Những dấu ấn người Hoa ở đảo Phú Quý

Thế kỷ XVII, một số quan lại nhà Minh ở Trung Quốc sau khi chống nhà Thanh thất bại, đã phải trốn ra khỏi Trung Quốc, những đoàn thuyền vượt biển tiến về phương nam, trong đó một bộ phận đã quyết định dừng chân ở Phú Quý. Từ đó người Hoa cũng hòa nhập vào cộng đồng cư dân ở Phú Quý, họ đến đây dệt tơ lụa, buôn bán,… để sinh sống và dần tạo dấu ấn của người hoa trên vùng đảo này. Sự xuất hiện của tín ngưỡng Thầy Sài Nại và câu chuyện kể về ông là một người gốc Hoa đã phần nào minh chứng cho điều này

Tín ngưỡng của người Hoa tại Phú Quý

Tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân

Quan Thánh Đế Quân tên tự là Quan Vân Trường (162 – 219) là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc sống ở thời Tam Quốc cuối đời nhà Hán. Người Hoa tôn thờ Quan Công vì ông là người tượng trưng cho phẩm tính cao đẹp của con người với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng đều vẹn toàn và tôn gọi ông là Quan Thánh Đế Quân. Tục thờ Quan Thánh Đế Quân, một tín ngưỡng dân gian đã được người Hoa mang theo trong quá trình di cư đến đây.

Tương truyền rằng trong những năm bôn tẩu ẩn mình ở Phú Quý, Nguyễn Ánh thường đến đền thờ Quan Thánh để cầu nguyện ngài linh hiển trợ giúp để có tinh thần sáng suốt minh mẫn. Khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long nhà vua đã ban sắc phong và lệnh cho dân chúng trên đảo thờ phụng. Từ đó đền Quan Thánh trở thành một nơi linh thiêng gắn liền với đời sống tín ngưỡng là chỗ dựa tinh thần của người dân đảo Phú Quý. Hiện nay đền thờ Quan Thánh Đế Quân không có lưu giữ sắc phong nào cho Quan Thánh.

Tín ngưỡng thờ Thầy Sài Nại

Theo như thần tích, Thầy Sài Nại là thương gia người Hoa vào khoảng thế kỷ XVI, ông thường theo thuyền buôn đến nhiều nước để buôn bán, bên cạnh đó ông còn là một nhà địa lý, một thầy thuốc giỏi. Qua nhiều chuyến hải trình đã có lần ghé lên đảo Phú Quý và nhận thấy đây là vùng địa linh.

Khi ngài đến Phú Quý, lúc này đã có công chúa Bàn Tranh cùng với người dân của Bà sinh sống ổn định trên đảo. Thầy Sài Nại đã kết nghĩa chị em với công chúa Bàn Tranh và trong những chuyến ghé lại trên đảo Thầy đã bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân nghèo. Từ đó Thầy có ước muốn sau khi qua đời tro cốt của mình sẽ được an táng ở đảo Phú Quý nơi được Thầy cho là địa linh đất có long mạch. Đúng theo ý nguyện đó, khi Thầy mất vào ngày mùng 4 tháng tư, một đoàn thuyền xuất phát từ phía Bắc mang theo tro cốt của Thầy ghé lên đảo vào lúc ban đêm, cúng tế và an táng Thầy ngay trong đêm đó và đoàn thuyền rời đi. Sáng hôm sau, người dân trên đảo ngạc nhiên khi phát hiện có rất nhiều hương đèn, hoa quả, gà, heo, trà rượu… tại khu vực Doi Thầy thuộc thôn Đông Hải xã Long Hải ngày nay.

Tin tức lan truyền khiến người dân trên đảo tò mò kéo nhau đến xem rất đông. Biết đó là tro cốt của Thầy Sài Nại người dân đã xây mộ bằng đá gành theo kiểu dáng hình trụ tròn và gọi là mộ Thầy.

Người dân ở đảo Phú Quý từ xưa đến nay tin rằng sau khi chết Thầy đã hiển linh như thần, ba tiếng sấm nổ vang sau đó là một ánh hào quang sáng rực là hiện thân của ngài. Từ đó dân đảo luôn tin tưởng vào sự linh ứng của Thầy, nhiều người đã được Thầy cứu giúp để an toàn vượt những chuyến biển gặp bão tố hay trong lúc chiến tranh loạn lạc.

Người Hoa có ở Phú Quý không ?

Qua những điều trên có thể thấy dấu ấn của người Hoa đối với tín ngưỡng của đảo Phú Quý chỉ thể hiện qua việc thờ cúng Thầy Sài Nại và Quan thánh Đế Quân. Người Hoa đến Phú Quý có thể đã không sinh sống trên đảo nhiều đời và sáp nhập vào cộng đồng cư dân trên đảo. Người Hoa chỉ ghé lên đảo Phú Quý trong những chuyến hải trình buôn bán của họ và hầu hết là thương nhân, có hoạt động trao đổi hàng hoá lấy lương thực nông sản hay cung cấp thuốc men cho cư dân trên đảo.

Một sự thật nữa là theo lịch sử ghi lại thì đa phần người Hoa di cư xuống phương Nam họ rất giỏi buôn bán làm nghề thương nhân, họ tìm những vùng đất thuận lợi giao thông vị trí thuận lợi để lập nên những vùng trù phú với thương nghiệp phát triển mạnh ví dụ như Dương Ngạn Địch với Mỹ Tho Đại Phố (Thành Phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang ngày nay), Trần Thượng Xuyên với Nông Nại Đại Phố (Biên Hoà tỉnh Đồng Nai ngày nay) hay Mạc Cửu với Thương cảng Hà Tiên (Kiên Giang). Trong khi đó đến đầu thế kỷ XVIII Phú Quý vẫn là một vùng đất xa xôi cách trở ngoài biển khơi ít người biết đến.

Tuy nhiên, theo một vài tư liệu lịch sử thì vào khoảng giữa thế kỷ 17, cộng đồng người Hoa sớm phát hiện Bình Thuận là mảnh đất trù phú, mưa thuận gió hòa, là nơi để sinh cơ lập nghiệp nên đã cập cảng Phú Hài cửa biển Phố Hài (nay là phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Song song với quá trình di dân mở đường, lập làng, xây chợ, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cộng đồng người Hoa luôn quan tâm xây dựng đình, chùa, miếu, mạo và các thiết chế văn hoá, tín ngưỡng dân gian phục vụ đời sống tinh thần. Điều này được minh chứng qua niên đại của những di tích văn hóa của người Hoa: Năm 1725 xây dựng chùa Bà Thiên Hậu ở Phú Hài (Phan Thiết) thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu là vị Thánh mẫu luôn che chở và cứu giúp người bị nạn trên biển; năm 1741 xây dựng Hội quán Quảng Đông tại Phan Rí Cửa (Tuy Phong); 1756 xây dựng chùa Bà Thiên Hậu tại Chợ Lầu (Bắc Bình); năm 1778 xây dựng chùa Ông tại Phan Thiết thờ Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công ngài – một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc)… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 07 hội quán, trong đó thành phố Phan Thiết có 05 hội quán (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và 02 Hội quán Triều Châu); ở thị trấn Phan Rí Cửa có 02 Hội quán (Quảng Đông và Triều Châu). Hội quán là nơi cộng đồng người Hoa thờ cúng các bậc tiền hiền, hậu hiền, tổ chức hội họp; đồng thời là nơi gợi nhớ về nguồn gốc tổ tiên, thắt chặt tình cố kết cộng đồng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá đi đôi với việc đùm bọc, tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.

Người Hoa vốn rất giỏi về chăn nuôi, buôn bán, nên khi đến đây họ đã phát huy thế mạnh của mình. Nhiều người trong số họ đã làm ăn khấm khá và trở nên giàu có. Nhưng có lẽ mảnh đất ấy không đủ chỗ cho họ phát huy hết sở trường của mình, dần dà họ đã di cư vào các thành phố lớn ở đất liền. Họ như cánh chim bằng muốn hòa mình vào không gian bao la của đất trời, đến muộn và ra đi rất sớm. Tuy nhiên không vì thế mà dấu ấn văn hóa của người Hoa họ trở nên phai nhòa trong kí ức người dân nơi đây

 

5/5 - (3 bình chọn)

Recent Posts