnh hưởng của nền kinh tế tự cung tự cấp trong suốt thời gian dài, nên đời sống sinh hoạt, đặc điểm nghề nghiệp ở Phú Quý không đa dạng như những nơi khác.

Trồng trọt và dệt vải

Trong một thời gian dài nền kinh tế chính ở Phú Quý là trồng trọt. Bên cạnh việc trồng trọt cây lương thực, người dân còn trồng dâu nuôi tằm từ rất sớm, và dệt vải trở thành một trong những nghề truyền thống của nhân dân Phú Quý. Từ đời Cảnh Hưng thứ 1 (1740), vải ở địa phương còn gọi là Vải ta, vải trắng (Bạch bố) đã được đóng thuế hàng năm cho triều đình để thay cho thuế đinh. Nghề dệt đã đem lại tiếng tăm và lợi ích kinh tế cho những người thợ thủ công trên đất đảo, nhưng đáng tiếc là ngày nay nó không tồn tại nữa (từ sau giải phóng nghề dệt đã dần biến mất).

Nghề ép dầu phụng

Bên cạnh nghề dệt vải cổ truyền, người dân trên đất đảo còn có một nghề thủ công khác đó là nghề ép dầu phụng. Dầu phụng dùng để ăn hoặc thắp sáng, còn bã đậu dùng làm thức ăn cho người và gia súc, bánh dầu dùng bón ruộng rẫy. Ngày trước nghề ép dầu phụng rất phổ biến, khoảng hơn 10 năm đổ lại đây nghề này không còn và các dụng cụ để ép dầu cũng không được lưu giữ.

Đan võng

Ngoài ra, trên đảo còn có một ngành nghề thủ công khác đó là nghề đan võng. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người dân đã làm ra những chiếc võng dứa rất bền và đẹp. Cho đến những năm 90, người dân mới bỏ nghề này vì võng vải, võng bằng sợi tổng hợp ở đất liền được đem ra bán ở đảo rất nhiều. Chính những điều kiện sống, tập quán lao động canh tác vất vả, công phu, cùng với nhu cầu khát khao được giải trí, sinh hoạt tinh thần đã tạo nên một môi trường văn hóa, không gian văn hóa thuận lợi cho các loại hình văn học dân gian nảy sinh, phát triển.

Nghề đan võng dứa gai ở Phú Quý

Người dân Phú Quý đan võng rất khéo nhờ tính cần cù và chịu khó, với mục đích khắc phục tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp. Ấp Tây Long Hải nổi tiếng với nghề đan võng xưa và nay. Có hai loại võng: võng dứa và võng thơm. Người ta lấy rễ cây dứa gai trên các đỉnh núi để làm võng dứa, và lá thơm tàu làm võng thơm. Rễ cây dứa dại chặt mang về bóc vỏ, tước từng lát rồi rồi phơi khô độ 3 nắng. Sau đó, xe thành sợi nhỏ, chắp nối để đan võng. Còn lá của cây thơm tàu ở các động chồi ven ranh rẫy, đem về đập tơi trước khi ngâm nước biển, khoảng 10 ngày thì lấy về giặt sạch. Sau đó, dùng lược thưa chải ra từng sợi rồi bắt đầu xe chân võng. Võng thơm được cơi là loại đặc biệt tốt, có giá trị. Do đó, với võng thơm đòi hỏi kỹ thuật đan đòi hỏi thời gian, công phu và tỉ mỉ hơn. Hiện nay, tại xã Long Hải vẫn còn các hộ gia đình làm nghề đan võng dứa dại, du khách đến du lịch tại đảo sẽ được bà con nơi đây hướng dẫn tận tình các bước đan võng.

Ngư nghiệp

Đại dương mênh mông như một người mẹ hiền ôm ấp, vỗ về đất đảo ngàn năm. Người mẹ ấy cũng hào phóng mang nguồn sống đến cho những đứa con yêu thương của mình. Ở Phú Quý, ngư nghiệp có thể được coi là một thế mạnh kinh tế. Nhưng thật ra, trước kia nghề biển ở đảo chỉ đóng vai trò thứ yếu trong đời sống của nhân dân bởi phương tiện đánh bắt thô sơ, nên ngư dân sống với nghề đánh bắt cá một cách khó khăn nhọc nhằn. Người dân có câu nói: “câu cá bang cấp tháng tám như cám đầu mùa” hay “câu cá ngày ăn một buổi” đã phản ánh đúng thực tế thời ấy. Nghề biển ở đây bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch (mùa gió Nồm), từ tháng 8 đến tháng 10, khi mùa gió Bấc đến, nguồn cá khan hiếm dần, lượng cá đánh bắt chỉ đủ ăn trong ngày mà thôi. Trời mênh mông, biển mênh mông, khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập đe dọa mạng sống của con người, vậy nên người dân đảo thường nói: “nghề biển như bọt nước chẳng ra gì”. Dần dần cùng với việc cải tiến ngư lưới cụ và trang bị thủy động cơ nghề đánh bắt đã mở rộng tầm hoạt động ra xa hàng trăm hải lý và đạt sản lượng ngày một cao.

Nghề câu cá mập

Cách đây trăm năm, việc khai thác và đánh bắt cá mập đã trở thành một nghề nổi trội, thu hút đa số ngư dân huyện Phú Quý, trong đó có thôn Quý Thạnh (xã Ngũ Phụng) là địa phương dẫn đầu, nhà nhà đều hành nghề bủa cá mập (cá nhám). Các sản phẩm của cá mập sau khi bắt lên dùng dao cắt lấy những phần sụn như: vây, đuôi, sau đó làm sạch da bên ngoài thu được vi. Vi cá được cung cấp cho thị trường ở Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Mỹ Tho. Gan cá được dùng để ép lấy dầu. Với phần thân cá, ngư dân lột da cá lấy đem phơi khô, có thể sử dụng làm đồ thuộc da, hoặc cắt khúc, ngâm nước làm thực phẩm. Thịt được cắt thành từng thỏi nhỏ phơi khô mang bán để chế biến thành thức ăn. Đến với Phú Quý, du khách có thể thưởng thức món cá nhám hấp cuốn bánh tráng và rau sống trên đảo. Tuy nhiên, hiện nay trên đảo cá nhám không còn nhiều và cũng ít người còn hành nghề này nữa.

Nghề câu mực

Nghề câu mực gọi là “thẻ mực”, là một trong những nghề câu quan trọng dẫn đầu trong việc áp dụng ánh sáng đèn đuốc. Trước đây, người ta dùng những bó đuốc, đèn chai và đèn khí đá, nhưng với các loại đèn này không đem lại kết quả khả quan, lý do không thể chiếu xa kể cả chiều sâu đáy biển. Tuy nhiên, nhờ ở sức nóng của đèn mà mực mới nhầm tưởng con mồi nên tìm lại ăn và bị mắc câu gọi là “mực vịn”. Phương pháp “thẻ mực”, tiếng địa phương hải đảo gọi là thắp đèn để “thẻ”, người ta dùng sợi dây câu bằng cước cách khoảng mỗi thước có một chiếc “bông” bằng vải trắng, dưới đợi câu có một hòn chỉ gọi là “nới” chìm sâu đáy biển.

Sau đó, người ta cầm giữ ở đầu dây câu kéo lên xuống nhiều lần để những bông vải lay động. Con mực thấy bóng trắng thì bu theo và nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong khi ngư phủ chỉ việc nhanh tay dùng vợt xúc đổ vào thuyền. Trong thời gian áp dụng phương pháp này, ngư dân hải đảo đã thành công trong việc dùng đèn dầu xăng để hành nghề, sau khi cùng với ngư dân lục địa trao đổi, trắc nghiệm kỹ càng.

Nghề nuôi cá ở lồng bè

Hiện nay, Phú Quý có hai mô hình nuôi hải sản là nuôi hải sản lồng bè và nuôi bằng hồ chắn ven biển. Nuôi hải sản lồng bè ra đời sớm và được đầu tư trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở Lạch Dù, xã Tam Thanh và xã Long Hải. Các lồng bè ở đảo được làm bằng những thanh gỗ, đóng lại thành những vuông có kích thước khoảng 3,5m x 3,5m. Bên dưới mắc vào những thùng phuy nhựa và các lốp xe bằng cao su để cho lồng bè có thể nổi trên mặt nước. Nuôi bằng hồ chắn ven biển được hình thành và phát triển từ năm 2000, tập trung ở khu Mộ Thầy – xã Long Hải. Đây là hình thức có thể nuôi kết hợp các loại hải sản. Hồ được xây dựng bằng bê tông và gạch táp lô tại các khu vực kín gió, nước biển thông với hồ qua hệ thống lưới inox. (Phạm Thị Phương Thanh, 2017).

Làm khám thờ

Ở Phú Quý, mười nhà thì chín nhà có khám bởi người dân tin rằng: bên trong mỗi chiếc khám thờ có những điều thiêng liêng, giúp họ đánh bắt được nhiều hải sản, qua được sóng to, gió lớn trên biển…

Chúng ta dễ bắt gặp khám thờ trong những ngôi nhà cổ xưa có thiết kế dạng 3 gian 2 chái ở Phú Quý. Khám được làm bằng gỗ, một số ít làm bằng xi măng. Một khám thờ ở Phú Quý đầy đủ thường được gọi là khám thờ kép. Ở phía mặt trước và trên cùng gọi là tấm mày. Mày được khắc 2 con rồng đối xứng nhau. Bên dưới mày là chân quỳ, chạm khắc hoa văn tượng trưng cho tứ quý (tươi đẹp bốn mùa) và dễ thấy nhất là 2 trụ long đăng ở hai bên, tượng trưng cho 2 cột nhà. Từ trên xuống dưới của long đăng, chạm trổ hình rồng uốn lượn ôm lấy thân trụ, tiếp theo là các khung tà, bao gồm khung tà trước, khung tà giữa và khung tà sau. Phần ngoài cùng hai bên gọi là cánh quạt, người ta chạm trổ các hình ảnh, hoa văn của 4 con vật: “Long, lân, quy, phụng”… ngoài ra các góc cạnh của khám còn được trang trí, chạm trổ cũng rất công phu.

 

Khám thờ có 2 tầng, tầng trên thờ các vị thần phù hộ cho gia đình bình an, tầng dưới thờ ông bà, tổ tiên. Điều rất quan trọng ở phần dưới, người ta khắc 2 chữ Hán cỡ lớn để khi nhìn vào phân biệt nhà trưởng nam hay thứ nam. Nhà trưởng nam thường khắc 2 chữ “tổ đường”, còn nếu nhà thứ nam thì có chữ “phước đường”.

Trên đảo có 3 cơ sở làm khám thờ. Người làm lâu năm, tay nghề thuộc loại “tên tuổi” là ông Trần Thiện Nghiệp (47 tuổi), trú tại thôn Đông Hải, xã Long Hải. Ông cho biết: “Tôi là đời thứ 3 kế thừa nghề này của dòng họ. Nhờ nghề mà có thu nhập, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Người làm nghề phải sáng tạo, tỉ mỉ, ngoài việc biết chạm trổ các hoa văn, đòi hỏi phải biết phối màu sơn… Hiện nay để có được một chiếc khám thờ hoành tráng trong gia đình, người có nhu cầu phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng. “Mọi hoa văn, hình vẽ rồng, phụng trên mặt khám không có khuôn mẫu sẵn, đòi hỏi người làm nghề phải nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được”, ông Đỗ Phiêu (70 tuổi), một người dân trú tại thôn Hội An, xã Tam Thanh, gia đình 5 đời làm nghề này cho biết thêm.

Khám thờ của người Phú Quý là nét đẹp văn hóa của một vùng đảo. Người làm khám thờ cũng là một nghệ nhân điêu khắc.

Các làng nghề tại Phú Quý mang nét đặc sắc riêng của đời sống người dân làng chài. Điều đấy tạo nên điểm trội trong việc thu hút khách du lịch sinh thái. Đến với các làng nghề, du khách có thể tự mình chế biến, trải nghiệm đời sống của người dân qua các hoạt động như câu cá, tham quan quy trình sản xuất.

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts