Ngọn đuốc Bác Hồ trên đảo Phú Quý

Ngọn đuốc Bác Hồ trên đảo Phú Quý được khởi công vào ngày 19/2/1980, sau 3 tháng triển khai thi công, vào ngày 19/5/1980 đã khánh thành vào đúng sinh nhật của Người (19/5/1980).

Ngọn đuốc Bác Hồ ở Phú Quý

Quá trình xây dựng Ngọn đuốc Bác

Sau giải phóng miền Nam, để tri ân công lao trời biển của Bác Hồ, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị (khóa IV) về việc đưa ngọn đuốc Hồ Chí Minh đến thắp sáng mọi miền của đất nước. Phú Quý là đảo tiền tiêu biệt lập giữa trùng dương, cách biển Phan Thiết 54 hải lý, tương đương 100 km, hải trình đến Phú Quý rất gian nan nhất là khi biển động. Tuy nhiên với tấm lòng thành kính biết ơn vô hạn vị cha già dân tộc, quân dân Phú Quý đã tổ chức rước đuốc về đảo, rồi tập trung công sức vận chuyển vật liệu lên đỉnh núi Cấm xây dựng Ngọn đuốc Hồ Chí Minh vào 19/2/1980 sau 3 tháng triển khai thi công, vào ngày 19/5/1980 đã khánh thành vào đúng sinh nhật của Người (19/5/1980).

Hơn 30 năm do thời tiết khắc nghiệt của vùng biển, nhất là trên đỉnh núi Cấm quanh năm gió chướng, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng. Vào năm Phú Quý đã tổ chức vận động cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp tiền của công sức để sửa chữa, nâng câp công trình ngọn đuốc Hồ Chí Minh. Nhân dân trên đảo và nhiều người con Phú Quý thành đạt nơi xa lại tích cực đóng góp công sức, tiền của và hiện vật tôn tạo lại công trình, riêng số tiền ủng hộ xây dựng tượng đài là 1,2 tỷ đồng, hơn 8.000 ngày công …đến năm 2011 huyện Phú Quý tổ chức khánh thành công trình Ngọn đuốc Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa ngọn đuốc Bác Hồ

Ngọn đuốc cao 19,5m, gợi nhớ đến ngày 19-5 – ngày sinh của Bác Hồ. Nơi dựng ngọn đuốc được thiết kế thành sân lễ, có đặt tượng đài Bác do các nghệ nhân Đà Nẵng tạc từ đá trắng Non Nước nguyên khối. Đường từ chân núi Cấm đến nơi dựng đuốc uốn lượn theo triền núi dài khoảng một cây số, gồm một đoạn bằng phẳng được tráng bê tông và 2 đoạn xây đá theo bậc tam cấp.

Ngọn đuốc Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt ý nghĩa với toàn dân trên đảo. Đây là nơi cán bộ, nhân dân huyện đảo tổ chức viếng Bác, báo công với Bác vào những ngày lễ lớn, khi diễn ra các sự kiện trọng đại của địa phương. Công trình góp phần giáo dục, nhắc nhở các thế hệ cùng chung sức, chung lòng xây dựng Phú Quý ngày càng giàu đẹp, vững mạnh, xứng đáng là đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Hiện nay, Ngọn đuốc Hồ Chí Minh không chỉ là nơi sinh hoạt chính trị mà còn là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi tham quan huyện đảo Phú Quý.

Từ đỉnh núi Cấm, phóng tầm mắt bao quát gần trọn đảo ngọc Phú Quý xinh đẹp, tôi chợt nhớ đến tài liệu của Quân chủng Hải quân ghi rõ: Năm 1961, khi Bác đến Quảng Ninh thăm chiến tích của Tướng quân Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên – Mông xâm lược trên sông Bạch Đằng, tại đây Bác nói: “Ngày trước, nước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, nên chúng ta phải chung sức giữ gìn lấy nó.”

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, câu nói bất hủ của Bác Hồ luôn được quân, dân cả nước nói chung, nhất là các chiến sỹ Hải quân Việt Nam khắc cốt ghi tâm. Đảm nhận trọng trách nơi hải đảo xa xôi, Hải quân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của biển, đảo Tổ quốc thân yêu.

5/5 - (2 bình chọn)

Recent Posts