Phú Quý là một hòn đảo giàu tiềm năng về nguồn lợi hải sản, tôm hùm được nuôi và đánh bắt tự nhiên tại Phú Quý như là một trong những món ăn đầy “chanh sả” của thực khách khi đến đây.
Ngư dân Phú Quý thường xuyên lặn ở những vùng nước sâu có rạn san hô để tìm bắt tôm hùm tự nhiên. Ngoài ra, nhiều lồng bè trên huyện đảo cũng đã thử nghiệm nuôi thành công tôm hùm nên giá thành hợp lý hơn, giá tôm hùm ở Phú Quý giao động từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng/kg tùy theo kích thước con tôm hùm.
Tới Phú Quý mà không thưởng thức tôm hùm thì quả là một điều đáng tiếc. Tôm hùm có thịt chắc ngọt, xen lẫn những sợi gân giòn, là món khó có thể bỏ qua khi đặt chân đến đảo Phú Quý.
Tại cầu cảng hay các nhà hàng hải sản địa phương đều có đặc sản này. Có rất nhiều cách chế biến để bạn thưởng thức hương vị hấp dẫn của tôm hùm như hấp, nướng, làm gỏi, nấu cháo….. Tôm khi chín, bóc hết vỏ lộ ra lớp thịt trắng ngần với từng thớ thịt rất săn chắc, ngon lành.
Trước đây Phú Quý là nơi có nhiều tôm hùm, đặc biệt là quanh các hòn Đen, hòn Đỏ, hòn Tranh vì bên dưới các hòn này có nhiều đá ngầm, hang hốc, thích hợp cho tôm hùm sinh sống. Ban ngày tôm hùm rúc vào hang, đêm bò ra tìm mồi. Mùa “săn” tôm hùm kéo dài từ tháng 1 – 5. Để săn bắt tôm hùm, người ta thường mang dây chì bên hông (cho nặng), kính lặn một tròng, găng tay, một chiếc móc câu dài 50cm, vợt lưới, giỏ đựng (đeo bên hông). Vào lúc bình minh trên biển, nước “ấm”, người săn tôm hùm nhảy ùm xuống đáy nước. Khi chân chạm đáy thì nhanh chóng dùng que sắt sục vào các hang, hốc đá, tìm tôm.
Trước năm 1975, nghề lặn tôm ở Phú Quý khá thịnh hành, có nhiều ghe lặn. Mỗi ghe lặn thường có 4 – 5 người, năng suất 100kg tôm/ngày. Đa phần người lặn săn bắt tôm đều giỏi bơi lặn và lặn lâu hơn người bình thường. Tôm hùm ngoài phần thịt ngọt, vỏ tôm có thể làm hàng trang trí. Ngày nay, tôm hùm được nuôi nhiều tại Phú Quý ở tại các lồng bè nuôi cá, tôm, ốc.