Những ngôi chùa trên đảo Phú Quý – Điểm tựa tinh thần cho người dân đảo xa

Huyện đảo Phú Quý là một trong những huyện đảo có sự đa dạng về các công trình kiến trúc, di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là Phật Giáo với nhiều ngôi chùa vừa cổ kính và hiện đại. Chùa ở Phú Quý đã và đang không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh mà còn thờ tự những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhiều người dân trên đảo Phú Quý cũng cho biết, có lẽ tại vùng biển đảo, thế giới tâm linh luôn là một phần rất quan trọng với người dân nơi này. Bởi thực tế, trước những lần ngư dân ra khơi, đều bày tỏ lòng thành kính lên trên để nguyện cầu cho những hành trình của mình được bình an trở về…

Theo thống kê của chúng tôi, Huyện đảo Phú Quý có 7 ngôi chùa nằm trải dài trên đảo chính Phú Quý gồm: Mỹ Quang, Liên Hoa, Linh Bửu, Linh Quang, Linh Sơn, Long Sơn, Thạnh Lâm. Trong đó, Linh Quang Tự được thành lập từ hơn 300 trước và mới nhất là Long Sơn được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1993, tất cả đều mang kiến trúc đậm chất dân tộc, khoác lên mình vẻ thanh tịnh, uy nghiêm, trầm mặc.

Trong bài viết này, VETAUPHUQUY.VN đã và đang tiếp tục cập nhật thông tin các ngôi Chùa ở đảo Phú Quý, có thể chưa đầy đủ nhưng cũng hi vọng được quý độc giả đón nhận và ủng hộ để chúng tôi tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.

Chùa Linh Quang – Ngôi chùa đầu tiên trên đảo Phú Quý

Chùa Linh Quang là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng Phật Giáo ở Phú Quý. Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, Linh Quang Tự còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở trên đảo.

Chùa Linh Quang nằm trên một ngọn đồi ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh cách bờ biển vài trăm mét. Bao quanh chùa có nhiều cây xanh, nhiều tảng đá khắc những dòng chữ ghi lại lịch sử chùa Linh Quang.

Chùa Linh Quang Phú Quý

Chùa Linh Quang là ngôi chùa cổ, nổi tiếng về quy mô cũng như nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo, lễ nghi. Chùa có những cảnh trí thiên nhiên đa dạng xứng đáng là danh lam thắng cảnh của đảo Phú Quý.

Nếu tính niên đại chính thức của ngôi chùa theo gia phả để lại thì chùa được kiến tạo, tu bổ lại vào năm Đinh Mão 1747 đời Vua Lê Hiển Tông – niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8. Lúc đầu nơi đây chỉ là một ngôi nhà tranh, được thiền sư Nguyễn Cánh tạo dựng vào năm 1747. Ban đầu, dùng để thờ cúng và làm nơi ở cho các vị tu trì. Về sau qua nhiều lần tu sửa đến năm 1992 đã trở thành một quần thể kiến trúc độc đáo và đẹp mắt.

Theo sử sách ghi lại và thông tin từ các vị lớn tuổi sống nhiều đời trên đảo Phú Quý cho biết, thuở sơ khai, xung quanh chùa Linh Quang là những khu rừng, có nhiều mỏm đá nguyên sinh nên sư tổ khai sáng chùa là ngài Nguyễn Cánh đã nhìn thấy nơi đây phù hợp với cảnh lập chùa, thờ Phật nên cho tạo dựng ngôi tiểu am. Mục đích của ngài Nguyễn Cánh là để tụng kinh cầu an cho bà con ngư dân đi biển được an lành.

Khi chúa Nguyễn Ánh (sau này là Vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy ra đảo Phú Quý ẩn náu và dừng chân lưu gót tại chùa Linh Quang một thời gian.

Sau khi trở lại đất liền lên ngôi, để tưởng nhớ những ngày bôn ba ra hải đảo, đồng thời lưu lại kỷ niệm nhà vua đến thăm chùa Linh Quang, Vua Gia Long đã tạo tác bài thơ ngay trước sân thượng của chùa. Bài thơ ghi:

“Gia Long bổn tẩu thời quốc nạn. Cặp đảo mai danh đáo Linh Quang. Ngắm nhìn đoài, chấn phùng thánh địa. Đặt hướng Tây canh dựng đại môn.

Vào cuối thế kỉ XVIII, chùa Linh Quang bị cháy, nhiều báu vật cổ, quý giá của chùa bị hư hại. Sau đó, có một tảng linh thạch nổi lên ở eo biển bên Hòn Tranh đảo Phú Quý. Cho đây là điềm lành nên bà con phật tử trên đảo đã thỉnh tảng linh thạch về chùa. Tảng đá sau đó được các nghệ nhân chạm khắc thành tượng Thích Ca Mâu Ni cao 121cm và nặng 300kg đặt trong chùa để bà con phật tử xa gần chiêm bái đến ngày nay.

Chánh điện thờ Chùa Linh Quang

Về sau, bà con đặt cho nơi xuất hiện tảng linh thạch là “vũng Phật”. Từ đó, bà con cùng truyền lại sự tích này cho con cháu đời sau nghe, để bày tỏ lòng thành kính trước Đức Phật.

Chùa Linh Quang hiện nay rất khang trang, có nhiều nét cổ kính ấn tượng. Các công trình kiến trúc chính của chùa đều quay về hướng Tây, được bố trí dạng chữ đinh (丁), gồm: Chánh điện, cổng Tam quan, nhà Hội quán và nhà Tăng, Tháp vọng…

Phía trước chùa có cổ lầu cao, trên nóc những cổ lầu được khắc họa lưỡng long tranh châu và rồng phượng rất tinh xảo. Đây là điểm nhấn đặc biệt của ngôi chùa cổ giữa biển khơi này.

Trong chùa Linh Quang còn có Đại Hồng Chung được đúc vào năm 1795 và chiếc trống Bát Nhã có đường kính 1m làm từ khúc gỗ sao liền thân.

Ngoài ra, còn có hàng chục câu văn tự cổ được khắc ghi trên các bức hoành phi, câu đối… có nội dung liên quan đến các sự tích Phật giáo, ca ngợi Đức Phật, hướng con người vào cõi thiện.

Trong những bảo vật được lưu giữ cẩn mật nhất tại chùa Linh Quang phải nói đến hộp đựng “Sắc mệnh chi bảo” của Triều Nguyễn ban cho chùa (Vua Tự Đức 2 sắc, Vua Đồng Khánh 1 sắc, Vua Duy Tân 1 sắc, Vua Khải Định 1 sắc). Đến nay 5 sắc thần vẫn còn nguyên vẹn, hàng năm khi có những nghi lễ trọng đại mới được đưa để làm lễ thỉnh sắc.

Bảo tháp chùa Linh Quang ở Phú Quý

Chùa Linh Quang không chỉ có quang cảnh đẹp mắt mà còn là nơi diễn ra các lễ hội lớn và người dân xứ đảo đi làm ăn xa đều cố gắng quay về tham gia các lễ hội truyền thống của đảo Phú Quý như: Tết – lễ, hàng năm trên đảo luôn cử hành các nghi thức trong ngày Lễ Phật Đản, Vu Lan và Thanh Minh….

Tính đến nay (2023), chùa Linh Quang đã có niên đại hơn 276 năm và cũng là một trong những ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Bình Thuận.

Chùa Linh Quang được Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng thắng cảnh cấp Quốc gia tại Quyết định số 51 QĐ/BT ngày 12/01/1996.

Linh Sơn Tự Phú Quý

Chùa Linh Sơn nằm ở núi Cao Cát, ngọn núi cao thứ hai trên đảo Phú Quý. Chùa là quần thể kiến trúc đẹp nhất của đảo Phú Quý. Theo một số người dân ở đây cho biết chùa Linh Sơn được trùng tu vào đầu thế kỷ XX.

Từ khi tạo dựng đến nay ngôi chùa trở thành nơi thu hút đông đảo Phật tử và người dân trên đảo đến chiêm ngưỡng và cầu mong điều an lành sẽ đến với gia đình mình. Bên cạnh kiến trúc thường thấy ở các chùa trên khắp cả nước thì Linh Sơn Tự nổi bật với bức tranh sơn thủy hữu tình. Không khí nơi đây trong lành mát dịu tạo cảm giác thư thái cho du khách Chùa Linh Sơn cổ kính với những rừng cây đại thụ bạt ngàn bao phủ. Tiếng chuông chùa ngân vang, phảng phất mùi nhang trầm làm cho du khách như thoát khỏi cuộc sống trần tục.

Với lối kiến trúc độc đáo, lại có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, chùa Linh Sơn là điểm đến hành hương, vọng cảnh không thể bỏ qua khi du khách vượt trùng khơi đến với đảo Phú Quý, Bình Thuận.

Không chỉ là địa điểm hành hương, Chùa Linh Sơn còn mang đến cho bạn một chuyến du ngoạn kỳ thú, một cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đặc sắc. Được ngắm sóng biển mênh mông, núi non hùng vĩ, cảm nhận sự yên ả của chốn thanh tịnh, chắc hẳn tinh thần của bạn sẽ trở nên thư thả, sảng khoái sau chuyến đi

Ở đây không có sư trụ trì mà các phật tử phân công nhau thực hiện các nghi thức cúng lễ và đón tiếp rất nhiều lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh với sự thân thiện, cởi mở

Núi Cao Cát ở phía bắc đảo Phú Quý, là một trong hai ngọn núi cao nhất đảo và được người dân ở đây xem như ngọn núi thiêng. Từ xã Long Hải, du khách dễ dàng đến được chân núi rồi đi bộ theo các bậc thang bằng đá để lên chùa Linh Sơn

Những rừng cây đại thụ bạt ngàn đã bao phủ ngôi cổ tự bằng sắc màu xanh ngắt, tạo thêm nét huyễn hoặc cho chốn thâm nghiêm. Ngoài khơi xa, đại dương mênh mông cũng một màu trong xanh

Bạn còn thấy thấp thoáng các làng chài, bãi cát mịn, đồi dốc quanh co, những mái nhà ẩn hiện. Ở đây tiếng gió, tiếng sóng hòa cùng tiếng chuông chùa thỉnh thoảng vang lên trong không gian tĩnh mịch thoảng mùi khói nhang trầm

Chùa Linh Sơn khá khang trang bề thế với nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo, hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên. Ngôi chùa này đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo Phú Quý, là điểm tựa tinh thần để ngư dân đến cúng bái trước khi ra khơi.

Từ đỉnh núi Cao Cát, có thể quan sát hầu hết đảo Phú Quý

Sau khi vào chùa dâng hương, bạn đừng quên tiếp tục đi lên đỉnh núi để chiêm ngưỡng bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm đặt uy nghi trên một bệ đá khổng lồ. Công trình đó là điểm nhấn đặc sắc, tôn thêm vẻ đẹp cho quần thể thắng cảnh chùa Linh Sơn – núi Cao Cát

Gần đó có mỏm đá nhô ra, bên dưới là bãi xương rồng, vực thẳm sâu vài trăm mét. Phóng mắt ra xa, bạn sẽ thu vào tầm nhìn một khung cảnh ngoạn mục với bao la biển trời, núi rừng, làng mạc, thuyền bè lướt sóng và cảng Phú Quý nhộn nhịp

Tất cả vẽ nên quang cảnh như bức tranh sơn thủy hữu tình có một không hai. Không khí ở đây trong lành, mát dịu, tạo cảm giác dễ chịu yên bình

Chùa Thạnh Lâm Phú Quý

Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, đây là một ngôi chùa có lịch sử hằng trăm năm ở huyện đảo Phú Quý.

Chùa Thạnh Lâm được sáng lập vào đời Cảnh Hưng thứ nhất năm Canh Ngọ. Năm 1774 do một nhóm 50 người từ các vùng Bình Định, Quảng Nam theo thuyền đi đánh cá khi gặp gió lớn trôi dạt vào Đảo này, thấy nơi đây đất lành, nước ngọt nên họ đưa cả gia đình vào định cư và lập Chùa thờ Phật, đặt trọn Niềm tin của mình vào Đức Phật che chở cho họ khi sóng to gió lớn. Ngôi Chùa Thạnh Lâm được khai sơn từ ấy. Theo thiêu phả của Chùa ghi bằng chữ Nôm. Ngoài Chùa Thạnh Lâm, 50 người này còn lập lăng miếu để thờ Trần Nam Hải, ngôi miếu này nay là Lăng Quý Thạnh.

Cổng chùa Thạnh Lâm Phú Quý

Hàng năm tại chùa sẽ tổ chức các ngày lễ lớn như ngày Phật Đản, rằm tháng bảy, tháng mười và các ngày mùng một, rằm tháng âm lịch. Các kỳ tế lễ tại chùa luôn thu hút đông đảo tín đồ phật tử và nhân dân trên đảo Phú Quý đến khấn bái Phật cầu cho cuộc sống an bình và no ấm.

Linh Bửu Tự Phú Quý

Chùa Linh Bửu tọa lạc tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý do Hòa Thượng Thích Từ Huệ ở Chùa Trà Can – Ninh Thuận cùng với Phật tử tạo dựng vào năm 1971. Chùa tọa lạc dưới chân một ngọn đồi ẩn mình dưới những tàn cây, phong cảnh nơi đây rất u nhàn tịch mịch.

Khởi nguyên Chùa được xây dựng đơn sơ để có nơi tín đồ sinh hoạt, gồm ngôi chánh điện và nhà giảng. Năm 1999 tín đồ xây dựng nơi đây một Bảo Tháp rất uy nghi, Tổng hợp hài hòa giữa nét văn hóa Thái Lan và Việt Nam để tôn trí nhục thể của Hòa Thượng Tường Kim. Hiện nay Chùa Linh Bửu đã được Ban hộ tự phát tâm đại trùng tu thành một ngôi phạm vụ trang nghiêm. Chánh điện được xây dựng bằng bê tông cốt sắt có tiền đường và cổ lầu. Trên cổ lầu được trang trí rồng phượng rất đẹp. Đứng từ xa nhìn vào Chùa ẩn hiện trong những tàng cổ thụ, thấp thoáng khi ẩn khi hiện khiến cho tâm hồn ta được nhẹ nhàng thoát tục.

Chùa Mỹ Quang tại Phú Quý

Chùa Mỹ Quang tọa lạc tại thôn Phú An xã Ngũ Phụng do Đạo hữu Thục Dung và Phật tử sáng lập, Chùa được xây dựng trên một đồi cát bên cạnh đền thờ Quan Thánh và Dinh Thầy, tạo thành một quần thề tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Chùa Mỹ Quang Phú Quý

Chùa Liên Hoa Phú Quý

Chùa Liên Hoa Phú Quý được hòa thượng Thích Tường Vân khai sơn khi Ngài làm Yết Ma A Xà Lê kiêm hóa chủ trường kỳ tại chùa Linh Sơn. Trải qua gần 90 năm sau nhiều lần được xây dựng, trùng tu Chùa Liên Hoa đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh khi đến với huyện đảo Phú Quý.

Phái đoàn Ban Chứng minh, thường trực ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận thăm và làm việc tại Chùa Liên Hoa, Phú Quý
Phái đoàn Ban Chứng minh, thường trực ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận thăm và làm việc tại Chùa Liên Hoa, Phú Quý
Không chỉ là nơi cúng bái của người dân trong vùng, giờ đây chùa Liên Hoa đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng.
Không chỉ là nơi cúng bái của người dân trong vùng, giờ đây chùa Liên Hoa đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng.

Chùa Long Sơn Phú Quý

Chùa Long Sơn tọa lạc tại xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Nếu Linh Quang Tự là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại Phú Quý thì có thể nói Chùa Long Sơn là ngôi chùa mới nhất và là ngôi chùa thứ 7 được xây dựng tại huyện đảo này.

Theo một số Phật tử trông nom Chùa thì Chùa Long Sơn được hình thành năm 1993 và đã có lịch sử hơn 30 năm hình thành tại đảo.

Nếu một lần đến Phú Quý bạn hãy thử một lần đến các ngôi Chùa tại đây để tránh xa những ồn ào, náo nhiệt của thành thị, nó sẽ khiến cho bạn có một cuộc sống khác, an nhiên và tự tại.

VETAUPHUQUY.VN tổng hợp

5/5 - (1 bình chọn)
Chùa Linh Bửu, Chùa Linh Quang, Chùa Linh Sơn, Chùa Long Sơn, Chùa tại Phú Quý, Chùa Thạnh Lâm

Recent Posts