Tín ngưỡng Bạch Mã Thái Giám với việc phụng thờ vị thần phù hộ cho nghề thương buôn. Đặc trưng tín ngưỡng thương nghiệp cũng phản ánh được vai trò với người dân Phú Quý, và cho đến bây giờ họ vẫn thờ phụng cung kính như truyền thống. Những nơi có thương cảng và hoạt động buôn bán sầm uất của các thương nhân thì cũng thấy thờ vị thần này rất nhiều đơn cử như Hội An hiện nay vẫn còn đến 12 làng xã còn thờ thần Bạch Mã Thái Giám được sắc phong của vua, ở Phú Quý tồn tại 2 ngôi đền thờ vị thần này đều ở xã Ngũ Phụng. Tuy số lượng đền thờ ít hơn so với các tín ngưỡng khác như tín ngưỡng Ông Nam Hải hay bà Chúa Ngọc nhưng hàng năm người dân ở hai làng An Hoà và Quý Thạnh xã Ngũ Phụng đều làm lễ tế long trọng vào khoảng tháng giêng và tháng mười âm lịch và cứ cách năm sẽ có hát bội một lần với không khí lễ hội mang tính cộng đồng cao.
Bạch Mã Thái Giám trở thành thần phù hộ giới thương buôn đường biển qua câu chuyện huyền thoại của người Ấn Độ về ngựa thần Balaha kể lại như sau, Có tám trăm người lái buôn trên biển, trong những chuyến buôn hàng đã không may đi lạc đến đảo nữ nhân ăn thịt người, vì là thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nên các nữ ác nhân này buông tha không giết mà còn kết hôn với họ bắt họ sống lại trên đảo không cho về nhà.
Một hôm các lái buôn này lại nhớ quê hương nên cầu nguyện Đức Phật giúp đỡ họ. Đức Phật cảm thông thương cho các lái buôn nên hóa ra con ngựa thần cõng họ bay qua biển để về cố hương với điều kiện họ không được luyến tiếc những gì họ đã gặp trên đảo.
Thế nhưng những thương buôn này đều thương vợ thương con luyến tiếc quay lại nhìn nên tất cả đều bị rơi xuống biển riêng chỉ có một người nhớ lời Phật dặn nên đã sống sót trở về quê hương và về sau làm vua Ấn Độ.
Cũng theo Phật giáo, Quan Thế Âm Bồ Tát có nhiều dạng thị hiện, trong những dạng thị hiện của ngài có Mã Đầu La Sát. Nhà nghiên cứu văn hoá Huỳnh Ngọc Trảng có ghi nhận về nguồn gốc của tín ngưỡng Bạch Mã Thái Giám là: “ Mã Đầu La Sát, tức là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, mình người đầu ngựa. Nét đặc biệt của Avalokitesvara hay Bồ Tát Quan Âm của Phật giáo Đại Thừa là không phân biệt giới tính vì ngài thần thông quảng đại có thể hóa ra nữ lẫn nam.”
Như vậy có thể hiểu Bạch Mã là vị thần ngựa trắng, còn danh xưng “Thái Giám” là để chỉ về việc thị hiện không phân biệt giới tính của vị thần này theo cách hiểu của dân gian. Thần Bạch Mã Thái Giám được nhà Nguyễn ban sắc phong “Dương Uy Ngự Vũ Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang Thượng Đẳng Thần”, Thần Bạch Mã Thái Giám là vị thần được người dân trên đảo Phú Quý tín ngưỡng thờ phụng trong các ngôi đền của mình, hàng năm làm lễ tế thần để tỏ lòng tôn kính và cầu mong thần phù hộ dân đảo kinh doanh buôn bán thuận lợi, sức khoẻ và bình an.
Ngoài nông nghiệp là chính yếu rồi sau này được thay thế dần bởi ngư nghiệp, thì một nghề khác cũng đã tạo dấu ấn cho kinh tế đảo Phú Quý làm đảo này được nhiều người biết đến là tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đất trên đảo đặc biệt rất thích hợp với các loại cây như dâu tằm, cây bông vải, cây dứa gai mọc hoang dại khắp đảo, cây đậu phộng cho năng suất cao. Chính vì vậy tạo điều kiện cho những nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng cây bông dệt vải. Những nghề tiểu thủ công nghiệp này cũng được xem là cổ truyền của người dân Phú Quý, từ thời phong kiến vải được người trên đảo làm ra gọi là vải bạch bố đã được dùng để đóng thuế cho triều đình.
Nghề đan võng bằng cây dứa dại, đan gùi, ép dầu đậu phộng tạo ra sản phẩm được thị trường ở đất liền ưa chuộng nên những nghề buôn bán tơ lụa, võng gai, ép dầu phát triển cung cấp sản phẩm đến tận Phan Rang, Đà Lạt. Mặc dù bây giờ các ngành nghề này đã mai một hoặc không còn tồn tại trên đảo một phần do nhu cầu thị trường không còn vì bị các sản phẩm thay thế khác, một phần do chuyển đổi ngành nghề hướng về thế mạnh ngư nghiệp, nhưng trước đây các ngành tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp kể trên cũng đã góp phần không nhỏ vào đời sống người dân trên đảo. Đây cũng là lý do mà trên đảo có tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã Thái Giám, thầy Sài Nại là những vị thần bảo trợ cho thương nhân và thương nghiệp.