Miếu Chúa Thanh được xây dựng tại xã Long Hải kế bên Vạn Liên Thành, xây dựng lần gần nhất năm 1998, là một ngôi miếu nhỏ với vật liệu xây dựng bê tông xi măng, cửa bằng gỗ, sân lát gạch hoa, do người dân góp công xây dựng. Tại miếu thờ cô hồn trên đảo và trên biển vào dịp tết Thanh Minh (khoảng đầu tháng ba âm lịch) người ta đến cúng kiến làm lễ giỗ cho những vong hồn không có thân nhân luân phiên một năm tế chay một năm tế mặn.
Người Việt ở Phú Quý không gọi là cúng cô hồn mà gọi là cúng Cô Bác mang ý nghĩa tôn trọng. Bên trong miếu phân bố 3 bàn thờ, trên bàn có đặt cái chuông để gõ gọi mời cô bác về dự lễ khi cúng.
Cô Bác là những người chết không tìm thấy xác, chết tức tưởi, oan khuất, không biết vì sao mình chết nên linh hồn không tan và luôn quanh quẩn trên dương thế. Họ không có nhà để về, không có nơi để ở, không có ăn, không có mặc. Người dân tin rằng những người chết trên biển là những người chết “bất đắc kỳ tử” nên rất linh thiêng. Tuy không có uy lực như thần linh khác nhưng Cô Bác cũng có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên thuận lợi hoặc khó khăn hơn tùy vào cách ứng xử của người sống với Cô Bác. Hay quan niệm nếu không thờ cúng cẩn thận, tôn kính thì Cô Bác có thể “dẫn” người sống theo trong khi lao động trên biển.
Khi các phương tiện đánh bắt trên biển còn thô sơ, những rủi ro, hiểm nguy là điều không tránh khỏi, nhiều người chết trên biển mà không thể tìm thấy xác. Việc thờ người chết trên biển vì tin rằng họ cũng có năng lực quyền uy chi phối đáng kể đến đời sống tâm linh của những người hành nghề biển.
Ở Phú Quý, Cô Bác còn được thờ cúng chung tại các vạn, đình miếu tại các bục thờ phía trước chánh điện. Có Cô Bác bên trong và Cô Bác bên ngoài. Mỗi lần lễ hội của các vạn, đình, miếu thì cúng chung.
Ngoài ra, người Việt ở Phú Quý còn cúng Cô Bác tại các bến ghe tàu và bãi biển. Vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hoặc mùng 1, mùng 2 âm lịch, nhiều gia đình mang đồ cúng ra bãi biển – nơi mà ghe nhà mình thường neo đậu để cúng. Khi sơn sửa ghe xong, hủ ghe vừa cúng ghe đồng thời cũng cúng Cô Bác với mong muốn, Cô bác phù hộ cho mùa đi biển được dễ dàng thuận tiện. “Ngoài biển có lệnh Ông ủng hộ, Trong bờ có Cô Bác phò trì”
Lễ vật cúng Cô bác gồm: 2 tầng, tầng trên và tầng dưới Trên bệ cúng cao hơn có: 1 chén cháo, 1 đĩa trái cây, 2 ly nước lọc, 1 bát nhang (dùng chung cho 2 bậc cúng) Mâm sát đất gồm: 1 chén gạo, 1 chén muối, 1 ít bánh snack, vài khúc mía, 2 ly nước lọc, 4 chén không, đặt xung quanh một tô cháo lớn, giấy tiền vàng mã.
Cúng Cô Bác còn diễn ra trong chùa vào các ngày rằm lớn như Rằm tháng 7 âm lịch, chùa thường tổ chức cúng cầu siêu cho các vong linh mất trong quá trình đi biển cung như những Cô Bác không có nhà cửa. Việc cúng Cô Bác thể hiện tinh thần sẻ chia, tính cộng đồng, sự đùm bọc, cảm thông giữa những người sống và người kém may mắn hơn (là người chết). Họ không phải là những vị thần nhưng cũng là những người con của đảo, đáng quý trọng, đáng được hưởng cuộc sống như bao người khác nhưng không may họ phải mất do những thiên tai trên biển.