Chùa Thạnh Lâm Phú Quý

Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, đây là một ngôi chùa có lịch sử hằng trăm năm ở huyện đảo Phú Quý.

Chùa Thạnh Lâm

Chùa Thạnh Lâm được sáng lập vào đời Cảnh Hưng thứ nhất năm Canh Ngọ. Năm 1774 do một nhóm 50 người từ các vùng Bình Định, Quảng Nam theo thuyền đi đánh cá khi gặp gió lớn trôi dạt vào Đảo này, thấy nơi đây đất lành, nước ngọt nên họ đưa cả gia đình vào định cư và lập Chùa thờ Phật, đặt trọn Niềm tin của mình vào Đức Phật che chở cho họ khi sóng to gió lớn. Ngôi Chùa Thạnh Lâm được khai sơn từ ấy. Theo thiêu phả của Chùa ghi bằng chữ Nôm. Ngoài Chùa Thạnh Lâm, 50 người này còn lập lăng miếu để thờ Trần Nam Hải, ngôi miếu này nay là Lăng Quý Thạnh.

Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, chùa Thạnh Lâm trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu của nhiều thế hệ người dân trên đảo Phú Quý.

Hàng năm tại chùa sẽ tổ chức các ngày lễ lớn như ngày Phật Đản, rằm tháng bảy, tháng mười và các ngày mùng một, rằm tháng âm lịch. Các kỳ tế lễ tại chùa luôn thu hút đông đảo tín đồ phật tử và nhân dân trên đảo Phú Quý đến khấn bái Phật cầu cho cuộc sống an bình và no ấm.

Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật, bạn còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý mà nổi bật nhất là bảo tháp 7 tầng và đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Xung quanh khuôn viên chùa có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, các vị la hán, Đường Tăng cùng 4 đồ đệ,…

Lịch sử hình thành Chùa Thạnh Lâm Phú Quý

Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, Huyện Đảo Phú Quý, Tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết 150 Km đường biển về phía Đông Nam. Chùa được sáng lập vào đời Cảnh Hưng thứ nhất năm Canh Ngọ. Năm 1774 do một nhóm 50 người từ các vùng Bình Định, Quảng Nam theo thuyền đi đánh cá khi gặp gió lớn trôi dạt vào Đảo này, thấy nơi đây đất lành, nước ngọt nên họ đưa cả gia đình vào định cư và lập Chùa thờ Phật, đặt trọn Niềm tin của mình vào Đức Phật che chở cho họ khi sóng to gió lớn. Ngôi Chùa Thạnh Lâm được khai sơn từ ấy. Theo thiêu phả của Chùa ghi bằng chữ Nôm. Ngoài Chùa Thạnh Lâm, 50 người này còn lập lăng miếu để thờ Trần Nam Hải, ngôi miếu này nay là Lăng Quý Thạnh.

Năm 1828 là Ty Lăng trước đây dân làng tự dựng lên một ngôi Chùa để thờ Phật hiệu là Linh Quang Tự, do vì dân làng nguyện sát nhập làng Ty Lăng vào làng Quý Thạnh nên Chùa Linh Quang (không phải Chùa Linh Quang bây giờ) cũng được nhập vào Chùa Thạnh Lâm. Do đó hiện nay Chùa Thạnh Lâm còn lưu giữ được trên 30 pho tượng Phật bằng đồng, đất, gỗ, có pho có Niên đại trên 200 năm. Trải qua một thời gian dài từ năm khai sơn thế kỷ 18 cho đến giữa thế kỷ 20, Chùa không có một vị Sư nào trụ trì, chỉ có dân làng và Phật tử thay nhau trong nom hương đèn, kinh kệ.

Năm 1930 nhờ ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam các vị Đại Đức từ đất liền ra Đảo để hoằng dương Phật pháp, lập các Chi hội Phật Học. Giáo hội Tăng già suy cử thầy Thích Tường Nguyện đến Chùa Thạnh Lâm hoằng pháp. Do công đức tu hành và lòng từ mẫu độ sanh của Thầy Tường Nguyện nên dân làng Quý Thạnh qui y Tam Bảo, hiểu biết Phật pháp và quy tự về ngôi Tam Bảo Thạnh Lâm ngày càng đông đảo. Để có nơi thờ kính Tam bảo và dung nạp số đông Phật tử về lễ bái, dân làng Quý Thạnh phát tâm đại trùng tu ngôi chánh điện và xây dựng thêm nhà Tổ vào năm 1930.

Năm 1950 Đại Lão Hòa Thượng Thích Vĩnh Sung cùng chư tôn Giáo Phẩm Giáo hội Tăng già Bình Thuận như Hòa Thượng Trang Quảng Hưng, Hòa Thượng Thích Phước Nhàn đến Chùa Thạnh Lâm mở giới đàn truyền Sa di, thập thiện và Tam quy ngũ giới cho tín đồ Phật giáo địa phương.

Năm 1955 do lòng ngưỡng mộ đạo pháp của tín đồ và uy tín hoằng pháp lợi sanh của Thầy Tường Nguyện nên các vị bô lão, thân hào nhân sĩ và dân làng Quý Thạnh đã dâng cúng ngôi Chùa Thạnh Lâm cho Hội Phật học Tỉnh Bình Thuận để làm cơ sở hoằng hóa ở địa phương do Thầy Tường Nguyện làm trụ trì.

Năm 1962 Thầy Tường Nguyện phát tâm vận động Phật tử và dân làng Ngũ Phụng trùng tu lại ngôi Chùa Thạnh Lâm thêm khang trang rộng đẹp, đáp ứng được hoạt động Phật sự đương thời.

Năm 1965 Chùa Thạnh Lâm là văn phòng Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam TN Huyện đảo Phú Quý do Thầy Tường Nguyện làm Chánh đại diện.

Năm 1966 Ban đại diện xây dựng thêm nhà Đông, nhà Tây để có nơi hội họp sinh hoạt Giáo hội.

Năm 1969 Thầy Tường Nguyện viên tịch Cư sĩ Thục Thời và Thục Sanh đảm đương điều hành Phật sự và trông nom Chùa Thạnh Lâm.

Năm 1987 Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Bình Thuận cử một phái đoàn do Hòa Thượng Thích Hưng Từ làm trưởng đoàn đến Đảo Phú Quý để chấn chỉnh Phật sự, thành lập ban đại diện Phật giáo Huyện Phú Quý do cư sĩ Thục Thời làm chánh đại diện và Chùa Thạnh Lâm là văn phòng Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Đảo Phú Quý.

Năm 1989 cư sĩ Thục Thời đảm nhiệm Trưởng Ban hộ tự Chùa Thạnh Lâm.

Năm 1990 Ban đại diện và Ban hộ tự xây dựng đoàn quán để Phật tử sinh hoạt.

Năm 1992 dưới sự chỉ đạo của Ban đại diện và Ban hộ tự, toàn thể Phật tử trong và ngoài Huyện đóng góp công của đại trùng tu Chùa Thạnh Lâm bề thế, trang nghiêm mang đậm màu sắc dân tộc. Chùa được xây dựng quy mô, hiện đại, có cổ lầu, mái vút cong đứng sừng sững giữa ốc đảo bốn bề mây nước bao la. Chánh điện ở giữa tôn trí tượng Đức Bổn Sư Thích Ca cao 2,7m, hai bên là tượng Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát, phía ngoài hương án thờ đức Bồ Tát Quan Thế Âm và Chuẩn Đề. Bên trong hai bên hiên Chùa có 10 bức phù điêu chạm trổ công phu sơn son thiếp vàng rất trang nghiêm lộng lẫy. Hai bên lầu chuông trống thờ Đức Địa Tạng và các vị Hộ Pháp Già lam. Hậu Tổ thờ tượng Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, di ảnh chư vị Tổ khai sơn. Chư Hòa Thượng lãnh đạo Giáo hội và Chư Thánh tử đạo bên cạnh tôn trí long vị thờ Thầy Tường Nguyện giác linh.

Năm 1993 xây dựng tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát giữa sân Chùa, tượng Quan Âm lộ thiên cao 3,2m.

Năm 1994 xây cổng Tam Quan và Bảo Tháp vọng tưởng Niệm công đức Thầy Tường Nguyện.

Năm 1995 xây dựng nhà thờ Tiên linh Cửu huyền thất Tổ. Đặc biệt Chùa Thạnh Lâm đã xây dựng một tháp chuông rất đẹp, trong Tháp chuông treo một quả Đại Hồng Chung nặng 1200 Kg. Đây là một quả chuông lớn nhất Bình Thuận.

Kiến trúc Chùa Thạnh Lâm

Tổng thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế và trang nghiêm như: Cổng Tam quan, Bảo tháp, Tháp bia, Tháp chuông, Chính điện, nhà Tổ và vòng thành bao bọc xung quanh. Mỗi hạng mục kiến trúc được xây dựng theo một kiểu dáng riêng thích ứng với công năng của mỗi nóc. Hướng chính của chùa nhìn về phía Nam, theo quan niệm của Phật giáo, ngôi chùa quay về hướng Nam có nghĩa là Đức Phật và Bồ Tát ngồi quay về hướng Nam để nghe lời kêu cứu của chúng sinh trong kiếp đời tục lụy và dùng pháp lực vô lượng vô biên qua Tứ đại vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) mà cứu vớt; đồng thời hướng Nam cũng là hướng của Bát Nhã (tức trí tuệ và cứu cánh của nhà Phật).

Cổng chính nằm đối diện với Chính điện về phía trước, kiến tạo thành ba lối đi. Nóc bên trên ba lối đi trang trí họa tiết lưỡng long chầu vòng luân hồi và bốn góc mái trang trí giao long. Qua khỏi Cổng chính là khoảng sân rộng, bên tả là Bảo tháp cao 21m được kiến tạo hình bát giác có tám cạnh và bảy tầng, ở bên dưới chân rộng, càng lên cao càng thu nhỏ dần và vuốt nhọn ở phần đỉnh. Tất cả các tầng mái lợp ngói ống, các góc mái ở mỗi tầng trang trí hình tượng giao long nhìn về tám hướng khác nhau. Ở tầng trệt, ứng với tám cạnh hình bát giác bố trí tám cột hình trụ tròn, trên thân mỗi cột đắp nỗi một con rồng quấn quanh. Trên đỉnh nóc trang trí một mô hình Bảo tháp thu nhỏ làm tăng thêm dáng vẻ thanh thoát, mềm mại của tòa tháp lớn. Bảo tháp được xây hình bát giác tám cạnh, đây là biểu hiện tám hướng trong ý thức Phật pháp viễn chiếu tám phương. Theo quan niệm của Phật giáo, do cuộc sống nhập thế khiến cho những ngôi tháp mang tư cách là những điện thờ và là biểu hiện của sự hội tụ của bầu trời.

Phía sau Bảo tháp là một Tháp bia xây theo dạng hình tứ giác có bốn cạnh, bố trí thành ba tầng mái, các góc mái vuốt cong và bên trên trang trí giao long. Đỉnh nóc thu nhỏ, vuốt nhọn và bên trên trang trí một bình nước cam lồ. Trên thân bốn cột ở tầng trệt đắp nổi một con rồng quấn quanh rất đẹp. Nội thất đặt một tấm bia đá cao 1,7m x rộng 1,2m và mặt trước khắc chữ Hán Nôm ghi lại công trạng của sư Thích Tường Nguyện đối với chùa.

Nằm đối diện Bảo tháp về bên hữu khuôn viên chùa là Tháp chuông xây theo dạng hình tứ giác và kiến tạo thành hai tầng mái. Tầng dưới kiến tạo bốn mái lợp ngói ống bằng sứ, các góc mái vuốt cong và đắp nổi giao long bằng vôi vữa ghép mảnh sành. Tầng trên, bốn thân cột đắp nổi con rồng quấn quanh, bốn mặt vách trang trí các bao lam chạm nổi các hoạ tiết tứ linh, hoa lá và mây nước…Đỉnh tháp trang trí hình tượng một tòa bảo tháp thu nhỏ, các góc mái vuốt cong và gắn giao long bên trên. Bốn mặt vách bên ngoài đắp nổi các điển tích xưa của Phật giáo. Nội thất của tầng trên treo một Đại hồng chung có trọng lượng 1,2 tấn, đường kính 107cm x cao 198cm x chu vi 272cm. Đây là Đại hồng chung có trọng lượng lớn nhất so với các Đại hồng chung hiện có ở các di tích của Bình Thuận.

Chính điện (điện thờ Phật) là bộ phận kiến trúc bề thế, trang nghiêm nhất của chùa Thạnh Lâm, được kiến tạo theo dạng kiến trúc chữ Công gồm có 3 nóc nối tiếp nhau từ trước ra sau. Nóc trước xây cổ lầu hai bên dạng lầu chuông – lầu trống gồm hai tầng mái lợp ngói ống. Đỉnh nóc trang trí phù điêu lưỡng long chầu vòng luân hồi, các góc mái vuốt cong gắn giao long và phượng bên trên. Trên các vách tường cổ lầu đắp nổi các điển tích xưa liên quan đến Phật giáo và các họa tiết như mai, lan, cúc, trúc, cá hóa long, hổ, hoa lá và mây nước. Nóc giữa được kiến tạo hai mái xuôi về hai bên, trên đỉnh nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Đỉnh nóc sau đắp nổi một bình nước cam lồ đặt trên đài sen. Trên các thân cột ở mặt tiền cửa chính ra vào đắp nổi những câu đối ca ngợi cảnh đẹp của đảo, cuộc sống thanh tịnh nơi đây:

富 貴 花 開 香 遍 朝 陽 輝 煌 麗 沙 海 會

盛 林 般 若 慈 航 清 淨 天 人 普 利 蓮 池

Phiên âm:

Phú Quý hoa khai hương biến, triều dương huy hoàng lệ sa hải hội

Thạnh Lâm bát nhã từ hàng, thanh tịnh thiên nhân phổ lợi liên trì

Tạm dịch:

Phú Quý nở hoa hương tỏa, mặt trời rực rỡ sáng chiếu trên vùng biển cát

Thạnh Lâm trí tuệ từ hàng, con người thanh tịnh như sống chốn liên trì

Nội thất Chính điện bài trí nhiều pho tượng Phật như: Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát… Vách tường hai bên chia thành nhiều ô hình chữ nhật, bên trong đắp nổi các điển tích của Phật giáo được thếp vàng rực rỡ và sinh động.

Trải qua hơn 200 năm tồn tại, chùa Thạnh Lâm trở thành một trong hai trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh của nhiều thế hệ người dân và Phật tử trên đảo Phú Quý. Hàng năm tại đây tổ chức các ngày lễ lớn như ngày Phật Đản, rằm tháng bảy, tháng mười và các ngày mùng một, rằm tháng âm lịch. Các kỳ tế lễ tại chùa luôn thu hút đông đảo tín đồ phật tử và nhân dân trên đảo Phú Quý đến khấn bái Phật cầu cho cuộc sống an bình và no ấm.

Đến với chùa Thạnh Lâm du khách ngoài việc vãng cảnh, bái Phật còn được thưởng thức nhũng nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo thuộc vào loại bề thế nhất trên đảo trong đó nổi bật là ngôi Bảo tháp 7 tầng và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được xem là những hạng mục kiến trúc và hiện vật lớn nhất và đẹp nhất hiện nay ở các di tích tại Bình Thuận.

 

5/5 - (2 bình chọn)
Chùa tại Phú Quý

Recent Posts