Quần thể Núi Cấm, Hải Đăng và Chùa Linh Bửu

Tọa lạc tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, thắng cảnh núi Cấm, Hải đăng và chùa Linh Bửu nằm cách UBND xã Ngũ Phụng 1,5km về hướng Đông Bắc, cách UBND huyện Phú Quý khoảng 3km và cách cảng Phú Quý khoảng 6km về hướng Bắc. Du khách từ cảng Phú Quý đi bằng các phương tiện giao thông đường bộ theo đường nhựa chính trên đảo về hướng Bắc khoảng 3km đều đến nơi dễ dàng.

Quá trình kiến tạo địa chất, địa mạo và hình thành đảo Phú Quý từ xa xưa khoảng hơn 3 triệu năm trước đã ban tặng cho hòn đảo này 3 ngọn núi tuyệt đẹp phân bố ở 3 vị trí riêng biệt, đó là núi Cao Cát cao 85m, núi Cấm cao 108m và núi Ông Đụn cao 44,9m. Trong đó, cao nhất là ngọn núi Cấm nằm về phía Tây Bắc của đảo, ngọn núi này được xem như một phao tiêu thiên nhiên rất quan trọng để xác định phương hướng cho tàu thuyền đi lại. Năm 1996, Nhà nước đã đầu tư xây dựng ngọn Hải đăng trên núi Cấm để dẫn đường cho tàu thuyền trong nước và quốc tế trong những cuộc hải trình.

Đi bộ 15 phút lên ngọn hải đăng.

Hải đăng trên núi Cấm ở Phú Quý cao 18m, tháp đèn vuông và xây bằng đá màu đen. Dưới chân tháp là tòa nhà 2 tầng màu trắng dành cho nhân viên trực đèn. Đèn có tầm chiếu xa 22 hải lý và tầm nhìn địa lý ban ngày là 27 hải lý, ban đêm là 22 hải lý. Tọa độ địa dư là 10o 32’21.5”N – 108o 55’59.5”E. Đặc tính của đèn có màu sắc là ánh sáng trắng, chớp nhóm 2 và chu kỳ 15s; đèn chính VMSRB 400 và đèn phụ TRB 200. Tác dụng của đèn để chỉ vị trí đảo Phú Quý, đồng thời là đèn nhập bờ, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng ra vào vùng biển Phan Thiết.

Hải đăng Phú Quý được mệnh danh là “mắt biển quốc tế” vì đảo Phú Quý nằm gần đường hàng hải quốc tế, là một công trình quan trọng có sự kết hợp giữa thiên nhiên với trí tuệ của con người giúp ngư dân “bắt” được đảo trong những cuộc hải trình. Đặc biệt đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, có khả năng đóng ngắt tự động theo sự thay đổi thời tiết; thông thường đèn sẽ tự động phát sáng khoảng 17 giờ 45 phút tới khoảng 6 giờ sáng hôm sau tùy theo mùa.

Hải đăng trên ngọn núi Cấm đi vào hoạt động từ năm 1997, đã trở thành biểu tượng của huyện đảo Phú Quý, ăn sâu vào tâm thức của người dân và du khách khi du lịch đến đảo nhỏ xa xôi này. Đồng thời, Hải đăng cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Để lên đến đỉnh ngọn Hải đăng, du khách phải chinh phục 120 bậc thang bằng đá dài khoảng 200m được thiết kế men theo sườn núi với cảm giác vô cùng thích thú khi chinh phục độ cao; điều thú vị là đá ở đây trải qua thời gian, trước tác động của phong ba bão tố đã tạo nên hình dáng như những khối thạch nhủ lộ thiên. Đứng trên ngọn Hải đăng, du khách được chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp của biển, trời, địa hình, thiên nhiên phong phú của đảo Phú Quý; cho chúng ta cảm giác như đang đứng trước bức tranh sơn thủy nên thơ, hữu tình và đẹp tuyệt vời đến nao lòng người.

Ngoài chức năng quan trọng trong đảm bảo an toàn hàng hải, nơi đây còn là thắng cảnh có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, cây cối tươi xanh, mát mẻ đầy quyến rũ và mê hoặc du khách khi đến đây. Trên núi còn lưu giữ nhiều loài cây cổ thụ tạo bóng mát quanh năm, do đó khi đặt chân đến đây chúng ta có cảm giác mát mẻ, thanh tịnh nơi núi rừng hoang dã, mộc mạc và bình dị.

Dưới sườn núi Cấm có chùa Linh Bửu được xây dựng năm 1972, hướng chính của chùa nhìn ra biển cả mênh mông. Khung cảnh thiên nhiên hòa quyện với kiến trúc của chùa tạo nên bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, thanh tịnh, hữu tình, hấp dẫn có sức lôi cuốn du khách đến khám phá thiên nhiên, vãng cảnh chùa và bái Phật.

Tổng thể kiến trúc chùa Linh Bửu gồm nhiều hạng mục được xây dựng, trang trí mang đậm dấn ấn Phật giáo; tất cả được tạo dựng bằng vật liệu kiên cố, cao vút, nối liền nhau trên một khuôn viên khá rộng và thoáng mát, thanh tịnh, thích hợp cho việc tu hành. Điện thờ Phật được kiến tạo thành 2 tầng mái giống như một đài sen, tầng trên thu nhỏ vút cao và tầng dưới tỏa rộng; trên các vách tạo thành hình khối với nhiều đường nét phức tạp, đắp nổi công phu các đề tài liên quan đến Phật tích sắc nét và sống động; hai bên viền cổ diêm chạm hoa lá, đóa hoa sen nở rộ ở giữa và các mảng đề tài chạm khắc tinh tế, tập trung nhiều thể loại, tạo ra một khung cảnh thanh bình nơi thiền định.

Du khách vào Điện thờ Phật qua 3 cửa chính, hai bên có cổ lầu nhô ra đắp nổi hai bức phù điêu tượng trưng cho ông Thiện và ông Ác. Qua cửa chính vào bên trong Điện thờ du khách sẽ thưởng thức các mảng đề tài trang trí toát lên vẻ tĩnh mịch, thanh thoát của chốn Phật môn. Bên trên Điện thờ Phật bài trí tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen, hai bên là hai tượng Phật cưỡi voi trắng và sư tử đang trong trạng thái tụng niệm, suy ngẫm, xung quanh là cảnh sinh hoạt Phật tràng, trong cùng là lưỡng long chầu chữ vạn và hoa lá.

Cũng như các chùa thờ Phật khác, chùa Linh Bửu hàng năm tổ chức các kỳ lễ hội như: Lễ Phật Đản vào rằm tháng 4, lễ Vu Lan vào rằm tháng 7 và lễ rằm tháng 10 Âm lịch với ý nghĩa cầu cho cuộc sống của người dân an bình, no ấm; lễ hội luôn thu hút đông đảo phật tử trên đảo cùng du khách đến tế lễ, bái Phật.

Thắng cảnh núi Cấm, Hải đăng và chùa Linh Bửu là điểm tham quan thú vị mà du khách nên ghé qua khi đến đảo Phú Quý. Chắc chắn việc vãng cảnh chùa, bái Phật, chinh phục các cầu thang để lên đỉnh ngọn Hải đăng trên ngọn núi Cấm sẽ cho bạn cảm giác trải nghiệm và khám phá thật tuyệt vời mà ít nơi nào có được, khiến lòng ta thư thái, mãn nhãn trước khung cảnh hữu tình này.

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts