Nghệ thuật dân gian Hát bả trạo (chèo thuyền) ở Phú Quý

Hát bả trạo (chèo thuyền): một biểu tượng của cuộc sống cư dân biển. Ở Phú Quý, bả trạo được gọi là “chèo cổ” vì đây là loại hình nghệ thuật có từ xa xưa và cách biểu diễn loại hình nghệ thuật này phải dùng mái chèo.

Ở Phú Quý, đội bả trạo khoảng 20 người gồm 01 người lái, 01 người tát nước, 01 người mũi, còn lại là chèo ngang. Hiện có 03 đội chèo bả trạo: 02 đội ở Long Hải và 01 đội ở Tam Thanh. Hằng năm, các đội bả trạo này thường phục vụ trong lễ hội Cầu Ngư và các lễ hội tại đình, miếu, vạn… ở đảo.

Chèo Bá trạo là một loại hình dân ca nghi lễ dân gian vừa có tính phục vụ lễ hội, vừa có tính giúp vui loại hình này bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng thần Nam Hải của ngư dân suốt cả chiều dài miền biển Trung Bộ, từ Thừa Thiên Huế đến Vũng Tàu. Ở mỗi nơi, người ta lại có các gọi khác nhau, chẳng hạn ở Bình Định gọi là chèo đưa linh, chèo Bả trạo (từ Hán, bả có nghĩa là bẻ, là chèo, trạo là thuyền), ở Quảng Nam Đà Nẵng, Phú Yên cũng gọi là chèo bả trạo. Riêng ở Bình Thuận thì gọi là hò đưa linh, chèo Bá trạo (theo giải thích của nhiều người thì bá là trăm, trạo là người chèo thuyền, bá trạo là trăm tay chèo). Tuy nhiên, dù gọi gì đi nữa thì hình thức diễn xướng cũng na ná giống nhau. Ở đây chúng tôi thiên về cách gọi Bá trạo.

Một đội chèo đầy đủ bao giờ cũng gồm các thành phần sau: “Tổng lái tay cầm chèo dọc có nhiệm vụ lèo lái con thuyền khi có sóng to gió lớn, Tổng mũi (còn gọi Tổng tiền, Tổng thương) có nhiệm vụ quan sát định hướng cho ghe chạy và đảm nhiệm vai trò cầm sanh giữ nhịp cho bạn chèo, Tổng khậu lo chợ búa bếp núc, Tổng khoang đóng vai trò quan trọng nhất vì lo giữ cánh buồm giữa và tát nước”.

Hàng năm vào các dịp lễ cầu ngư, lễ nghinh Ông, các vạn chài ở cả 3 xã của đảo Phú Quý đều tổ chức hát múa bá trạo tại lăng thờ Ông (nhà Võ ca). Hò bá trạo được diễn xướng với mục đích để thể hiện lòng tôn kính vị thần của biển cả Thần Nam Hải, và cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân được mùa cá tôm, đồng thời nó còn tái hiện lại cảnh lao động sinh hoạt của ngư dân. Hình thức chèo bá trạo lần lượt được tiến hành như sau:“Trước tiên là lễ rước ông Sanh, đội trạo diễn tế trong lăng sau biểu diễn dưới nước, rước linh hồn Ông lên lăng để cùng vui hội và phò hộ dân cư trong vạn chài. Tiếp theo là lễ cáo yết tổ chức trong sân lăng, để chủ yếu tỏ tình thương tiếc, ca ngợi công đức Ông. Sau cùng là lễ tế Ông”

Thành phần của đội chèo bá trạo ở đảo có phần giản đơn hơn, chỉ có Tổng lái, Tổng mũi cùng với 8 đến 10 con chèo trang phục chỉnh tề. Về điểm này có đôi chỗ khác biệt: xã Tam Thanh mặc đồ sặc sỡ (màu xanh đỏ) giống diễn tuồng, xã Long Hải áo đen, quần trắng, thắt lưng màu xanh, xã Ngũ Phụng áo đen quần trắng, thắt lưng đỏ, đầu đội khăn đóng. Trong dịp lễ cầu ngư (xã Tam Thanh) được tổ chức vào ngày đầu xuân, mở đầu là lớp nghi lễ, người chủ xướng (Tổng lái) trực tiếp điều khiển đội trạo vào làm lễ bái yết, bước nhún theo nhịp, vừa gõ sanh vừa hát nghi thức chúc:

“Nay thái bình tám cõi, lại thêm thịnh trị bốn phương

Nghinh Ông về an tạ lăng đường

Cho bổn vạn thỏa nhờ phước thọ

Nguyện linh thần, phó hộ phước linh”

Đội trạo đi vào theo hai hàng dọc, sắp xếp lại đội hình cho chỉnh tề rồi theo tiếng sanh vừa làm động tác vừa chèo vừa hô. Kế đến là lớp ca ngợi công đức Ông Nam Hải:

“Anh linh hải ngoại an thế nạn

Ủng tế ba đào, cứu nhân tai

Cứu nhân tai, mưa dài gió tạnh

Nam đức Ngài, công lại dày công

Bả trạo ơi! (Dạ…) Ngưỡng mong một chữ tử sanh (í à í a…)

Độ cho bá tánh bổn thành căn cơ

Bả trạo ơi! (Dạ…) Bảo tàng lê thứ đường treo (í à í a…)

Cứu dân trợ vật, phượng thờ linh cung…”

Tiếp theo đó là Tổng chèo xuống phía dưới tượng trưng cho đuôi thuyền lãnh nhiêm vụ chèo và hô trong tiếng hù khoan dồn dập, rộn ràng cùng với động tác chèo thuyền nhịp nhàng khỏe khoắn:

“Truyền bả trạo bỏ 3 mái, buông dưới hầu Ông

Khoai hô khoai! Là hù là khoan! Mũi dinh là mũi thứ

Hù là khoan! Là mũi trời sanh

Hù là khoan! Có doi là bủa lưới

Hù là khoan! Có gành là câu (chứ) giăng câu

Hù là khoan, hù là khoan!

Nhìn chung, chèo bả trạo ở đảo Phú Quý là một loại hình văn nghệ dân gian rất đặc sắc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Nó vừa mang hơi thở cuộc sống của nhân dân lao động, vừa mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện tấm lòng thành kính của bà con ngư dân với vị thần biển oai linh.

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts