Dứa gai, không chỉ tô điểm sắc xanh, mà nó còn gắn bó mật thiết với đời sống của người dân đảo nhỏ trong những vật dụng hàng ngày. Trong đó, chiếc võng dứa gai đã từng giúp nhiều người có một nguồn thu nhập ổn định. Tuy vậy, hiện trên đảo chỉ còn rất ít người gắn bó với nghề thủ công truyền thống này.
Với hơn mấy chục năm làm võng dứa gai, hiện nay bà Huỳnh Thị Nhơn ở thôn Phú Long, xã Long Hải và một vài phụ nữ khác trên đảo vẫn còn theo đuổi nghề này. Theo bà Nhơn, cây dứa gai có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày. Ngoài quả để làm dược liệu, rễ của nó rất được ưa chuộng vì có thể làm các loại dây cột và đặc biệt là vật liệu chính để làm võng. Rễ dứa chọn làm võng là thứ rễ còn treo lủng lẳng trên thân cây chưa cắm vào đất, vì loại rễ này sẽ cho ra sợi dai và bền. Ngoài ra, rễ phải suông thẳng, không quá già, cũng không quá non.
Một chiếc võng thành phẩm cần tới 15kg rễ dứa tươi và phải trải qua nhiều công đoạn như gọt sạch vỏ, chẻ phần lõi thành từng thanh mỏng và phơi nắng. Tiếp theo là công đoạn tét sợi nhỏ và se sợi. Khi sợi se thành dây, người đan mới bắt đầu tạo đầu võng và đan theo từng ô. Nếu như chặt rễ đòi hỏi sức lực, thì đan thành phẩm một cây võng đòi hỏi sự tỉ mẩn, miệt mài trong từng chi tiết.
Vừa làm, bà Nhơn vừa nhớ về những ngày hoàng kim của võng dứa gai khi nó không chỉ được tiêu thụ ở Phú Quý mà còn có mặt ở Phan Thiết, LaGi và các địa phương khác. Rồi cũng có lúc bà buông xuôi, bỏ nghề.
Vẫn còn đó những trăn trở khi không có ai theo đuổi nghề truyền thống. Bà Nhơn chỉ hi vọng, du lịch có thể giúp những người trẻ nhìn thấy những giá trị văn hóa của chiếc võng dứa và có thể phát triển sản phẩm quà tặng du lịch có tính bền vững, đồng thời chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa và có kế hoạch để khôi phục làng nghề này.
Bích Dung – Văn Lộc
Phú Quý