Đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận hiện là địa phương có các cơ sở thờ tự cá voi nhiều nhất so với các địa phương cấp huyện khác của cả nước. Dân cư trên đảo với đặc thù sinh kế nghề đi biể nên rất tin tưởng vào sự linh thiêng che chở của cá voi Ông Nam Hải, mỗi năm tổ chức hàng chục lễ hội liên quan đến nghinh Ông Nam Hải để tỏ lòng tôn kính và cầu mong mùa cá bội thu và những chuyến hải trình an toàn.
Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải thể hiện niềm tin của ngư dân vào thần Nam Hải, vị thần hộ mệnh của ngư dân trên biển. Tương truyền rằng trong những năm vua Gia Long Nguyễn Ánh bôn tẩu ra các vùng biển gặp sóng to gió lớn cá Ông từng có công cứu vua. Sau này khi lên ngôi vua Gia Long biết ơn nên sắc phong cá Ông là thần Nam Hải với mỹ tự “Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm chi thần”. Cũng theo truyền thuyết của dân gian rằng xa xưa, Phật Bà Quan Thế Âm bồ tát trong một lần đi qua Nam hải, ngài đã chứng kiến cảnh chúng sinh bị chết chìm trong gió bão. Phát tâm từ bi thương xót, ngài đã xé áo choàng thành nhiều mảnh thả xuống biển, ngài hóa phép cho những mảnh áo thành cá lớn, lấy xương voi làm xương loài cá này, giúp cá có sức mạnh để có thể cứu người. Chắc cũng chính vì đó mà cá được gọi là cá voi, dân gian tôn cá là thần Nam Hải thường xuất hiện khi thấy có thuyền gặp nạn để cứu người, dìu ghe thuyền vào bờ.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử Quán Triều Nguyễn có ghi lại như sau: “Cá Ông voi là Đức ngư, đầu tròn, trên trán có lỗ phun nước sắc đen, nhẵn nhụi không vảy, đuôi chẻ ra như đuôi tôm; tính hiền lành hay cứu người. Đầu đời Minh Mạng cho tên là Nhân ngư, đầu đời Tự Đức cho đổi tên là Đức Ngư”.
Tín ngưỡng thờ cá voi có ở vùng biển phía Nam theo quan niệm Bắc hải chi ngư – Nam hải chi Thần. Trong Gia Định thành thông chí có viết như sau: “ Nhưng chỉ có trong nước Nam từ Linh Giang (sông Gianh) đến Hà Tiên có sự linh ứng cứu vớt mau chóng mà thôi, còn các biển khác không có. Có lẽ vì núi biển phương Nam hun đúc thiêng liêng được mặc ân phù trợ để bảo vệ sinh dân của ta vậy chăng? Triều đình đã phong tặng làm Nam Hải tướng quân Ngọc lân tôn thần, kê vào tự điển. Cá ấy rủi ro mà bị ác ngư khác đánh chết nổi trên mặt bể, thì dân miền biển góp tiền mua hàng, vải, đồ liệm rồi lựa một người đàn anh trong ngư hộ đứng làm chủ tang, đào đất chôn cất cẩn thận, và dựng đền ở ngang bên mộ. Những chỗ có chôn cá ấy thì dân chỗ ấy được nhiều lợi may mắn, còn chỗ tuy không chôn cũng đều lập đền thờ, dọc theo miền biển đều như thế cả”
Ngô Đức Thịnh trong cuốn Tín ngưỡng và Văn hoá Tín ngưỡng ở Việt nam có nói về tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông) của ngư dân như sau: “ Ngư dân với tính chất hoạt động sông nước, biển khơi của mình thường hay gặp rủi ro, hoạn nạn, nên từ lâu đã hình thành nên những nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng khá phức tạp, trong đó tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ cá Voi (Cá Ông) của ngư dân duyên hải, với các thần tích, vật tích và nghi lễ, hội hè. Tín ngưỡng này đã được sử sách ghi chép, nhiều đền miếu ven biển từ Quảng Bình trở vào tới Nam Bộ được lập, nơi thờ Ngọc Cốt (Xương Cá Voi), các đám tang, đám rước và lễ hội hàng năm, gọi là lễ Nghinh Ông,…”
Xem thêm: 10 VẠN thờ Ông Nam Hải ở Phú Quý