Như mọi miền đất trên giang sơn gấm vóc thân yêu này, hòn Cù Lao Thu đã bao đời hiên ngang chống chọi với sương gió thời gian. Trong hành trình vô tận ấy, các di sản văn hoá truyền thống của cha ông để lại vẫn được người đời sau lưu giữ trong kí ức, trong tâm hồn, trong trái tim chân thành nhiệt huyết. Nếu như trong kho tàng truyền thuyết của dân tộc có truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” là những người thuộc nòi giống Tiên – Rồng, có công khai sáng lịch sử dân tộc, thì ở hòn đảo nhỏ bé, mang hình dáng của một con cá Thu, lại lưu truyền về một truyền thuyết khá kỳ thú, khá cảm động, đó là sự tích “Ông Đụn Bà Giàng”.
Truyện kể rằng, xưa kia đã lâu lắm rồi, có một cặp vợ chồng già tên là ông Đụn – bà Giàng từ một nơi xa đến đảo này khẩn hoang, làm ăn sinh sống. Hai vợ chồng già không có con cái, không họ hàng thân thích. Thời gian cứ thế trôi qua… Cho đến một hôm trời nổi sấm sét, nước biển dâng cao, dân đảo sợ hãi cho rằng có điềm lạ. Thì ra đó là ngày ông Đụn và bà Giàng giã từ nhau, ông lên non, bà xuống biển. Ông Đụn chọn ngọn núi cuối đảo để yên nghỉ (Triều Dương – Tam Thanh), bà Giàng đi về hướng mũi đá đầu hòn (Hải Châu – Ngũ Phụng). Cũng kể từ đó cuộc sống của người dân đảo càng trở nên no ấm, trồng trọt và đánh bắt gặp nhiều thuận lợi, mùa màng bội thu mấy năm liền. Nhân dân biết ơn ông bà nên đã gọi ngọn núi nơi ông lên là núi ông Đụn, và mũi đá mà bà xuống là mũi Bà Giàng và lập am thờ.
Xuất hiện với vai trò là những thành viên đầu tiên hiện diện trên đảo và góp công khai khẩn đất đai, tạo dựng cuộc sống ấm no, Ông Đụn – Bà Giàng có thể được xem như là những anh hùng sáng tạo văn hoá. Sự ra đi của ông bà đã đem đến những điều tốt lành cho bà con xứ hòn. Kết thúc truyện, chúng ta không thấy tác giả dân gian nói đến sự hoá thân thần kỳ như bất kì nhân vật truyền thuyết khác. Mà chỉ ngầm hiểu là ông bà đã hiển thánh, sau hiển linh phù hộ cho mọi người.
Còn một tích khác thì kể: Ông Đụn là một lưu dân đi theo đoàn người đến từ Triều Dương (Trung Quốc) sang đảo khai phá lập nghiệp. Vì là người lớn tuổi nhất nên ông được giữ chức hương trưởng. Tương truyền ông Đụn có sức khỏe phi phàm địch nổi mười trâu. Hàng ngày ông thường lên núi chặt cây về làm trại, làm nhà.
Sau khi ông chết, người dân tưởng nhớ đặt tên ngọn núi ông thường đến là núi ông Đụn và tôn ông làm thần, lập miếu thờ trên đó. Ngày nay, miếu ông Đụn đã bị bỏ quên, không được sửa soạn nữa. Người dân ở đây giải thích: ông Đụn đã mắc một sai lầm lớn là khi giặc Tàu Ô đến xâm chiếm đảo, ông Đụn với cương vị là một vị thần của đảo lại tỏ vẻ thờ ơ, trong khi các thần khác thì bàn mưu họp kế để chống trả.
Trong số các vị thần linh được nhân dân ở đây sùng bái tôn thờ, thì chỉ có ông Đụn và bà Giàng là không được các vua nhà Nguyễn ban sắc phong thần. Cả hai cũng không có ngày cúng giỗ riêng mà chỉ được mời về dự trong các dịp lễ hội tế xuân, tế thu hoặc trong lễ cúng tế của các vị thần khác như Thần Nam Hải, Bà Chúa, Thầy Chúa…
Về vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ phải chăng vì hai vị thần không có thân thế gì đặc biệt, lại thêm sự đến và ra đi của họ cũng rất đỗi bình thường. Nên có lẽ trong quan niệm của người dân, ông Đụn – bà Giàng cũng chỉ đóng vai trò giống những vị Thành hoàng làng, thương dân, yêu mảnh đất mà mình đã gắn bó. Để rồi khi chết đi, hóa thân vào cành cây ngọn cỏ, vào từng tấc đất, từng dòng nước, hương hồn vẫn hướng về nguồn cội. Còn ở mẩu truyền thuyết thứ hai về ông Đụn, thì lại trả lời cho câu hỏi tại sao nhân dân không còn chăm lo phụng thờ hương lửa cho miếu ông nữa