Các loại rau câu, nhất là rau câu chân vịt và rau câu chỉ vàng mọc tự nhiên khá nhiều trên các gành đá hay những rạn san hô ở xung quanh bờ biển đảo Phú Quý.
Rau câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như: thạch rau câu, canh rau câu và là nguồn đông dược được người tiêu dùng ưa chuộng, có tác dụng lợi tiểu, trị bướu cổ…
Mùa thu hoạch của các loại rau này bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 8 âm lịch. Rau câu được lấy trên cạn hoặc có khi phải lặn dưới nước sâu khoảng gần 1m, việc khai thác rau câu trên đảo cũng là nghề truyền thống chủ yếu do những người phụ nữ trên đảo thực hiện.
Rau câu chân vịt là được khách hàng ưu chuộng nhất, thế nhưng hiện nay rau câu không còn nhiều như trước đây.
Người ta thường chỉ quen dùng rau câu chân vịt để nấu canh, làm gỏi… nhưng ít ai biết ở Phú Quý người ta còn lấy rau câu chân vịt nấu thành chè. Đây là một món ăn rất đặc biệt vừa lạ vừa quen mà khi tới đây nhất định bạn sẽ phải thử.
Cách chế biến món chè rau câu chân vịt
Rau câu chân vịt thơm, ngon, lành tính, nhiều dưỡng chất, thanh nhiệt, giải độc … nên phù hợp với mọi thể trạng, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Và đối với Rau câu chân vịt thì món độc đáo nhât vẫn là chè rau câu chân vịt.
Nguyên liệu gồm có:
- Rau câu tươi, hoặc khô (Khô phải ngâm cho nở ra như tươi)
- Đường phèn (nếu không có có thể dùng đường cát trắng hay cát vàng đều được).
- Gừng gọt vỏ giã nhỏ
Cách chế biến như sau:
- Nếu là Rau câu khô thì trước tiên ngâm với nước lã đến khi nào nở ra vừa phải (dùng tay bấm sợi rong thấy mềm mềm là được, không nên để quá dai hay quá mềm, chè sẽ không ngon).
- Đối với người không thích mùi đặc trưng của rong biển thì khi ngâm, ta vắt 1 ít chanh vào sẽ khử được mùi rong biển và làm rong biển trắng hơn. Tùy theo sở thích mỗi người mà đổ nước nhiều hay ít khi nấu. Thêm một ít gừng thì mới tạo ra hương vị đặc biệt. Nếu sử dụng rau câu khô, ngoài ngâm, rửa thật kỹ cần phải nhặt cho hết sạn, đá bám xung quanh cọng rau câu, đồng thời khi đổ ra chén thì nên bỏ một lớp phía dưới nồi, tránh sạn, đá còn sót lại.
- Sau khi ngâm xong cho rong câu vào nồi đổ nước săm sắp, nấu sôi lên khoảng 15 phút, sau đó cho đường phèn hoặc đường cát và gừng vào, khuấy cho tan. Thử độ ngọt theo ý thích rồi múc ra chén để nguội, nên để trong ngăn mát tủ lạnh rồi dùng dần.
- Độ vài giờ sau, rong câu đông đặc lại thành chè có màu vàng thanh.Vì đặc tính của rau câu nên khi ta nấu không cần cho bột rau câu vào, mà nó sẽ tự đông lại.
Theo kinh nghiệm, lúc nấu người ta nhỏ vài giọt chanh có tác dụng làm cho rau câu nhanh mềm và dễ đông cứng khi nguội. Chè rau câu độc đáo hơn vì trông giống như loại thạch, không dùng muỗng mà có thể cầm miếng ăn. Với cái mát tự nhiên vốn có của rau câu, ăn món chè này thật sảng khoái trong những ngày tiết trời nắng nóng.