Tín ngưỡng nghề nghiệp ở Đảo Phú Quý có thể đánh giá đa dạng hơn các huyện đảo khác tại Việt Nam, bao gồm tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ thánh sư (tổ nghề), tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông) của ngư dân, thờ thần tài.
Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng
Trong các tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì tín ngưỡng thờ Thành Hoàng của làng là rất quen thuộc. Thành Hoàng là vị thần bảo hộ của mỗi làng có khi là một nhân thần (thần là người thật lai lịch rõ ràng, có công mở đất, anh hùng dân tộc hay quan chức có công lớn, sau khi chết được vua phong tặng danh hiệu Thành Hoàng), có khi là nhiên thần (thần có liên quan đến thiên nhiên như thần sông, thần núi, tứ bất tử, hay vị thần của huyền thoại, tín ngưỡng vật tổ,…) vị thần này rất có uy tín đối với dân làng, được dân làng tín ngưỡng thờ phụng chu đáo. Hàng năm tổ chức lễ tế dâng lễ vật lên Thành Hoàng. Chính quyền phong kiến thuộc các triều đại nhất là triều Nguyễn quy chế sắc phong cho từng vị Thành Hoàng để đề cao chính thể quân chủ.
Trên đảo Phú Quý tín ngưỡng dân gian thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh được người dân thờ phụng trong các đình làng của họ. Về Thành Hoàng Bổn Cảnh, theo nghiên cứu tài liệu thì năm 1839 vào thời Minh Mạng nhà vua đã hạ lệnh cho các địa phương lập thần vị Bổn cảnh Thành Hoàng để thờ trong các đình làng với ý nghĩa: Thành Hoàng là vị thần bảo hộ còn Bổn Cảnh là địa phương nơi thần được thờ. Điều rất phổ biến là Thành Hoàng Bổn Cảnh không phải là vị nhân thần có lai lịch rõ ràng hay nhân vật có thật nào cả. Thần là dạng viên chức được nhà vua ủy quyền trừu tượng để quản lý một địa bàn dân cư. Khi thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng trong đình làng cũng đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ “thần” (神).
Tín ngưỡng thờ Thần Nam Hải
Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải thể hiện niềm tin của ngư dân vào thần Nam Hải, vị thần hộ mệnh của ngư dân trên biển. Tương truyền rằng trong những năm vua Gia Long Nguyễn Ánh bôn tẩu ra các vùng biển gặp sóng to gió lớn cá Ông từng có công cứu vua. Sau này khi lên ngôi vua Gia Long biết ơn nên sắc phong cá Ông là thần Nam Hải với mỹ tự “Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm chi thần”. Cũng theo truyền thuyết của dân gian rằng xa xưa, Phật Bà Quan Thế Âm bồ tát trong một lần đi qua Nam hải, ngài đã chứng kiến cảnh chúng sinh bị chết chìm trong gió bão. Phát tâm từ bi thương xót, ngài đã xé áo choàng thành nhiều mảnh thả xuống biển, ngài hóa phép cho những mảnh áo thành cá lớn, lấy xương voi làm xương loài cá này, giúp cá có sức mạnh để có thể cứu người. Chắc cũng chính vì đó mà cá được gọi là cá voi, dân gian tôn cá là thần Nam Hải thường xuất hiện khi thấy có thuyền gặp nạn để cứu người, dìu ghe thuyền vào bờ.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử Quán Triều Nguyễn có ghi lại như sau: “Cá Ông voi là Đức ngư, đầu tròn, trên trán có lỗ phun nước sắc đen, nhẵn nhụi không vảy, đuôi chẻ ra như đuôi tôm; tính hiền lành hay cứu người. Đầu đời Minh Mạng cho tên là Nhân ngư, đầu đời Tự Đức cho đổi tên là Đức Ngư” [18:406]
Tín ngưỡng thờ cá voi có ở vùng biển phía Nam theo quan niệm Bắc hải chi ngư – Nam hải chi Thần. Trong Gia Định thành thông chí có viết như sau: “ Nhưng chỉ có trong nước Nam từ Linh Giang (sông Gianh) đến Hà Tiên có sự linh ứng cứu vớt mau chóng mà thôi, còn các biển khác không có. Có lẽ vì núi biển phương Nam hun đúc thiêng liêng được mặc ân phù trợ để bảo vệ sinh dân của ta vậy chăng? Triều đình đã phong tặng làm Nam Hải tướng quân Ngọc lân tôn thần, kê vào tự điển. Cá ấy rủi ro mà bị ác ngư khác đánh chết nổi trên mặt bể, thì dân miền biển góp tiền mua hàng, vải, đồ liệm rồi lựa một người đàn anh trong ngư hộ đứng làm chủ tang, đào đất chôn cất cẩn thận, và dựng đền ở ngang bên mộ. Những chỗ có chôn cá ấy thì dân chỗ ấy được nhiều lợi may mắn, còn chỗ tuy không chôn cũng đều lập đền thờ, dọc theo miền biển đều như thế cả”[9:192]
Ngô Đức Thịnh trong cuốn Tín ngưỡng và Văn hoá Tín ngưỡng ở Việt nam có nói về tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông) của ngư dân như sau: “ Ngư dân với tính chất hoạt động sông nước, biển khơi của mình thường hay gặp rủi ro, hoạn nạn, nên từ lâu đã hình thành nên những nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng khá phức tạp, trong đó tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ cá Voi (Cá Ông) của ngư dân duyên hải, với các thần tích, vật tích và nghi lễ, hội hè. Tín ngưỡng này đã được sử sách ghi chép, nhiều đền miếu ven biển từ Quảng Bình trở vào tới Nam Bộ được lập, nơi thờ Ngọc Cốt (Xương Cá Voi), các đám tang, đám rước và lễ hội hàng năm, gọi là lễ Nghinh Ông,…” [19:31-32]
Đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận hiện là địa phương có các cơ sở thờ tự cá voi nhiều nhất so với các địa phương cấp huyện khác của cả nước. Dân cư trên đảo với đặc thù sinh kế nghề đi biển nên rất tin tưởng vào sự linh thiêng che chở của cá voi Ông Nam Hải, mỗi năm tổ chức hàng chục lễ hội liên quan đến nghinh Ông Nam Hải để tỏ lòng tôn kính và cầu mong mùa cá bội thu và những chuyến hải trình an toàn.
Tín ngưỡng Thầy Sài Nại
Theo như thần tích, Thầy Sài Nại là thương gia người Hoa vào khoảng thế kỷ XVI, ông thường theo thuyền buôn đến nhiều nước để buôn bán, bên cạnh đó ông còn là một nhà địa lý, một thầy thuốc giỏi. Qua nhiều chuyến hải trình đã có lần ghé lên đảo Phú Quý và nhận thấy đây là vùng địa linh. Khi ngài đến Phú Quý, lúc này đã có công chúa Bàn Tranh cùng với người dân của Bà sinh sống ổn định trên đảo. Thầy Sài Nại đã kết nghĩa chị em với công chúa Bàn Tranh và trong những chuyến ghé lại trên đảo Thầy đã bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân nghèo. Từ đó Thầy có ước muốn sau khi qua đời tro cốt của mình sẽ được an táng ở đảo Phú Quý nơi được Thầy cho là địa linh đất có long mạch. Đúng theo ý nguyện đó, khi Thầy mất vào ngày mùng 4 tháng tư, một đoàn thuyền xuất phát từ phía Bắc mang theo tro cốt của Thầy ghé lên đảo vào lúc ban đêm, cúng tế và an táng Thầy ngay trong đêm đó và đoàn thuyền rời đi. Sáng hôm sau, người dân trên đảo ngạc nhiên khi phát hiện có rất nhiều hương đèn, hoa quả, gà, heo, trà rượu… tại khu vực Doi Thầy thuộc thôn Đông Hải xã Long Hải ngày nay.
Tin tức lan truyền khiến người dân trên đảo tò mò kéo nhau đến xem rất đông. Biết đó là tro cốt của Thầy Sài Nại người dân đã xây mộ bằng đá gành theo kiểu dáng hình trụ tròn và gọi là mộ Thầy.
Người dân ở đảo Phú Quý từ xưa đến nay tin rằng sau khi chết Thầy đã hiển linh như thần, ba tiếng sấm nổ vang sau đó là một ánh hào quang sáng rực là hiện thân của ngài. Từ đó dân đảo luôn tin tưởng vào sự linh ứng của Thầy, nhiều người đã được Thầy cứu giúp để an toàn vượt những chuyến biển gặp bão tố hay trong lúc chiến tranh loạn lạc.
Tín ngưỡng Bạch Mã Thái Giám
Bạch Mã Thái Giám trở thành thần phù hộ giới thương buôn đường biển qua câu chuyện huyền thoại của người Ấn Độ về ngựa thần Balaha kể lại như sau, Có tám trăm người lái buôn trên biển, trong những chuyến buôn hàng đã không may đi lạc đến đảo nữ nhân ăn thịt người, vì là thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nên các nữ ác nhân này buông tha không giết mà còn kết hôn với họ bắt họ sống lại trên đảo không cho về nhà.
Một hôm các lái buôn này lại nhớ quê hương nên cầu nguyện Đức Phật giúp đỡ họ. Đức Phật cảm thông thương cho các lái buôn nên hóa ra con ngựa thần cõng họ bay qua biển để về cố hương với điều kiện họ không được luyến tiếc những gì họ đã gặp trên đảo.
Thế nhưng những thương buôn này đều thương vợ thương con luyến tiếc quay lại nhìn nên tất cả đều bị rơi xuống biển riêng chỉ có một người nhớ lời Phật dặn nên đã sống sót trở về quê hương và về sau làm vua Ấn Độ.
Cũng theo Phật giáo, Quan Thế Âm Bồ Tát có nhiều dạng thị hiện, trong những dạng thị hiện của ngài có Mã Đầu La Sát. Nhà nghiên cứu văn hoá Huỳnh Ngọc Trảng có ghi nhận về nguồn gốc của tín ngưỡng Bạch Mã Thái Giám là: “ Mã Đầu La Sát, tức là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, mình người đầu ngựa. Nét đặc biệt của Avalokitesvara hay Bồ Tát Quan Âm của Phật giáo Đại Thừa là không phân biệt giới tính vì ngài thần thông quảng đại có thể hóa ra nữ lẫn nam.” [18:133]
Như vậy có thể hiểu Bạch Mã là vị thần ngựa trắng, còn danh xưng “Thái Giám” là để chỉ về việc thị hiện không phân biệt giới tính của vị thần này theo cách hiểu của dân gian. Thần Bạch Mã Thái Giám được nhà Nguyễn ban sắc phong “Dương Uy Ngự Vũ Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang Thượng Đẳng Thần”, Thần Bạch Mã Thái Giám là vị thần được người dân trên đảo Phú Quý tín ngưỡng thờ phụng trong các ngôi đền của mình, hàng năm làm lễ tế thần để tỏ lòng tôn kính và cầu mong thần phù hộ dân đảo kinh doanh buôn bán thuận lợi, sức khoẻ và bình an.