TOP những điểm du lịch tâm linh tại huyện đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý không chỉ hấp dẫn du khách khám phá những biển xanh, cảnh vật hoang sơ, san hô màu sắc mà còn là một trong những địa điểm du lịch tâm linh bởi những truyền thuyết đầy linh hiển của hòn đảo đầy bí ẩn này.

Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh

Đối với người dân trên đảo Phú Quý, Công Chúa Bàn Tranh được xem như là vị linh thần bảo hộ cho cả đảo Phú Quý và mỗi gia đình, cá nhân người Hòn của mình. Với những công lao to lớn của Bà người trên đảo Phú Quý tôn vinh gọi bà là Bà Chúa Xứ, nơi thờ phụng Bà người dân gọi là đền thờ Công Chúa Bàn Tranh hay miếu Bà Chúa. Các vua triều Nguyễn đã ban nhiều sắc phong cho Công Chúa Bàn Tranh với danh hiệu Thượng đẳng thần.

Về thần tích công chúa Bàn Tranh là công chúa người Chăm bị đày ra đảo này vì trái ý nhà vua không chịu kết hôn với hoàng tử nước khác. Đoàn thuyền gồm nhiều tùy tùng, người hầu cùng với lương thực dự trữ và công cụ lao động, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển đã cập vào đảo. Công chúa với nghị lực và khả năng lãnh đạo của mình đã quyết định tạo lập một cuộc sống mới tạo hòn đảo hoang vu chưa có người ở này. Đoàn người của công chúa bắt đầu khẩn hoang, trồng trọt, lưới cá,.. ổn định cuộc sống dần tạo lập những thôn làng cư dân đầu tiên. Khi công chúa qua đời người dân đã an táng bà, lập miếu thờ tại vị trí đền thờ ngày nay, Bà rất linh hiển nên người dân rất an tâm vì được Bà bảo vệ che chở khắp các thôn làng trên đảo.

Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo là Đền thờ Công chúa Bàn Tranh

Trong dân gian Phú Quý đến nay vẫn còn lưu lại những truyền thuyết về Bà; trong tâm thức và suy nghĩ người dân trên đảo xem Bà là vị thần rất hiển linh, luôn ở bên cạnh để che chở, phù trợ người dân trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Trong nhiều thế kỷ qua, người Việt ở Phú Quý đã không ngừng đóng góp công của trùng tu và tôn tạo, cũng như thờ phụng, cúng tế trang nghiêm theo phong tục tập quán của mình. Tín ngưỡng thờ công chúa Bàn Tranh lâu nay đã trở thành tín ngưỡng chung và thiêng liêng nhất của người dân trên đảo, việc thờ phụng và cúng tế hàng năm được diễn ra luân phiên giữa các làng thuộc 3 xã trên đảo với nhau (xưa kia là 14 làng, sau này còn 9 làng), mỗi làng được giữ sắc phong, phụng thờ và cúng tế một năm, qua năm sau luân chuyển sang làng khác.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc trên khuôn viên đất rộng rãi, thoáng mát gần chân núi Cao Cát và được Nhân dân trên đảo gọi là khu ruộng Bà Chúa. Kiểu dáng kiến trúc đền thờ hiện nay không còn lưu giữ kết cấu nguyên gốc như xưa, vì đền đã bị hư hỏng và được tu bổ, tôn tạo, sửa chữa nhiều lần.

Hàng năm tại đền thờ tổ chức một kỳ lễ hội chính đó là Lễ Kỵ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng Âm lịch; do thời điểm lễ hội diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên thu hút hầu như toàn bộ người dân trên đảo tham gia bái lễ và du xuân cùng lễ hội.

Đại môn Đền thờ Công chúa Bàn Tranh
Đại môn Đền thờ Công chúa Bàn Tranh

Lễ hội diễn ra tại đền thờ công chúa Bàn Tranh hàng năm thu hút đông đảo các cộng đồng người dân địa phương tham gia với tinh thần, thái độ thành kính và là chỗ dựa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh từ xưa đến nay của Nhân dân trên đảo. Chính lễ hội tại đền thờ công chúa Bàn tranh đã khơi dậy những giá trị nhân văn tốt đẹp của người Việt Nam, đó là cách đối nhân xử thế của các thế hệ đi sau luôn tưởng nhớ, ghi ơn công lao của các thế hệ tiền nhân đi trước đã dày công khai phá đất đai, tạo lập xóm làng. Lâu nay, việc thờ phụng, cúng tế công chúa Bàn Tranh là trách nhiệm chung của người dân các làng trên đảo. Đây là nét mới lạ, độc đáo và riêng biệt chỉ có ở đảo Phú Quý mà ít khi thấy ở những nơi khác.

Du khách đến đền thờ công chúa Bàn Tranh, ngoài bái lễ, chiêm ngưỡng lối kiến trúc mang đậm dấu ấn giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong lịch sử; được nghe những câu chuyện kể, sự tích linh hiển về Bà, ngắm nhìn thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của núi Cao Cát từ xa và sau đó di chuyển chỉ mất hơn 5 phút để chinh phục đỉnh núi này và bái Phật tại chùa Linh Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Cao Cát.

Dinh và mộ Thầy Sài Nại

Nói đến đền thờ và Mộ Thầy là nói đến những giá trị mang đậm tính nhân văn. Đến nay người dân trên đảo vẫn tin rằng sau khi quy thiên, Thầy hóa thành vị thần rất hiển linh, hiện thân của Thầy là 3 tiếng sấm nổ vang và sau đó xuất hiện một ánh hào quang sáng rực như mặt trời. Người dân trên đảo từ trước đến nay luôn tin tưởng vào sự linh ứng và trợ giúp của Thầy. Rất nhiều người cho rằng chính họ đã được Thầy cứu giúp để vượt qua những cơn nguy biến, nhất là trong những chuyến biển đầy phong ba bão tố hay trong lúc chiến tranh hoạn lạc. Mỗi khi gặp nạn, người dân cầu khấn, thầm niệm câu: “Thầy Sài Nại thông linh chiêu ứng mặc chất đoan túc gia tặng dực bảo trung hưng tiết kinh quang ý trung đẳng thần phù hộ…” thì Thầy sẽ xuất hiện ứng cứu.

Theo như thần tích, Thầy Sài Nại là thương gia người Hoa vào khoảng thế kỷ XVI, ông thường theo thuyền buôn đến nhiều nước để buôn bán, bên cạnh đó ông còn là một nhà địa lý, một thầy thuốc giỏi. Qua nhiều chuyến hải trình đã có lần ghé lên đảo Phú Quý và nhận thấy đây là vùng địa linh. Khi ngài đến Phú Quý, lúc này đã có công chúa Bàn Tranh cùng với người dân của Bà sinh sống ổn định trên đảo. Thầy Sài Nại đã kết nghĩa chị em với công chúa Bàn Tranh và trong những chuyến ghé lại trên  đảo Thầy đã bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân nghèo. Từ đó Thầy có ước muốn sau khi qua đời tro cốt của mình sẽ được an táng ở đảo Phú Quý nơi được Thầy cho là địa linh đất có long mạch. Đúng theo ý nguyện đó, khi Thầy mất vào ngày mùng 4 tháng tư, một đoàn thuyền xuất phát từ phía Bắc mang theo tro cốt của Thầy ghé lên đảo vào lúc ban đêm, cúng tế và an táng Thầy ngay trong đêm đó và đoàn thuyền rời đi. Sáng hôm sau, người dân trên đảo ngạc nhiên khi phát hiện có rất nhiều hương đèn, hoa quả, gà, heo, trà rượu… tại khu vực Doi Thầy thuộc thôn Đông Hải xã Long Hải ngày nay. Tin tức lan truyền khiến người dân trên đảo tò mò kéo nhau đến xem rất đông. Biết đó là tro cốt của Thầy Sài Nại người dân đã xây mộ bằng đá gành theo kiểu dáng hình trụ tròn và gọi là mộ Thầy.

Mộ Thầy Sài Nại
Mộ Thầy Sài Nại

Vì để tiện cho việc thờ cúng, không phải đi xa nên người Việt ở đảo đã xây dựng Đền thờ Thầy Sài Nại vào thế kỷ XVI tại Ngũ Phụng, trên ngọn đồi cao phía Đông Bắc làng An Hòa.

Đền thờ thầy Sài Nại là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa trong quá trình chung sống giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt của các làng trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa.

Đại môn Dinh Thầy
Đại môn Dinh Thầy

Người dân ở đảo Phú Quý xem Thầy Sài Nại như là một vị thần là chủ nhân của đảo bảo trợ cho người dân toàn đảo, đặc biệt là bảo trợ cho những thuyền buôn, những người làm ăn buôn bán thường xuyên đi xa, người lập nghiệp ở nước ngoài hay người dân có người nhà ở nước ngoài. Vào dịp cuối năm những người có tín ngưỡng đến cúng bái tạ ơn Thầy Sài nại rất đông đến nổi phải đăng ký trước để xếp lịch cúng.

Sự linh ứng trong việc trợ giúp dân làng của Thầy đã được các vua triều Nguyễn ghi nhận, ban tặng cho Thầy 3 sắc phong và truyền chỉ cho dân chúng các làng trên đảo phải phụng thờ Thầy cho thật chu đáo. Lâu nay, việc lưu giữ, thờ phụng sắc phong, trông nom và cúng tế tại đền thờ Thầy Sài Nại và công chúa Bàn Tranh được luân phiên giữa các làng trên đảo theo trình tự. Mỗi làng cúng tế 1 năm, thời điểm giao phiên từ làng này qua làng khác là vào ngày mùng 04 tháng 4 Âm lịch. Đây là nét đẹp văn hóa độc đáo, hiếm thấy so với những nơi khác trong đất liền.

Vạn An Thạnh

Di tích được người dân đảo Phú Quý gọi tên là vạn An Thạnh với ngụ ý muốn nói lên ước nguyện cầu mong có một cuộc sống an khang, thịnh vượng cho cộng đồng. Nơi đây tôn thờ cá voi (cá “Ông”) là thần hoặc thần Nam Hải gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển miền Trung nước ta.

Vạn An Thạnh tọa lạc ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý; nằm cách trung tâm huyện lỵ Phú Quý 2.5km về hướng Đông Nam và cách UBND xã Tam Thanh 800m về hướng Đông. Vạn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996.

Thế kỷ XVII – XVIII một bộ phận lớn Nhân dân vùng Ngũ Quảng đã lần lượt ra đi tìm đến vùng đất phương Nam để khai phá tạo dựng cuộc sống mới và một bộ phận đã dừng chân lập nghiệp ở đảo Phú Quý. Trong đó, tín ngưỡng thờ cá “Ông” được họ đưa từ cố hương vào vùng đất mới để làm chỗ dựa tinh thần trước môi trường sống mới giữa bốn bề đại dương mênh mông, hiểm nguy luôn rình rập bên mình trong những chuyến ra khơi khai thác, đánh bắt thủy hải sản.

Vạn An Thạnh ở Phú Quý
Vạn An Thạnh ở Phú Quý

Ngư dân Phú Quý luôn có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự linh hiển của cá “Ông” và tôn thờ như là vị thần cứu trợ luôn ở bên cạnh mình trong những chuyến biển đầy hiểm nguy. Ở đây lưu truyền rất nhiều câu chuyện kể về sự linh thiêng của thần Nam Hải, dù đó chỉ là những sự tích ít nhiều mang tính huyền thoại, nhưng đối với ngư dân thì họ tuyệt đối tin tưởng và thờ phụng trang nghiêm.

Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781), là ngôi vạn có niên đại sớm nhất so với các vạn khác ở Phú Quý. Ngoài chức năng chính là thờ thần Nam Hải, còn phối thờ Thành hoàng của làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền – là những bậc tiền bối có nhiều công lao khai phá, tạo dựng làng và vạn.

Năm Tân Sửu (1841), có một vị cá “Ông” bị lụy (chết) trôi dạt vào bờ phía trước vạn, đây là điều hiển linh đối với ngư dân, lập tức họ đưa “Ông” vào an táng bên cạnh vạn và tổ chức lễ nghi long trọng theo tập tục. Sau 3 năm, bộ xương vị cá Ông này được ngư dân làm nghi lễ thượng ngọc cốt đưa vào lăng tẩm thờ phụng. Vì đây là vị cá “Ông” đầu tiên lụy trôi dạt lên đảo nên được ngư dân tôn vinh là “Vị Cố”. Hiện nay, trên khám thờ thần Nam Hải trong vạn còn lưu giữ bức thần chú thờ “Vị Cố” chạm dòng chữ Hán Nôm “Nam tế Hải linh cự tộc Ngọc Lân thủy tướng tôn Thần, Tân Sửu niên, thập ngoạt thập ngũ nhật tị thời”.

Bộ Xương cá Ông ở Vạn An Thạnh
Bộ Xương cá Ông ở Vạn An Thạnh

Đến với vạn An Thạnh, du khách sẽ được thưởng lãm các hạng mục kiến trúc dân gian vừa mang đậm nét dấu ấn kiến trúc các thiết chế tín ngưỡng ở miền Trung và vừa mang đặc trưng riêng của đảo Phú Quý gắn với tín ngưỡng thờ cá “Ông”. Hiện nay, tại vạn đang trưng bày bộ xương cá Nhà táng thuộc họ cá voi có răng; bộ xương có chiều dài trên 17 mét, có 50 đốt xương sống, trong đó 37 đốt nguyên gốc và 13 đốt phục chế lại; có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, hàm trên không có răng.

Tại đây, du khách sẽ được hiểu thêm về tập tục, tín ngưỡng thờ cá “Ông” của ngư dân trên đảo, cũng như các giá trị văn hóa biển đảo được thể hiện trong không gian thờ cúng, các lễ hội truyền thống được ngư dân trao truyền, lưu giữ qua bao đời nay. Qua đó, giúp chúng ta hiểu được một phần quan trọng về lịch sử hình thành, phát triển của đảo Phú Quý và loại hình tín ngưỡng độc đáo gắn với môi trường sinh kế của ngư dân vùng biển đảo Phú Quý.

Xem thêm: 10 vạn thờ Ông Nam Hải ở Phú Quý

Miếu Trấn Bắc Hòn Tranh

Trên đảo Hòn Tranh có ngôi miếu Trấn Bắc được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX. Trên khám thờ Thần ở Chính điện ngôi miếu đặt 2 bài vị của Bùi Quận công và nữ thần Thiên Y A Na.

Nội dung bài vị của Bùi Quận công như sau: Cung thỉnh Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Bùi Quận công Thượng đẳng thần. Tạm dịch: Kính mời thần Thượng đẳng Bùi Quận công là Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo an vị. Căn cứ vào bài vị có thể xác định “ông Trấn Bắc” vốn họ Bùi, giữ chức Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công. Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, tước vị Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công từng được ban cho Bùi Tá Hán. Và tên gọi “Ông Trấn Bắc” là do Nhân dân yêu mến đặt cho Ông – người vốn rạng danh có công bình trị và khai phá vùng đất Quảng Nam vào thế kỷ XVII.

Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh, Phú Quý
Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh, Phú Quý

Miếu Ông Trấn Bắc nằm về phía Bắc của đảo Hòn Tranh, có hướng chính nhìn về phía Tây Nam. Tổng thể kiến trúc đền thờ gồm có các hạng mục: Cổng chính, Chính điện, nhà Khói và lăng thờ thần Nam Hải (cá voi). Nhìn chung các hạng mục kiến trúc ở đây được xây dựng kiên cố và rêu phong cổ kính.

Bên phải Chính điện miếu Trấn Bắc, nằm lùi về phía sau xây một lăng thờ thần Nam Hải (cá voi) có diện tích bề ngang 4,5m x bề dọc 3,55m và bên trong lưu giữ 72 bộ xương cá voi trôi dạt vào đảo Hòn Tranh từ trước đến nay. Theo tương truyền của người dân trên đảo, năm đó không biết vì lý do gì mà cùng một lúc có 72 con cá voi chết và trôi dạt lên đảo Hòn Tranh. Người dân địa phương đã làm lễ an táng, sau đó xây lăng tẩm và thỉnh ngọc cốt của 72 vị nói trên đưa vào thờ phụng. Phía sau Chính điện thờ Trấn Bắc là nhà Khói được kiến tạo đơn giản để làm nơi nấu nướng lễ vật dâng cúng vào các kỳ tế lễ diễn ra tại đền thờ.

Các vua triều Nguyễn đã phong tặng cho Bắc quân Đô đốc 3 sắc phong với tước vị “Khuông quốc Tĩnh biên Mậu công Huy liệt Trác vĩ Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng thần” và chỉ dụ cho 3 làng Hội An, Triều Dương, Mỹ Khê thờ phụng. Trong đó có một sắc phong của niên hiệu vua Đồng Khánh năm thứ 2 phong cho Bắc quân Đô đốc và Nam Hải Cự tộc Ngọc lân tôn thần. Tất cả các sắc phong đều được lưu giữ tại vạn An Thạnh, đến ngày cúng tế tại đền thờ Trấn Bắc mới tổ chức đoàn rước sắc phong từ vạn An Thạnh sang đền tế lễ và sau đó tổ chức rước trở về lại vạn để thờ phụng.

Tại đền thờ Trấn Bắc hàng năm thực hiện hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng 3 cúng Bà Thiên Y A Na (Bà Chúa Ngọc) và ngày mùng 7 tháng 8 Âm lịch cúng Ông Trấn Bắc.

Hàng năm vào các dịp lễ Tế Xuân, Thu và giỗ Vị Cố vào 15 tháng 10 Âm lịch được tổ chức tại vạn An Thạnh, Nhân dân thường khấn vọng sang ngôi miếu bên Hòn Tranh mời Ông về tham dự. Miếu thờ Ông ở Hòn Tranh tương truyền rất linh hiển, bất cứ người nào có hành động bất kính cũng đều bị quở phạt và chỉ được tha thứ khi biết hối lỗi. Vì vậy người dân quanh vùng vẫn thường lui tới thắp hương, cầu xin mưa thuận gió hòa, đi biển bình an và được mùa cá bội thu.

Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang tọa lạc tại xã Tam Thanh, nằm ở vị trí cách trụ sở UBND xã khoảng 500m và cách cảng Phú Quý 1,5km về hướng Đông Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Phú Quý khoảng 2km về hướng Đông Nam.

Ngôi chùa tọa lạc tại trung tâm xã Tam Thanh, giữa khung cảnh thanh bình thích nghi với việc thiền định của Phật giáo, đến với di tích du khách sẽ được thưởng lãm một quần thể công trình kiến trúc dân gian bề thế kết hợp với khung cảnh thiên nhiên trữ tình nên thơ, có sức hấp dẫn và cuốn hút. Lối kiến trúc nghệ thuật, chạm khắc, hội họa trang trí từ ngoài vào trong thể hiện rõ nét tính tôn giáo; từ nghệ thuật chạm khắc trên các pho tượng Phật đến các mảng đề tài trang trí vừa thể hiện sự mềm mại khéo léo, vừa sống động huyền ảo của cõi Phật pháp.

Chùa Linh Quang Phú Quý

Tên gọi Linh Quang tự với hàm ý nhằm cầu mong hào quang, ánh sáng của chùa luôn hiển linh soi sáng để cứu độ cho dân chúng trên đảo có cuộc sống an bình và hạnh phúc. Lịch sử hình thành Phật giáo ở Bình Thuận và Phú Quý đều gắn liền với quá trình di dân về phía Nam khẩn hoang, tạo lập cuộc sống của cư dân từ các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ vào thế kỷ XVII – XVIII. Trong các đoàn di dân ấy có các nhà sư, họ mang theo giáo lý của đạo Phật ra đảo Phú Quý khai sáng, lấy đạo hạnh và từ bi để cứu giúp con người khỏi bể khổ trầm luân ở cuộc sống nhân gian.

Chùa Linh Quang được coi là ngôi chùa được tạo lập sớm nhất trên đảo Phú Quý, là khởi nguồn của quá trình truyền bá ánh sáng Phật giáo từ đất liền ra đảo. Theo gia phả lưu truyền lại thì chùa Linh Quang được tạo dựng vào đời Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747). Vị Sư Tổ có công khai lập chùa là ông Nguyễn Cánh, thuở sơ khai ban đầu chỉ là ngôi tiểu am tranh lá đơn sơ đứng trầm mặc trên sườn đồi hoang vắng. Trước khi qua đời, Sư Tổ Nguyễn Cánh đã lập gia phả giao lại cho con trai là Nguyễn Khách kế thừa ngôi tiểu am và một số di vật quý. Kế tục cha, nhà sư Nguyễn Khách cùng người dân trên đảo đã sửa sang, mở rộng ngôi tiểu am thành ngôi chùa tranh, tuy còn đơn sơ nhưng được coi là chốn Phật tràng trang nghiêm hơn trước. Đến cuối thế kỷ XVIII, một cơn hỏa hoạn bất ngờ ập đến đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi chùa tranh, hầu hết những di vật quý của chùa bị thiêu cháy, chỉ còn sót lại một số pho tượng Phật bằng đồng được cứu thoát mang trên mình nhiều vết cháy loang lổ. Sau vụ hỏa hoạn, giới tín đồ phật tử và người dân trên đảo đã phát tâm xây dựng lại ngôi chùa mới trang nghiêm hơn theo lối kiến trúc tôn giáo cùng thời ngay trên nền ngôi chùa cũ để có nơi chiêm bái Đức Phật

Chánh điện thờ Chùa Linh Quang

Đến nay, người dân trên đảo vẫn còn lưu truyền rất nhiều huyền thoại linh hiển gắn với chùa Linh Quang, đáng chú ý nhất là huyền thoại về tảng linh thạch nổi ở bên đảo Hòn Tranh. Truyền thuyết kể rằng: Sau khi ngôi chùa tranh bị thiêu rụi bởi cơn hỏa hoạn, khi ngôi chùa mới được xây xong thì bỗng dưng có một điềm lạ là tại một khúc eo biển bên đảo Hòn Tranh nổi lên một tảng linh thạch vào những ngày lành tháng tốt, sau đó lại chìm xuống, hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cho đây là điềm lành mà Trời Phật báo đáp, giới tín đồ phật tử và người dân trên đảo cùng nhau đến chùa cầu nguyện Đức Phật, rồi đưa ghe thuyền qua đảo Hòn Tranh làm lễ thỉnh tảng linh thạch về chùa. Tảng linh thạch đã được các nghệ nhân trên đảo dày công đục đẽo, tạc thành pho tượng Bổn Sư Thích Ca Màu Ni đưa vào thờ trong Chính điện. Pho tượng này đến nay vẫn được lưu giữ, thờ phụng tại điện thờ chính trong Chính điện. Còn khúc eo biển bên đảo Hòn Tranh, nơi tảng linh thạch nổi lên được người dân trên đảo gọi tên là “Vũng Phật”.

Nhiều truyền thuyết kể về Nguyễn Ánh trong những lần giao chiến trên biển thất bại, bị quân Tây Sơn truy đuổi phải bôn tẩu bằng đường biển ra đảo Phú Quý. Trong thời gian ẩn náu trên đảo, Nguyễn Ánh từng đến chùa Linh Quang để khấn niệm và cầu mong đức Phật bảo bọc, chở che và phù hộ cho vận mệnh của mình.

Từ bao đời nay, chùa Linh Quang đã trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo, là nơi gửi gấm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho người dân Phú Quý trong quá trình
xây dựng và bảo vệ hải đảo thân yêu của Tổ quốc. Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu như trên, chùa Linh Quang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996.

Đến với chùa Linh Quang ngoài vãng cảnh chùa, lễ Phật; du khách còn khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng Phật giáo trên đảo Phú Quý, được nghe những huyền thoại linh hiển gắn với quá trình hình thành ngôi chùa và khai sáng Phật pháp nơi đây.

Xem thêm: Những ngôi chùa trên đảo Phú Quý – Điểm tựa tinh thần cho người dân đảo xa

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts