Người dân sống ở huyện đảo Phú Quý khi nói chuyện với nhau đa số sử dụng “Tiếng Hòn” là phương ngữ riêng của người dân đảo Phú Quý bản địa.
Về giọng nói trải qua bao nhiêu thế kỷ đã thay đổi rất nhiều, trong cách phát âm tại 3 xã trên đảo đều có 3 giọng khác nhau (người dân địa phương bảo rằng do ảnh hưởng của nước Cứng). Một số đồng bào ở Long Hải Tây (xóm Bãi Dừa) có giọng nói nhẹ, nhanh và đọc sai, viết đúng danh từ. Ví dụ tiếng “Hết” nói “Hớt”, “Mệt” nói “Mợt”, “rõ” nói “dõ”, chữ “A” đọc “E”, riêng chữ V thì phát âm đúng giọng.
Tỷ lệ vần “e” phát âm trong ngôn ngữ sử dụng chiếm tuyệt đại đa số, cùng ngữ điệu, âm vực thay đổi luyến láy nên khách chỉ còn biết ngẩn tò te ra mà cười trừ. Các âm “a” biến thành “e” như người dân miệt Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.
Gọi tên ông Trời bằng “ông Blời”, ông Trăng “ông Klăng” là những từ cổ đến ngày nay vẫn có người cao tuổi sử dụng…
Người Hòn nói như hát trên sóng biển, ngoài yếu tố địa lý ra còn liên quan đến nguồn gốc cư dân từ người Chăm, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), người Hoa, người Bình Thuận… Âm vực khi nói chỉ hai thanh vút lên cao khi nhấn mạnh và hạ thấp đều, nhanh rất khó nghe. Những năm 1980 về trước, không thể nào một người trong bờ ra đảo nghe được người Hòn nói chuyện với nhau, nếu không được giải thích thì chắc hẳn bạn không thể hiểu hết nghĩa của câu nói.
Những thổ âm – thổ ngữ độc đáo của Hòn không biết có tự bao giờ, chỉ biết từ khi lớn lên, biết đọc, biết viết, cụ đã nói nhuần nhuyễn tiếng Hòn này. Ở Phú Quý có nhiều người đỗ đạt, thành danh, đi khắp nơi công tác, lập nghiệp, ấy vậy mà, cứ ra Đảo là lại mang thứ thổ ngữ bình dị, chân quê này ra mà say sưa hàn huyên.
Người Hòn luôn một lòng trân quý lớp phương ngữ độc đáo từ ngày xưa ông cha giao tiếp qua nhiều thế hệ. Trách nhiệm của mỗi người là duy trì, gìn giữ lớp phương ngữ này, để tạo nên nét riêng biệt giữa dòng chảy văn hóa chung của cả nước.