Bằng kinh nghiệm hỗ trợ hàng ngàn khách hàng đặt vé tàu cao tốc đi Phú Quý, chúng tôi cập nhật TOP những điểm du lịch tại Phú Quý được du khách đến nhiều nhất khi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp này !
Chùa Linh Sơn – núi Cao Cát
Chùa Linh Sơn – núi Cao Cát là một trong những quần thể thắng cảnh nổi tiếng tại huyện Phú Quý, thuộc địa phận xã Long Hải.
Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía Bắc, nơi đây có tượng Phật Bà Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Người dân Phú Quý xem núi Cao Cát như một ngọn núi thiêng, biểu tượng của Rồng Biển. Nguồn gốc của núi Cao Cát là một ngọn núi san hô bị sóng, gió bào mòn thành những dãy bậc thang xoắn trôn ốc. Trên núi có nhiều mỏm đá và hang động nguyên sinh với nhiều sự tích kỳ bí, hấp dẫn. Trải qua hàng ngàn năm bị sóng, gió biển xâm thực và bào mòn đã tạo ra những khối đá đen dạng tổ ông chồng lên nhau, hình xoáy tròn từng tầng, từng lớp như những cây nấm khổng lồ. Từ đỉnh núi nhìn ra xung quanh, du khách sẽ thấy Mộ Thầy Sài Nại ở phía Đông với ghềnh đá màu đen, nương rẫy xanh tươi ở phía Nam. Nhìn sang phía Tây là đền thờ công chúa Bàn Tranh và núi Cấm với ngọn hải đăng sừng sững, và phía Bắc là bờ kè Ngũ Phụng với các trạm điện gió cao sừng sững cung cấp điện cho cư dân trên đảo.
Chùa Linh Sơn nằm tọa lạc trên đỉnh núi Cao Cát, được xây dựng cách đây khoảng 100 năm, ở độ cao 106m so với mực nước biển. Ở chùa không có sư trụ trì mà các phật tử phân công nhau thực hiện các nghi thức cúng lễ và đón tiếp rất nhiều lượt khách đến tham quan, vãn cảnh với sự thân thiện, cởi mở. Hai bên đường lên chùa là những rừng cây đại thụ bạt ngàn, tạo thêm nét huyễn hoặc cho chốn thâm nghiêm.
Tại đây, có các sản phẩm du lịch như: tham quan ngắm cảnh chùa Linh Sơn và núi Cao Cát, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển chùa Cao Cát,…
Mộ Thầy Sài Nại
Nằm ở thôn Đông Hải, xã Long Hải là di tích mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biển, giao thoa giữa người Việt và người Hoa trong quá trình chung sống giữa vùng biển đảo xa xôi. Mộ Thầy xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi linh thiêng và là chỗ dựa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh từ xưa đến nay của nhân dân trên đảo.
Dưới chân mũi doi Mộ Thầy là khu nuôi trồng hải sản bằng kè chắn sóng. Khu nuôi trồng này không chỉ cung cấp hải sản cho nhà hàng Long Vĩ mà còn là địa điểm tham quan thú vị vì phong cảnh đẹp, giúp cho du khách có những bức ảnh lưu niệm tuyệt vời. Tại điểm du lịch này phát triển các loại hình du lịch, như: Du lịch tâm linh tìm hiểu về tín ngưỡng tâm linh tại Mộ Thầy Sài Nại, du lịch nghiên cứu kiến trúc tại Mộ Thầy, du lịch sinh thái tham quan các lồng bè địa phương, tham quan ngắm cảnh tại doi Mộ Thầy,…
Hòn Tranh
Trong số các hòn đảo xung quanh đảo Phú Quý, hòn Tranh có diện tích lớn nhất (rộng 2.7 km²) và là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan nhất. Cách đảo Phú Quý khoảng 15 phút đi thuyền máy về phía Đông Nam. Khi xưa nơi đây mọc nhiều cỏ tranh, người dân Phú Quý sang cắt cỏ tranh về xây nhà.
Hòn Tranh có Miếu thờ vị tướng Bùi Hữu Ích, có vạn thờ 77 thần Nam Hải do ngư dân lập khi trôi dạt cùng ngày vào đảo. Hằng năm, vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, người dân trên đảo sang cúng giỗ Quận công Bùi Hữu Ích và thần Nam Hải, cầu cho mùa biển no ấm. Trên đảo còn có một giếng nước (còn gọi là giếng Nguyễn Ánh) rất đặc biệt vì dù mưa hay nắng vẫn đầy ắp nước. Vùng biển phía Nam Hòn Tranh có nhiều điểm đẹp như: vũng Gấm, vũng Bàn, mũi Xương Cá, vũng Phật, hang Cò Nước và hang Cò Khô, là nơi nghỉ của nhà cò. Dọc theo bãi trước ở phía Tây là dải cát trắng mịn. Hòn Tranh sở hữu nhiều hang động kỳ bí, nhiều dáng đá lạ màu chàm, xanh rêu.
Hòn Tranh quanh năm sóng yên biển lặng, nước trong xanh thấy rõ từng rạn san hô và các loài tảo biển. Mùa nước cạn có nhiều loại ốc biển, cá, mực. Hiện tại, Hòn Tranh chỉ có vài hộ dân sinh sống lâu đời ở đây và là nơi đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam. Đến đây, du khách sẽ có dịp tận hưởng không khí trong lành, lặn ngắm san hô, câu cá, chế biến hải sản, vừa nghiên cứu, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử còn lưu tại đây.
Núi Cấm
Núi Cấm là một trong hai ngọn núi ở huyện Phú Quý với độ cao 108m so với mực nước biển, nằm trên địa bàn xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi Cấm có một ngọn hải đăng có công suất lớn hàng đêm phát sáng giúp người dân thuận tiện đi lại trên biển, được xem là hải đăng lớn nhất Việt Nam.
Để lên đến núi Cấm du khách phải đi bộ trên những bậc thang bằng đá dưới tán cây rợp mát. Bên cạnh hải đăng có tượng Bác và hình ảnh biểu tượng ngọn đuốc đang cháy rực nên người dân vẫn quen gọi là Đuốc Bác. Từ trên ngọn hải đăng, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn xung quanh đảo Phú Quý, với những hàng cây xanh hòa vào những con sóng ngoài xa đập vào bờ.
Tại điểm du lịch này có thể phát triển các loại hình du lịch, như: tham quan thắng cảnh núi, toàn bộ cảnh quan thiên nhiên của huyện đảo, hoặc tổ chức các hoạt động báo công, tuyên dương, tổ chức cuộc thi kể những mẩu chuyện về gương người tốt việc tốt hay cùng lắng nghe những mẩu chuyện của các anh chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo.
Bãi Nhỏ – Gành Hang
Là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý với bờ cát trắng mịn, nước biển màu xanh ngọc trong vắt, nằm dưới một chân đồi cách trung tâm huyện khoảng 10 phút đi xe máy. Khu vực này không có nhà cửa, còn khá hoang sơ, bao quanh bãi biển là những ghềnh đá đen với nhiều hình thù kỳ thú. Vào những lúc mặt trời mọc, nước biển ở đây sáng rực, long lanh như được dát một lớp kim tuyến óng ánh. Vào những lúc trời yên biển lặng, Bãi Nhỏ chính là thiên đường của nắng vàng, nước mát và không gian du dương tĩnh lặng đầy hoang sơ.
Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, điểm du lịch này phát triển các sản phẩm du lịch như: tham quan nghỉ dưỡng, thể thao biển, nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm địa chất của các ghềnh đá đen huyền bí, độc đáo,…
Bãi biển Doi Dừa
Thuộc địa phận xã Ngũ Phụng, nằm ngay ở trung tâm huyện. Tại đây, nước biển trong xanh êm dịu, cát trắng mịn, trên bờ là những cây dừa trĩu quả, ngọt nước là minh chứng về một hình ảnh đẹp và yên bình của huyện đảo Phú Quý. Từ trung tâm huyện, du khách đi xe máy chừng 7 phút là đến bãi biển. Đây là nơi dã ngoại lý tưởng của du khách khi đến tắm biển, nghỉ dưỡng và khám phá cảnh quan thiên nhiên tại Phú Quý.
Vịnh Triều Dương
Vịnh Triều Dương có chiều dài bờ biển khoảng 2km, thuộc xã Tam Thanh. Nơi đây bãi biển bằng phẳng, cắt trắng, nước biển trong xanh và những hàng dương xanh ngát. Đến đây, du khách được khám phá và cùng trải nghiệm cuộc sống một ngày làm ngư dân với người dân trên đảo. Du khách sẽ cùng giăng lưới, thả câu, cùng kéo lưới và thu hoạch những con cá, con mực tươi ngon, còn giãy trên lòng bàn tay.
Vào những dịp lễ, Tết người dân địa phương, du khách hay về đây tổ chức sinh hoạt, đàn, hát, giao lưu ẩm thực hoặc tham gia các trò chơi dân gian. Tại điểm du lịch này có các sản phẩm du lịch như: tham quan ngắm cảnh, nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc căng thẳng, hay tổ chức các các trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực vùng biển hoặc du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống làm ngư dân để tìm hiểu tập quán, lối sống của những người dân thân thiện tại đây.
Cột cờ Phú Quý
Được xây dựng từ năm 2015 trên diện tích gần 200m² tại mỏm Đông đồi Chuối, phía dưới là bãi biển Gành Hang. Nơi đây được người dân hay gọi là cột cờ chủ quyền thiêng liêng của đảo. Đến đây du khách có thể vừa leo núi tại đồi Chuối, vừa tắm biển Gành Hang kết hợp lặn san hô, thi kể chuyện tại Cột cờ Phú Quý.
Bè Cá Lạch Dù
Đến bè nuôi cá mú Lạch Dù, du khách sẽ được tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm đời sống của ngư dân đảo. Sau khi tắm biển, lặn ngắm san hô, du khách sẽ được các hướng dẫn viên địa phương đưa đến lồng bè bằng xuồng, ghe. Đến đây, du khách tự lựa chọn các loại hải sản ưa thích, tự tay chế biến thành các món hải sản hấp dẫn. Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm này đang phát triển và thu hút du khách không chỉ từ nơi khác tới mà ngay cả người dân bản địa cũng khá thích thú.
Tại đây có các sản phẩm du lịch như: du lịch cộng đồng: tìm hiểu những nét đặc sắc trong lối ẩm thực của người dân Phú Quý; đi thuyền tham quan các lồng bè hoặc du lịch sinh thái lặn ngắm san hô, chế biến hải sản hay mua hải sản làm quà cho người thân sau chuyến du lịch đầy thú vị.
Bờ kè Lăng Cô (Bờ kè sắc màu)
Thời gian gần đây, nếu ai ra Phú Quý thì sẽ có một điểm mới để chụp hình và ngắm cảnh rất đẹp đó là bờ kè Phú Quý. Nơi đây ngày một thu hút khá nhiều khách du lịch cũng như các bạn trẻ địa phương ra thư giãn. Bởi đơn giản những bờ kè trước đây mang một màu xi măng khô cứng thì nay đã đủ sắc màu lạ lẫm, độc đáo, mềm mại hơn và khá thú vị. Bờ kè sắc màu này do Tỉnh đoàn Bình Dương, các bạn sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh tỉnh Bình Dương, các bạn cán bộ, đoàn viên, chiến sĩ Phú Quý đã chung tay thực hiện tuyệt tác có một không hai này. Đến với điểm du lịch này, khách du lịch chẳng những có những tấm ảnh thật độc đáo, nhiều màu sắc, tận hưởng hương vị của biển, ngắm tàu thuyền mà còn được hòa mình vào ánh bình minh và hoàng hôn trên đảo.
Chùa Linh Quang
Nằm trên địa phận xã tam Thanh, tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, khung cảnh trầm mặc thoáng đãng, tách biệt với cuộc sống trần tục. Linh Quang Tự là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng Phật giáo ở Phú Quý. Không chỉ cảnh đẹp, mà đây còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, nghệ thuật về Phật giáo ở trên đảo. Chùa Linh Quang được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng thắng cảnh cấp Quốc gia tại Quyết định số 51/QĐ/BT ngày 12/01/1996. Tại đây du khách có thể đến vãn cảnh chùa, cầu nguyện những điều may mắn trong cuộc sống, công việc, hay học tập, nghiên cứu về những mẩu chuyện, các di tích sắc phong của các đời vua triều Nguyễn còn lưu giữ lại.