Những loài cây thuốc được người dân Phú Quý thu hái để chữa trị các bệnh thông thường như cảm cúm, sốt cao, ho, mẩn ngứa, bồi bổ cơ thể, giải độc, đau răng và nhiều bệnh khác; các loài cây thuốc được thu hái và sử dụng phổ biến như: Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus), Dứa dại (Pandanus tectorius Sol) Cỏ xước (Achyranthes aspera), Cam thảo đất (Scoparia dulcis), Nhàu (Morinda citrifolia), Lạc tiên (Passiflora foetida), Ngũ trảo (Vitex negundo), v.v.
Ngày xưa, người dân Phú Quý ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế hiện đại như bây giờ. Vì vậy, cây ngũ trảo là nguồn dược liệu quý. Theo đông y, lá, vỏ cây, rễ, hạt ngũ trảo đều dùng làm thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giảm sốt, làm lưu thông huyết mạch, trừ phong thấp, kích thích tiêu hóa.
Lá cây ngũ trảo sắc nước uống có tác dụng loại trừ cảm mạo, sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, phong thấp, gân xương đau nhức, đau thần kinh tọa, phụ nữ đau bụng khi hành kinh…Lá cây ngũ trảo kết hợp với lá chanh, lá bưởi, lá cam, lá sả, ngải cứu đun sôi để xông trừ bệnh cảm mạo, sốt, nhức đầu, sổ mũi. Vỏ cây ngũ trảo ngâm rượu uống để kích thích tiêu hóa, trị hen suyễn. Bị gai cột sống hay bong gân thì dùng lá ngũ trảo, lá đại tướng quân, bồ công anh giã nhỏ với muối hột, xào với rượu trắng dùng đắp lên vùng bị đau.
Theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn thì rễ, lá, hoa, quả của cây dứa dại đều có dược lý khác nhau. Lá non có công dụng tán nhiệt độc, lương huyết, cầm máu, sinh cơ được dùng để chữa các chứng bệnh như sởi, ban chẩn, nhọt độc, chảy máu chân răng… Theo đó, đọt non dứa dại giã nát cùng đậu tương dùng để đắp vào vùng tổn thương do viêm loét chân kinh niên. Chữa các vết loét sâu gây thối xương dùng đọt non dứa dại giã đắp để hút mủ. Dùng đọt non dứa dại sắc nước uống có tác dụng chữa các chứng đái gắt, đái buốt, đái ra máu. Đọt non dứa dại kết hợp với xích tiểu đậu, đăng tâm thảo, búp tre nấu nước uống có tác dụng thanh tâm giải nhiệt, chữa chứng bồn chồn, tay chân vật vã không yên. Hoa dứa dại có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, lợi thủy, chữa các chứng bệnh như thoát vị bẹn, thoát vị bìu, đau từ bìu lan lên bụng dưới, đái buốt, đái đục, tiểu tiện không thông, nhọt mọc ở gáy chỗ ngang với miệng, cảm mạo… Quả dứa dại lại có công dụng bổ tỳ vị, cố nguyên khí, chế phục cang dương (khí dương không có khí âm điều hòa, bốc mạnh lên mà sinh bệnh) làm mạnh tinh thần, ích huyết, tiêu đàm, giải độc rượu, làm nhẹ đầu, sáng mắt, khai tâm, ích trí. Còn rễ có vị ngọt, tính mát có công dụng làm ra mồ hôi, giải nhiệt chữa các chứng bệnh như cảm mạo, sốt dịch, viêm gan, viêm thận, viêm đường tiết niệu, phù thủng, đau mắt đỏ, thương tổn do chấn thương.
Hội Đông y huyện Phú Quý nên hướng dẫn cụ thể cho nhân dân trên đảo cách sử dụng hai nguồn dược liệu này, để họ có thể tự giải quyết một số bệnh ngay tại nhà mà không nhất thiết phải đến bệnh viện vừa tốn kém, vừa mất thời gian.