Tìm hiểu về những tên gọi của huyện đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý được ghi nhận nguồn gốc có trong lịch sử thời Tiền Lê (80 – 1009), qua sử sách xưa có nhiều tên gọi: Cổ Long (Koh Rong), Thuận Tĩnh, Hòn Lớn, Poulo Cecir de Mer, Hòn, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu, … Mỗi tên ứng với mỗi giai thoại và truyền thuyết về con người và xã hội ở đảo.

Nguồn gốc tên gọi Cổ Long của Phú Quý

Nói về tên gọi Cổ Long (Koh Rong), nhiều tư liệu cho biết vào tháng 8 năm 1783, khi bị quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Ánh từ Gia Định phải chạy ra đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi quay về lại Phú Quốc. Quân Tây Sơn vây đánh nhưng lúc đó có bão biển nên sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, Nguyễn Ánh trốn thoát và chạy ra đảo Thổ Chu cách khá xa đất liền.

Truyền thuyết này gắn liền với một số di tích hiện còn ở Bình Thuận và trên đảo như: chùa Bửu Sơn ở Phú Hài, vạn Thạch Long ở Mũi Né (Phan Thiết), chùa Linh Quang và Giếng Gia Long (Giếng Vua) ở Hòn Tranh (Phú Quý)…

Tuy nhiên, một số tài liệu thì cho rằng, Lúc người Chăm còn sinh sống gọi tên đảo là Koh Rong, về sau khi đến tiếp quản đảo, người Việt gọi là Cổ Long. Tương truyền vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, khi bắt đầu phát triển mạnh kỹ thuật đóng thuyền buồm với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lênđảo, nơi đây thu hút nhiều cư dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Bình Định, Quảng Bình, Quảng Nam…) đến để khai khẩn, tạo lập cuộc sống mới.

Như vậy, tên gọi Cổ Long bắt nguồn từ cách gọi Koh Rong của người Chăm có thể là cách lý giải phù hợp nhất. Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận trước đây là Panduranga thuộc vương quốc Champa của người Chăm. Vương quốc Champa hình thành và phát triển trên dãy đất miền Trung trải dài từ Quảng Bình đến hết Bình Thuận ngày nay, đó là cương vực trên đất liền, ngoài ra họ gần như làm chủ toàn bộ các đảo ven bờ và vùng ven biển Đông (trong đó có đảo Phú Quý). Vương Quốc này tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ VII đến năm 1832. Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Campuchia. Đến năm 1832 toàn bộ vương quốc này chính thức bị sáp nhập vào Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng.

Cù Lao Khoai Phú Quý

Về tên gọi Cù Lao Khoai của huyện đảo Phú Quý được tương truyền có một nhóm ngư dân ở các tỉnh miệt ngoài trên đường đi hành nghề lưới chuồn đã phát hiện ra hòn đảo này. Khi rời đảo, họ đã vô tình bỏ lại những gấu khoai. Lần sau có dịp trở lại đảo, họ thấy những gấu khoai kia đã bén rễ và phát triển xanh tốt, cho những củ khoai to ngon nên họ gọi hòn đảo này là xứ Cù Lao Khoai.

Phú Quý gắn với Cù Lao Thu

Tên gọi Cù Lao Thu xuất phát từ đặc điểm hình dạng của đảo giống như một con cá thu. Có người cho rằng nơi đây xưa kia là một ngư trường tập trung rất nhiều loại cá thu nên ngư dân quen gọi là Hòn Thu, cho đến tận bây giờ cá thu cũng là nguồn hải sản dồi dào của đảo. Cù Lao Thu là tên gọi phổ biến vào thời gian sau này.

Có một giả thuyết cho rằng Poulo Cecir de Mer xuất xứ từ tên gọi của hòn đảo Poulo Cecir de Terre (tức đảo Cù Lao Câu) thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong ngày nay. Poulo là tiếng Mã Lai cùng nghĩa với chữ Kulau (Cù Lao) của người Chăm để chỉ những hòn đảo hay hải đảo (Ile) ở ngoài biển khơi. Tên gọi này được sử dụng vào thời Pháp. Tuy nhiên, cư dân Phú Quý quen gọi đảo của mình bằng cái tên hết sức mộc mạc và ngắn gọn là Hòn cũng xuất phát từ Hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này.

Xem thêm: Cá thu – đặc sản gắn liền với tên Cù Lao Thu của Phú Quý

Đảo Thuận Tĩnh

Tên gọi đảo Thuận Tĩnh chính thức được nhắc đến trong văn bản dưới đời vua Thiệu Trị năm thứ 1 (1841) khi nói về Phú Quý. Đảo Thuận Tĩnh bấy giờ trực thuộc tổng Phú Quý, huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận.

Sách sử xưa “Đại Nam Nhất Thống Chí” có ghi lại rằng: “Đảo Thuận Tịnh: giữa biển Đông đột khởi một hòn đảo, tiếp thẳng bờ biển Phan Lý. Đảo dài 15 dặm, bốn bên đều là bãi cát, dân ở bao quanh, có 11 thôn dùng người thổ hào quản lãnh, thường năm phải biệt nạp thuế vải”.

Đến niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho Triều đình Huế đảo được đổi tên từ tổng Hạ sang tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.

Đảo Chín Làng

Tên đảo Chín Làng là do chín nhóm ngư dân duyên hải miền Trung đến đây lập nghiệp, nên lấy tên địa phương mình đặt tên làng để không làng quê cũ – nơi người dân đã sống trước khi đặt chân đến đảo như: làng Mỹ Khê (tên này được lấy từ xã Mỹ Khê, thuộc huyện Nghĩa Hành), làng An Hòa (thuộc xã An Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), làng Mỹ Xuyên (thuộc xã Mỹ Xuyên tỉnh Quảng Nam), làng Phú Ninh (thuộc xã Phú Ninh tỉnh Quảng Bình)…

Đảo Phú Quý

Đầu thời nhà Nguyễn đảo có tên là Tổng Hạ, thuộc huyện Tuy Phong, trấn Bình Thuận. Từ niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844) vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận, phủ Ninh Thuận, huyện Tuy Phong. Ngày 15/12/1977, từ vị trí địa lý quan trọng của đảo, xã Phú Quý được nâng lên thành huyện Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

Đảo Phú Quý
5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts