Lịch sử vùng đất huyện đảo Phú Quý

Bình Thuận có 10 đơn vị trực thuộc hành chính, trong đó có Phú Quý – một huyện đảo nhỏ bé, xa xôi – nơi mênh mông sóng nước chập chùng, nơi có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có hàng dừa xanh soi bóng, có bãi cát trắng trải dài hài hoà trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nên thơ của tổ quốc thân yêu.

Cách bờ biển thành phố Phan Thiết 56,7 hải lý (khoảng 105km) theo hướng Đông – Đông Nam, ta sẽ bắt gặp một hòn đảo nằm giữa biển Đông với hình thù rất kỳ thú. Theo sự tưởng tượng và nhận xét của rất nhiều người, đảo Phú Quý khi nhìn từ phía Đông thì trông như một con rồng đang uốn lượn nổi trên mặt biển xanh (hình dáng rồng tương ứng với những địa danh trên đảo: đầu – Long Hải, thân – Tam Thanh, đuôi – Ngũ Phụng). Khi nhìn từ phía Bắc thì lại có hình dáng như một con cá thu, và nếu nhìn ngắm đảo từ phía Tây Nam trông chẳng khác nào một con cá voi khổng lồ đang trồi lên mặt nước, với đầu là núi Cao Cát, đuôi là núi Ông Đụn. Còn khi nhìn từ doi Thầy (Long Hải) hướng về núi Cao Cát lại thấy một hàm rồng đang ngậm trái châu. Đảo Phú Quý là một quần đảo, được bao bọc chung quanh bởi 10 đảo lớn nhỏ, cách đảo lớn từ 1 – 100km, mà nhân dân địa phương thường quen gọi là “hòn lẻ”. Tùy hình dạng, vị trí, màu sắc, sự tích hình thành, mỗi hòn lẻ được đặt một cái tên cho dễ nhớ như: Hòn Trứng lớn, Hòn Đen, Hòn đỏ, Hòn Giữa, Hòn Hải, Hòn Đồ lớn, Hòn Tý, Hòn Đồ nhỏ. Bên cạnh đó, ở đây còn có một hòn đảo nhỏ mới hình thành vào năm 1923 được gọi là Hòn Tro. Hòn lẻ lớn nhất trong các quần đảo là Hòn Tranh, có hình dạng chữ S của nước Việt Nam thu nhỏ, cách đảo lớn 0,5 hải lý. Nằm giữa biển khơi, nhưng do được núi bao bọc thành một thế chắn sóng vững chãi, nên Hòn Tranh quanh năm có sóng yên biển lặng và gắn với nhiều huyền thoại, đức tin của ngư dân vùng biển.

Đảo lớn của Phú Quý, là nơi sinh sống của tuyệt đại đa số số dân trên đảo, có dạng hình chữ nhật lệch, coù diện tích hết sức “khiêm nhường”, chỉ khoảng 16,4km2 với các loại địa hình đồi, núi và các dãy đất bằng. Với thời tiết khắc nghiệt – chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa gió Nam bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, mùa gió Bấc từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, lại thêm tốc độ gió, nhiệt độ trung bình khá cao, đất đai lại cằn cỗi, thiếu nước, kỹ thuật canh tác thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người và nước trời, nên công việc lao động của người dân lại càng vất vả, nhọc nhằn, đòi hỏi con người phải tìm ra một hướng sống tích cực, ứng xử với môi truờng tự nhiên một cách linh hoạt. Chính những yếu tố tự nhiên này đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người nơi đây, góp phần làm nên diện mạo văn học dân gian hải đảo đầy cá tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu giải trí, bộc lộ tình cảm của số đông quần chúng cần lao.

Quá trình hình thành và phát triển đảo Phú Quý đã nhiều lần đổi thay đơn vị hành chính và cấp trực thuộc. Đảo Phú Quý được ghi nhận nguồn gốc có trong lịch sử từ thời Tiền Lê (981 – 1009). Sách sử xưa “Đại Nam Nhất Thống Chí” có ghi lại rằng: “Đảo Thuận Tịnh: giữa biển Đông đột khởi một hòn đảo, tiếp thẳng bờ biển Phan Lý. Đảo dài 15 dặm, bốn bên đều là bãi cát, dân ở bao quanh, có 11 thôn dùng người thổ hào quản lãnh, thường năm phải biệt nạp thuế vải”.

Huyện đảo Phú Quý nhìn từ Chùa Linh Sơn

Qua những tài liệu về khảo cổ học thời Sơ sử – Tiền sử của nhóm nghiên cứu khoa học về di tích đảo Phú Quý, cho thấy rằng từ thời xa xưa đã có người sinh sống trên mảnh đất này. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rất nhiều dấu tích văn hoá cổ (ở cả 3 xã trên đảo): trong những ngôi mộ cổ phân bố tập trung ở xã Long Hải, người ta tìm thấy nhiều hiện vật là những mảnh gốm, đây là phương tiện sử dụng của người xưa, cùng với những công cụ lao động là những chiếc rìu bằng đá.

Ngoài ra, còn có những hiện vật liên quan đến ngành nghề truyền thống như: hiện vật về nghề dệt, nghề chế biến đậu phụng, hũ ghè đựng vôi ăn trầu. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân trong vùng đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo một số công cụ lao động như búa và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Căn cứ vào nhiều tài liệu lịch sử, những bằng chứng vật chất thu được trên đảo như rìu, bôn, mộ vò…Cộng với các đợt điều tra thăm dò khảo cổ học trong suốt 20 năm qua của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận và sau này là của viện Khảo cổ học Việt Nam, đã xác định các di chỉ khảo cổ học thuộc thời tiền, sơ sử trên đảo Phú Quý mang đặc trưng điển hình của văn hóa giai đoạn Sa Huỳnh muộn sang tiền văn hóa Chămpa “Nền văn hoá tồn tại cách đây 2.500 – 3.000 năm”. Theo nhận định của hai nhà khảo cổ học – Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Hà Văn Tấn: “Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh là tổ tiên trực tiếp của những cư dân đã xây dựng các quốc gia Chămpa”.

Giếng Tiên được xây dựng vào Thế kỷ thứ XV tại Phú Quý

Vì thế ngay từ đầu, người Chăm đã sớm tạo ra một nền văn hóa phong phú rực rỡ cùng một nền kinh tế – xã hội phát triển, thịnh vượng. Đây là một nền văn hoá cổ phát triển rực rỡ ở vùng Nam Trung Bộ. Đồng thời điều này cũng phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng: trước khi có sự khai sơn phá thạch của nhũng con người từ lục địa ra, ở đây đã có người sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Nhưng nền văn hoá ấy đã tồn tại và phát triển như thế nào? Chủ nhân của nền văn hóa ấy đã sống và lao động ra sao? Tất cả vẫn còn là những câu hỏi để ngỏ, chưa có lời đáp.

Trong lịch sử, hòn đảo này có rất nhiều tên gọi như: Koh-rong, theo cách gọi của người Chàm, về sau người Việt gọi là Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai xứ, Cù Lao Thu, đảo Chín Làng, Phú Quý (Poulo Cecir de mer). Về tên gọi Cù Lao Khoai xứ, tương truyền ngày xưa một nhóm ngư dân Đàng Ngoài trên đường đi làm nghề lưới chuồn đã đặt chân lên hòn đảo này. Khi rời đảo, họ bỏ lại những gấu khoai vùi trong đất. Khi quay lại thấy những gấu khoai kia bén rễ xanh cây, cho những củ khoai to, nên họ gọi đảo này là Khoai xứ. Tên đảo Chín Làng là do chín nhóm ngư dân duyên hải miền Trung đến đây lập nghiệp, nên lấy tên địa phương mình đặt tên làng để không làng quê cũ – nơi người dân đã sống trước khi đặt chân đến đảo như: làng Mỹ Khê (tên này được lấy từ xã Mỹ Khê, thuộc huyện Nghĩa Hành), làng An Hòa (thuộc xã An Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), làng Mỹ Xuyên (thuộc xã Mỹ Xuyên tỉnh Quảng Nam), làng Phú Ninh (thuộc xã Phú Ninh tỉnh Quảng Bình)…. Còn tên gọi Cù Lao Thu xuất phát từ hình dạng của đảo giống con cá Thu, nhưng có người lại nói rằng nơi đây xưa kia là một ngư trường tập trung nhiều cá thu nên ngư dân quen gọi là Hòn Thu. Đầu thời nhà Nguyễn đảo có tên là Tổng Hạ, thuộc huyện Tuy Phong, trấn Bình Thuận. Từ niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844) vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận, phủ Ninh Thuận, huyện Tuy Phong. Ngày 15 – 12 – 1977, từ vị trí địa lý quan trọng của đảo, xã Phú Quý được nâng lên thành huyện Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

Mộ thầy Nại ở Phú Quý

 

5/5 - (1 bình chọn)
Đảo Phú Quý, huyện đảo Phú Quý, huyện Phú Quý

Recent Posts