Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình hình thành đảo Phú Quý bởi các câu truyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Cùng chúng tôi tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nhé !
Tín ngưỡng Công Chúa Bàn Tranh
Về thần tích công chúa Bàn Tranh là công chúa người Chăm bị đày ra đảo này vì trái ý nhà vua không chịu kết hôn với hoàng tử nước khác. Đoàn thuyền gồm nhiều tùy tùng, người hầu cùng với lương thực dự trữ và công cụ lao động, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển đã cập vào đảo. Công chúa với nghị lực và khả năng lãnh đạo của mình đã quyết định tạo lập một cuộc sống mới tạo hòn đảo hoang vu chưa có người ở này. Đoàn người của công chúa bắt đầu khẩn hoang, trồng trọt, lưới cá,.. ổn định cuộc sống dần tạo lập những thôn làng cư dân đầu tiên. Khi công chúa qua đời người dân đã an táng bà, lập miếu thờ tại vị trí đền thờ ngày nay, Bà rất linh hiển nên người dân rất an tâm vì được Bà bảo vệ che chở khắp các thôn làng trên đảo.
Công Chúa Bàn Tranh là vị linh thần được cư dân trên toàn đảo xem như vị thần bảo hộ của mình. Với những công lao to lớn của Bà người trên đảo Phú Quý tôn vinh gọi bà là Bà Chúa Xứ, nơi thờ phụng Bà người dân gọi là đền thờ Công Chúa Bàn Tranh hay miếu Bà Chúa. Các vua triều Nguyễn đã ban nhiều sắc phong cho Công Chúa Bàn Tranh với danh hiệu Thượng đẳng thần.
Tập tục thờ công chúa Bàn Tranh thể hiện tín ngưỡng thờ mẫu của cộng đồng người dân Phú Quý. Cư dân tôn vinh, sùng kính và xem Bà như tổ nghề của nghề trồng trọt, là người có công đầu trong việc đưa con người và những giống hoa màu lương thực lên đảo, khai khẩn đất hoang hình thành xóm làng và dạy người dân cách canh tác nông nghiệp khiến một hòn đảo hoang vắng không có người trở thành xóm là trù phú giàu có như ngày nay
Tín ngưỡng Bà Chúa Ngọc Thiên Ya Na (Diễn Ngọc Phi nương nương)
Về nguồn gốc và thần tích, Bà Chúa Ngọc Thiên Ya Na Diễn Ngọc Phi chính là vị nữ thần Pô Inư Nagar mà người Chăm tôn vinh là Bà Mẹ Xứ Sở. Truyền thuyết kể lại rằng ở vùng núi Chúa thuộc Đại Điền (Khánh Hoà ngày nay) một cặp vợ chồng già không con sống bằng nghề trồng dưa. Một đêm ông già rình bắt được một cô bé đang trộm dưa, thương cô gái không cha không mẹ nên đem về nuôi. Một hôm mưa lũ cô gái buồn lòng do bị cha mẹ nuôi mắng nên đã biến vào cây gỗ kỳ nam trôi ra biển đến tận Bắc Hải, người dân phương Bắc rủ nhau kéo cây gỗ lên bờ nhưng bao nhiêu người vẫn không lay chuyển được, chỉ có thái tử Bắc Hải tự tay vớt được mang về thờ cúng.
Khúc gỗ luôn tỏa hương thơm ngào ngạt, từ trong khúc cây cô gái ẩn hiện ra thái tử bắt được và lấy làm vợ. Hai người sinh một trai là Trí, một gái là Quí. Bà Thiên Ya Na chính là cô gái trong cây gỗ đó. Sau này khi nhớ nơi xưa bà về đến núi Chúa thì cha mẹ nuôi đã qua đời. Thấy dân vùng đó chất phát hiền lành Bà dạy dân cày cấy sinh nhai, cứu nạn giúp dân, gây dựng phép tắc cho dân xong rồi Bà bay mất về trời. Khi Nam tiến người Việt đã tiếp thu tôn giáo, tín ngưỡng tôn thờ thần Mẹ Xứ Sở của người Chăm và biến cải thờ phụng theo tập tục riêng của mình.
Trên đảo Phú Quý người dân tín ngưỡng và tôn thờ Bà Chúa Ngọc nhiều đời qua trong các ngôi đền hàng năm tổ chức lễ tế rất cung kính và trang nghiêm. Các đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong cho Bà Chúa Ngọc tới danh hiệu thượng đẳng thần
Tín ngưỡng Bà Cửu Thiên Huyền Nữ
Về thần tích, Cửu Thiên Huyền Nữ còn gọi là Mẹ Sanh theo tín ngưỡng dân gian hay Phật Mẫu theo thần thoại Trung Hoa. Cửu Thiên Huyền Nữ nghĩa là người phụ nữ huyền diệu nơi tầng trời thứ chín là một danh hiệu của Ðức Phật Mẫu. Vào thời thượng cổ, sau đời vua Thần Nông, các bộ lạc đều tự tách ra hùng cứ mỗi nơi. Có một bộ lạc hùng mạnh mà vị thủ lãnh là Xuy Vưu rất độc ác muốn thôn tính các bộ lạc khác để lên làm vua đã ra tay tàn sát, chỉ có bộ lạc của Hữu Hùng Thị đủ sức đánh lại.
Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ đã hiện ra dạy Hữu Hùng Thị chế ra chiến xa, dạy cho binh pháp để đánh bại binh đội của Xuy Vưu độc ác. Chiến tranh kết thúc tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghinh Hữu Hùng Thị, tôn là Huỳnh Ðế. Vì ngài sinh ra tại gò Hiên Viên nên sau này gọi là Viên Hiên Huỳnh Đế. Sau đó, Cửu Thiên Huyền Nữ cũng thường ứng hiện giúp về quân sự cho các vị minh chủ đánh giặc cứu dân, chế ra nghề nuôi tằm lấy tơ dệt lụa, dạy cách xem thiên tượng, giúp tạo ra chữ viết tượng hình,…Cửu Thiên Huyền Nữ được xem là thầy của Huỳnh Đế, là vị thần quân sự, thần của bách nghệ và được thờ phụng rộng rãi từ đời nhà Đường của Trung Hoa rồi ảnh hưởng đến văn hoá dân gian của các quốc gia châu Á khác trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam nói chung Cửu Thiên Huyền Nữ trong tín ngưỡng dân gian là vị thần bảo hộ sinh mạng, trừ tà ma, là tổ của nghề mộc, nghề múa hát. Tại đảo Phú Quý Bà Cửu thiên Huyền nữ được coi là tổ các nghề thủ công hoặc các nghề mang tính nghệ thuật cao như dệt vải, may vá, ca múa, diễn hát, Bà cũng là nữ thần hộ mạng cho giới nữ. Ở Phú Quý Cửu Thiên Huyền Nữ không được người dân lập cơ sở thờ tự riêng. Trong một số đền miếu bà Cửu thiên Huyền nữ được phối thờ hai bên gian thờ chính.