Tìm hiểu về đời sống tinh thần của người dân đảo Phú Quý

Sống giữa đại dương bao la, trong một môi trường biệt lập, từ bao đời nay cuộc sống của người dân Phú Quý đã gắn liền với biển cả. Thêm vào đó, cư dân trên đảo đều là những người dân tha phương. Tất cả những nhân tố này đã hình thành nên một sắc thái văn hoá độc đáo riêng, khác với đất liền về phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian ở xứ đảo xa xôi này. Sự pha trộn, đan xen hài hoà về văn hoá của các tộc người, các địa phương đã mang đến cho đất đảo một sắc màu mới, một không gian văn hoá mới, vừa quen mà lại vừa lạ.

Ngày nay, Phú Quý vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán xưa, nhiều truyền thống đẹp, thể hiện qua thói ăn, nếp ở, cách giao tiếp ứng xử trong cộng đồng, cũng như các lễ tục: cưới hỏi, tang ma…

Trong văn hoá tổ chức cộng đồng, con người ở đây đã bao đời đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật với nhau. Lại do ảnh hưởng của nền kinh tế tự cung tự cấp trong suốt thời gian dài, nên sự phân hoá giai cấp ở Phú Quý không sâu sắc như những nơi khác. Trên mảnh đất đầy nắng và gió ấy, mọi thành viên dường như thân thiện, gắn bó, bình đẳng với nhau hơn. Mỗi người đều hướng tới những người khác, tương thân, tương ái, luôn sẵn sàng đoàn kết giúp đỡ nhau, để cùng nhau tồn tại và phát triển. Cư dân trên đảo đều tâm niệm rằng, ông bà tổ tiên của mình xưa kia đều có gốc gác họ hàng thân thuộc, đều ra đi từ dải đất miền Trung nghèo khó, mong tìm đến miền đất hứa. Vậy nên họ đều coi mọi người trong cộng đồng như anh chị em trong nhà. Tình làng nghĩa xóm bền chặt, khắng khít, trước sau như một.

Có lẽ vì cộng đồng dân cư hải đảo chỉ sinh sống trong một phạm vi đất đai nhỏ, tập trung đông đúc thành dải hẹp ven bờ theo kiểu làng chài, đông nhất là ở phía Tây Nam đảo (thuộc xã Ngũ Phụng, Tam Thanh) và góc Đông Bắc xã Long Hải, cùng với mối cộng cảm bền chặt, nên tất cả nhà cửa của người dân trên đảo đều không có số nhà. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ điều này sẽ gây không ít khó khăn cho chúng tôi khi đi liên hệ thực tế, bởi phải dò hỏi lần tìm nhà của từng vị già làng, hay những cụ lớn tuổi. Thật bất ngờ khi những dự đoán của chúng tôi đều sai, chỉ cần tìm đến nhà của một vị có tên tuổi, có vốn hiểu biết rộng, thì họ sẽ chỉ cho chúng tôi những địa chỉ cần tới.

Và cũng thật thú vị khi phát hiện ra rằng: trên đảo có một thói quen rất hay thể hiện qua cách xưng hô, đó là tập quán không kêu tên tộc, vì tôn trọng người lớn tuổi (không phải kị huý). Đây cũng là cách gọi phổ biến ở vùng ngoài. Tên người lớn tuổi không được gọi đích danh, mà gọi tên con (người con trai đầu), hay cháu, ví dụ: khi biết ông Dương Uyển (thôn 1, Phú An) là một người am hiểu về Hán văn, chúng tôi đã đi hỏi thăm nhà ông nhưng mọi người đều lắc đầu không biết, nhưng khi hỏi nhà ông thằng Nhối ở đâu thì mọi người đều biết. Thì ra ông Uyển có một người cháu tên ở nhà gọi là Nhối. Hay hỏi bà Võ Thị Hướng ở xã Tam Thanh thì không ai biết, nhưng hỏi nhà bà Phít thì lại biết (con của bà tên Phít).

Như ta đã biết, ăn trầu cau là một phong tục cực kì lâu đời của Việt Nam và ở nó tiềm ẩn một triết lý về sự tổng hợp, âm dương hài hoà. Tục lệ này cũng rất phổ biến trên đảo Phú Quý và từ lâu đã đi vào cuộc sống con người nơi đây. Khi tới thăm nhà của những người dân, chúng tôi thấy hầu như những người lớn tuổi, người già nào cũng đều ăn trầu và dĩ nhiên là nhà nào cũng có “cơi trầu ống thuốc”. Thông thường, một miếng trầu bao gồm một miếng cau, một lá trầu quết vôi, ăn kèm với vỏ cây chát, nhưng do không có điều kiện nên bà con đảo thay vỏ cây chát bằng thuốc rê, thuốc xỉa (loại cây để làm thuốc trồng được trên đảo, lá to như lá cây bạc hà, đem xắt nhỏ phơi khô để ăn dần), còn cau thì phải mua từ đất liền. Vị ngọt từ hạt cau, cái cay nồng từ lá trầu, hương nồng nàn từ vôi, cái thơm bùi của thuốc xỉa… tất cả làm nên một chất “men say” tuyệt vời, làm thơm miệng đỏ môi, làm cho buổi chuyện trò thêm thân mật, hào hứng.

Cuộc sống biệt lập, xa cách đất liền ở hòn đảo nhỏ, đã ảnh hưởng rất lớn đến nếp cảm, cách nghĩ của những người dân hiền lành, chất phác nơi đây. Theo quy luật của tự nhiên, sự gắn bó giữa con người với tự nhiên càng dài lâu thì lại càng bền chặt. Con người xứ đảo đã bao đời gắn liền với biển cả. Biển cho họ niềm vui, cho họ nguồn sống, đồng thời cũng mang đến bao đau thương mất mát không gì bù đắp được. Do vậy, đời sống tâm linh của người dân trên đảo cũng mang đậm sắc thái tín ngưỡng ngư nghiệp, đó là những hình thức thờ Thuỷ thần. Cả đời sống trong sự may rủi, nên những con người ở đây có một sự sùng bái tự nhiên, tin vào sức mạnh của thần linh. Họ có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự linh hiển của cá Ông (thần Nam Hải) và coi đấy là vị thần cứu trợ luôn ở bên cạnh họ trong những chuyến đi biển đầy hiểm nguy. Từ đấy hình thành nên tín ngưỡng thờ cá Ông, đây cũng là loại hình tín ngưỡng dân gian phổ biến ở vùng duyên hải Trung và Nam bộ.

Theo tập quán có từ xưa, người ta rất kiêng dùng từ chết với ông bà, mà dùng từ lụy, hoá… Mỗi khi đi biển, hễ phát hiện ông bà lụy thì dù ngư dân đang ở xa hay gần, cũng đều phải bỏ chuyến làm ăn, tổ chức ghe thuyền đưa xác ông bà lên bờ an táng. Người nào phát hiện Ngài lụy đầu tiên phải chịu những nghi thức tang chế như “con” Ngài và chịu tang bằng khăn trắng, còn ông chủ Vạn thì chịu tang bằng khăn đỏ. Thông thường thì người con và ông chủ vạn phải chịu tang trong thời gian 24 tháng đối với Ngài vừa và nhỏ, 36 tháng đối với Ngài lớn. Suốt thời gian chịu tang, không được bê tha rượu chè, gây tai tiếng làm xúc phạm uy danh Ngài, nếu phạm sẽ bị Ngài phạt. Hết thời hạn đó, khi thượng ngọc cốt ông bà xong (khai quật hài cốt, lau chùi, phơi khô rồi dùng rượu mạnh rửa sạch hài cốt, sau làm lễ nhập cốt vào lăng cải táng) thì cả hai mới được bỏ tang.

Người dân trên đảo kể rằng: mỗi khi già yếu hoặc gặp tai nạn, cá Voi luôn được đồng loại kề lưng dìu nhau vào bờ để cho ngư dân đón rước rất long trọng. Khi tổ chức lễ táng và thượng cốt, bà con ngư dân cả làng cùng tập trung đến lo việc mai táng. Đồng thời tổ chức ca hát diễn xướng nhiều bài dân ca nghi lễ, hát chèo Bá Trạo để ca ngợi công ơn, đức độ của vị thần Nam Hải và để tỏ lòng tiếc thương trước khi đưa ông bà về cõi vĩnh hằng. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với “vị thần hộ mệnh của biển cả”, tại đảo Phú Quý, ở cả 3 xã đều lập lăng vạn (có tới 10 lăng vạn) để cất giữ các sắc phong cá Ông, đồng thời cũng là nơi cử hành lễ cúng tế hàng năm.

Tín ngưỡng dân gian tôn sùng vật tổ là biểu hiện tính cộng đồng, niềm tin vào sức mạnh thần linh, bởi vì người dân luôn quan niệm rằng: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, cảnh thổ nào thì có thần thánh đó. Việc thờ phụng sẽ như một liệu pháp tinh thần, an ủi tâm hồn con người, giúp cho họ thêm vững tin, thêm sức mạnh để tiếp tục đương đầu với những gian nan thử thách của cuộc sống. Bên cạnh sự linh thiêng hiển hách của thần Nam Hải, Phật giáo cũng được xem là một tôn giáo chính thống và được người dân đảo đón nhận với một niềm tin tuyệt đối. Sự thiếu thốn trong đời sống văn hóa tinh thần cùng với những trở ngại mà thiên nhiên mang lại, đã đặt con người vào những chuỗi hiểm nguy luôn cận kề, luôn rình rập. Thiên nhiên bao la mà tạo hóa đã tạo ra là một “thực thể” tồn tại bên ngoài con người, khiến con người không thể nắm bắt được. Con người quá bé nhỏ trước sức mạnh “ghê gớm” của thiên nhiên và chỉ còn biết hướng tâm linh vào cõi Phật, nương nhờ sự cứu nhân độ thế của nhà Phật. Vì vậy ngay từ buổi đầu, ánh sáng của Phật giáo đã nhanh chóng được người dân trên đảo đón nhận với một niềm tin sắt đá không gì lay chuyển được. Phật pháp vô biên kết hợp đạo với đời là con đường sáng hướng cho con người đi vào cõi thiện, cõi an bình. Với một diện tích khá khiêm tốn (chỉ với 16,4km2 ), nhưng trên đảo có đến 7 ngôi chùa. Trong đó, Linh Quang Tự là ngôi chùa nổi tiếng nhất bởi nhiều lý do: đây là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá Phật giáo ở Phú Quý (tạo dựng năm 1747), là một công trình kiến trúc dân gian đồ sộ có giá trị về lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật. Đặc biệt, chùa còn gắn liền với tên tuổi của một nhân vật lịch sử, đó là vua Gia Long. Ngoài ra, xung quanh việc tạo dựng Linh Quang Tự còn có nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại linh thiêng, tạo nên vẻ trầm mặc cổ kính đầy thần bí cho ngôi chùa. Xem thêm: Những ngôi chùa trên đảo Phú Quý – Điểm tựa tinh thần cho người dân đảo xa

Buổi sinh hoạt cộng đồng của GĐPT Chùa Liên Hoa Phú Quý

Việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hệ quả trong lĩnh vực nhận thức là lối tư duy tổng hợp, mà biểu hiện cụ thể là tín ngưỡng đa thần của người dân đảo Phú Quý. Tín ngưỡng thờ thần của người dân ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình như thờ cúng tổ tiên, thờ Thổ công…

Bên cạnh các vị thần tại gia, còn có các thần linh chung cho làng xã, đó chính là thần làng bổn xứ (Thành Hoàng), các vị “Tiền Hiền”.Trên đảo có nhiều đình làng như: đình làng Triều Dương, Mỹ Khê, Hội An, Phú Mỹ… Ngoài ra ở đây còn có tín ngưỡng thờ đá (Miếu Bà Giàng), thờ bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na của người Chăm (Miếu Cây Da), thờ Công chúa Bàn Tranh (Miếu Bà Chúa Xứ), thờ Bà Chúa Ngọc, thờ Bạch Mã Thái Giám, thờ Quan Thánh, thờ Thầy Sài Nại – một vị thần người Hoa linh thiêng. Mỗi một vị linh thần được người dân tôn sùng đều mang trong mình những “bí ẩn văn hoá”, đây chính là điều hấp dẫn, lôi cuốn chúng tôi khám phá tìm hiểu.

Cũng như nhiều vùng miền trên cả nước, hàng năm vào dịp đầu xuân (thời điểm nông nhàn, cũng là thời điểm để những người ly hương quay trở về với quê hương xứ sở), ở Phú Quý cũng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương như: Lễ hội Phật giáo chùa Linh Quang Tự, Lễ hội đền thờ Bàn Tranh, Lễ hội rước sắc Thầy Nại, Lễ hội nghinh Ông… Đây cũng là dịp để người dân bày tỏ tấm lòng ngưỡng vọng, thành kính đối với các bậc tiên hiền, các vị thần linh đã ngày đêm bảo trợ cho mưa thuận gió hòa, chúng dân nơi nơi được an lành, hạnh phúc.

Như vậy, qua tìm hiểu sơ bộ về đặc điểm văn hóa đảo Phú Quý, chúng tôi thấy rằng nền văn hóa hải đảo được hình thành dựa trên nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước hết nền văn hóa ấy được quyết định bởi điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt “mưa ngàn, gió núi, bão biển, sóng vùi”. Với cuộc sống biệt lập, bốn bề chỉ là biển cả mênh mông, trời nước phủ khuất tầm nhìn, đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội của người dân xứ đảo.

Cùng với nguồn gốc tộc người đến từ những vùng quê khác nhau trên dải đất miền Trung chật hẹp, cơ cực (mà phần lớn cư dân ở đấy cũng lại là những người di dân), đã tạo nên một không gian văn hóa mang tính cộng đồng rất cao. Nền văn hóa hải đảo không mang tính đơn nhất mà là sản phẩm của cả một quá trình giao lưu tiếp biến.

Quá trình ấy diễn ra không chỉ trong một thời gian ngắn mà nó trải dài qua nhiều thế kỷ. Sự hiện diện của tộc người Chăm trên đất đảo ở buổi ban đầu của lịch sử vùng đất, và sự xuất hiện muộn mằn của những tộc người Kinh, người Hoa vào những năm đầu của thế kỷ XVIII đã đem lại cho vùng đất nhỏ bé xa xôi một sức sống văn hóa tiềm tàng, vừa mang những nét chung của văn hóa Việt, lại vừa có những nét riêng của từng nền văn hóa.

Và trên hết là các nền văn hóa ấy đã hòa quyện vào nhau để tạo nên những hằng số văn hóa đặc trưng: văn hóa tâm thức về biển, văn hóa tâm linh tinh thần, văn hóa cộng cảm của mối quan hệ làng xã cộng đồng… làm nên một nét lạ đặc biệt trong văn hóa xứ đảo, mà tiêu biểu nhất là nó được đúc kết thành những giá trị kết tinh trong văn học dân gian, quyết định đến diện mạo, đặc điểm cơ cấu, hệ đề tài của văn học.

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts