Bí mật ít được kể về Miếu Bà Chúa Bàn Tranh ở Phú Quý

Trong quá trình sưu tầm tài liệu về Phú Quý, chúng tôi đọc được tài liệu của nhà nghiên cứu Lê Hữu Lễ trong Tạp chí nghiên cứu và Phát triển, số 1 (78). 2010 có đề cập đến Miếu Bà Chúa và Di tích Chiêm Thành cho thấy những bí mật xung quanh ngôi Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh ở Phú Quý. Hãy cùng chúng tôi tham khảo nhé !

Đền thờ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ XV, theo tương truyền công chúa Bàn Tranh của vương quốc Chămpa do phạm tội đã bị vua cha đày ra đảo từ khi còn rất trẻ, sau khi qua đời Bà được an táng tại đây. Về sau khi người Kinh đến đảo tiếp quản đã gọi đền là đền thờ công chúa Bàn Tranh. Do công lao to lớn cũng như sự linh thiêng của Bà trong việc phù hộ, độ trì cho người dân trên đảo, nên Bà được tôn xưng là Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo.

“Bàn Tranh Vương khi mất hiển Thần cứu dân độ thế, cho đến năm Minh Mạng đệ nhất niên (1820), Bà được nhà vua phong sắc Bàn Tranh Vương hiển vỏng chi thần. Trong Miếu Bà, ngôi mộ được chôn ngay dưới bàn thờ, trên có tấm bia bằng đá mài, loại đá dùng để mài dao lấy ở ngoài khơi đảo Phú Quý, khắc chữ THẦN to lớn ở giữa.” Chính vì vậy mà Người dân đảo ngày thường rất ít dám lui tới đền thờ vì sợ kinh động đến sự an nghỉ của Bà, họ chỉ tập trung lại quét dọn và cúng bái vào những dịp lễ đặc biệt được quy định trong năm. Khi có kế hoạch xây dựng đền thờ Bà lớn và khang trang hơn những người phụ trách dọn mặt bằng xây dựng cũng rất thận trọng trong việc tác động vào công trình cũ vì sợ bị Bà quở phạt, nên mãi rất lâu công trình mới mới được hoàng thành và có dáng dấp như ngày nay.

Điện thờ Công chúa Bàn tranh

Giá trị của kiến trúc và linh hồn của đền thờ tập trung ở Chính điện. Nội thất bài trí 3 khám thờ, khám giữa thờ Công Chúa Bàn Tranh, hai khám hai bên tả, hữu thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Ở giữa khám chính thờ 3 Kút đá đặt trên bệ, Kút ở giữa lớn hơn hai Kút hai bên. Thay vì Kút của người Chăm có những đường nét điêu khắc và trang trí đặc trưng riêng; còn Kút ở đây đã có sự giao thoa giữa điêu khắc và trang trí của người Việt xen lẫn điêu khắc và trang trí của người Chăm. Giữa các Kút có khắc dòng chữ Hán Nôm như bài vị thờ có nội dung: Cung Bà Tranh vương thần vị (Cung thỉnh bài vị Bà Tranh vương). Trong Chính điện còn bố trí hai khám thờ Tiền hiền và Hậu hiền đã có công khai lập, gìn giữ và tôn tạo đền thờ từ trước đến nay. Ngoài ra, tại đền thờ còn lưu giữ một số hoành phi, câu đối khắc ghi bằng chữ Hán Nôm có nội dung ca ngợi công đức của công chúa Bàn Tranh và các bậc Tiền, Hậu hiền.

Tín ngưỡng thờ công chúa Bàn Tranh lâu nay đã trở thành tín ngưỡng chung và thiêng liêng nhất của người dân trên đảo, trong tâm thức và suy nghĩ người dân trên đảo xem Bà là vị thần rất hiển linh, luôn ở bên cạnh để che chở, phù trợ người dân trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Đền thờ không mở cửa vào các ngày trong năm mà chỉ mở cửa vào các ngày lễ kỵ. Trong lễ kỵ Công Chúa Bàn Tranh ngày 3 tháng giêng âm lịch, lễ rước sắc từ đình (đền hay vạn) của làng phụ trách thờ cúng qua đền thờ Công Chúa Bàn Tranh làm lễ tế chính rồi tiếp tục rước sắc qua đền thờ Thầy Sài Nại làm lễ nghinh thần nghinh thỉnh Thầy về cùng hưởng lễ sau đó hồi sắc về lại nơi ban đầu. Phần hội thì được thực hiện tại đền thờ Thầy Sài Nại vì theo tập tục đền thờ Công Chúa Bàn Tranh không được tổ chức ăn uống ca hát.

Trong lễ Giao Phiên Kỵ Thầy ngày 4 tháng tư âm lịch có lễ rước sắc từ đình (đền hay vạn) của làng phụ trách thờ cúng đương nhiệm qua đền thờ Công Chúa Bàn Tranh làm lễ nghinh thần nghinh thỉnh bà về đền Thầy Sài Nại để cùng hưởng lễ. Sắc phong tiếp tục được rước qua đền thờ Thầy Sài Nại. Lễ Tuyên sắc sẽ được thực hiện sau nghi thức lễ chánh tế thầy Sài Nại, sau đó thực hiện lễ Giao Phiên để giao sắc phong và vai trò cúng tế Thầy và Bà lại cho làng kế nhiệm. Sắc phong không hồi về lại chổ cũ mà chuyển đến đình (đền hay vạn) của làng kế nhiệm.

Hiện nay người dân trên đảo còn lưu giữ 8 sắc phong cho Công Chúa Bàn Tranh vào các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Trong các sắc phong đó có 5 sắc phong riêng cho Công Chúa Bàn Tranh và 3 sắc phong thời vua Tự Đức, Đồng Khánh và Duy Tân phong chung cho Công Chúa Bàn Tranh và Thầy Sài Nại.

5/5 - (2 bình chọn)

Recent Posts