Vạn An Thạnh

Vạn An Thạnh – Điểm du lịch tâm linh truyền thống tại Phú Quý

Vạn An Thạnh tọa lạc ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý; nằm cách trung tâm huyện lỵ Phú Quý 2.5km về hướng Đông Nam và cách UBND xã Tam Thanh 800m về hướng Đông. Vạn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996.

Vạn An Thạnh – Điểm du lịch tâm linh truyền thống tại Phú Quý
Vạn An Thạnh – Điểm du lịch tâm linh truyền thống tại Phú Quý

Di tích được người dân đảo Phú Quý gọi tên là vạn An Thạnh với ngụ ý muốn nói lên ước nguyện cầu mong có một cuộc sống an khang, thịnh vượng cho cộng đồng. Nơi đây tôn thờ cá voi (cá “Ông”) là thần hoặc thần Nam Hải gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển miền Trung nước ta.

Thế kỷ XVII – XVIII một bộ phận lớn Nhân dân vùng Ngũ Quảng đã lần lượt ra đi tìm đến vùng đất phương Nam để khai phá tạo dựng cuộc sống mới và một bộ phận đã dừng chân lập nghiệp ở đảo Phú Quý. Trong đó, tín ngưỡng thờ cá “Ông” được họ đưa từ cố hương vào vùng đất mới để làm chỗ dựa tinh thần trước môi trường sống mới giữa bốn bề đại dương mênh mông, hiểm nguy luôn rình rập bên mình trong những chuyến ra khơi khai thác, đánh bắt thủy hải sản.

Ngư dân Phú Quý luôn có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự linh hiển của cá “Ông” và tôn thờ như là vị thần cứu trợ luôn ở bên cạnh mình trong những chuyến biển đầy hiểm nguy. Ở đây lưu truyền rất nhiều câu chuyện kể về sự linh thiêng của thần Nam Hải, dù đó chỉ là những sự tích ít nhiều mang tính huyền thoại, nhưng đối với ngư dân thì họ tuyệt đối tin tưởng và thờ phụng trang nghiêm.

Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781), là ngôi vạn có niên đại sớm nhất so với các vạn khác ở Phú Quý. Ngoài chức năng chính là thờ thần Nam Hải, còn phối thờ Thành hoàng của làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền – là những bậc tiền bối có nhiều công lao khai phá, tạo dựng làng và vạn.

Năm Tân Sửu (1841), có một vị cá “Ông” bị lụy (chết) trôi dạt vào bờ phía trước vạn, đây là điều hiển linh đối với ngư dân, lập tức họ đưa “Ông” vào an táng bên cạnh vạn và tổ chức lễ nghi long trọng theo tập tục. Sau 3 năm, bộ xương vị cá Ông này được ngư dân làm nghi lễ thượng ngọc cốt đưa vào lăng tẩm thờ phụng. Vì đây là vị cá “Ông” đầu tiên lụy trôi dạt lên đảo nên được ngư dân tôn vinh là “Vị Cố”. Hiện nay, trên khám thờ thần Nam Hải trong vạn còn lưu giữ bức thần chú thờ “Vị Cố” chạm dòng chữ Hán Nôm “Nam tế Hải linh cự tộc Ngọc Lân thủy tướng tôn Thần, Tân Sửu niên, thập ngoạt thập ngũ nhật tị thời”.

Đến với vạn An Thạnh, du khách sẽ được thưởng lãm các hạng mục kiến trúc dân gian vừa mang đậm nét dấu ấn kiến trúc các thiết chế tín ngưỡng ở miền Trung và vừa mang đặc trưng riêng của đảo Phú Quý gắn với tín ngưỡng thờ cá “Ông” như: Chính điện, Võ ca và Tiền hiền được bố trí dạng chữ Tam. Hướng chính của vạn quay về phía Nam và nhìn thẳng ra biển khơi. Chính điện xây dựng theo lối kiến trúc “tứ trụ” với 4 cột gỗ chính ở trung tâm chịu lực và nối liền với các vì kèo, trính và các vì cột phụ ở xung quanh để tạo thành một bộ khung vững chắc nâng đỡ đỉnh nóc. Chính điện được chia thành 3 gian, ở trung tâm phía trước là nơi thờ thần Nam Hải và phía sau là tẩm thờ hài cốt cá “Ông”; khám thờ Tiên Sư và khám thờ Bà Thủy Long bố trí ở gian bên trái và phải của khám thờ thần Nam Hải. Nhà thờ Tiền hiền nằm liền kề phía sau Chính điện. Nhà Võ ca nối liền Chính điện về phía trước, nơi diễn ra các lễ nghi, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của ngư dân.

Bên trong nội thất các hạng mục kiến trúc của vạn An Thạnh được bài trí, lưu giữ nhiều văn tự cổ bằng chữ Hán Nôm khắc ghi trên các bức hoành, câu liễn và nhiều điển tích xưa gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp, ca ngợi công lao của các vị Hải Thần và các vị tiền bối có công khai lập làng, dựng vạn; mang ý nghĩa giáo dục và hướng con người về cội nguồn, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Khu mai táng xác cá “Ông”: Được bố trí trong khuôn viên bên trái của vạn, theo tập tục xưa nay, khi đánh bắt hải sản mà phát hiện có “Ông” lụy trôi dạt trên biển, ngư dân sẽ ngưng chuyến đánh bắt để đưa “Ông” vào bờ, hội vạn sẽ tiến hành nghi lễ rất long trọng và sau đó mai táng “Ông” tại vạn. Sau 24 tháng đối với cá “Ông” vừa và nhỏ, 36 tháng đối với cá “Ông” lớn; ngư dân sẽ tiến hành nghi thức thượng ngọc cốt “Ông” đưa vào “Tẩm” trong Chính điện thờ cúng.

Ngoài những giá trị về kiến trúc dân gian truyền thống, vạn An Thạnh còn lưu giữ 10 sắc phong của các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh và Duy Tân như một biểu hiện về quyền lực của văn hóa tinh thần trên đảo.

Vạn An Thạnh được xem như là một Bảo tàng văn hóa biển với nhiều sưu tập gắn với đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng cá “Ông”, nơi đây còn lưu giữ hơn 70 bộ xương cốt của các loại cá voi, rùa da, đu gông (bò biển) được ngư dân tôn thờ với những nghi thức kính cẩn, trang trọng.

Hiện nay, tại vạn đang trưng bày bộ xương cá Nhà táng thuộc họ cá voi có răng; bộ xương có chiều dài trên 17 mét, có 50 đốt xương sống, trong đó 37 đốt nguyên gốc và 13 đốt phục chế lại; có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, hàm trên không có răng.

Tại Vạn An Thạnh thường xuyên diễn ra các lễ hội như: Lễ hội tế xuân: Kéo dài từ mùng 10 đến 20/1 âm lịch, đây cũng là dịp Cầu Ngư đầu năm của Vạn.

Theo các nhà khoa học, cá Nhà táng có đầu rất lớn, chiếm 1/3 chiều dài thân; thân dài 20 mét, con đực nặng khoảng 70 tấn, con cái nặng 30 tấn; khoang hàm trên có khối mỡ đệm rất lớn, hàm dưới dài và hẹp, hàm trên không có răng. Cá đực rất hung dữ, chúng ăn những loài cá lớn, mực, khi bảo vệ đàn cái và con, chúng có thể tấn công cả người và tàu thuyền.

Hàng năm tại vạn An Thạnh diễn ra 2 kỳ lễ hội: Lễ hội Tế Xuân và lễ hội Tế Thu (kết hợp với ngày giỗ “Vị Cố”) Lễ hội Tế Xuân: diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 10 đến 20 tháng giêng Âm lịch, đây cũng là dịp lễ hội Cầu ngư đầu năm của vạn nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Ngoài những nghi thức hành lễ theo tập tục cổ truyền, trong lễ hội còn có những sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí thu hút đông đảo bà con ngư dân xứ đảo. Đây cũng là dịp để hướng mọi người về với cội nguồn, tổ tiên và những giá trị truyền thống của dân tộc.

Lễ hội Tế Thu (kết hợp với ngày giỗ “Vị Cố”): Sau khi vị cá “Ông” đầu tiên lụy được ngư dân an táng tại vạn vào năm 1841, từ đó đến nay, vạn an Thạnh lấy ngày 15 tháng 10 Âm lich hàng năm làm ngày giỗ “Vị Cố” và đây cũng là dịp lễ hội Tế Thu của vạn. Ngoài những nghi thức hành lễ long trọng tương tự như lễ Tế Xuân, hội vạn còn tổ chức nghi thức rước Ông Sanh từ biển khơi, ngư dân tổ chức ghe thuyền, hương án,
cờ, trống ra khơi nghinh đón những vị Hải Thần sống về vạn chứng kiến tế lễ.

Trong lễ hội ở vạn An Thạnh, các loại hình nghệ thuật dân gian như dân ca nghi lễ, hát chèo bả trạo… là những làn điệu cổ truyền rất độc đáo của ngư dân Phú Quý được trình diễn thu hút các tầng lớp ngư dân tham gia biểu diễn và thưởng lãm. Những dịp này, người dân ở đảo đi làm ăn xa ở đâu cũng đều nô nức trở về sẵn sàng hảo tâm đóng góp tiền của cho lễ hội thêm chu toàn, thêm đẹp, thêm vui. Lễ hội Cầu ngư là dịp để gắn bó các thành viên trong làng với nhau, là nơi biểu hiện tập trung ý tưởng sùng kính, biết ơn với các vị Hải Thần và những bậc tiền bối có công với làng gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Đến với vạn An Thạnh trên đảo Phú Quý, du khách sẽ được hiểu thêm về tập tục, tín ngưỡng thờ cá “Ông” của ngư dân trên đảo, cũng như các giá trị văn hóa biển đảo được thể hiện trong không gian thờ cúng, các lễ hội truyền thống được ngư dân trao truyền, lưu giữ qua bao đời nay. Qua đó, giúp chúng ta hiểu được một phần quan trọng về lịch sử hình thành, phát triển của đảo Phú Quý và loại hình tín ngưỡng độc đáo gắn với môi trường sinh kế của ngư dân ở đây.

Rate this post

Recent Posts